Bàu Bàng đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp
Với mục đích góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác, giúp nông dân xóa đói giảm nghèo, tiến tới làm giàu trên đồng đất quê hương mình. Thời gian qua, các cơ quan chức năng liên quan trong lĩnh vực nông nghiệp huyện Bàu Bàng luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến tiến bộ kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng mô hình công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, đã góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nâng cao dân trí, góp phần quan trọng vào những thành tựu của sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Có thể khẳng định công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là xu thế tất yếu đặt ra cho mỗi địa phương trong hoạt động sản xuất, vì vậy việc hỗ trợ nhân dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật luôn được Đảng bộ và chính quyền huyện Bàu Bàng quan tâm chỉ đạo, tạo mọi điều kiện làm động lực thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao giá trị thu nhập trên từng diện tích đất canh tác. Trong đó, xác định công tác khuyến nông được xem là bạn đồng hành quan trọng của người dân trong quá trình sản xuất nông nghiệp, ngoài ra còn là một mắt xích quan trọng giữa nông dân với nhà khoa học, nhà nước và doanh nghiệp giúp người dân nâng cao nhận thức, kiến thức về sản xuất nông nghiệp, làm tăng hiệu quả sản xuất trên một đơn vị canh tác, giúp giảm nghèo, tăng thu nhập và giàu lên từ sản xuất nông nghiệp.
Với đặc thù là huyện mới được thành lập chưa lâu, thời gian đầu kinh tế của người dân còn phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động sản xuất nông nghiệp. Cơ cấu nông nghiệp chiếm số lượng lớn từ hoạt động trồng trọt cây lâu năm và chăn nuôi. Tuy nhiên, đại bộ phận người dân vẫn chưa xác định được vai trò quan trọng của hoạt động khuyến nông và công tác đẩy nhanh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, với vai trò là cơ quan phụ trách công tác tuyên truyền và phổ biến kinh nghiệm sản xuất, tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, Trạm khuyến nông huyện đã mở nhiều đợt tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, chuyển tải những chủ trương chính sách của Đảng, nhà nước, của Tỉnh, chuyển tải thông tin thị trường và hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình, kỹ thuật thâm canh cây trồng, vật nuôi, tổ chức hoạt động khuyến nông phong phú, đa dạng đã thu hút nông dân, để nông dân dễ nhớ, dễ hiểu, dễ tiếp thu và phù hợp với điều kiện thực tế của sản xuất.
Mô hình trồng hoa lan tại huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương
Cụ thể như trong năm 2016, Trạm Khuyến nông huyện đã tổ chức được 10 lớp tập huấn cho 387 lượt nông dân tham dự; trong đó, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật thuộc lĩnh vực trồng trọt có 4 lớp và 6 lớp thuộc về lĩnh vực chăn nuôi. Nhìn chung, Trạm đã tập trung giới thiệu nhiều giống cây trồng, vật nuôi, các hoạt đổng sản xuất áp dụng tiến bộ kỹ thuật kết hợp với chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất về trồng trọt, chăn nuôi, cho nông dân. Nhiều mô hình giống cây, con mới đưa vào thử nghiệm đạt kết quả tốt là tiền đề quan trọng để áp dụng vào sản xuất. Qua đó, người nông dân nắm bắt được khoa học kỹ thuật trong sản xuất, xây dựng hiệu quả nhiều mô hình nông nghiệp trước sự biến đổi của thời tiết, khí hậu.
Ngoài ra, Trạm còn thực hiện xây dựng các mô hình trình diễn nhằm đưa những giống mới, giống tiến bộ kỹ thuật, những công nghệ mới vào sản xuất. Thông qua các mô hình trình diễn, để nông dân trực tiếp thực hiện, học tập, trao đổi, rút kinh nghiệm, nhiều mô hình nông dân áp dụng cái mới, mở rộng trong sản xuất đại trà đã mang lại hiệu quả cao, bền vững, tính nhân rộng cao như mô hình trồng nấm bào ngư của nông dân xã Tân Hưng, mô hình trồng lan Mokara cắt cành của nông dân xã Hưng Hòa, mô hình trồng cỏ VA06 và mô hình cơ giới hóa trong nông nghiệp - máy vắt sữa bò của nông dân xã Lai Uyên... Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nhìn chung các mô hình này cơ bản đảm bảo tính mới, có khả năng nhân rộng và hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế của các địa phương.
Các mô hình, dự án khuyến nông được triển khai đạt kế hoạch, đảm bảo về mùa vụ và quy mô. Nhiều mô hình đem lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với nguyện vọng của đông đảo bà con nông dân, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, đảm bảo an ninh lương thực ở những vùng khó khăn. Các mô hình, dự án khuyến nông được triển khai hiệu quả đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung, hướng tới một nền nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa.
Song song với công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và xây dựng mô hình trình diễn thì Trạm đã tổ chức 7 chuyến tham quan học tập theo nhu cầu cho người dân, 3 lớp hội thảo và cấp phát tài liệu kỹ thuật cho nông dân để người sản xuất trao đổi, học tập và rút kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của hệ thống khuyến nông cũng gặp phải một số khó khăn như tổ chức khuyến nông còn mỏng, nghiệp vụ khuyến nông còn yếu, sự phối hợp giữa các đơn vị tham gia công tác khuyến nông có lúc có nơi chưa chặt chẽ; kinh phí đầu tư cho hoạt động khuyến nông tuy đã được đầu tư nhưng chưa nhiều; cơ sở vật chất cho hoạt đồng nghiệp vụ khuyến nông còn thiếu; chưa có hệ thống khuyến nông cấp xã.
Ngoài ra, việc triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp địa phương còn gặp không ít khó khăn do điều kiện thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, tập quán canh tác còn hạn chế, điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật vốn hỗ trợ mô hình ít, trình độ của nông dân không đều nên chưa thúc đẩy việc phổ biến áp dụng phương thức canh tác tiến bộ trên diện rộng. Ngoài ra, việc sản xuất đa phần quy mô vẫn còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng cơ bản yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hóa; việc liên kết giữa nông dân với nhà khoa học, nhà nước và nhà doanh nghiệp còn lỏng lẻo và thiếu đồng bộ nên việc đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật trong sản xuất chưa cao.
Chính vì vậy, để phát huy hơn nữa vai trò của công tác khuyến nông chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp có trọng tâm, trọng điểm, gắn với lợi thế và định hướng phát triển kinh tế địa phương. Trong thời gian tới, Trạm khuyến nông huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh việc khuyến khích người dân thực hiện cơ giới hóa và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, đưa vào thủ nghiệm rộng rãi các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao. Ngoài ra, để đạt mục tiêu về sản xuất mà nông nghiệp đã đề ra rất cần sự hỗ trợ của các doanh nghiệp trong việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để nông dân mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất để có thể đưa nền sản xuất nông nghiệp huyện Bàu Bàng tăng nhanh về số lượng, đảm bảo về chất lượng, góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện thành công các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới như Nghị quyết Đảng Bộ huyện đã đề ra.
- DUY KHÁNH-