a. Tên nhiệm vụ: Nghiên cứu sản xuất pilot 3 chế phẩm thảo dược trên heo để phòng bệnh đường ruột, đường hô hấp và kích thích tăng trọng
b. Đơn vị chủ trì: Công ty TNHH Guyomar’ch Việt Nam
c. Chủ nhiệm nhiệm vụ: Thạc sĩ Lê Văn Lăng và cá nhân tham gia chính:
1. Phó Giáo sư. Tiến sỹ Đỗ Quang Dương
2. Phó Giáo sư. Tiến sỹ Võ Phùng Nguyên
3. Tiến sỹ Huỳnh Thị Ngọc Lan
4. Thạc sỹ Trần Thủy Tiên
5. Kỹ sư Nguyễn Văn Huy
6. Dược sỹ Đỗ Thanh Hảo
7. Dược sỹ Nguyễn Văn Hứa
8. Cử nhân Nguyễn Văn Đức
9. Cử nhân Văn Đức Hoài Nam
d. Mục tiêu nhiệm vụ: Sản xuất pilot và thử nghiệm trên heo thịt để hướng tới sản xuất, thương mại hóa 3 chế phẩm thảo dược nhằm thay thế thuốc kháng sinh, thuốc kích thích tăng trọng hóa học độc hại trong chăn nuôi. Cụ thể gồm: 1- Chế phẩm thảo dược kháng khuẩn Gr. Âm (chế phẩm A): phòng nhiễm gây tiêu chảy ở heo; 2- Chế phẩm thảo dược kháng khuẩn Gr. Dương (chế phẩm D): phòng nhiễm khuẩn gây bệnh, ho sốt ở heo và 3-Chế phẩm thảo dược bổ dưỡng, kích thích tiêu hóa, tăng trọng heo (chế phẩm G).
đ. Kết quả thực hiện tóm tắt
Đặt vấn đề
Việc sử dụng thuốc khánh sinh và hocmon tăng trưởng như phụ gia chăn nuôi để trộn vào thức ăn chăn nuôi đã có từ những năm 1950 ở Mỹ, Pháp, Nga và nhanh chóng phổ biến khắp thế giới. Việc này làm giảm bệnh nhiễm vi khuẩn gây bệnh đường tiêu hóa, giúp tăng trọng, mang lại nhiều lợi nhuận cho người chăn nuôi, nhưng cũng có tác hại nguy hiểm như: Độc hại cho sản phẩm do tồn dư quá mức hoặc nhiễm các TKS, GHs bị cấm trong thịt, sữa, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người sử dụng; tạo dòng vi khuẩn kháng TKS: Salmonella, E.coli, Campilobacter sp. đa kháng, thậm chí siêu đa kháng. Các dòng vi khuẩn nguy hiểm này có nguy cơ truyền lan gây bệnh cho người và gia súc.
Muốn khắc phục triệt để tác hại trên cần hạn chế và tiến tới cấm sử dụng TKS, GHs làm phụ gia chăn nuôi như một số nước đã thực hiện. Nhưng giải pháp này làm giảm năng suất thịt kém hơn và lợi nhuận giảm. Vậy vấn đề đặt ra là phải tìm được giải pháp kỹ thuật và chế phẩm thay thế để thỏa mãn yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm cho người sử dụng mà vẫn đảm bảo lợi ích cho người chăn nuôi.
Trong chăn nuôi, bệnh thông thường của heo chủ yếu là nhiễm khuẩn đường ruột, gây tiêu chảy, mất nước và ít hơn là nhiễm khuẩn đường hô hấp, gây sốt ho, bỏ ăn. Hai bệnh này khiến đầu heo bị giảm và tăng trưởng, tăng trọng kém nếu không dùng TKS như lâu nay. Do vậy, chế phẩm thảo dược thay thế thuốc kháng sinh nhất là 3 sản phẩm: Phòng bệnh nhiễm khuẩn đường ruột, phòng bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp và kích thích tăng trưởng, tăng trọng cho heo.
