Hiệu quả từ chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới khoa học công nghệ
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh trong việc hỗ trợ doanh nghiệp (DN), thúc đẩy đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, Sở KH&CN đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ DN. Qua đó, nhiều DN đã mạnh dạn đổi mới, đầu tư KH&CN vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ DN
Với việc triển khai thực hiện Nghị định số 119/1999/NĐ-CP ngày 18/9/1999 của Chính phủ về một số chính sách và cơ chế tài chính khuyến khích các DN đầu tư vào hoạt động KH&CN và các văn bản pháp luật khác do Trung ương ban hành có liên quan, từ kết quả triển khai chương trình hỗ trợ DN giai đoạn 2006 - 2010, UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình hỗ trợ DN đầu tư vào hoạt động KH&CN qua 2 giai đoạn 2006 - 2010 và giai đoạn 2011 - 2015. Qua 2 giai đoạn của Chương trình, tỉnh đã hỗ trợ cho một số DN và tổ chức chuyển giao công nghệ trong và ngoài tỉnh triển khai 18 đề tài, dự án.
Thực hiện Chương trình hỗ trợ DN phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011 - 2015, Sở KH&CN đã hướng dẫn cho 591 tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh thủ tục đăng ký và xác lập quyền; 66 đơn vị sửa đổi giấy chứng nhận nhãn hiệu, gia hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ, cấp phó bản; 05 tổ chức xây dựng quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể (NHTT) để xác lập quyền cho NHTT. Khuyến khích các DN tham gia Hội chợ thiết bị, công nghệ tỉnh, vùng và quốc gia. Thông qua hội chợ, các đơn vị tỉnh Bình Dương đã quảng bá được thương hiệu của mình tới khách hàng, góp phần xúc tiến thương mại, giao dịch mua bán công nghệ, thiết bị và sản phẩm trong thời kỳ hội nhập quốc tế về KH&CN.
Ông Ngô Văn Dinh, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết, qua việc triển khai dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN vừa và nhỏ tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011 - 2015 thì năng suất và chất lượng tại các DN trên địa bàn tỉnh từng bước có chuyển biến theo hướng tích cực, nhận thức của chủ DN trong việc áp dụng các công cụ cải tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa trong sản xuất đã được nâng cao.
Nâng cao hiệu quả và giảm chi phí sản xuất
Qua việc các DN đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm mới; công nghệ mới, vật liệu mới; đổi mới, cải tiến máy móc thiết bị… đã giúp cho các DN nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, cũng như tạo được chỗ đứng trên thị trường, không chỉ thị trường trong nước mà còn ở thị trường quốc tế.
Ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Long I cho biết, với sự hỗ trợ của Sở KH&CN, công ty đã nghiên cứu công nghệ đốt một lần lửa trong nung gốm sứ, khi áp dụng vào thực tế đã đem lại hiệu quả cao. Nếu như áp dụng công nghệ cũ trong việc sản xuất đồ sứ chén dĩa thì cần 1.500 người làm việc với năng suất 50 - 60 ngàn sản phẩm/ngày, nhưng khi áp dụng công nghệ đốt một lần lửa thì năng suất tăng lên 100 - 120 ngàn sản phẩm/ngày cùng với số lượng nhân công như nhau và thời gian của chu kỳ sản xuất chỉ còn 03 ngày so với 15 ngày như trước đây.
Hệ thống lò nung gốm bằng gas với vỏ lò di động thể tích 70m3 tại công ty TNHH Sản xuất - Thương mại dịch vụ gốm Chấn Thành
Đối với Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại dịch vụ gốm Chấn Thành (An Điền, thị xã Bến Cát), thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Bình Dương trong việc áp dụng KH&CN vào sản xuất, qua tư vấn của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN (Sở KH&CN) công ty đã mạnh dạn chuyển đổi từ nung sản phẩm gốm bằng củi sang bằng gas. Từ khi áp dụng nung sản phẩm bằng gas thì thời gian nung đã giảm xuống đáng kể và có thể nung bất kỳ thời điểm trong ngày, chi phí cho nguyên liệu đốt đã giảm hơn 40% so với nung bằng củi. Trước đây, đối với các sản phẩm lớn, nung bằng củi rất mất thời gian và nhân công, do phải canh lửa cho từng giai đoạn nung nếu không sản phẩm sẽ không đạt như yêu cầu. Từ khi nung bằng gas thì chỉ cần một người canh lò, điều chỉnh nhiệt độ qua hệ thống van, thời gian nung cũng giảm và sản phẩm đẹp hơn.
Lãnh đạo Sở KH&CN cũng đánh giá, ngoài những khó khăn, hạn chế trong việc phối hợp giữa DN, cơ quan quản lý và nhà khoa học, tổ chức chuyển giao công nghệ. Thì có thể nói qua việc sáng tạo, đổi mới KHCN đã giúp cho các DN của Bình Dương phát triển một cách bền vững.
Qua việc thực hiện Chương trình hỗ trợ DN phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011 - 2015 của tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức và cá nhân trong việc xây dựng, quản lý thương hiệu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Ý thức về tạo dựng, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ của DN được cải thiện. Số đơn đăng ký các đối tượng sở hữu công nghiệp của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh nộp vào Cục Sở hữu trí tuệ tăng 35,2% so với giai đoạn 2006 - 2010. Đáng kể nhất là số đơn giải pháp hữu ích, sáng chế tăng 2,8 lần.
|
Thiên Bình