Đô thị thông minh Bình Dương với kinh tế sáng tạo trong liên kết vùng thành phố Hồ Chí Minh
PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục - Viện Nghiên cứu định cư
Việt Nam đang chuyển đổi mô hình kinh tế từ phụ thuộc vào tài nguyên và sức lao động để dần hướng đến các mô hình kinh tế thông minh hơn, với giá trị gia tăng cao hơn nhờ đổi mới và sáng tạo dựa trên nền tảng của Chiến lược phát triển đô thị thông minh và cộng đồng thông minh. Khó mà đảo ngược khi nó là quy luật vận động đúng đắn của kinh tế thị trường thời hậu công nghiệp. Việt Nam cũng là một nước đông dân (Năm 2030 lên đến 130 triệu dân) và đang ở thời kỳ dân số vàng nên nhu cầu được đào tạo nghề, chuyên môn tăng đột biến (Đặc biệt cho công nghệ và đô thị). Các đô thị thông minh đang được kỳ vọng là tương lai của Việt Nam, nơi tạo được động lực kinh tế cho đô thị, tạo sức hút dân cư đến sinh sống, việc làm, tiện nghi và thịnh vượng. Những tiền đề đó cho thấy Việt Nam cần một cái nhìn sâu và xa hơn nữa để lựa chọn sự phát triển và tăng trưởng có tính đến đặc thù của các vùng lãnh thổ đô thị như vùng Tp. Hồ Chí Minh và phải bám sát nhu cầu của nền kinh tế trong tương lai. Đặc biệt, Bình Dương đang có những tiền đề tốt cho phát triển đào tạo cho công nghiệp có tỷ trọng giá trị gia tăng cao và lực lượng lao động bậc cao, tương xứng với phát triển đô thị thông minh với liên kết Vùng TP HCM. Có cái nhìn xa và đúng, Bình Dương sẽ bắt kịp với các mô hình đô thị thông minh mà nền là kinh tế trí thức trong tương quan phát triển hiện nay với khu vực Đông Nam Á.
Ba mươi năm trở lại đây, khi đô thị chịu sự biến đổi sâu sắc của “kỷ nguyên liên kết đô thị” (conutbations) trong trào lưu quốc tế hoá và hội nhập, thì các biểu hiện của đô thị cũng khác xa với những quan niệm trước đó, nhất là khi khái niệm vùng đô thị xuất hiện.
Vùng đô thị (metropolitan region hay metropolis)
Là điểm tập trung dân cư của một siêu đô thị (metropolis) và các vùng ảnh hưởng của nó hoặc là hợp của nhiều thành phố gần nhau cộng với vùng ảnh hưởng của chúng.Trong đó, một hay vài thành phố lớn nhất sẽ giữ vai trò trung tâm. Các vùng ảnh hưởng của vùng đô thị không nhất thiết phải là đô thị, nhưng bị chi phối mạnh bởi việc làm và thương mại(có thể là vùng nông thôn phi nông nghiệp). Thành phố trung tâm là một dạng đô thị đa tâm, cấu trúc của nó không nhất thiết phải có tính liên tục. Miễn là những trung tâm đô thị đủ sức để trở thành hạt nhân cho dân số của nó. Nếu nhiều đô thị được đặt kế tiếp nhau, đôi khi sẽ hình thành tổ hợp siêu đô thị (megalopolis hay metroplex). Khái niệm này lần đầu được đưa ra bởi Jean Gottmann, nhà địa lý học pháp, trong cuốn “Megalopolis: The Urbanized Northeastern Seaboard of the United States” (New York: The Twentieth Century Fund, 1961).
