Nâng cao năng suất chất lượng nông sản Bàu Bàng bằng VietGAP
Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp - nông dân - nông thôn, ngành nông nghiệp của huyện Bàu Bàng đã có những bước phát triển khởi sắc. Hiện nay cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị và chất lượng cao, từng bước giảm dần tỷ trọng trồng trọt và tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi.
VietGap - nâng tầm nông sản với nhiều mô hình hiệu quả
Năm 2016, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện ước thực hiện 1.733,2 tỷ đồng tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2015. Với định hướng đưa ngành nông nghiệp địa phương phát triển bền vững, huyện Bàu Bàng đã và đang triển khai nhiều giải pháp tiến tới ứng dụng rộng rãi và đạt được các tiêu chuẩn của VietGAP. Từ định hướng đúng đắn, các ngành chức năng huyện Bàu Bàng đã đề ra mục tiêu, phấn đấu tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt bình quân giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 5 - 6%/năm, giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất sản xuất đạt 90 - 110 triệu đồng/năm.
Để thực hiện nhiệm vụ nâng tầm nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP, huyện đang và sẽ đẩy mạnh thực hiện việc liên kết “4 nhà” (Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp và nhà nông) để thực hiện chuyển giao khoa học - công nghệ mới trong sản xuất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và giúp nông dân được tiếp cận với các mô hình mới trong sản xuất, giống mới, kỹ thuật canh tác… Trên cơ sở đó, huyện sẽ phân vùng sản xuất nông nghiệp theo thế mạnh và thổ nhưỡng. Trong đó, vùng rau an toàn tập trung ở Long Nguyên, Lai Uyên, Hưng Hòa…; vùng cây ăn quả đặc sản (cây có múi, măng cụt) ở Long Nguyên, Trừ Văn Thố, Cây Trường II… và vùng chăn nuôi tập trung ở Lai Hưng, Trừ Văn Thố…Thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng công nghệ cao và thị trường tiêu thụ, chế biến tại chỗ; các vùng sản xuất đều theo tiêu chuẩn, quy trình VietGAP, GlobalGAP. Huyện sẽ nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện sản xuất của nông dân; phát huy vai trò của các khu nông nghiệp công nghệ cao trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đầu mối tiêu thụ sản phẩm...
Thống kê cho thấy, hiện nay trên địa bàn huyện có 319 trang trại, trong đó 101 trang trại công nghệ kỹ thuật cao và 13 cơ sở được chứng nhận VietGap, tổng diện tích các loại cây lâu năm là hơn 24.500 ha, chiếm 2/3 tổng diện tích tự nhiên. UBND huyện đã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, đồng thời hình thành và phát triển vùng chuyên canh để sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch (VietGAP), nhiều chủ trang trại, hộ gia đình trên địa bàn huyện Bàu Bàng đã đầu tư hàng tỷ đồng đầu tư trang thiết bị, xây dựng chuồng trại theo quy trình khép kín, hệ thống cho ăn, nước uống và kiểm soát nhiệt độ tự động.Điển hình như: Trang trại tổng hợp của Ông Lê Hoàng Châu xã Trừ Văn Thố, với mô hình Ổi Lê Đài Loan, Quýt đường, diện tích 05 ha, cho sản lượng 118 tấn/năm; Trang trại Ông Phạm Văn Tạo xã Tân Hưng, với mô hình chăn nuôi heo thịt, sản lượng 384,75 tấn/năm; Công ty TNHH Nguyễn Thanh Thủy xã Long Nguyên, diện tích 13 ha, sản lượng 200 tấn/năm….
Xu hướng tất yếu trong quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn
Cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp của huyện ngày càng đa dạng, quy mô và tập trung; khoa học, công nghệ mới được ứng dụng trong nông nghiệp như: công nghệ trại lạnh, biogas, hệ thống tưới tiêu tự động tiết kiệm chi phí, áp dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP vào sản xuất. Từ đó đã xuất hiện một số mô hình mới có hiệu quả như: trang trại tổng hợp ở xã Long Nguyên và Lai Hưng, nuôi bò sữa ở xã Lai Hưng và Lai Uyên, bưởi da xanh ở xã Long Nguyên và Tân Hưng, nuôi rắn hổ vện ở xã Long Nguyên và Hưng Hòa, mô hình chăn nuôi vịt xiêm lai ở xã Lai Hưng; mô hình trồng hoa lan ở xã Tân Hưng và Lai Hưng; mô hình cây cảnh ở xã Lai Uyên và Hưng Hòa; mô hình chăn nuôi heo ở xã Long Nguyên và Cây Trường, mô hình trồng cây có múi ở xã Trừ Văn Thố và Cây Trường, mô hình trồng nấm ở xã Long Nguyên và Tân Hưng….
Có thể nói, tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp VietGAP, là một trong những quy trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế… nông sản an toàn được các ngành khuyến khích áp dụng vào sản xuất nông nghiệp. Tại Bàu Bàng, nhiều hộ và chủ trang trại đã áp dụng VietGAP vào sản xuất, bước đầu đã phát huy hiệu quả và đem lại lợi ích về kinh tế đây cũng là động lực cho ngành nông nghiệp của địa phương phát triển theo hướng bền vững, hiện đại. Được biết, nhằm phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống cho nhân dân; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, bảo đảm nền kinh tế phát triển bền vững, tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu của kế hoạch kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2015-2020, huyện Bàu Bàng đang tăng cường thu hút đầu tư cũng như thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ.
Theo lãnh đạo huyện Bàu Bàng, thông qua việc liên kết “4 nhà” sẽ thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng công nghệ cao và thị trường tiêu thụ, chế biến tại chỗ; các vùng sản xuất đều theo tiêu chuẩn, quy trình VietGAP, GlobalGAP. Huyện sẽ nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện sản xuất của nông dân; phát huy vai trò của các khu nông nghiệp công nghệ cao trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đầu mối tiêu thụ sản phẩm... Ông Lê Thanh Tâm - Phó Chủ tịch UBND huyện nói: “thời gian tới địa phương tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ để các tổ chức, cá nhân có điều kiện tiếp cận với những thị trường tiềm năng cũng như liên kết để mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh.Ngoài ra, huyện tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với tỉnh điều chỉnh cơ chế, chính sách nông nghiệp, phát triển nông nghiệp đô thị… nhằm tạo điều kiện và hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được tiếp cận với các nguồn vốn để đầu tư sản xuất”.
VietGAP là gì
Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn Việt Nam (VietGAP: Vietnamese Good Agricultural Practices) là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất áp dụng trong chăn nuôi, trồng trọt nhằm đảm bảo cho vật nuôi, cây trồng được nuôi dưỡng, chăm sóc đạt các yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, đồng thời bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.
VietGAP là các quy phạm thực hành chuẩn nhằm kiểm soát một cách có hệ thống các mối nguy. Bao gồm các quy định về quản lý giống, nguồn nước, sử dụng thuốc, phân bón, hóa chất, thức ăn, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm; các qui định về địa điểm, vùng sản xuất, thiết kế bố trí các khu vực sản xuất, quản lý việc di chuyển, tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường, kiểm soát động vật gây hại để đảm bảo an toàn sinh học trong nuôi trồng và các quy định về quản lý chất thải nhằm bảo vệ môi trường sinh thái.
|
Trường An