Bình Dương: Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ - những thành tựu nổi bật
I. Tổng hợp nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) được triển khai giai đoạn 2012 - 2016
Trong 5 năm, từ năm 2012 - 2016 có tổng 45 nhiệm vụ khoa học và công nghệ được thực hiện trong đó lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ chiếm tỷ lệ cao nhất là 15 nhiệm vụ, chiếm 33,3%. Lĩnh vực nông nghiệp tuy có nhiều đề xuất nghiên cứu nhưng tỷ lệ thống nhất thực hiện còn thấp do tính trùng lắp và khả năng ứng dụng chưa đạt yêu cầu. Đối với lĩnh vực y tế là lĩnh vực bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng còn rất nhiều yêu cầu thực hiện nghiên cứu và ứng dụng, nhưng tỷ lệ đề xuất nghiên cứu không cao.
Bảng 1. Tổng hợp nhiệm vụ KH&CN được triển khai giai đoạn 2012 - 2016
Năm
|
Nhiệm vụ KH&CN phân theo lĩnh vực
|
Cộng
|
Khoa học tự nhiên
|
Khoa học kỹ thuật và công nghệ
|
Khoa học y, dược
|
Khoa học nông nghiệp
|
Khoa học xã hội nhân văn
|
2012
|
3
|
3
|
1
|
1
|
0
|
8
|
2013
|
1
|
5
|
0
|
1
|
0
|
7
|
2014
|
0
|
3
|
0
|
1
|
5
|
9
|
2015
|
1
|
2
|
2
|
1
|
4
|
10
|
2016
|
3
|
2
|
1
|
0
|
5
|
11
|
Cộng
|
8
|
15
|
4
|
4
|
14
|
45
|
Tỷ lệ (%)
|
17,8
|
33,3
|
8,9
|
8,9
|
31,1
|
|
II. Ứng dụng, nhân rộng kết quả nghiên cứu khoa học - phát triển công nghệ vào thực tiễn sản xuất và đời sống
1. Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn
1.1 Lĩnh vực văn hóa - xã hội
Triển khai nghiên cứu về lịch sử, truyền thống; văn hóa; lao động; xã hội; quản lý đô thị; tín ngưỡng; trật tự an toàn xã hội. Kết quả nghiên cứu được bàn giao cho các ngành Văn hóa - Thể thao - Du lịch; Lao động - Thương binh - Xã hội; Công an; Kế hoạch - Đầu tư; Trường Đại học Thủ Dầu Một…, có giá trị tham khảo, góp phần cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn để các sở, ngành tham mưu ban hành chủ trương, chính sách phát triển, quản lý kinh tế - xã hội trong tỉnh.
Nghiên cứu về lịch sử, quá trình di cư, định cư và hình thành các nhóm cộng đồng người Hoa ở Bình Dương; hoạt động kinh tế, đời sống xã hội, sinh hoạt văn hóa, truyền thống yêu nước cách mạng và cống hiến của người Hoa ở Bình Dương.
Trong quá trình tìm hiểu liễn, đối Hán - Nôm trong đình, chùa, miểu ở Bình Dương, đề tài đã tìm hiểu và phác họa được những nét căn bản của triết lý Phật giáo trong đời sống tinh thần của người Thủ Dầu Một - Bình Dương xưa. Những nội dung cơ bản của triết lý nhà Phật đều được đề cập trong các liễn đối, từ các nguyên lý cao thâm của Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Thập nhị nhân duyên đến những nội dung thanh thoát của triết lý thiền tông như các phạm trù sắc và không, đốn và tiệm, bồ đề, niết bàn, chân như, kiến tính, minh tâm, lý tưởng thường, lạc, ngã, tịnh… Những triết lý này được phản ánh vào nội dung liễn đối không phải với nội hàm triết học sâu xa mà trải qua lăng kính của tâm hồn, tư tưởng cư dân.