Jean Gottmann (1915 - 1994) miêu tả vùng đô thị chạy dài suốt 500 dặm đông bắc Mỹ từ Botson xuống Washington bằng từ megalopolis. Theo quan niệm của ông, đó là một vùng đô thị chức năng siêu lớn cung cấp những dịch vụ thiết yếu cho toàn bộ nước Mỹ, có thể ví nó như con phố chính của quốc gia. Đó là trung tâm hành chính, ngân hàng, thông tin đại chúng, giáo dục và cả nhập cư. Gottmann lý luận sự lưu giữ các không gian nông nghiệp trong chuỗi đô thị không ảnh hưởng lớn tới tính liên tục của nó, yếu tố chủ chốt là các liên kết giao thông, liên lạc, việc làm, kinh tế. Ông ta khá lạc quan về số phận của megalopolis, cho rằng: “Chúng ta phải từ bỏ cái ý tưởng rằng thành phố là một nơi cư trú và tổ chức chặt chẽ trong đó con người, hoạt động, sự giàu có tập trung vào một khu vực nhỏ tách biệt rõ ràng khỏi vùng không đô thị. Mọi đô thị trong vùng này đều trải rộng rất xa khỏi hạt nhân của chúng, chúng nuôi lớn trong mình một chất keo bằng cảnh quan nông nghiệp và ngoại ô. Chất keo này sẽ làm tan chảy và hòa nhập những cấu trúc đô thị khác nhau”.
Sau này khái niệm vùng đô thị được mở rộng như trong định nghĩa của từ điển địa lý Oxford là: “Bất kỳ tổ hợp nhiều đô thị, đa trung tâm nào có hơn 10 triệu dân, thường bị chiếm ưu thế bởi lối cư trú mật độ cao và những mạng lưới phức hợp của các hoạt động kinh tế” nhằm viễn cảnh hoá cho lối cư trú này trong tương lai. Có thể phân biệt khái niệm thành phố vùng với vùng đô thị bằng cơ chế quản lý rằng, các thành phố vùng có thị trưởng riêng của mình, nhưng toàn vùng đô thị chỉ có một thị trưởng.
Trong cuốn “Thành phố của tương lai - lịch sử trí tuệ của quy hoạch và thiết kế đô thị” (Peter Hall - 2002) có một số kịch bản về mở rộng đô thị và các mô hình lý thuyết, các kiểm chứng thực tế qua hơn 1 thế kỷ theo quan niệm phương Tây. Tất cả những mô hình liên quan đến phát triển thành phố vùng, vùng đô thị đều được phân tích khách quan từ thành công, thất bại của nó.
Việc mở rộng vùng đô thị Hà Nội và TP. HCM có lẽ cũng không nằm ngoài các kịch bản chung của thế giới đô thị. Nhưng nếu không dự báo kiểm soát được tính liên kết và chia sẻ nguồn lực hợp lý trong mô hình phát triển, thì sự mở rộng sẽ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hỗn độn, manh mún của các hoạt động đô thị.
Liên kết vùng với công cụ của Quy hoạch tích hợp và hệ thống dữ liệu thông tin địa lý
- Quy hoạch tích hợp
Sự phát triển thông thường bao giờ cũng gồm có các bước: Thứ nhất là xác định chiến lược phát triển bền vững; thứ hai là xây dựng quy hoạch như một kịch bản phát triển bền vững với yêu cầu tích hợp kịch bản của tất cả các ngành, các lĩnh vực, các địa phương trên cơ sở phân tích chi phí - lợi ích chung của toàn vùng; thứ ba là xây dựng và vận hành hệ thống giám sát và đánh giá cho quá trình thực hiện quy hoạch để điều chỉnh quy hoạch (GS. Đặng Hùng Võ).
Khi xây dựng Chiến lược phát triển bền vững cho một hay nhiều vùng lãnh thổ, cần sử dụng công cụ quy hoạch tích hợp. Thí dụ như vùng đô thị chẳng hạn, thế giới hiện nay đều phải dựa trên sự phân bổ không gian của lãnh thổ với phân tích các lớp thông tin đầy đủ, chính xác, cập nhật thường xuyên. Từ phân tích thông tin trên không gian: Phân tích chi phí - lợi ích cả về kinh tế, xã hội, môi trường và văn hóa và sự phân bổ nguồn lực chung, có thể đưa ra chiến lược và kịch bản phát triển bền vững cho Vùng đô thị. Sau đó là các lời giải có thể dẫn tới sự lựa chọn đúng đắn để giúp ra quyết định.
