Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Bước đi mới cho việc khởi nghiệp
Hiện nay, việc khởi nghiệp đã trở nên phổ biến, tuy nhiên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) khác với khởi nghiệp hay lập nghiệp. KNĐMST có đặc thù riêng, và Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích việc KNĐMST
Khác biệt để thành công!
Hiện nay, cụm từ “start-up” đã trở nên phổ biến tuy nhiên đây là cụm từ nói đến KNĐMST. Khởi nghiệp hay lập nghiệp thường gắn liền với các doanh nghiệp vừa và nhỏ phục vụ nhu cầu trong nước trong khi đó KNĐMST có đặc thù khác biệt. Về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Thi, Giám đốc Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh cho biết, KNĐMST phải dựa trên một công nghệ mới, hoặc tạo ra hình thức kinh doanh mới, hoặc xây dựng một phân khúc thị trường mới. Tức là các doanh nghiệp KNĐMST phải có gì đó khác biệt không chỉ với các doanh nghiệp ở trong nước, với tất cả các công ty trước đây và cả với các doanh nghiệp khác trên thế giới.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến nay cả nước có 25.000 doanh nghiệp KNĐMST, đây là con số đáng mừng về số lượng lẫn quy mô vốn. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, số lượng doanh nghiệp KNĐMST đạt được như hiện nay là do nhiều yếu tố, trong đó có sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vai trò của các Bộ, ngành trong việc đẩy mạnh khởi nghiệp, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Có thể coi đây là nền tảng để đẩy mạnh KNĐMST, tạo ra sự khác biệt và tạo nguồn thu cao từ “tri thức”.
Ông Lê Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cũng cho rằng, với việc triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh Bình Dương, trong đó có vấn đề khởi nghiệp và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Đây được coi là yếu tố quan trọng, là môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản, trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới - doanh nghiệp KNĐMST.
Chính sách hỗ trợ
Thông qua việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST quốc gia đến năm 2025” (quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016) đã tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Cùng với việc triển khai hệ sinh thái khởi nghiệp thuộc Đề án xây dựng thành phố thông minh Bình Dương thì tỉnh Bình Dương cũng đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích khởi nghiệp như Quyết định số 606/QĐ-UBND về kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật về hỗ trợ DN khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 1923/QĐ-UBND về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến 2020 trên địa bàn tỉnh…
Một điểm cần nhắc đến, việc đổi mới sáng tạo cũng phải bắt đầu từ đổi mới của công tác quản lý, “một cá nhân có ý tưởng khởi nghiệp, họ biết đến đâu gõ cửa để có người nghe, đúng người nghe và có khả năng hỗ trọ họ hoàn thiện ý tưởng, hỗ trợ cá kiến thức chuyên gia và tài chính để triển khai ý tưởng ra thị trường, từ đó KNĐMST mới thành công”, ông Thi nói.
Ông Nguyễn Tầm Dương, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, để tạo điều kiện cho KNĐMST, bên cạnh việc xây dựng các chính sách hỗ trợ, về tư vấn, vốn, thông tin cho các doanh nghiệp KNĐMST thì việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho khởi nghiệp cũng quan trọng.
Ông Cường cũng cho biết, với vai trò là cơ quan chủ trì trong việc triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh, Sở KHCN đang tích cực xây dựng các chương trình, đề án hỗ trợ khởi nghiệp. “Tuy nhiên, để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ nhằm hỗ trợ, thúc đẩy và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới thì đòi hỏi các cán bộ, công chức các sở, ban, ngành, các địa phương phải được trang bị những kiến thức cơ bản liên quan về khởi nghiệp, KNĐMST”, ông Cường nhấn mạnh.
Thiên Bình