Đối với lĩnh vực an toàn trật tự xã hội, trên cơ sở nghiên cứu thực trạng để làm rõ xu hướng hoạt động của tội phạm xâm phạm trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương, từ đó đề xuất các giải pháp phòng, chống có hiệu quả loại tội phạm này trên địa bàn tỉnh. Công an tỉnh Bình Dương cũng đã chú trọng nghiên cứu xu hướng hoạt động của tội phạm về trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương và đề xuất những giải pháp phòng chống. Qua kết quả nghiên cứu, đề tài đã làm rõ tình hình và thực trạng công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh, những yếu tố tác động đến tình hình hoạt động của tội phạm về trật tự xã hội, trên cơ sở đó đưa ra những xu hướng hoạt động cụ thể của tội phạm về trật tự xã hội trong thời gian tới cũng như những biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống loại tội phạm này. Những nhận xét đánh giá và những biện pháp đưa ra trong đề tài là xuất phát từ thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, vì thế nó có cơ sở khoa học và thực tiễn cao. Những biện pháp này nếu được tiến hành một cách đồng bộ, vận dụng linh hoạt trong thực tiễn chắc chắn công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới đạt kết quả tốt.
Bên cạnh đó các kết quả nghiên cứu được công bố trên một số trang thông tin điện tử, một số đề tài, như: Lịch sử chính quyền nhân dân giai đoạn 1945 - 2005; Gốm sứ Bình Dương; Hiện trạng, mức độ tiếp cận phúc lợi xã hội của công nhân tỉnh Bình Dương và đề xuất mô hình hợp lý được in thành sách, phát hành rộng rãi. Kết quả nghiên cứu cũng đã được một số cán bộ trong tỉnh tham khảo, trích dẫn trong các luận án tốt nghiệp sau đại học.
1.2 Lĩnh vực giáo dục - đào tạo
Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ hoạt động dạy học, xây dựng các hệ thống thông tin trên môi trường Internet, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo bậc phổ thông và bậc cao đẳng, đại học.
Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực, kết hợp giảng dạy với sử dụng thiết bị dạy học, soạn bài giảng bằng giáo án điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, kết hợp với các phương pháp dạy học truyền thống.
Nghiên cứu thực trạng và giải pháp việc giáo dục của gia đình đối với học sinh trung học tại tỉnh Bình Dương là vấn đề đang được quan tâm trong ngành giáo dục cũng như tại các gia đình trong thời kỳ phát triển kinh tế là rất cần thiết. Kết quả đã cung cấp thực trạng giáo dục gia đình đối với học sinh bậc trung học tại tỉnh Bình Dương về các nội dung như: Nhận thức của cha mẹ về vai trò quan trọng của giáo dục gia đình đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của con; thời gian chăm sóc con của cha mẹ; nội dung, phương pháp và phong cách giáo dục của cha mẹ; các hoạt động phối hợp giáo dục giữa gia đình và nhà trường, xã hội trong việc giáo dục con. Đề xuất các giải pháp kết hợp gia đình và nhà trường góp phần nâng cao chất lượng giáo dục gia đình: Tổ chức các chuyên đề bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng giáo dục gia đình cho cha mẹ học sinh tại trường; xây dựng trang web giáo dục gia đình; tổ chức Lễ tri ân cha mẹ và thầy cô hàng năm tại trường; tổ chức Lễ trưởng thành cho học sinh lớp 12.
2. Lĩnh vực khoa học y, dược
Triển khai nghiên cứu về hiện đại hóa y học cổ truyền; dược; dinh dưỡng; ứng dụng công nghệ thông tin. Kết quả nghiên cứu được giao cho ngành y tế, tập trung vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Ứng dụng thiết bị laser bán dẫn công suất thấp tại trạm y tế của xã, phường: Điều trị có hiệu quả nhiều loại bệnh, mà trước đây thường chuyển lên tuyến trên như: Liệt nửa người do tai biến mạch máu não, thoái hóa cột sống, thoái hóa khớp và viêm xoang… Có 89/91 xã, phường, thị trấn được trang bị các thiết bị laser bán dẫn công suất thấp dùng trong châm cứu.
Nghiên cứu hiện đại hóa bài thuốc giáng phì ẩm để điều trị chứng tăng lipid máu từ dược liệu thiên nhiên: Thử nghiệm quy trình công nghệ bào chế thuốc giáng phì ẩm ở quy mô pilot, mức 10.000 viên nang/lô và áp dụng vào quy mô sản xuất. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn của Dược điển IV, năm 2009 và quy định của Cục quản lý Dược Việt Nam về hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc mới.