- Hệ thống dữ liệu thông tin địa lý
Như vậy, cả bước xác định chiến lược và quy hoạch tích hợp phụ thuộc chủ yếu vào trình độ áp dụng công nghệ phân tích thông tin địa lý (GIS - Geographic Information System). Sự trợ giúp của hệ thống thông tin một mặt cho những kết quả tin cậy, nhưng mặt khác quan trọng hơn là bảo đảm tính khách quan, không vì lợi ích cục bộ của ngành nào, địa phương nào hay nhóm lợi ích cục bộ nào. Quá trình phát triển công nghệ thông tin phục vụ quản lý phát triển lãnh thổ đi từ sử dụng bản đồ (Công nghệ 2.0), Hệ thống thông tin địa lý (Công nghệ 3.0) và Hệ thống thông tin không gian địa lý cho Thực tế ảo (Công nghệ 4.0). Xây dựng được nền tảng thông tin không gian địa lý là mức cao nhất để vượt lên trong liên kết vùng đô thị bởi lợi thế cạnh tranh và sự tiến bộ về điều hành, phân bổ nguồn lực, chống chịu rủi ro.
- Xây dựng một hệ thống các chỉ số để đánh giá về phát triển: Các Bộ chỉ số về phát triển đô thị, liên kết vùng phải được đánh giá thường xuyên bằng các tiêu chí về kinh tế, công bằng xã hội, bền vững môi trường và phát triển con người, văn hóa. Ví dụ, về phát triển kinh tế, một số chỉ số thường sử dụng như: (1) mức độ đóng góp làm tăng GDP; (2) mức độ đóng góp nguồn thu cho ngân sách nhà nước; (3) hiệu quả kinh tế mang lại trên 1 đơn vị đô thị... Hệ thống các chỉ số nói trên được tính cho liên kết vùng theo tiềm năng và độ bền vững dưới tác động của đô thị hóa và mức độ giá trị gia tăng của nền kinh tế.
Đô thị thông minh Bình Dương cần chủ động liên kết vùng TP. HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050
- Bộ Xây dựng đang gấp rút xây dựng Luật Đô thị và khẳng định vị thế của vùng đô thị: Bộ luật này nhằm thúc đẩy đầu tư phát triển và tăng cường quản lý phát triển hệ thống đô thị, vùng đô thị theo định hướng, quy hoạch tổng thể, chiến lược, chương trình phát triển.
Các chức năng chính của Bộ luật này gồm:
1. Phát triển đô thị và vùng đô thị theo định hướng và chiến lược;
2. Phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ và liên kết vùng;
3. Quản lý đầu tư phát triển đô thị và liên kết vùng theo quy hoạch và kế hoạch;
4. Phát triển đô thị có hiệu quả và có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu;
5. Đa dạng hóa và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển đô thị;
6. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển đô thị.
- Vùng TP. HCM và liên kết vùng đô thị:
Hình 1. Vùng TP.HCM bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính Tp.HCM và 7 tỉnh xung quanh gồm Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh
Theo Quy hoạch này, mô hình Vùng TP.HCM phát triển tập trung-đa cực, bảo đảm sự cân bằng và thích ứng với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Vùng TP.HCM được phân làm 4 tiểu vùng và các trục hành lang kinh tế trọng điểm với những định hướng phát triển không gian phù hợp với các yếu tố đặc thù của điều kiện tự nhiên; điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật; trình độ phát triển kinh tế.
- Tiểu vùng đô thị trung tâm bao gồm: TP.HCM và vùng phụ cận với các huyện, thành phố, thị xã: Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức (Long An); Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Bến Cát, Tân Uyên (Bình Dương); Biên Hòa, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành và một phần huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai). Tổng diện tích Tiểu vùng đô thị trung tâm khoảng 5.163,92 km2, dân số dự báo đến năm 2030 khoảng 15.700.000 người, tỉ lệ đô thị hóa năm 2030 khoảng 85-90%. Trong đó:
TP.HCM là đô thị hạt nhân trung tâm của vùng;
TP. Bình Dương là đô thị động lực phía Bắc;
TP. Biên Hòa-Long Thành-Nhơn Trạch là vùng đô thị động lực phía Đông.
Đô thị Củ Chi-Hậu Nghĩa-Đức Hòa là các đô thị động lực vùng phía Tây Bắc.
Bến Lức-Cần Giuộc-Hiệp Phước là các đô thị sinh thái phía Tây Nam.
