Tăng cường mối liên kết giữa trường đại học thủ dầu một với doanh nghiệp trong đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội
ThS. Phạm Ngọc Hoài
Trường Đại học Thủ Dầu Một
1. Đặt vấn đề
Giáo dục đại học có một vai trò quan trọng trong việc cung cấp lực lượng lao động lành nghề đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo ở nhiều trường đại học, chưa đáp ứng giữa đào tạo với sử dụng, vẫn còn khoảng cách lớn giữa trình độ tay nghề của sinh viên mới ra trường và yêu cầu của các đơn vị sử dụng lao động. Vì vậy, rất nhiều người sau khi đã tốt nghiệp các trường đại học vẫn không đáp ứng được yêu cầu công việc. Các doanh nghiệp khó tìm được những lao động vừa ý, hoặc tuyển dụng được thì doanh nghiệp cũng phải cử đi tập huấn hoặc đào tạo bổ sung chuyên môn nghiệp vụ. Một trong những nguyên nhân quan trọng của thực trạng này là sự liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo chưa thật sự chặt chẽ.
Chính vì vậy, cần tăng cường sự liên kết giữa các trường với doanh nghiệp vì đây là nhu cầu khách quan xuất phát từ lợi ích của hai phía. Do đó, các cơ sở đào tạo nói chung và trường đại học Thủ Dầu Một nói riêng phải giải quyết hiệu quả bài toán giữa phát triển nhanh quy mô, ngành nghề đào tạo vừa nâng cao chất lượng đào tạo, đây cũng chính là góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu đào tạo của xã hội.
2. Thực trạng sự liên kết giữa trường dại học Thủ Dầu Một với doanh nghiệp
Trường đại học Thủ Dầu Một là cơ sở đào tạo nhân lực cung cấp cho các công ty, các khu công nghiệp của tỉnh Bình Dương và khu vực lân cận. Với mô hình đào tạo theo định hướng ứng dụng, Nhà trường đã xây dựng chương trình đào tạo theo tỉ lệ 60% lý thuyết, 40% thực hành. Bên cạnh, đào tạo nguồn nhân lực Nhà trường chú trọng vườn ươm nhân tài. Những sinh viên có học lực từ Khá trở lên phải tự chịu trách nhiệm với điểm số của mình và phải tham gia nghiên cứu khoa học. Nhà trường luôn có một niềm tin vững chắc đó là mỗi sinh viên đều có một tiềm năng và nhà trường có nhiệm vụ phải khơi dậy những tiềm năng ấy cho sinh viên bằng hoạt động nghiên cứu khoa học. Với chương trình đào tạo như vậy sinh viên sẽ nhanh chóng kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp.
Trong những năm qua, đào tạo của Trường đại học Thủ Dầu Một bước đầu được đổi mới và phát triển, đào tạo từ hướng “cung” sang đào tạo theo hướng “cầu” đáp ứng nhu cầu xã hội. Sự liên kết giữa Trường đại học Thủ Dầu Một với doanh nghiệp ngày càng được đẩy mạnh (cụ thể: Trường đã ký kết biên bản hợp tác về đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội với BQL khu công nghiệp VSIP và BQL các khu công nghiệp Bình Dương, ký kết với Tập đoàn Viễn thông Bình Dương VNPT, Công ty TNHH SX-TM DV Kim Hoàng Hiệp, Ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritimebank) Chi nhánh Bình Dương… về hỗ trợ công tác đào tạo, thực tập, thực hành và tuyển dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp). Nhà trường đã có nhiều giải pháp để tăng cường mối liên kết này như: Tổ chức “Hội thảo với các doanh nghiệp”, “Hội thảo xây dựng chuẩn đầu ra theo CDIO”… Qua các hội thảo này, Nhà trường nắm bắt được một số thông tin về nhu cầu đào tạo, nhu cầu lao động, các thông tin phản hồi về chất lượng đào tạo của Nhà trường và các thông tin khác ra trường.