Mở rộng ứng dụng hệ thống PACS và xây dựng hệ thống Telemedicine tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Một số kết quả thực hiện đề tài được chuyển giao, ứng dụng tại bệnh viện thị xã Tân Uyên và huyện Phú Giáo.
Đau sau mổ là nỗi ám ảnh cho người bệnh khi phải phẫu thuật và cũng là mối quan tâm hàng đầu của các bác sĩ nói chung và bác sĩ gây mê hồi sức nói riêng. Cùng với xu hướng phát triển chung của thế giới cũng như ở Việt Nam, các bác sĩ gây mê hồi sức luôn tìm mọi phương pháp để sao cho người bệnh được giảm đau tốt sau mổ, góp phần vào công tác nâng cao chất lượng điều trị, qua đó nâng cao uy tín cho ngành y và tạo niềm tin nơi người bệnh. Đề tài Nghiên cứu hiệu quả của gây tê vùng da đầu để giảm đau sau mổ ghép khuyết xương sọ đạt kết quả ghi nhận rằng gây tê phong bế thần kinh vùng da đầu cho kết quả giảm đau tốt hơn so với việc sử dụng thuốc giảm đau thông thường như hiện tại, không có trường hợp nào cần phối hợp thêm thuốc opioid, là một thuốc giảm đau mạnh nhưng có nhiều tác dụng phụ bất lợi; đồng thời phương pháp này cũng được ghi nhận là an toàn, không có bất kỳ tai biến, biến chứng nào liên quan đến gây tê vùng xảy ra. Những kết quả từ nghiên cứu đã cho thấy gây tê phong bế thần kinh vùng da đầu là một kỹ thuật đơn giản dễ thực hiện, có thể thực hiện nhanh, an toàn, hiệu quả và đáng tin cậy, có thể xem là lựa chọn tốt để kiểm soát đau sau mổ cho bệnh nhân phẫu thuật ghép khuyết xương sọ nói riêng và phẫu thuật ở vùng đầu nói chung.
3. Lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ
Triển khai chương trình hỗ trợ kiểm toán năng lượng và thực hiện giải pháp tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2011 - 2015, nhằm thực hiện tư vấn, kiểm toán năng lượng và lập báo cáo khả thi cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, ứng dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng vào sản xuất kinh doanh. Tính đến nay, đã hỗ trợ 38 doanh nghiệp tham gia chương trình, tổng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ 1.900 triệu đồng.
Xây dựng chương trình đảm bảo an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ và ứng phó sự cố bức xạ, làm cơ sở trình Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ trên địa bàn tỉnh.
Việc nghiên cứu hệ thống thiết bị sấy thăng hoa có công suất 50kg/mẻ, thử nghiệm đối với thịt gấc và nghiên cứu thiết kế, chế tạo lò sấy sử dụng năng lượng mặt trời công suất 40m3/ mẻ sấy đã tạo ra được những hệ thống thiết bị sấy công nghiệp giá rẻ và bảo đảm an toàn môi trường nhưng vẫn đảm bảo thời gian sấy và chất lượng sản phẩm sấy như sản phẩm được sấy của máy nước ngoài.
4. Lĩnh vực khoa học nông nghiệp
4.1. Phối hợp quản lý 02 dự án cấp nhà nước thuộc chương trình nông thôn miền núi do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì
Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây bưởi theo hướng VietGAP tại xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên. Nhân rộng 13 vườn cải tạo, thâm canh vườn bưởi Da Xanh thời kỳ kinh doanh và 15 vườn trồng mới bưởi Da Xanh theo hướng VietGAP; tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn kỹ thuật, hội thảo đầu bờ cho nông dân góp phần phổ biến tri thức, kỹ thuật KH&CN đến doanh nghiệp, trang trại, nông dân trên địa bàn. Qua xây dựng các mô hình, tập huấn cho nông dân tham gia dự án, nhiều nông dân khác tham quan mô hình, học hỏi kinh nghiệm phát triển vùng bưởi tại Hiếu Liêm và các xã lân cận. Hiện nay, huyện đang triển khai dự án phát triển thương hiệu bưởi Hiếu Liêm, bao gồm xã Hiếu Liêm và các xã chung quanh.
Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP ở xã Thạnh hội, thị xã Tân Uyên. Dự án có tính khép kín từ sản xuất - tiêu thụ, giải quyết các vấn đề về kỹ thuật vừa tạo được đầu ra cho sản phẩm, làm gia tăng đáng kể thu nhập của người nông dân sản xuất rau an toàn so với phương pháp sản xuất hiện tại trên cùng đơn vị diện tích.
4.2. Xây dựng các mô hình áp dụng tiến bộ KH&CN đối với cây bưởi, ổi lê, trồng rau thủy canh, trồng rau trên đất sạch, nuôi cá rô phi đơn tính đực. Việc xây dựng mô hình, áp dụng các tiến bộ KH&CN, trong đó có ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi thủy sản, nông nghiệp công nghệ kỹ thuật cao, góp phần làm thay đổi về năng suất và chất lượng các sản phẩm cây trồng, vật nuôi, góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích đất nông nghiệp. Các mô hình được ứng dụng, nhân rộng ngay trong quá trình triển khai nhiệm vụ và tiếp tục được duy trì tại địa bàn triển khai mô hình.
Nghiên cứu đề xuất định hướng sử dụng tài nguyên đất cho huyện Phú Giáo và Dầu Tiếng trên cơ sở điều tra bổ sung lập bản đồ đất và bản đồ đánh giá đất đai tỉ lệ 1/25.000, phục vụ công tác quy hoạch, lập kế hoạch sử dụng đất tại các địa phương.
Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Bưởi Bạch Đằng” thị xã Tân Uyên, từ đó đã nhân rộng cho nhiều nhãn hiệu tập thể khác, như măng cụt Lái Thiêu, Gốm sứ Bình Dương, Bánh tráng Danh lễ Thanh An, Sơn mài Bình Dương, Hợp tác xã chăn nuôi Hiệp lực Bình Dương.
4.3. Áp dụng tiến bộ KH&CN trong nông nghiệp
Thực hiện chính sách hỗ trợ duy trì và phát triển vườn cây đặc sản của Ủy ban nhân dân tỉnh, đã hỗ trợ nông dân vật tư và tập huấn quy trình chăm sóc, nạo vét mương, bón phân, phòng trừ sâu bệnh. Diện tích vườn cây ăn trái đặc sản Lái Thiêu, bưởi Bạch Đằng được duy trì ổn định; năng suất, chất lượng được nâng lên.
Xây dựng 4 khu nông nghiệp công nghệ cao theo công nghệ của Israel, Mỹ, Hà Lan, Thụy Điển, Ôxtrâylia, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia… với tổng diện tích 979,25 ha, gồm: Trại gà công nghệ cao Ba Huân (18 ha), gồm 1 nhà máy sản xuất thức ăn gia súc 15 tấn/giờ, 1 nhà máy ấp nở trứng, 22 trại chăn nuôi; khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái (411,75 ha) xây dựng nhà màng với các trang thiết bị hiện đại, trồng các loại rau, quả mang lại hiệu quả kinh tế cao; triển khai trồng cà tím, chuối, cây có múi theo tiêu chuẩn GlobalGAP để xuất khẩu. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Tiến Hùng (78,5 ha) nuôi gà đẻ và gà thịt; khu chăn nuôi bò ứng dụng công nghệ cao của công ty Đường đã triển khai trại Demo tại huyện Phú Giáo. Hiện các khu trên đang đi vào hoạt động, với tổng vốn đầu tư lũy kế đạt 623,7 tỷ đồng.
Mô hình trồng hoa lan được phát triển rộng rãi, các biện pháp kỹ thuật canh tác mới được áp dụng (mô hình trồng, phân bón, giống mới, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, bảo quản..). Trung tâm Khuyến nông, Hội Nông dân, Câu lạc bộ hoa lan, Hội làm vườn… đã tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân. Quỹ Phát triển KH&CN tỉnh cho vay ưu đãi.
Trong chăn nuôi đã thực hiện 02 nhiệm vụ: Chuyển giao kỹ thuật trong việc kết hợp GnRH, PGF2α và CIRD nhằm cải thiện hiệu quả sinh sản của bò sữa và Nghiên cứu sản xuất pilot 3 chế phẩm thảo dược trên heo để phòng bệnh đường ruột, đường hô hấp và kích thích tăng trọng cho heo. Việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi và sử dụng các chế phẩm sinh học trong việc điều trị bệnh ngoài việc giúp cho người nông dân có thể tăng hiệu quả kinh tế, còn có thể sản xuất được những sản phẩm thịt an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.
Hỗ trợ 03 cơ sở chăn nuôi, 05 trang trại trồng trọt áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Đối với chăn nuôi heo công nghiệp, công nghệ chuồng lạnh đã trở thành phổ biến.
5. Lĩnh vực khoa học tự nhiên
5.1 Lĩnh vực bảo vệ tài nguyên - môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu
Triển khai một số nhiệm vụ KH&CN, làm cơ sở tham mưu xây dựng chính sách, quy định bảo vệ môi trường, như: Điều tra, khảo sát, đánh giá, xác lập danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đề xuất các biệp pháp xử lý triệt để; kiện toàn hệ thống quản lý chất thải rắn; điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng và lập kế hoạch xây dựng, quản lý chỉ thị môi trường; điều tra, khảo sát, đánh giá và phân hạng doanh nghiệp về bảo vệ môi trường và xây dựng sách xanh.
Xây dựng và đưa vào sử dụng cổng thông tin trực tuyến quản lý môi trường của tỉnh, đến nay cấp tỉnh đã cập nhật xong cơ sở dữ liệu môi trường của doanh nghiệp với 2.500 cơ sở sản xuất, cấp huyện đã cập nhật 1.200 cơ sở, đạt 60% tổng số cơ sở sản xuất công nghiệp cần quản lý.
Nhằm kiểm soát các nguồn thải công nghiệp một cách có hệ thống và ngăn chặn kịp thời các hành vi không xử lý nước thải hoặc xả lén nước thải ra môi trường, đã xây dựng các trạm quan trắc nước thải tự động cho các khu công nghiệp và các nguồn thải lớn trên địa bàn tỉnh, lắp đặt thiết bị quan trắc và kết nối dữ liệu về trạm trung tâm của 57 chủ nguồn thải (trong đó có 21 khu công nghiệp) với các thông số quan trắc pH, COD, TSS, lưu lượng, giúp kiểm soát được liên tục hơn 70% tổng lượng nước thải công nghiệp phát sinh trên địa bàn tỉnh.
Đề tài nghiên cứu đồng xử lý chất thải công nghiệp không nguy hại trong lò hơi và đề xuất giải pháp quản lý đã tiến hành điều tra thực tế tại 60 doanh nghiệp phát sinh nhiều chất thải. Ngoài ra, đã tiến hành lấy mẫu, phân tích các thành phần, nhiệt lượng và hàm lượng các nguyên tố 15 mẫu chất thải rắn công nghiệp không nguy hại tại 15 cơ sở thuộc 05 nhóm ngành nghề điển hình của tỉnh Bình Dương. Tiến hành phân tích, đánh giá hiện trạng phát sinh thành phần và các biện pháp quản lý chất thải rắn công nghiệp không nguy hại có thể cháy được tại các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Dương, để làm cơ sở cho việc phân tích, dự báo chất thải rắn công nghiệp có thể cháy được của một số ngành công nghiệp điển hình trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020 và năm 2025. Kết quả đề tài cũng đã xây dựng lộ trình và giải pháp triển khai nhân rộng mô hình đồng xử lý chất thải công nghiệp không nguy hại trong lò hơi trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng đã xây dựng dự thảo trình UBND tỉnh Bình Dương tham khảo, từ đó ban hành quy định về đồng đốt chất thải công nghiệp không nguy hại trong lò hơi trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Đối với việc xác định các loại chất thải (bùn thải, xỉ thải) có số lượng lớn ở Bình Dương để xây dựng quy trình công nghệ và hướng dẫn kỹ thuật quy trình tái sử dụng bùn thải và xỉ thải làm vật liệu xây dựng và phân bón, từ đó xây dựng quy chế quản lý và tái sử dụng bùn thải, xỉ thải là một trong những vấn đề môi trường đô thị hiện nay. Đề tài nghiên cứu phương án tái sử dụng bùn thải từ hệ thống xử lý nước, nước thải và xỉ thải đã xây dựng được 02 quy trình: (1) Quy trình sản xuất phân bón từ bùn thải và (2) Quy trình sản xuất vật liệu xây dựng từ bùn công nghiệp và xỉ thải áp dụng vào thực tế mang lại hiệu quả kinh tế và an toàn cho môi trường. Ngoài ra, đề tài còn xây dựng được danh mục các Cơ sở sản xuất phát sinh bùn thải có thể tái sử dụng làm phân bón và nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.