- Vị thế trung tâm vùng của Bình Dương:
Bình Dương nằm sát thành phố “Mẹ” - TP. HCM, nơi rất khó tạo ra các đô thị vượt trội như dạng đô thị thông minh mà Bình Dương đã công bố năm 2015 do thiếu quỹ đất và chịu sự chia cắt các chức năng đô thị tích lũy trong quá khứ. Nhưng TP. HCM lại là nơi có nguồn cung nhân lực bậc cao dồi dào cho các tỉnh lân cận. Bình Dương đang sở hữu hạ tầng kỹ thuật và xã hội tốt nhất trong các tỉnh liền kề TP. HCM do nhiều năm nằm ở tốp đầu những tỉnh có công nghiệp hóa thành công. Việc phát triển kinh tế trí thức đi đôi với phát triển công nghệ là xu hướng không thể đảo ngược ở Bình Dương.
Không phải nghi ngờ về lợi thế cạnh tranh phát triển Vùng đô thị tại Bình Dương, khi Chính phủ chọn vị trí xây dựng ĐH Quốc gia TP. HCM mới lại nằm trên đất Bình Dương (trên diện tích rộng 643,7 hecta) theo mô hình một đô thị khoa học hiện đại.Như vậy, mối quan hệ lân cận với TP.HCM mạnh nhất của Bình Dương trong tương lai chính là phát triển tiếp nền kinh tế tri thức đang dần được xúc tiến mạnh tại đây thông qua Chiến lược phát triển đô thị thông minh. Nếu coi đây là động lực chính trong liên kết Vùng đô thị bền vững thì mới có thể nói đến tầm nhìn dài hạn cho Bình Dương đến cả 50 và trăm năm sau. Xây dựng chiến lược phát triển Bình Dương trong tương quan Vùng đô thị từ bây giờ, Bình Dương có thể trở thành trung tâm kinh tế trí thức của cả Nam, Trung bộ, là nơi đào tạo cán bộ chuyên gia, những người có đủ năng lực đưa đất nước hội nhập, vì điều kiện cơ bản nhất để hội nhập là phải lấp khoảng cách chênh lệch về tri thức mà hiện nay chúng ta quá thấp so với thế giới. Nếu chúng ta không đào tạo được nguồn nhân lực cao, đừng nói đến phát triển. Chúng ta buộc phải sản xuất ra tri thức để có thể trao đổi và hội nhập.
Phải khẳng định: Đô thị thông minh mà nền tảng là các trường đại học là động lực tăng trưởng kinh tế tri thức:
Đây là xu hướng tất yếu trong sự thay đổi của các Trường đại học để trở thành các Đô thị đại học, có tính cạnh tranh cao trong thời kỳ hậu công nghiệp và kinh tế tri thức. Kinh tế tri thức là một lĩnh vực kinh tế mới bắt đầu từ cuối thế kỷ 20, là công cụ mang lại khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, song hành với sự phát triển của công nghệ thông tin, nó ngày một phát triển, và bắt đầu san phẳng lãnh thổ thông qua các hiện tượng: Chảy máu chất xám, chuyển giao công nghệ, ủy quyền phát triển tri thức, … Do đó, một chiến lược thu hút đầu tư đối với lĩnh vực kinh tế này phải được đặt ra đối với mỗi vùng lãnh thổ, mà Bình Dương không thể bỏ qua: “Kinh tế tri thức là một thay đổi về chiều sâu của kinh tế công nghiệp có tác động đến toàn bộ các công ty” (theo SKEMA).
Sự xâm chiếm của công nghiệp và công nghệ cao thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của sản xuất hàng hoá. Điều này nhanh chóng làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thô của mỗi quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển, nơi đặt các công xưởng sản xuất. Chính vì vậy, kinh tế tri thức sau công nghiệp dường như thành lĩnh vực hoạt động quyết định sự phát triển của mỗi khu vực. Đối với các kinh tế thông thường được xác định bởi tích số của người tiêu dùng và giá trị thặng dư, còn lĩnh vực kinh tế tri thức lại trực tiếp xem người sử dụng như là tài sản cốt lõi của kinh tế. Nguyên nhân nằm ở sự khác nhau của sự sử dụng, khi sử dụng không làm phá hủy tri thức. Thậm chí, “nó còn được làm giàu lên và tăng chất lượng khi số lượng kĩ sư, nhà khoa học hoặc các nhà thực nghiệm học cách sử dụng tri thức”
Trước đây, các quốc gia kém phát triển có thể nhanh chóng học tập công nghệ và có được cơ sở vật chất từ các nước phát triển khi đầu tư. Nhưng hiện nay tình hình đã đổi khác, nếu không thay đổi để phù hợp với kinh tế tri thức, các quốc gia đang phát triển như Việt Nam không còn đủ điều kiện để tham gia sân chơi mới một cách chủ động. Một lần nữa chậm chân, Việt Nam có thể tiếp tục trở thành các thuộc địa kiểu mới trên tri thức. Bởi khác với trước đây, văn minh - văn hóa nông nghiệp phải mất cần cả trăm, ngàn năm để phổ cập rộng khắp thế giới, thì văn minh - văn hóa công nghiệp chỉ mất vài trăm năm, còn văn minh - văn hóa công nghệ, thông tin chỉ mất vài chục năm. Tốc độ giao thoa và sức lan tỏa toàn cầu ngày một nhanh hơn, đó là điều rõ ràng (Hình 2)
Hình 2. Sự thay đổi Tháp kỹ năng tại Châu Âu hiện nay cần đầu tư trước hết cho đào tạo
- Cần xây dựng hệ thống quản lý của nền kinh tế tri thức trong đô thị thông minh Bình Dương:
Thị trường tri thức được hình thành dựa trên các mối quan hệ giữa khoa học - công nghệ - sản xuất. Trong phát triển đô thị, nỗ lực liên kết nhiều loại hình hoạt động đang là xu thế tạo thị trường mạnh mẽ, được tạo dựng thông qua một không gian hấp dẫn và tăng cường tương tác để nhanh chóng đưa ra sự tiến bộ hơn của đô thị. Con người trở thành tài nguyên chính được sử dụng để tính toán trong phát triển kinh tế tri thức. Trong quá trình đó, Công nghệ thông tin và truyền thông (TIC) cho phép con người có được khả năng tìm kiếm nhanh chóng và lan tỏa mạnh mẽ. TIC như là một cánh cổng để đi vào một thị trường lớn, nơi cho phép mở rộng giới hạn của bản thân tri thức khi thâm nhập vào đó. Có nghĩa đây là một phương tiện để gia nhập với cộng đồng chung chứ không đơn thuần chỉ để liên lạc hay tìm kiếm.
Ngày nay, chi phí để chia sẻ thông tin gần như là miễn phí do lợi nhuận thu về rất lớn từ tri thức và sự đổi mới liên tục sau sự chia sẻ thông tin. Rõ ràng thông tin là một món hàng quý giá trong thời đại hiện nay. Tuy nhiên, “Thông tin chỉ là tập hợp những dữ liệu, một vài định dạng những trơ lì và bị động, không thể tự đối chiếu với một khả năng của hoạt động mà nó bao gồm” ” (Foray, 2009). Cấu trúc của lĩnh vực kinh tế tri thức thể hiện rõ tầm quan trọng của yếu tố môi trường bao chứa nó, cần quy mô kết nối lớn hơn (như dạng đô thị đại học) để kết nối với các công ty, hệ thống nghiên cứu và đào tạo, hay từ nguồn nhân lực nước ngoài. Cấu trúc đô thị đại học là nơi kết nối với con người, tối đa hoá khả năng tiếp cận thông tin, rồi làm nâng cao giá trị của tri thức dựa trên các phân tầng khác nhau. Và vấn đề đặt ra là phải xây dựng một hệ quản lý kinh tế tri thức như một mô hình sinh thái gồm các yếu tố thúc đẩy nền tảng tư duy và sản phẩm trí thức (Hình 3).
Đô thị thông minh Bình Dương - động lực liên kết vùng và là hạt nhân của thị trường tri thức – Mô hình nào cho Bình Dương:
- Tầm nhìn kinh tế-xã hội từ góc nhìn của đô thị thông minh - kinh tế giá trị gia tăng cao:
Năm 2008, lần đầu tiên trong lịch sử có tới hơn một nửa dân số thế giới, nghĩa là khoảng 3,3 tỷ người, cư trú tại các khu vực đô thị và các khu sản xuất, dịch vụ. Con số sẽ tăng lên gần 5 tỷ người vào năm 2030 (UnN-Habitat, 2008). Hơn 90% tăng trưởng đô thị diễn ra ở các nước đang phát triển như Việt Nam và tới năm 2030-2050, châu Á sẽ chiếm tới 63% dân số đô thị toàn cầu.