Trường đã thành lập Trung tâm Thị trường lao động. Một trong những nhiệm vụ của Trung tâm là hỗ trợ sinh viên tìm việc làm, tổ chức các hoạt động dịch vụ việc làm, tổ chức cho sinh viên đi thực tập cuối khóa, tổ chức cho sinh viên đi tham quan, tìm hiểu thực tế, hướng nghiệp... Trung tâm tiếp nhận đơn đăng ký tìm việc và được đăng ký tuyển dụng từ các doanh nghiệp. Kết quả đã giới thiệu được một số sinh viên đến doanh nghiệp, công ty nhận việc. Trường xây dựng mối quan hệ với các doanh nghiệp và các nhà tuyển dụng để tổ chức các cuộc giao lưu gặp gỡ giữa sinh viên với các doanh nghiệp và nhà tuyển dụng. Thông qua chương trình này sinh viên rút ra được nhiều bài học quý giá cho việc chuẩn bị hội nhập của mình khi ra trường.
Hàng năm, nhà trường gửi các sinh viên đến thực tập tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước để thực hiện các đề tài tốt nghiệp, giải quyết các vấn đề trong thực tế. Từ những mối quan hệ này, các doanh nghiệp đã trực tiếp thông báo tuyển dụng các sinh viên tốt nghiệp của trường.
Trường đã ký kết biên bản hợp tác với 02 Ban quản lý khu công nghiệp trong tỉnh Bình Dương về đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội và tiếp tục đẩy mạnh ký kết thỏa thuận hợp tác với các công ty, nhà máy, xí nghiệp nhằm xác định nhu cầu nhân lực trong 5 năm, 10 năm… để có hướng đào tạo nhân lực cho sát với nhu cầu thực tế. Thời gian qua trường đã hợp tác với nhiều công ty, nhà máy xí nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh… để tiếp nhận sinh viên đi thực tập cuối khóa (như: Công ty cổ phần Liwayway Việt Nam, Công ty TNHH Thịnh Qua, Công ty TNHH Zeng Hsing Industrial, Công ty CP công nghiệp gỗ Kaiser Việt Nam,…). Với hoạt động này, Trường đã gắn kết địa điểm công ty, nhà máy xí nghiệp thành nơi thực hành, thực tập cho sinh viên, giúp sinh viên có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với các công nghệ sản xuất tiên tiến của nước ngoài, làm quen với những quy định làm việc của công ty… Nhiều doanh nghiệp, công ty nước ngoài ở Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, … liên hệ với nhà trường cấp học bổng toàn phần hoặc bán phần cho sinh viên đang đào tạo tại Trường và cam kết sinh viên sau khi tốt nghiệp về làm việc cho công ty.
Tuy nhiên, việc liên kết giữa Trường đại học Thủ Dầu Một với các doanh nghiệp vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần khắc phục trong thời gian tới:
- Việc tổ chức lấy ý kiến chuyên gia và của người sử dụng lao động tuy có được thực hiện, nhưng phạm vi chưa rộng, chưa sâu nên nội dung chương trình đào tạo chưa thật sự sát với nhu cầu của người sử dụng lao động.
- Việc thu thập thông tin về nhu cầu đào tạo, chất lượng đào tạo, phạm vi nắm bắt thông tin còn hẹp, chưa đầy đủ và kịp thời; việc biên soạn giáo trình, tài liệu chưa có sự tham gia ý kiến đóng góp của các chuyên gia, người sử dụng lao động và các doanh nghiệp.
Do chưa có cơ chế cả về trách nhiệm và quyền lợi nên sự gắn kết giữa trường đại học Thủ Dầu Một và doanh nghiệp chưa được thường xuyên, chặt chẽ nhất là sự liên kết trong việc xác định nhu cầu đào tạo, hỗ trợ đào tạo và thực tập, tham quan thực tế nên chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu rèn kỹ năng nghề cho sinh viên. Việc nắm bắt về tình hình việc làm của sinh viên khi ra trường chưa đầy đủ, độ tin cậy chưa cao và khó thực hiện. Chính vì vậy nhà trường vẫn chủ yếu đào tạo theo khả năng “cung” của mình chứ chưa thật sự đào tạo theo “cầu” của xã hội.
3. Các giải pháp tăng cường sự liên kết giữa Trường đại học Thủ Dầu Một với doanh nghiệp để thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội
Nhà trường phải chủ động tìm hiểu thị trường lao động tại địa phương và khu vực, nắm bắt định hướng phát triển kinh tế xã hội ở địa phương để xác định ngành nghề đào tạo, xây dựng chương trình, nội dung đào tạo cho phù hợp, tức là thực hiện phương châm “Đào tạo những gì xã hội cần chứ không phải đào tạo những gì mà mình có”.