Các nhiệm vụ nghiên cứu trong lĩnh vực môi trường đã tập trung giải quyết các vấn đề ưu tiên, thực tiễn theo yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về môi trường, đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý môi trường, đặc biệt là môi trường công nghiệp và đô thị.
5.2 Lĩnh vực công nghệ thông tin
Các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống thông tin địa lý (GIS); tập trung xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, các bản đồ số chuyên đề phục vụ cho công tác quản lý đô thị, đất đai, doanh nghiệp, tài nguyên - môi trường, trật tự an toàn xã hội, hạ tầng viễn thông, phần mềm chuyên dùng phục vụ quản lý kinh tế - xã hội ở các ngành thông tin - truyền thông, công thương, công an, thành phố Thủ Dầu Một, tài nguyên - môi trường, kế hoạch - đầu tư.
Xây dựng mô hình điểm thông tin KH&CN cấp xã, phục vụ phổ biến tri thức khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. Xây dựng và vận hành 76 điểm tại hội nông dân của 91 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Tại mỗi điểm trang bị 2 máy tính có kết nối Internet, 1 bộ cơ sở dữ liệu tài liệu, phim về tiến bộ KH&CN, 1 trang thông tin điện tử, qua đó cung cấp thông tin phục vụ sản xuất, tìm hiểu thị trường, giá cả và các thông tin có liên quan tới kinh tế, đời sống mà người dân quan tâm.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, xây dựng và đưa vào vận hành từ đầu năm 2015 phần mềm tiếp nhận hồ sơ liên thông hiện đại cấp tỉnh, cùng với Trung tâm hành chính công đi vào hoạt động, bước đầu đáp ứng được những yêu cầu về tiếp nhận hồ sơ của người dân, doanh nghiệp. Tại các cơ quan hành chính cấp tỉnh và cấp huyện, triển khai phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc để thống nhất và tin học hóa các quy trình hoạt động nghiệp vụ, các hình thức tiếp nhận, lưu trữ, phổ biến, trao đổi, tìm kiếm, xử lý thông tin, giải quyết công việc trong các cơ quan nhà nước, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác điều hành của lãnh đạo, các hoạt động nghiệp vụ của cán bộ, công chức.
Trong y tế, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh phục vụ chẩn đoán và tra cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương góp phần đầu tư xây dựng một hệ thống phần cứng, phần mềm và một số trang thiết bị cho phép khai thác các ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý và trao đổi các hình ảnh X-quang, CT… được lưu trữ tại khoa chẩn đoán hình ảnh, cung cấp dữ liệu một cách nhanh nhất và đồng bộ cho phòng mổ và khoa cấp cứu. Hệ thống còn cho phép thực hiện hội chẩn trực tuyến các ca mổ, các ca cấp cứu từ phòng họp trung tâm đến phòng mổ và phòng cấp cứu của bệnh viện
Nhằm hỗ trợ kiểm soát tình trạng hoạt động của Cổng/trang thông tin điện tử (TTĐT), cảnh báo kịp thời khi các Cổng/trang thông tin bị tấn công thay đổi giao diện. Đưa ra các khuyến cáo về vận hành, quản lý nhằm nâng cao khả năng kiểm soát thông tin, bảo mật thông tin cho Cổng/trang TTĐT của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương, đề tài xây dựng giải pháp phần mềm “Deface Tracking” hỗ trợ kiểm soát thông tin, bảo mật thông tin cho Cổng/trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương, đã thực hiện với kết quả xây dựng được phần mềm Deface Tracking giúp tăng cường khả năng chống lại các hình thức tấn công thay đổi giao diện nhằm vào hệ thống trang thông tin điện tử của tỉnh Bình Dương, giúp các nhà quản lý và nhân viên quản trị của hệ thống có khả năng phát hiện và phản ứng, khắc phục nhanh chóng trong các trường hợp bị tấn công thay đổi giao diện. Giảm thiểu được rủi ro, sự tổn thất và phần nào khắc phục được một số nhược điểm của các giải pháp có sẵn. Nâng cao khả năng giám sát, ghi log sự kiện và thống kê báo cáo các vấn đề liên quan. Đưa ra các giải pháp, quy trình nâng cao mức độ an ninh, an toàn thông tin cho Cổng/trang TTĐT của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
III. Phát triển KH&CN cấp cơ sở
Từ năm 2010 - 2016, triển khai 36 nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở, gồm 15 nhiệm vụ ở các huyện, thị xã, thành phố và 13 nhiệm vụ ở các sở, ban, ngành.