Trong khi đó, nước ta giàu thảo dược, cùng với kinh nghiệm dùng Đông Nam dược phòng chữa bệnh cho người và gia súc, gia cầm là tài nguyên quý cho các đề tài nghiên cứu. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đã có tham gia đề tài KC0606NN do Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam chủ trì. Đã cung cấp 6 chế phẩm thử trên heo và thu được một số kết quả khả quan. Song còn hạn chế: Chỉ trên 3 bài thuốc Đông y cổ truyền, chưa cập nhật phương pháp hiện đại để thiết kế công thức nhưng đã lập được mô hình thiết kế 3 chế phẩm theo hướng hiện đại. Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu tiến hành đề xuất và thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu sản xuất pilot 3 chế phẩm thảo dược trên heo để phòng bệnh đường ruột, đường hô hấp và kích thích tăng trọng” hy vọng sẽ tạo ra 3 sản phẩm mới để thử trên heo để tìm kiếm khả năng áp dụng vào thực tế.
Mục tiêu nhiệm vụ: Sản xuất pilot và thử nghiệm trên heo thịt để hướng tới sản xuất, thương mại hóa 3 chế phẩm thảo dược nhằm thay thế thuốc kháng sinh, thuốc kích thích tăng trọng hóa học độc hại trong chăn nuôi. Cụ thể gồm: 1- Chế phẩm thảo dược kháng khuẩn Gr. Âm (chế phẩm A): phòng nhiễm gây tiêu chảy ở heo; 2- Chế phẩm thảo dược kháng khuẩn Gr. Dương (chế phẩm D): phòng nhiễm khuẩn gây bệnh, ho sốt ở heo và 3-Chế phẩm thảo dược bổ dưỡng, kích thích tiêu hóa, tăng trọng heo (chế phẩm G).
Nhiệm vụ sử dụng các phương pháp nghiên cứu: Phương pháp Dược điển Việt Nam: áp dụng để kiểm định mẫu thảo dược, xây dựng tiêu chuẩn 35 nguyên liệu, công thức và quy trình chiết bào chế 35 cao thảo dược; phương pháp thử hoạt tính kháng khuẩn của thảo dược trên vi khuẩn Gram âm; phương pháp thử hoạt tính kháng khuẩn của thảo dược trên Gram dương; phương pháp thiết kế tối ưu hóa; phương pháp sàng lọc dược lý; phương pháp thử độc tính LD50 và độc tính cấp và phương pháp thử 3 chế phẩm trên heo.
Qua quá trình nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã thực hiện được các nội dung sau:
1. Xây dựng bộ tiêu chuẩn dược liệu; quy trình chiết xuất hoạt chất, bào chế cao và tiêu chuẩn chất lượng cao của 35 thảo dược làm nguyên liệu nghiên cứu.
2. Nghiên cứu sàng lọc ống nghiệm tính kháng khuẩn trên vi khuẩn Gram âm, chọn các cao thảo dược cho nghiên cứu cộng lực kháng khuẩn dựa trên chỉ số MIC.
3. Nghiên cứu sàng lọc ống nghiệm tính kháng khuẩn trên vi khuẩn Gram dương, chọn các cao thảo dược cho nghiên cứu cộng lực kháng khuẩn dựa trên chỉ số MIC.
4. Nghiên cứu chọn 4 cao thảo dược hiệp lực kháng khuẩn Gram từ cao số 1 và 19 cao, thử trên E.coli và Staphylococcus aureus.
5. Xây dựng công thức tối ưu ở labo và đề xuất quy trình sản xuất pilot chế phẩm kháng khuẩn Gram âm và Gram dương.
6. Thử nghiệm chế phẩm bổ dưỡng, kích thích tiêu hóa, tăng trọng trên chuột nhắt trắng cho 3 công thức.
7. Nghiên cứu độc tính LD50 và độc tính cấp của 3 chế phẩm đã lựa chọn công thức.
8. Tiến hành thử nghiệm 3 chế phẩm trên heo tại trại thực nghiệm của Công ty TNHH Guyomar’ch Việt Nam.
Kết luận
Qua kết quả nghiên cứu, 3 sản phẩm nghiên cứu theo mục tiêu và có chất lượng như thuốc uống theo tiêu chuẩn quy định của Dược điển Việt Nam IV, năm 2009. Do vậy, 3 chế phẩm có thể sử dụng như phụ gia chăn nuôi hoặc Premix để trộn thức ăn chăn nuôi heo.
e. Thời gian thực hiện: 10/2013 đến 6/2016
f. Kinh phí thực hiện: Ngân sách nhà nước hỗ trợ: 499 triệu đồng; kinh phí doanh nghiệp: gần 10 tỷ đồng.
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ)