Bàu Bàng: Giá trị sản xuất nông nghiệp đóng góp lớn vào phát triển kinh tế
Sau hơn 3 năm thành lập, nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ngành nông nghiệp, huyện Bàu Bàng đã có những bước chuyển biến tích cực cả về sản lượng và giá trị sản xuất, đóng góp lớn vào giá trị sản xuất của và đem lại hiệu quả kinh tế ổn định, thu nhập cao cho nhân dân trên địa bàn.
Có thể nói, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp - dịch vụ, huyện Bàu Bàng luôn xác định nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của nhân dân địa phương, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ, xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn môi trường sinh thái, an ninh trật tự được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, giá trị sản xuất nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp vào tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa của địa phương
Những thành quả ấn tượng
Phải nói rằng, huyện Bàu Bàng ngoài thế mạnh để phát triển công nghiệp thì huyện còn có thế mạnh về nông nghiệp, hiện nay huyện đã và đang tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với chế biến và tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. UBND huyện đã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, đồng thời hình thành và phát triển vùng chuyên canh như cao su, cây ăn quả đặc sản, rau an toàn, xây dựng vùng chăn nuôi tập trung... Trong năm 2016, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện theo giá so sánh ước đạt 1.733,2 tỷ đồng, tăng 5,6% so với năm 2015 (Kế hoạch tăng từ 5 - 6%). Tổng diện tích cây trồng ước đạt là 26.628 ha, tăng 0,11% so với năm 2015, trong đó diện tích cây hàng năm là 1.571,6 ha, tăng 12%, diện tích trồng cây lâu năm là 25.056,4 ha, tăng 0,5%. Trong năm 2016, tình hình sản xuất và trồng trọt phát triển ổn định; cơ cấu cây trồng đa dạng và phong phú; nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao đang có chiều hướng gia tăng; tình hình sâu bệnh có phát sinh nhưng ở mức độ nhẹ, chủ yếu phát sinh cục bộ và đã được các ngành chuyên môn khuyến cáo và hướng dẫn giám sát phòng trừ kịp thời; tổ chức 05 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất rau, trái an toàn theo hướng VietGAP và 05 lớp dạy nghề nông nghiệp.
Kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại từng bước phát triển về số lượng và chất lượng, xuất hiện nhiều mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng ổi lê đài loan, mô hình trồng nấm bào ngư, nấm linh chi, mô hình bưởi da xanh của bà Nguyễn Thanh Thủy, mô hình trồng quýt đường, mô hình trồng lan và rất nhiều mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm theo công nghệ mới trai lạnh hiện đang mang lai thu nhập cao cho người nông dân. Đạt được thành công trên có sự đóng góp lớn từ các ban ngành đoàn thể từ huyện đến xã trong công tác đào tạo, tập huấn các lớp nghề nông nghiệp phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, các chính sách tạo điều kiện vay vốn ưu đãi đã phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân và tạo công việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.
Anh Nguyễn Quốc Chiến, xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng cho biết, trước đây người dân ở đây chăn nuôi heo chủ yếu là nhỏ lẻ, nuôi theo kiểu truyền thống nên heo thường bị dịch bệnh, hiệu quả kinh tế chưa cao. Mấy năm gần đây huyện và xã có chủ trương quy hoạch địa phương thành khu chăn nuôi tập trung, người chăn nuôi heo đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất. Riêng gia đình anh có trên 700 con heo thịt; trung bình mỗi tháng sau khi trừ chi phí còn thu về trên 20 triệu đồng. Theo anh Chiến, việc chăn nuôi heo theo hướng tập trung với hình thức gia công mang lại nhiều lợi ích cho người chăn nuôi và theo đúng lộ trình hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ. Với chăn nuôi gia công, yếu tố về giống, thức ăn, thuốc men, kỹ thuật được đơn vị cung cấp giống bảo đảm đầy đủ. Người nuôi chỉ phải bỏ chi phí đầu tư chuồng trại và công chăm sóc. Đầu ra sản phẩm cũng được đơn vị cung cấp giống bao tiêu, vì vậy nguồn thu từ chăn nuôi heo theo mô hình này ổn định, lâu dài. Từ phát triển mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi thu nhập của người dân trong xã không ngừng được nâng cao. Nếu như năm 2010 thu nhập bình quân của người dân xã Lai Uyên mới chỉ đạt 18 triệu đồng thì đến thời điểm này thu nhập bình quân của người dân xã Lai Uyên tăng lên 38 triệu đồng. Những kết quả của sự phát triển và nhân rộng mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị sản xuất và phát triển bền vững đã góp phần quan trọng vào kết quả xây dựng nông thôn mới của xã khi người dân đã thoát nghèo, thu nhập ngày một nâng cao.
Nông nghiệp góp phần tăng trưởng kinh tế, xây dựng nông thôn mới
Trong thời gian qua, huyện Bàu Bàng đã tập trung mọi nguồn lực, chỉ đạo các ngành các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể từ huyện đến xã đặc biệt chú trọng, quan tâm đầu tư thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chú trọng đẩy mạnh việc gắn nông nghiệp nông thôn theo hướng công nghệ cao với xây dựng nông thôn mới. Bởi đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng hiện đại theo quy hoạch, cơ cấu kinh tế và hình thức sản xuất hợp lý. Phong trào “toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” của huyện Bàu Bàng trong những năm qua cũng đã được đông đảo các lực lượng ban ngành đoàn thể, đoàn viên và nhân dân tham gia tích cực các phong trào, cuộc vận động, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa chương trình xây dựng nông thôn mới trong toàn thể nhân dân huyện nhà thông qua các phong trào “Thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, phong trào “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, chỉnh trang đô thị”, Phong trào “xanh - sạch - đẹp đường làng”, phong trào “bóng đèn an ninh”, phong trào “chung tay làm đường giao thông nông thôn”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với việc đẩy mạnh phong trào thi đua “toàn huyện chung sức xây dựng nông thôn mới”. Từ đó giúp nhân dân hiểu và cùng chung tay góp công, góp của, hiến đất, tăng gia sản xuất, giúp đỡ nhau về vốn, cây con giống... cùng chính quyền xã hoàn thiện các tiêu chí, chương trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Góp phần đưa các lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao tiếp tục phát triển; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; các chương trình giảm nghèo, tạo việc làm cho lao động nông thôn được thực hiện có hiệu quả. Đến nay, nhiều mục tiêu Nghị quyết đề ra trong chương trình xây dựng nông thôn mới đã được hoàn thành, góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế, xã hội ở địa bàn nông thôn trong toàn huyện, kinh tế nông thôn ngày càng phát triển, đặc biệt kinh tế trang trại và trồng trọt ứng dụng công nghệ hiện đại có bước chuyển biến tích cực, góp phần khai thác tốt tiềm năng đất đai, lao động ở nông thôn, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa đa dạng.
- Nguyễn Hiền-