Hội đồng KH&CN các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố đã tích cực tham mưu việc triển khai ứng dụng, tiếp nhận chuyển giao công nghệ kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN phù hợp với cơ sở.
Các trường, viện trên địa bàn tỉnh chú trọng nâng cao tiềm lực KH&CN. Hàng năm, các trường đều có kế hoạch xây dựng, bổ sung trang thiết bị cho các phòng thí nghiệm, thực hành nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy, nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên và sinh viên. Các trường đầu tư kinh phí đảm bảo chi phát triển nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, một số hoạt động KH&CN đã có gắn kết với công tác xã hội hóa.
Việc phát triển nguồn nhân lực KH&CN được các trường, viện trong tỉnh thực hiện hàng năm qua các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng, đảm bảo số lượng và cơ cấu ngành nghề chuyên môn. Một số trường có những chính sách hỗ trợ cho cán bộ, giảng viên và sinh viên tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học.
IV. Ứng dụng, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động KH&CN
Nhằm đẩy mạnh hoạt động KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong giai đoạn 2012 - 2015, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các chương trình, đề án, dự án KH&CN trọng điểm, trong đó tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường hoạt động trong các lĩnh vực KH&CN, cụ thể như sau:
1. Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động KH&CN
1.1. Mục tiêu
Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học - phát triển công nghệ, nhằm tạo ra sản phẩm mới; công nghệ mới, vật liệu mới; đổi mới, cải tiến máy móc thiết bị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu KH&CN vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
1.2. Kết quả
Kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp tối đa không quá 30% tổng kinh phí chi cho việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học - phát triển công nghệ tại doanh nghiệp. Đã hỗ trợ thực hiện 18 nhiệm vụ KH&CN, với tổng kinh phí 8.496 triệu đồng. Hiện nay, chương trình đang được xem xét để chuyển sang hình thức hỗ trợ doanh nghiệp liên kết với tổ chức KH&CN, nhà khoa học và các tổ chức khác để xác định, thực hiện nhiệm vụ KH&CN phục vụ yêu cầu đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa.
Các nhà khoa học đã giúp cho doanh nghiệp thiết kế, chế tạo một số máy móc, thiết bị có tính năng tương tự của máy nhập ngoại, nhưng giá thành rẻ hơn, như nghiên cứu chế tạo một số máy móc, thiết bị của dây chuyền công nghệ đóng gói thuốc bột và thuốc nước; Hệ thống thiết bị sấy thăng hoa; Thiết kế, chế tạo lò sấy sử dụng năng lượng mặt trời.
2. Chương trình doanh nghiệp hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ
2.1. Mục tiêu
Nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập, để ngày càng có nhiều doanh nghiệp chủ động xây dựng, khai thác, phát triển và bảo vệ thương hiệu của mình trên cơ sở phát triển chất lượng hàng hóa và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khai thác, bảo vệ, phát triển tài sản trí tuệ và quảng bá thương hiệu.
