Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Cơ hội và thách thức
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) mang đến nhiều thách thức cho kinh tế Việt Nam. Song bên cạnh thách thức là những cơ hội, nếu tận dụng được sẽ giúp cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế.
Cơ hội đổi mới công nghệ sản xuất
CMCN 4.0 (kết hợp giữa thành quả của 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đó với thế giới kỹ thuật số) đang là xu thế lớn trên toàn cầu, với động lực là sự phát triển về khoa học và công nghệ (KH&CN). Giới phân tích nhận định trung tâm của cuộc CMCN 4.0 là công nghệ thông tin (CNTT) và Internet kết nối vạn vật (IoT), không chỉ giúp con người giao tiếp với con người, mà còn là con người giao tiếp với máy, con người giao tiếp với đồ vật và đồ vật giao tiếp với nhau.
Mặc dù Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức nảy sinh từ cuộc CMCN 4.0, tại Hội thảo "Cách mạng công nghiệp 4.0 và ứng dụng IoT vào sản xuất thông minh" do Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ KH&CN) chủ trì tổ chức tại Tp.Hồ Chí Minh vừa qua, ông Đào Đình Khả, Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhận định, với CMCN 4.0, lợi thế lớn nhất mà Việt Nam có được là “lợi thế người đi sau”. Chúng ta có thể được hưởng những thành tựu, tiến bộ KH&CN của các quốc gia đi trước đã nghiên cứu, dễ dàng tiếp cận những thành tựu khoa học này.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, cuộc CMCN 4.0 cũng chứng kiến sự du nhập của các công nghệ tiên tiến, giúp tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới, tăng hiệu suất sản xuất và thúc đẩy sáng tạo. Điều này cũng tạo áp lực, cơ hội cho chính các doanh nghiệp sản xuất trong nước phải nỗ lực, tăng cường đầu tư cho KH&CN, nhằm tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt, thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng. Đây là cơ hội để khu vực doanh nghiệp lớn mạnh, từ đó tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
“Với CMCN 4.0, việc sản xuất sẽ chuyển sang sử dụng các loại máy móc với điều kiện tự động. Người máy có trí thông minh nhân tạo sẽ được tạo ra để phục vụ con người. Sẽ có sự xuất hiện nhiều hơn của người máy trong cuộc sống, điển hình là tại bệnh viện, tòa nhà, các công ty và những nơi công cộng. Chu kỳ sản xuất ra sản phẩm được rút ngắn, năng suất lao động được tạo ra sẽ lớn chưa từng có. Cuộc CMCN 4.0 này sẽ là một phương thức sản xuất mới, mang tính tự động cao và hứa hẹn sẽ đem đến khả năng tích hợp toàn bộ những công nghệ mới nhất như AI (trí tuệ nhân tạo), Big data (dữ liệu lớn) và IoT”, ông Tạ Cao Minh, Phó Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam nói.
Đi kèm những thách thức
CMCN 4.0 đang là xu thế lớn có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia. Trong đó, một trong những công nghệ quan trọng được kể đến là Big Data. Chính Big Data là cốt lõi để sử dụng và phát triển IoT và AI. Và khung cảnh những nhà máy thông minh với hệ thống máy móc được kết nối Internet và liên kết với nhau qua một hệ thống có thể tự hình dung toàn bộ quy trình sản xuất rồi đưa ra quyết định có vẻ sẽ không còn xa xôi nữa. Những công nghệ mới này sẽ gây ảnh hưởng to lớn đến mọi luật lệ, mọi nền kinh tế, mọi ngành công nghiệp, đồng thời cũng thách thức ý niệm của chúng ta về vai trò thực sự của con người.
Theo ông Trần Văn Tùng, cuộc CMCN lần thứ tư mang đến sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ mới và rôbốt. Theo đó, cách thức sản xuất của một số ngành nghề mà Việt Nam dự định phát triển mạnh trong thời gian tới, với lợi thế lao động giá rẻ, lao động phổ thông sẽ nhanh chóng bị ảnh hưởng lớn. Sự phát triển của KH&CN có thể dẫn đến tình trạng thất nghiệp hàng loạt, vì một số lượng lao động không nhỏ của Việt Nam sẽ không thể chuyển đổi do không thích ứng kịp với tình hình mới.
Ở nước ta, trong các nghị quyết của Đảng cũng ở các mức độ khác nhau cũng đề cập đến tất cả lĩnh vực của cuộc CMCN 4.0. Tuy nhiên, nhiệm vụ đặt ra là làm thế nào chúng ta phải tăng tốc phát triển trên cơ sở bảo đảm tính kế thừa và tận dụng những thành tựu, kết quả đã có, phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển trong các lĩnh vực. Trong đó phải ưu tiên công nghệ thông tin và truyền thông, coi đây là hạ tầng trong sự phát triển, trong cuộc cách mạng công nghiệp này.
“Tuy nhiên, qua cuộc CMCN này còn là cơ hội học tập suốt đời, nâng cao trình độ cho người lao động. Nguồn lao động ở Việt Nam phải sẵn sàng cập nhật, bổ sung thông tin, kiến thức mới nhất để gia nhập cách mạng công nghiệp này”, ông Tùng phân tích.
Bên cạnh đó, cuộc CMCN 4.0 đang đặt ra những hiểm họa khôn lường về an ninh mạng, an ninh thông tin, đặc biệt trong bối cảnh các cuộc tấn công mạng ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an cũng nhận định cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển mạnh mẽ về khoa học công nghệ được dự báo sẽ tạo ra những cơ hội lớn cho Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tự động hoá các quy trình kinh doanh, tăng cường khả năng kết nối qua các thiết bị di động và tiếp cận với cơ sở dữ liệu lớn... “Điều đáng lo ngại là trong khi nguy cơ an ninh mạng ngày càng diễn biến phức tạp và tinh vi nhưng người dùng Việt vẫn chưa có ý thức và kiến thức đầy đủ để có thể tự bảo vệ mình”, Thứ trưởng Thành nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 04/05/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0 cũng chỉ ra các giải pháp, trong đó tập trung thúc đẩy phát triển, tạo sự bứt phá thực sự về hạ tầng, ứng dụng và nhân lực công nghệ thông tin - truyền thông. Phát triển hạ tầng kết nối số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng, bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội phát triển nội dung số. Cải thiện môi trường cạnh tranh kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng hấp thụ và phát triển được các công nghệ sản xuất mới.
Hải Sư