a/ Tên nhiệm vụ: Phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân đô thị miền Đông Nam Bộ trong kháng chiến chống Mỹ giai đoạn 1954 - 1960
b/ Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Trường Đại học Thủ Dầu Một
c/ Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Phan Thị Lý và cá nhân tham gia chính:
1. ThS. Phạm Văn Thịnh
d/ Mục tiêu của nhiệm vụ:
- Làm rõ phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân đô thị Đông Nam bộ trong giai đoạn 1954 - 1960, bao gồm những nội dung đấu tranh cụ thể như đấu tranh đòi hòa bình, đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ. Từ đó, khái quát tính chất, đặc điểm và ý nghĩa của phong trào.
- Đề xuất một số vấn đề về giảng dạy và học tập phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân đô thị miền Đông Nam bộ trong kháng chiến chống Mỹ của ngành sư phạm lịch sử tại trường Đại học Thủ Dầu Một
đ/ Kết quả thực hiện tóm tắt:
Đông Nam bộ là nơi ghi dấu nhiều chiến công của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong đó, nhân dân các đô thị đã góp phần quan trọng vào những chiến công này. Với niềm mong ước đất nước độc lập, thống nhất niềm tin vào thắng lợi của chính nghĩa, nhân dân các đô thị Đông Nam bộ đã bất chấp chính sách kìm kẹp của chính quyền tay sai, bí mật và công khai ủng hộ cách mạng, tạo thành các “căn cứ lòm” trong lòng địch và chỗ dựa cho mặt trận quân sự.
Bên cạnh đó, việc nghiên cứu phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân đô thị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ nhằm làm rõ hơn một mặt trận đấu tranh vô cùng quan trọng đưa đến thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến, mặt trận đấu tranh chính trị. Mặt khác, trong bối cảnh đất nước đang trong quá trình hội nhập mạnh mẽ như hiện nay, quá trình giao lưu kinh tế, văn hóa có ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng, lối sống của một bộ phận thanh thiếu niên ở các đô thị; việc giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng của nhân dân đô thị là rất cần thiết.
Nhóm tác giả nghiên cứu đã sử dụng kết hợp các phương pháp lịch sử và phương pháp logic để làm rõ các sự kiện. Bên cạnh đó, các phương pháp cụ thể như so sánh, phân tích, đối chiếu... được tác giả sử dụng để làm rõ ý nghĩa lịch sử, đặc điểm và rút ra bài học, kinh nghiệm. Ngoài ra, đề tài còn sủ dụng phương pháp phỏng vấn tìm thông tin về tình hình giáo dục truyền thống ở một số trường phổ thông ở Bình Dương cũng như tình hình giảng dạy về phong trào đấu tranh chính trị tại một số trường đại học.
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài nhằm làm rõ phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân đô thị Đông Nam bộ trong giai đoạn 1954 - 1960, bao gồm những nội dung đấu trang cụ thể như đấu tranh đòi hòa bình; đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, từ đó khái quát tính chất, đặc điểm và ý nghĩa của phong trào; đề xuất một số vấn đề về giảng dạy và học tập phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân đô thị miền Đông Nam bộ trong kháng chiến chống Mỹ của ngành sư phạm lịch sử tại trường Đại học Thủ Dầu Một.
Sau 18 tháng thực hiện, đề tài đã hoàn thành các nội dung đề ra trước khi thực hiện và đạt được mục tiêu đề ra:
- Khái quát về lịch sử phát triển của vùng Đông Nam bộ, lịch sử đấu tranh của nhân dân đô thị Đông Nam bộ qua các thời kỳ lịch sử: Đông Nam bộ từ thế kỷ XVII đến nay đã trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử dân tộc, trong đó có những yếu tố liên quan đến vận mệnh tồn vong của dân tộc.
Trong suốt quá trình đó, chúng ta có thể thấy lịch sử hình thành và phát triển đô thị ở Đông Nam bộ mới bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX, gắn liền với quá trình thiết lập bộ máy cai trị và thực hiện các chính sách khai thác, bóc lột của thực dân Pháp. Tuy nhiên, nhân dân vùng đô thị Đông Nam bộ đã luôn thể hiện tinh thần độc lập dân tộc, đấu tranh chống áp bức bằng những phong trào yêu nước sôi nổi. Đồng thời, trong các giai đoạn lịch sử, nhân dân đô thị Đông Nam bộ cũng đã thể hiện được tính năng động, sáng tạo của mình khi khởi xướng nhiều phong trào đấu tranh tiêu biểu như bãi công, bãi khóa, du học, chống độc quyền... Qua đó cho thấy tinh thần đấu tranh bất khuất cũng như sự linh hoạt sáng tạo, đóng góp công sức của mình vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến.
- Phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân đô thị miền Đông Nam bộ trong giai đoạn 1954 - 1960 đã thu hút sự tham gia đông đảo nhân dân đô thị, với nhiều hình thức đấu tranh công khai và thu được một số kết quả nhất định. Phong trào đã thể hiện rõ tính chất dân tộc và dân chủ trong việc đấu tranh đòi hòa bình, độc lập thật sự và thống nhất dân tộc, đòi các quyền lợi dân chủ dân sinh chính đáng của tầng lớp nhân dân.
Đồng thời, phong trào cũng khẳng định và nuôi dưỡng khát vọng hòa bình, ý chí độc lập và thống nhất đất nước, duy trì và tiếp nối ngọn lửa đấu tranh của nhân dân đô thị vùng Đông Nam bộ, làm suy yếu về chính trị đối với chính quyền Ngô Đình Diệm và để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho phong trào đấu tranh chính trị công khai chống chủ nghĩa thực dân mới.
- Thông qua việc thu thập thông tin, đề tài chỉ ra một số thành tựu trong giảng dạy và nghiên cứu về phong trào đấu tranh chính trị ở đô thị tại một số trường đại học lớn hiện nay. Đồng thời, tìm hiểu tình hình giáo dục truyền thống đấu tranh của nhân dân đô thị hiện nay ở các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đề xuất về sự cần thiết phải triển khai giảng dạy và nghiên cứu về phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân đô thị Đông Nam bộ và đưa ra một số giải pháp phù hợp với đặc điểm của ngành sư phạm Lịch sử hiện nay.
Đề tài nghiên cứu đã tiến hành làm rõ nhiều khía cạnh về truyền thống đấu tranh của nhân dân đô thị Đông Nam bộ trong lịch sử, chính sách của Mỹ và chính quyền Ngô Đình Nhiệm đối với vùng đô thị Đông Nam bộ; các phong trào đấu tranh cụ thể, tính chất, kết quả, tác động của phong trào.
Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ làm tiền đề cho việc nghiên cứu về phong trào đấu tranh chính trị ở đô thị Đông Nam bộ trong các giai đoạn tiếp theo và bổ sung nguồn tư liệu phục vụ giảng dạy, nghiên cứu cho giảng viên, sinh viên ngành sư phạm Lịch sử tại trường Đại học Thủ Dầu Một.
e/ Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:
- Thời gian bắt đầu: 09/2012
- Thời gian kết thúc: 02/2014
g/ Kinh phí thực hiện: 67.759.000 đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).