2.2. Kết quả
Trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011 - 2015, đến nay tỉnh đã hỗ trợ 525 triệu đồng cho 162 tổ chức, cá nhân nghiệp thực hiện. Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp 1.920 văn bằng sở hữu công nghiệp (trong đó có 1.808 nhãn hiệu, 4 nhãn hiệu tập thể, 110 kiểu dáng công nghiệp, 01 giải pháp hữu ích, 12 sáng chế) cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện dự án phát triển tài sản trí tuệ: Nhân rộng mô hình bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ từ kết quả của 2 dự án Xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể (NHTT) Sơn mài Bình Dương, NHTT Bưởi Bạch Đằng cho 04 tổ chức áp dụng.
Chương trình đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tăng cường công tác quản lý, duy trì, bảo tồn và phát triển giá trị tài sản trí tuệ của các tổ chức, cá nhân của các địa phương; các cơ quan quản lý rất quan tâm đến các sản phẩm do ngành quản lý, do vậy khi xây dựng chiến lược phát triển các ngành đều đưa vào danh mục nội dung bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ vào chương trình.
3. Dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bình Dương
3.1. Mục tiêu
Tạo bước chuyển biến về năng suất chất lượng và năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong tỉnh (đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ chủ lực), từng bước cải thiện chất lượng tăng trưởng kinh tế dựa trên cơ sở nâng cao tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP).
Xây dựng phong trào năng suất chất lượng thông qua việc xây dựng các hệ thống quản lý chất lượng kết hợp với áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng hiện đại, đổi mới công nghệ,…
Nâng cao nhận thức, năng lực cải tiến của các doanh nghiệp trên địa bàn về năng suất và chất lượng.
Xây dựng đội ngũ chuyên gia về năng suất chất lượng và các tổ chức đánh giá sự phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia Dự án thực hiện các hoạt động năng suất chất lượng.
Nâng cao mức chất lượng của nhóm sản phẩm điện - điện tử, cơ khí phù hợp theo tiêu chuẩn Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc tế.
3.2. Kết quả
Có 15 Công ty tham gia áp dụng các công cụ năng suất chất lượng (như 5S, QCC, 7 công cụ, Kaizen, GHK, TQM, Lean, 6σ và các công cụ khác), trong đó:
- 10 Công ty được trao tặng giải thưởng chất lượng Quốc gia và Châu Á Thái Bình Dương (01 giải Châu Á Thái Bình Dương, 05 giải vàng và 04 giải bạc)
- 05 Công ty tham gia áp dụng các công cụ năng suất chất lượng (trong đó 03 Công ty tham gia dự án kinh phí hỗ trợ của tỉnh và 02 Công ty tham gia dự án kinh phí hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ) kết quả áp dụng các công cụ năng suất mang lại hiệu quả cao so với thuyết minh dự án ban đầu nhưng làm tăng năng suất lao động; giảm thiểu lãng phí, tiết kiệm nguyên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng trưởng doanh nghiệp, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
V. Phát triển hệ thống tổ chức KH&CN
Củng cố tổ chức và bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Sở Khoa học và Công nghệ; tăng cường chức năng, nhiệm vụ, nhân lực và cơ sở vật chất cho các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở, để có đủ năng lực chuyển đổi hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định số 115/NĐ-CP.
Trên địa bàn tỉnh có 27 tổ chức KH&CN (trong đó có 06 tổ chức công lập, 21 tổ chức ngoài công lập), tổng số nhân lực là 306 người, gồm 24 tiến sĩ (tỷ lệ 7,8%), 59 thạc sĩ (19%), 132 đại học và cao đẳng (43%), trung cấp (3,2%), trình độ khác (26,5%). Các tổ chức KH&CN đã tham gia một số hoạt động nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất, đời sống. Tuy nhiên, các đóng góp của tổ chức KH&CN cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của tỉnh trong các năm qua còn ít, chủ yếu là thực hiện các hoạt động dịch vụ tạo nguồn thu duy trì hoạt động. Tổng số nhiệm vụ tham gia từ năm 2011 - 2016 là 20 nhiệm vụ.
Có 3 doanh nghiệp KH&CN trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm; sấy nông, lâm sản; gốm sứ cao cấp, hoạt động trên cơ sở sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do chính doanh nghiệp tạo ra. Đến nay cả 3 doanh nghiệp này hoạt động tốt, ổn định và phát triển./.
(Phòng Quản lý Khoa học - Sở Khoa học và Công nghệ)