Hiệu quả từ các chính sách phát triển nông nghiệp của tỉnh Bình Dương
Trong thời gian qua, Bình Dương triển khai thực hiện các chính sách phát triển ngành nông nghiệp (NN), qua đó đã góp phần phát triển NN của Bình Dương theo hướng NN công nghệ cao, NN đô thị và từng bước khẳng định thương hiệu nông sản Bình Dương trên thị trường.
Ban hành nhiều chính sách
Từ khi tái lập tỉnh vào năm 1997, tỉnh Bình Dương bên cạnh chú trọng thực hiện chính sách “Trải thảm đỏ” thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thì chính sách khuyến nông cũng được tỉnh đẩy mạnh như chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn, vận chuyển, cung cấp vật tư, chế biến, tiêu thụ sản phẩm…
Qua việc Tỉnh ủy Bình Dương ban hành Chương trình số 26-CTr/ TU về “Chuyển dịch cơ cấu ngành NN theo hướng phát triển NN đô thị, NN kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011- 2015” theo Nghị quyết số 26/ NQ-TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về NN, nông dân, nông thôn thì từ đó nhiều chính sách được ban hành để phát triển NN phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Nhằm tạo điều kiện cho các tập thể, cá nhân có điều kiện đầu tư sản xuất NN, thông qua Quyết định số 46/2012 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh về những giải pháp chính sách khuyến khích phát triển NN theo hướng NN đô thị - NN kỹ thuật cao - NN sinh thái gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 - 2015, với hạn mức cho vay từ 50 triệu đồng - hơn 5 tỷ đồng, lãi suất tối đa bằng 60% mức trần lãi suất huy động tiết kiệm bằng tiền đồng Việt Nam kỳ hạn 12 tháng loại trả sau do Ngân hàng Nhà nước quy định.
Tại Thị xã Thuận An, với việc triển khai thực hiện Chương trình 07-CTr/TU của Thị ủy Thuận An về cải tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả vườn cây ăn trái gắn với đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng để phát triển du lịch sinh thái giai đoạn 2011 - 2015 đã mang lại hiệu quả nhất định, hỗ trợ chính chính sách vườn cây, đã có 1.947 hộ đăng ký tham gia với tổng diện tích 507ha. Ông Trương Công Thạch - Phó phòng Kinh tế Thị xã Thuận An cho biết, qua việc thực hiện Chương trình này thì hệ thống kênh rạch trên địa bàn thị xã thường xuyên được khai thông dòng chảy công trình, chiều dài hơn 10km đã góp phần hạn chế ô nhiễm, ngập úng, cải thiện dần tình trạng chết cây, được nhân dân đồng tình, bộ mặt nông thôn có sự chuyển biến khởi sắc hơn.
Phát huy hiệu quả
Từ khi thực hiện các chính sách, thì giá trị sản xuất NN tỉnh tiếp tục tăng trưởng nhanh. Nếu như năm 2013, giá trị sản xuất NN đạt 3.024 tỷ đồng, thì đến năm 2016, giá trị sản xuất NN đạt 15.375 tỷ đồng. Kết quả này đạt được do tỉnh tập trung tái cơ cấu ngành NN gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng chú trọng phát triển NN ở phía bắc, phát triển chăn nuôi tập trung và kinh tế trang trại, từng bước hình thành các vùng chuyên canh cây trồng phù hợp lợi thế của từng vùng và phát triển loại hình NN ứng dụng công nghệ cao, NN đô thị.
Qua sự hỗ trợ về phát triển vườn cây ăn trái đặc sản (Quyết định số 45/2012 của UBND tỉnh Bình Dương về ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản tỉnh Bình Dương giai đoạn 2013 - 2016 và mới nhất là Quyết định số 63/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Dương về chính sách hỗ trợ vườn cây ăn quả đặc sản năm 2017 - 2021) đã giúp các hộ có điều kiện để chăm sóc vườn cây và giữ vững thương hiệu măng cụt Lái Thiêu. Cô Trần Kim Phượng (khu phố Thạnh Phú, phường An Thạnh, thị xã Thuận An) chia sẻ, sự giúp đỡ của Nhà nước này thì cô có điều kiện tốt hơn để đầu tư chăm sóc vườn cây, khẳng định chất lượng cây ăn trái Lái Thiêu đã có từ xưa.
Bên cạnh đó, thông qua các dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển Nhãn hiệu tập thể” cũng góp phần khẳng định “Thương hiệu” nông sản Bình Dương trên thị trường trong nước. Theo ông Trần Giang Khê - Phó trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Tp. Hồ Chí Minh thì khi có nhãn hiệu thì việc đưa nông sản ra thị trường luôn thuận lợi. Cụ thể như, khi các hộ trồng cam và bưởi ở huyện Bắc Tân Uyên được cấp giấy chứng nhận độc quyền Nhãn hiệu tập thể thì quyền và lợi ích hợp pháp của bà con nông dân sản xuất và kinh doanh cam, bưởi trong huyện được bảo vệ; cũng như là một công cụ để quảng bá thương hiệu cây có múi Bắc Tân Uyên vươn xa hơn nữa.
Hải Sư