Cần “Cụ thể hoá” chính sách hỗ trợ cho khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo
Với việc Chính phủ và các Bộ, ngành ban hành các Kế hoạch, chính sách thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (KH-ĐMST) thì phong trào KN-ĐMST được “Thắp lửa” và phát triển mạnh khắp cả nước. Tuy nhiên, chính sách đã có nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập, nhất là nguồn vốn để đầu tư.
Khó về “Nguồn vốn hỗ trợ”
Theo khảo sát đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN) và các nhà đầu tư ở Việt Nam, hiện tại hệ sinh thái KN-ĐMST trong nước đang gặp phải một số khó khăn như thiếu thông tin về các nguồn đầu tư, các chương trình và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, đặc biệt là thông tin về các chính sách, hỗ trợ của nhà nước cho khởi nghiệp, thiếu vốn để triển khai các dự án kinh doanh và khó khăn trong việc chứng minh tiềm năng phát triển để thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm từ các quỹ và các nhà đầu tư.
Tại hội thảo “Giải pháp thúc đẩy phát triển hệ sinh thái KN-ĐMST vùng Đông Nam bộ” được tổ chức tại Tp.Hồ Chí Minh vừa qua, ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhận định, trên thực tế, các doanh nghiệp KN-ĐMST tại Việt Nam thường phải “Tự lực” trong vấn đề tài chính, nghĩa là họ chỉ vay mượn tiền của gia đình, bạn bè để thực hiện các dự án kinh doanh của mình và thường rủi ro của việc bỏ dự án giữa chừng do thiếu vốn là rất cao.
Mặc khác, nhiều nhà đầu tư trong nước, quốc tế nhận xét rằng năng lực KN-ĐMST ở Việt Nam chưa cao, nhiều nhà sáng lập doanh nghiệp KN-ĐMST không thể thuyết trình mạch lạc dự án kinh doanh của mình, hoặc quá đề cao ý tưởng mà chưa hiểu về việc phát triển một mô hình kinh doanh hiệu quả, nên việc “Rót vốn” để đầu tư là không thể.
Bên cạnh đó, hiện nay với Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014, những thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư đã ngày càng được đơn giản hóa, các hoạt động đầu tư cho KH&CN cũng đã được quy định ưu đãi cao về đất đai, thuế. Tuy nhiên, các DNKN, nhất là DNKN vừa và nhỏ rất khó tiếp cận nguồn vốn, nhân lực, công nghệ, thủ tục hưởng chính sách còn rườm rà.
Tăng cường hỗ trợ từ chính sách
Hiện nay, để thúc đẩy hệ sinh thái KH-ĐMST, Chính phủ đã ban hành những Văn bản để hướng dẫn, chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương triển khai những hoạt động ĐMST cụ thể như Nghị quyết số 35/NQ-CP về “Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020” được ban hành ngày 16/5/2016; Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ban hành ngày 06/02/2017 về việc “Tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020”; Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”… Về phía tỉnh Bình Dương, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 1923/QĐ-UBND ngày 26/07/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Quyết định số 2513/QĐ-UBND ngày 20/9/2017 về Kế hoạch thực hiện Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh…
Tuy đã có các chính sách, nhưng hiện tại hệ sinh thái KH-ĐMST đang gặp phải một số khó khăn như thiếu thông tin về các nguồn đầu tư, các chương trình và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, đặc biệt là thông tin về các chính sách, hỗ trợ của nhà nước cho khởi nghiệp.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng, tại nhiều nước phát triển, phần lớn nguồn vốn cho khởi nghiệp đến từ doanh nghiệp, các quỹ đầu tư thiên thần (Angel Investor). Nhà nước sẽ hỗ trợ, tạo hành lang pháp lý và kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước được hiểu như “Vốn mồi”, phần còn lại phải huy động được từ xã hội. Và đó mới chính là con đường đi của các startup. Nguồn “Vốn mồi” của Nhà nước khiến các nhà đầu tư thiên thần, các quỹ đầu tư mạo hiểm và những người có nguồn lực cảm thấy yên tâm hơn, từ đó ủng hộ và đầu tư cho các ý tưởng sáng tạo.
Ông Quất cho rằng, ngoài việc cải cách hành chính, xây dựng các chính sách hỗ trợ và ưu đãi dành cho DNKN và các nhà đầu tư; tạo môi trường thuận lợi cho hỗ trợ doanh nghiệp KN-ĐMST. Thì cần công nhận loại hình đầu tư mạo hiểm và nhà đầu tư thiên thần, đơn giản hóa thủ tục đăng ký, cung cấp tài chính hỗ trợ các cá nhân, nhóm khởi nghiệp để phát triển thành DNKN; thành lập Quỹ đầu tư theo hình thức đối ứng vốn với các quỹ đầu tư mạo hiểm, đầu tư vào các DNKN có tiềm năng lớn.
Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Dương cũng đề nghị, để chính sách KN-ĐMST có hiệu quả thì cần có sự liên thông giữa các bộ, ngành trong việc ban hành, triển khai chính sách. Chính sách được trông chờ nhiều nhất là Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ vừa được Quốc hội thông qua, trong quá trình triển khai đề nghị Trung ương có hướng dẫn cụ thể để từng địa phương có cơ sở áp dụng một cách đồng bộ và kịp thời. Việc thực hiện cơ chế đối tác công - tư trong hỗ trợ các tổ chức, thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp cần được quan tâm bởi hiệu quả xã hội trong giai đoạn đầu hơn là lợi ích về kinh tế. Để xây dựng được tinh thần khởi nghiệp, đam mê sáng tạo trong cộng đồng cần sự khởi xướng và xúc tác nhiều từ phía Nhà nước.
Cùng với việc tăng cường “Cụ thể hóa” chính sách hỗ trợ về nguồn vốn thì cũng cần chú trọng hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực, nhận thức về KN&ĐMST trên địa bàn khu vực cho các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST như cá nhân, nhóm, doanh nghiệp KN-ĐMST; nhà đầu tư cho KN-ĐMST; các cán bộ quản lý, vận hành các tổ chức hỗ trợ KN-ĐMST; các cán bộ thuộc khối cơ quan quản lý hoạt động KN-ĐMST…
Thực hiện hoạt động KN-ĐMST, hiện nay trên toàn khu vực Đông Nam Bộ có 08 vườn ươm khởi nghiệp (Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, Vườn ươm doanh nghiệp Khoa học Công nghệ thuộc Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh…); 03 tổ chức thúc đẩy kinh doanh (Chương trình hỗ trợ năng lực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, Alpha starup, Mekong Capital); 16 khu làm việc tập trung (Esmart, Gooffice, Citihub, cirCO…)…
Hoàng Phạm