a/ Tên nhiệm vụ: Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh tăng hiệu quả sản xuất cây ổi lê Đài Loan ở huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương (nay là huyện Bàu Bàng)
b/ Tổ chức chủ trì nhiệm vụ: Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ khoa học và công nghệ
c/ Họ và tên chủ nhiệm nhiệm vụ: CN. Lê Thị Trúc Quỳnh và cá nhân tham gia chính:
1. Thạc sĩ Ngô Văn Dinh
2. Kỹ sư Đỗ Thanh Dũng
3. Cử nhân Nguyễn Thành Lộc
4. Cử nhân Nguyễn Thị Điệp
5. Kỹ thuật viên Lê Hoàng Châu
6. Bà Trần Ngọc Phượng
7. Ông Chang Jung Hung
8. Ông Lê Bá Sanh
9. Ông Trần Kim Tấn
10. Ông Phạm Ngọc Lễ
11. Ông Nguyễn Văn Chiếm
12. Ông Nguyễn Văn Hùng
13. Ông Đàm Quốc Trung
d/ Mục tiêu của nhiệm vụ: Nâng cao hiệu quả trồng trọt của nhà vườn thông qua việc xây dựng mô hình 5.3ha trồng mới cây ổi lê Đài Loan tại xã Trừ văn Thố, huyện Bến Cát, Bình Dương
đ/ Kết quả thực hiện tóm tắt
Đặt vấn đề
Giống ổi lê Đài loan được đánh giá là giống ổi phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam, có tiềm năng về năng suất, chất lượng, hình thức quả đẹp được thị trường ưa chuộng. là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, nhanh thu hoạch, thuận lợi cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xóa đói giảm nghèo góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Với điều kiện thuận lợi cho việc phát triển vùng cây ăn trái, xã Trừ Văn Thố, huyện Bến Cát là xã tập trung nhiều cư dân đến từ khu vực miền Tây có sự đam mê và kinh nghiệm với nghề trồng cây ăn trái, nhưng trong thời gian qua, hiệu quả kinh tế trồng cây ăn trái khu vực này chưa cao, năng suất thấp… Vì vậy, việc được hỗ trợ kỹ thuật trồng trọt, chọn giống, đem lại năng suất cây trồng cao, cải thiện đời sống kinh tế là một điều kiện cần thiết để thực hiện xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ ứng dụng kỹ thuật thâm canh tăng hiệu quả sản xuất cây Ổi lê Đài loan ở xã này.
Tại thời điểm thực hiện dự án, trên địa bàn xã có Công ty TNHH MTV Chang Đình Huy với hơn 3 năm kinh nghiệm trồng giống ổi lê Đài loan, đemlại năng suất cao, tăng thời gian thu hoạch sản phẩm, chất lượng sản phẩm đạt theo tiêu chí của dự án. Vì vậy, dự án chọn quy trình trồng ổi của Công ty TNHH MTV Chang Đình Huy hỗ trợ cho các hộ tham gia dự án.
Kết quả thực hiện
Khảo sát, chọn hộ tham gia dự án
Để đạt được mục tiêu đề ra, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phối hợp với Hội Nông dân xã Trừ Văn Thố tiến hành khảo sát các hộ có nguyện vọng tham gia dự án, kết quả khảo sát có 6 hộ tham gia đạt được tiêu chí đề ra là 5,3ha tham gia dự án: Ông Nguyễn Mạnh Hùng - ấp 3 (0,3ha), ông Nguyễn Văn Chiếm - ấp 4 (01ha), ông Lê Bá Sanh - ấp 2 (01ha); ông Trần Kim Tấn - ấp 2 (01ha), ông Phạm Ngọc Lễ - ấp 4 (01ha) và ông Đàm Quốc Trung - ấp 4 (01ha).
Đào tạo kỹ thuật viên
Đào tạo 3 kỹ thuật viên về: Kỹ thuật trồng, chăm sóc, theo dõi, chẩn đoán, phòng trừ bệnh trên cây ổi lê Đài loan, nhằm hỗ trợ các nông hộ tham gia dự án trong quá trình trồng ổi của dự án, có đủ kiến thức, kinh nghiệm để thực hiện chuyển giao cho các đối tượng có nhu cầu trồng ổi khác ngoài khuôn khổ của dự án. Kết quả, 3 kỹ thuật viên được Công ty TNHH MTV Chang Đình Huy câp giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa tập huấn “Kỹ thuật trồng ổi Lê Đài Loan theo quy trình trồng, chăm soc của Công ty TNHH MTV Chang Đình Huy”.
Xây dựng mô hình trồng ổi lê Đài loan
Để đạt năng xuất cao, nhóm thực hiện dự án tiến hành xây dựng mô hình trồng ổi lê Đài loan cho 5,3ha tham dự án. Quy trình được tiến hành chặt chẽ từ khâu xử lý đất trồng, thiết kế vườn trồng, chọn cây giống, kỹ thuật canh tác, hướng dẫn trồng cây con trực tiếp tại hộ tham gia dự án, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bón phân, theo dõi bệnh và phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng.
Trong quá trình trồng, chăm sóc, vườn ổi thường xuất hiện các loại bệnh như: Sâu róm, rệp áp, sâu vẽ bùa, rùi đục quả, bệnh ghẻ, bệnh sương mai trên ổi… Qua đó, các hộ tham gia dự án đã được hướng dẫn cách phòng, chống các loại bệnh trên cho vườn ổi.
Sau 8 tháng tuổi, vườn ổi đã cho thu hoạch với sản lượng đạt mục tiêu dự án đề ra. Chất lượng ổi đạt trung bình 4-5quả/kg, có vị ngọt man mát, hơi xốp, giòn, màu xanh sáng, vỏ quả nhẵn bóng, hạt ít và mềm, cùi dày.
Tổ chức hội thảo đánh giá, tham quan, nhân rộng mô hình
Trong khuôn khổ của dự án, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ đã tổ chức Hội thảo giới thiệu mô hình trồng ổi lê Đài loan ứng dụng kỹ thuật thâm canh tăng năng suất cây trồng tại xã Trừ Văn Thố cho hơn 50 người tham dự. với nội dung, phổ biến kỹ thuật, tham quan mô hình, đánh giá kết quả đạt được và hiệu quả mang lại của dự án, lựa chọn hội tham gia trong khuôn khổ dự án làm địa điểm tham quan; phát triển dự án sau khi kết thúc…
Kết luận
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, các mô hình sản xuất nông nghiệp của nông dân đã khắc phục được tình trạng ô nhiềm môi trường, tiết kiệm chi phí sản xuất, hạn chế dịch bệnh và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Kết quả dự án đã góp phần nâng cao trình độ dân trí, hình thành tập quán sản xuất ổi chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho nông dân vùng dự án; góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo diện mạo nông thôn mới trong công cuộc công nghiệp hóa và hiện đại hóa tỉnh nhà.
e/ Thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc:
- Thời gian bắt đầu: 09/2013
- Thời gian kết thúc: 09/2015
g/ Kinh phí thực hiện: 263.382.160 đồng
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).