Nghiên cứu đồng xử lý chất thải công nghiệp không nguy hại trong lò hơi và đề xuất giải pháp quản lý
Chủ nhiệm nhiệm vụ: PGS.TS Phùng Chí Sỹ
Đơn vị chủ trì: Trung tâm Công nghệ môi trường (ENTEC)
Trong số các công nghệ đốt thì công nghệ “đồng đốt chất thải” được sử dụng ngày càng rộng rãi. Ứng dụng của lò nung xi măng kết hợp với đốt cháy chất thải đã được sử dụng nhiều trên thế giới. Các thiết bị thương mại đang được vận hành ở Pháp, Ý, Na Uy, Thụy Điển, Canada, Mỹ…
Tại Việt Nam, chất thải rắn công nghiệp được xử lý bằng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có biện pháp đốt chất thải. Hiện chất thải rắn công nghiệp không nguy hại và chất thải rắn nguy hại được thiếu đốt dưới hai hình thức: Đốt kết hợp trong lò có sẵn (hay còn gọi là đồng đốt chất thải) và đốt một hay hai cấp trong lò chuyên dụng công suất khác nhau. Tại Bình Dương, sản phẩm công nghiệp chủ yếu là công nghiệp chế biến, chiếm trên 99,0% trong những năm qua. Chất thải nguy hại phát sinh với khối lượng nhiều, thành phần chất thải chứa chủ yếu các chất có thể cháy được và có khả năng tái sử dụng làm nhiên liệu trong lò đốt công nghiệp nhằm thu hồi nhiệt phục vụ quá trình sản xuất. Mặc dù vậy, trên thực tế có nhiều doanh nghiệp sản xuất và cơ sở đã chuyển giao chất thải cho các công ty xử lý chất thải để đốt và làm gia tăng chi phí sản xuất từ đó dẫn đến tình trạng vừa gây lãng phí tài nguyên vừa gây ô nhiễm môi trường.
Qua thống kê cho thấy, hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang phát sinh khoảng trên 10.000tấn/ngày chất thải công nghiệp không nguy hại, trong đó có nhiều loại chất thải có thể tận dụng làm nguyên liệu cho lò hơi. Để có cơ sở khoa học áp dụng triển khai đồng xử lý chất thải rắn công nghiệp không nguy hại có thể cháy được trong lò đốt và lò hơi công nghiệp vào thực tế. Bên cạnh đó, để có một hướng dẫn cụ thể về việc triển khai đồng xử lý chất thải nhằm mang lại hiệu quả cao, đồng thời đảm bảo môi trường và mang lại lợi ích thiết thực về kinh tế, do đó, tác giả đã đề xuất thực hiện đề tài “Nghiên cứu đồng xử lý chất thải công nghiệp không nguy hại trong lò hơi và đề xuất giải pháp quản lý”.
Đề tài được thực hiện với mục tiêu xác định danh mục và khối lượng các loại chất thải công nghiệp không nguy hại có thể đồng xử lý trong lò hơi; xây dựng được hướng dẫn kỹ thuật và quy định pháp lý để cơ quan quản lý có căn cứ trong quá trình thẩm định chấp thuận các phương án đồng xử lý chất thải công nghiệp không nguy hại trong lò hơi.
Để đạt được mục tiêu đề ra, để tài đã tập trung vào một số nội dung như: Thu thập, xử lý số liệu hiện có, điều tra, khảo sát bổ sung nhằm lập danh mục các cơ sở sản xuất công nghiệp và xác định khối lượng chất thải không nguy hại phát sinh có thể đồng xử lý trong lò hơi; lựa chọn 01 cơ sở sản xuất giấy và triển khai nghiên cứu thử nghiệm đồng chất thải rắn phát sinh từ cơ sở sản xuất giấy trong lò hơi; dự báo mức độ ô nhiễm môi trường khi đồng đốt chất thải rắn công nghiệp không nguy hại phát sinh từ một số ngành sản xuất công nghiệp khắc nhằm đánh giá khả năng ứng dụng vào thực tế.
Xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về đồng xử lý chất thải công nghiệp không nguy hại trong lò hơi; xây dựng dự thảo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định về bảo vệ môi trường trong đồng xử lý chất thải công nghiệp không nguy hại trong lò hơi trên địa bàn tỉnh Bình Dương; xây dựng lộ trình và giải pháp triển khai nhân rộng đồng xử lý chất thải công nghiệp không nguy hại trong lò hơi trên địa bàn tỉnh và tổ chức hội thảo khoa học để đóng góp ý kiến cho kết quả đề tài được hoàn thiện hơn.
Sau hơn một năm thực hiện, đề tài đã bám sát mục tiêu đề ra. Tiến hành điều tra thực tế tại 60 doanh nghiệp phát sinh nhiều chất thải. Lấy mẫu, phân tích các thành phần, nhiệt lượng và hàm lượng các nguyên tốt 15 mẫu chất thải rắn công nghiệp không nguy hại tại 15 cơ sở thuộc 05 nhóm ngành công nghiệp điển hình trên địa bàn tỉnh; phân tích, dự báo khối lượng chất thải rắn công nghiệp có thể cháy được của một số ngành công nghiệp điển hình trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020 là 52.626 tấn, đến năm 2025 là 79.316 tấn; đánh giá tình hình quản lý chất thải rắn công nghiệp không nguy hại có thể cháy được; chọn Công ty TNHH Xưởng giấy Chánh Dương và Công ty TNHH giấy Kraft Vina triển khai nghiên cứu thử nghiệm đồng đốt chất thải rắn công nghiệp không nguy hại có thể cháy được trong lò hơi…
Kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở khoa học giúp cho các cơ quan, ban ngành tỉnh Bình Dương đề xuất các biện pháp bảo vệ môi trường, hạn chế ô nhiễm do chất thải rắn công nghiệp không nguy hại có thể cháy được. Đồng thời, đề tài còn cung cấp phương pháp luận, cơ sở dữ liệu phục vụ cho những điều tra, đánh giá tiếp theo trên địa bàn tỉnh liên quan đến quản lý tổng hợp, quy hoạch xử lý chất thải rắn.
Minh Thư