Phải đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, gắn chặt giữa Nhà trường với nhà tuyển dụng và doanh nghiệp từ việc xây dựng chương trình, nội dung đào tạo, tham gia đào tạo, hướng dẫn thực hành, thực tập đến việc hỗ trợ cơ sở thực hành, thực tập thông qua các hợp đồng.
Nhà trường không ngừng tăng cường nguồn lực đảm bảo các điều kiện cho việc nâng cao chất lượng đào tạo, gắn chặt giữa học đi đôi hành, giữa rèn luyện kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp với kỹ năng sống cho học sinh đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động và cuộc sống hiện đại.
Cần có trung tâm dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực có sự phối hợp với các ngành ở địa phương và tham gia của các trường và doanh nghiệp để đảm bảo gắn chặt giữa đào tạo với sử dụng.
Cần có cơ chế, chính sách để thúc đẩy sự phối, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp và quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin về nhu cầu lao động và hỗ trợ trong quá trình đào tạo.
Hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong quá trình đào tạo là mối quan hệ có lợi cho cả hai bên. Nhà trường từng bước tiếp cận với doanh nghiệp và xây dựng một kế hoạch hợp tác toàn diện cả trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Về phía doanh nghiệp, việc cùng tham gia đào tạo với nhà trường giúp doanh nghiệp có được nguồn nhân lực đúng theo yêu cầu của mình mà không mất thời gian, chi phí đào tạo bổ sung hay đào tạo lại. Hiệu quả của mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp đã được các doanh nghiệp thừa nhận và đánh giá cao.
Bên cạnh đó, để trường đại học và doanh nghiệp liên kết một cách có hiệu quả, cần phải có hệ thống chính sách, giải pháp đồng bộ:
* Nhóm giải pháp từ phía trường đại học:
Thứ nhất, nâng cao năng lực đào tạo thông qua bồi dưỡng trình độ của đội ngũ giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất thiết yếu; cập nhật, đổi mới chương trình nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục.
Thứ hai, thiết lập bộ phận chuyên trách về liên kết, hợp tác với doanh nghiệp. Phát huy vai trò cầu nối của các tổ chức và cá nhân để ký kết thỏa thuận hợp tác hoặc mua cổ phiếu để trở thành cổ đông của những doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính xác với các ngành đào tạo của mình (theo hình thức riêng lẻ từng trường hoặc liên kết nhóm trường đại học cùng ngành đào tạo). Việc trở thành cổ đông (đặc biệt là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược) của doanh nghiệp là điều kiện quan trọng để hai bên gắn kết quyền lợi và trách nhiệm. Cũng từ cách thức liên kết này, nhà trường có thể thâm nhập sâu vào toàn bộ quy trình hoạt động của doanh nghiệp nói chung, nhu cầu về nhân lực nói riêng, mặt khác cơ sở đào tạo đại học có điều kiện nâng cao năng lực và hiệu quả đầu tư tài chính trước xu thế “Tự chủ đại học”- dự kiến bắt đầu từ năm 2020.
Thứ ba, thường xuyên cung cấp thông tin về chương trình, giáo trình, nội dung, phương pháp giảng dạy cũng như đề xuất những nhu cầu thiết yếu khác tới phía doanh nghiệp. Định kỳ tiếp xúc tìm để hiểu nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp, qua đó góp phần xây dựng chuẩn đầu ra cho quá trình đào tạo.
Thứ tư, thiết lập cơ chế thỏa đáng nhằm khuyến khích các tập thể và cá nhân trên danh nghĩa cơ sở đào tạo đại học ký kết hợp tác chiến lược toàn diện với doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sinh viên trong quá trình thực tập, thực hành, định hướng nghề nghiệp cũng như cung cấp trang thiết bị cho nhà trường...
Thứ năm, trường đại học cần mở ra các điều kiện để đội ngũ doanh nhân trực tiếp tham gia giảng dạy những nội dung cần thiết có thiên hướng thực hành trong chương trình đào tạo.
* Nhóm giải pháp từ phía doanh nghiệp:
Thứ nhất, cần nhận thức đầy đủ hơn về ích lợi cũng như xu thế tất yếu của mối liên kết doanh nghiệp - trường đại học, từ đó hoạch định chiến lược nhân sự trong tương lai.
Thứ hai, để hạn chế, khắc phục tình trạng đào tạo lại sau khi tuyển dụng, doanh nghiệp cũng cần thiết lập bộ phận chuyên trách phản biện để góp phần xây dựng, điều chỉnh chương trình đào tạo cho trường đại học hướng theo nhu cầu sử dụng lao động từ phía doanh nghiệp.
