a. Tên nhiệm vụ: Phân lập và nghiên cứu tạo chế phẩm nấm Trichoderma có khả năng đối kháng với nấm Corticium salmonicolor gây bệnh nấm hồng trên cây cao su (Hevea brasiliensis)
b. Chủ nhiệm nhiệm vụ: Thạc sĩ Nguyễn Anh Dũng
c. Đơn vị chủ trì: Khoa Tài nguyên môi trường – Trường Đại học Thủ Dầu Một
d. Mục tiêu nghiên cứu: Nghiên cứu khả năng phòng trị bệnh nấm hồng trên cây cao su do nấm Corticium salmonicolor gây ra; nghiên cứu chế tạo phẩm bào từ nấm Trichoderma có khả năng phòng trị bệnh nấm hồng trên cây cao su.
đ. Kết quả nghiên cứu (tóm tắt)
Cây cao su có tên khoa học là Hevea brasiliensis, có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Cây cao su đầu tiên được người Pháp đưa vào Việt Nam năm 1878 nhưng không sống được. Năm 1892, 2.000 hạt cao su từ Indonesia nhập vào Việt Nam và đến 1907 được đánh dấu hiện diện cây cao su ở Việt Nam.
Hiện nay, cao su được trồng nhiều ở miền Đông Nam bộ, chủ yếu ở Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Vũng Tàu. Trong quá trình trồng và chăm sóc, vườn cây cao su thường gặp phải một số bệnh như: Héo đen đầu lá (bệnh thán thư), phấn trắng, thối trái, vàng rụng lá, nấm hồng… Trong đó, bệnh nấm hồng (Pink disease) trên cây cao su do nấm Corticium salmonicolor gây ra được xem là bệnh vô cùng nguy hại. Bệnh làm lá khô, rụng, làm cụt ngọn, nhẹ thì làm giảm lượng mủ 20-30%, còn nặng thì giảm 60-70% và thậm chí gây chết cây. Cách phòng trừ hiện nay chủ yếu là dùng thuốc có nguồn gốc hóa học, các loại thuốc này có thể gây lờn thuốc và vô cùng độc hại với con người và moi trường. Việc sử dụng các loại thuốc hóa học tràn lan không chỉ gây ảnh hưởng xấu tới môi trường sống, sức khỏe con người mà còn là nguyên nhân tạo ra các chủng nấm bệnh kháng thuốc.
Sử dụng các chủng nấm Trichoderma để kiểm soát các loại nấm bệnh thực vật là một biện pháp an toàn và hiệu quả. Trichoderma là tác nhân kiểm soát sinh học đối với nhiều loại nấm gây bệnh trên cây trồng cũng như cây cao su như: Phytophthora, Fusarium, Rhizoctonia, Colletotrichum… Qua nghiên cứu trong những năm gần đây thì nấm Trichoderma tiêu diệt nấm bệnh theo ba cơ chế: Ký sinh, tiết kháng sinh, cạnh tranh dinh dưỡng và không gian sống.
Xuất phát từ thực trạng trên, nhóm nghiên cứ đề xuất thực hiện nhiệm vụ “Phân lập và nghiên cứu tạo chế phẩm nấm Trichoderma có khả năng đối kháng với nấm Corticium salmonicolor gây bệnh nấm hồng trên cây cao su (Hevea brasiliensis)” nhằm đóng góp một biện pháp sinh học trong phòng trừ tốt một số bệnh có nguyên nhân do nấm gây ra cho cây cao su ở tỉnh Bình Dương.
Mục tiêu: Nghiên cứu khả năng phòng trị bệnh nấm hồng trên cây cao su do nấm Corticium salmonicolor gây ra; nghiên cứu chế tạo phẩm bào từ nấm Trichoderma có khả năng phòng trị bệnh nấm hồng trên cây cao su.
Sau 12 tháng thực hiện, nhóm nghiên cứu đã thu được một số kết quả nổi bật như sau:
- Phân lập được 14 chủng nấm Trichoderma từ các mẫu đất, lá mục, cành mục và đống ủ phân tại các vườn trồng cao su có sự bùng phát bệnh nấm hồng tại tỉnh Bình Dương;
- Phân lập và gửi định danh bằng cách giải trình tự gen 28S rRNA và tra cứu trên BLAST SEARCH với kết quả là trùng khớp với trình tự 28S rRNA của chủng nấm Corticium salmonicolor ML-BD-06 đến 99%;
- Tiến hành khảo sát khả năng đối kháng của 14 chủng nấm Trichoderma với nấm C. salmonicolor. Từ kết quả khảo sát đã tuyển chọn được 3 chủng có khả năng đối kháng mạnh với nấm C. salmonicolor. 3 chủng này đã được gửi mẫu để định danh loài bằng phương pháp giải trình tự rRNA 28S và tra cứu trên BLAST SEARCH.
Kết quả là 3 chủng này đều có trình tự 28S rRNA tương đồng với trình tự 28S rRNA của chủng Trichoderma hazianum CKP01.
- Kết quả nghiên cứu tạo chế phẩm nấm Trichoderma: Nhóm nghiên cứu đã tìm ra cơ chất, độ pH, độ ẩm, nhiệt độ và thời gian nuôi cấy thích hợp để thu bào tử là 9 ngày.
- Nhóm nghiên cứu cũng đã tiến hành thử nghiệm khả năng phòng trị nấm hồng của chế phẩm bào tử Trichoderma trên quy mô vườn thực nghiệm cho kết quả trị bệnh lên đến 82,22% và khả năng phòng bệnh là 100%.
Kết quả của đề tài có thể tiếp tục chuyển giao trực tiếp cho nông dân, nông trường cao su hay những công ty cao su trên địa bàn tỉnh Bình Dương hoặc các tỉnh khác trong cả nước.
e. Thời gian nghiên cứu: 12 tháng
- Thời gian bắt đầu: 12/2014
- Thời gian kết thúc: 05/2016
f. Kinh phí: 49.950.000 đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).