Thứ ba, có chiến lược nuôi dưỡng, ươm mầm tài năng tại các trường đại học bằng các hình thức cung cấp học bổng, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, tuyển dụng trước và sau tốt nghiệp; đặt hàng cơ sở đào tạo những đề tài, vấn đề khó mà doanh nghiệp đang có nhu cầu...
Thứ tư, chủ động phối hợp với trường đại học trong việc biên soạn giáo trình, nội dung và phương pháp giảng dạy, bảo vệ đồ án, luận văn tốt nghiệp... để chương trình đào tạo “ăn khớp” với nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Chủ trương đưa các doanh nhân vào hội đồng trường đại học thời gian gần đây được nhìn nhận là một bước tiến trong chiến lược xã hội hóa giáo dục cũng như đào tạo theo nhu cầu xã hội.
* Nhóm giải pháp từ phía các cơ quan chức năng:
Thứ nhất, thường xuyên thống kê cung - cầu nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao để điều tiết lĩnh vực giáo dục - đào tạo cho phù hợp. Hoàn thiện cơ chế hoạt động của các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trên tinh thần cạnh tranh, độc lập tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Thứ hai, thiết lập nhiều kênh kết nối trường đại học với doanh nghiệp. Cơ quan quản lý có thể đứng ra tổ chức các sân chơi, các diễn đàn để nhà trường và doanh nghiệp gặp nhau, như sàn giao dịch công nghệ, gặp gỡ nhà trường - doanh nghiệp. Tổ chức để nhà trường và doanh nghiệp rút kinh nghiệm sau mỗi giai đoạn hợp tác để nâng cao hiệu quả liên kết trong tương lai.
Thứ ba, thay đổi cơ chế quản lý để nhà trường và doanh nghiệp có quyền tự chủ nhiều hơn. Khi đó, nhà trường sẽ được tự quyết định chương trình đào tạo của mình để kịp thời bắt nhịp với nhu cầu của xã hội và của nhà tuyển dụng; còn nhà tuyển dụng sẽ được tự do lựa chọn tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng. Hai bên sẽ hợp tác với nhau vì lợi ích sống còn của mình. Nhà nước sẽ đóng vai trò là “trọng tài” giải quyết những bất đồng, xung đột lợi ích giữa hai bên liên kết.
Thứ tư, có cơ chế hỗ trợ nhà trường và doanh nghiệp thành lập các quỹ đầu tư phát triển chung để gia tăng sự ràng buộc, nâng cao tính năng động cũng như trách nhiệm của các chủ thể liên kết.
4. Kết luận
Mối liên kết giữa Trường đại học Thủ Dầu Một với doanh nghiệp là một tất yếu khách quan, nhất là trong bối cảnh Việt Nam ngày càng phát triển và hội nhập sâu rộng trong khu vực và trên thế giới thì mối gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp là rất quan trọng xuất phát từ yêu cầu khách quan của quy luật kinh tế, quy luật cung cầu, đảm bảo hài hòa lợi ích từ ba bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp. Có thể khẳng định rằng mối gắn kết bền vững giữa nhà trường và doanh nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo và nâng cao chất lượng sản phẩm đào tạo của nhà trường, đồng thời là nguồn nhân lực chất lượng đầu vào của doanh nghiệp. Vì vậy, xây dựng và củng cố mối gắn kết bền vững giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc phát triển nguồn nhân lực là yêu cầu cấp bách, là nhiệm vụ bắt buộc và là đòi hỏi của xã hội. Nhà trường và doanh nghiệp cần phải có những giải pháp đồng bộ và tối ưu nhằm xây dựng và phát triển mối gắn kết bền vững này.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Văn Hiệp, (2014). Đổi mới công tác đào tạo ở Trường Đại học Thủ Dầu Một - Mấy nhận thức và giải pháp thực tiễn, Tạp chí Đại học Thủ Dầu Một, số 3 (16)-2014.
2. Trường Đại học Thủ Dầu Một, Chiến lược phát triển trường Đại học Thủ Dầu Một, ban hành kèm theo quyết định 248/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Dương, 29/01/2013.
3. Trường Đại học Thủ Dầu Một, Báo cáo về việc thực hiện công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm hỗ trợ sinh viên trong quan hệ với doanh nghiệp và khởi nghiệp, tháng 7/2016.