Sự tăng trưởng dân số đô thị và công nghiệp trên toàn thế giới đi kèm với sự gia tăng về số lượng và quy mô của các đô thị. Vấn dề đặt ra là nên phát triển mô hình đô thị nào và đô thị nào có khả năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế? Mô hình đô thị tri thức là lời giải khá rõ về đô thị hóa thành công ở các nước phát triển.
Thời kỳ hậu công nghiệp, dân cư đô thị liệu có khả năng cạnh tranh với các cỗ máy giá rẻ hiệu năng cao mà rủi ro thấp đặc thù dành cho sản xuất? Đối với các nhà doanh nghiệp, và các đối tác nước ngoài, họ có xu hướng xây dựng các cơ sở mới thay vì tái cơ cấu hay nhóm các cơ sở cũ trong hệ thống. Có nghĩa họ bỏ qua giải pháp đào tạo yếu tố con người mà sử dụng công nghệ nước ngoài nhằm nhanh chóng bắt kịp với “tiêu chuẩn” quốc tế. Nó chỉ ra sự lạc hậu hiện nay của khoa học và công nghệ, cái mà có nguồn gốc từ hạ tầng giáo dục. Tuy nhiên, chính cái khoảng cách so với “tiêu chuẩn” đó lại là tiềm năng phát triển lớn trong thế giới tri thức.
Mô hình đô thị thông minh hơn trên thế giới là gì? Đó là một “thành phố tri thức” tọa lạc trên một diện tích rộng lớn, có thể có một trường đại học đa ngành là trung tâm hoặc quy tụ nhiều trường, viện nghiên cứu - là những bộ phần cấu thành một thành phố thông minh. Đó là một không gian hoàn chỉnh đa chức năng bao gồm không gian học thuật, nghiên cứu - phát triển; không gian dịch vụ và không gian văn hóa - thể thao - nghệ thuật. Giữa các trường đại học không tồn tại quan niệm đất của trường này hay trường kia, không có ranh giới cứng tường xây, hàng rào kín cổng cao tường, mà là không gian mở. Đặc biệt trong đó có đô thị đại học, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật như đường sá, xe buýt nội bộ, cấp thoát nước, hệ thống điện, xử lý rác thải, vệ sinh môi trường liên thông với nhau.
Tương tự, hệ thống dịch vụ như khu ở, thương mại, nhà hát, câu lạc bộ, siêu thị, bệnh viện, sân thể thao, hệ thống phục vụ đào tạo như phòng thí nghiệm, thư viện, hội trường… cũng như không gian công cộng như công viên, rừng sinh thái, khu vui chơi giải trí là của chung, không có chuyện phân biệt “công dân” này hay tầng lớp nọ được sử dụng. Với cách tổ chức như thế, rõ ràng Nhà nước có thể đầu tư tập trung lớn và khai thác hiệu quả cao, đồng thời cũng hấp dẫn các nhà đầu tư tư nhân bỏ vốn vào theo chủ trương xã hội hóa. Tuy nhiên, vai trò của Nhà nước là chủ đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng kĩ thuật và vật chất cơ bản, còn kêu gọi đầu tư tư nhân vào các loại dịch vụ. Một khi liên thông đô thị và vùng đô thị với nhau thì đương nhiên nhà đầu tư có thể yên tâm đổ tiền vào các dịch vụ chất lượng cao có khả năng sinh lời nhiều hơn trong cạnh tranh Vùng TP. HCM, càng đặc biệt khi Bình Dương có được “nồi cơm” của kinh tế tri thức, bền vững, lan tỏa ra các vùng lân cận, và ra quốc tế.
Chiến lược phát triển đô thị Việt Nam hiện nay là những áp lực về dân số và đất đai nặng nề, không hề có một cộng đồng nào là chủ thể trong quy hoạch phát triển các đô thị, nó dẫn đến một hình ảnh trải dài đô thị mà không có cấu trúc phát triển.
Bình Dương nên nhanh chóng nắm bắt cơ hội ở chính những bất cập này để phát triển mô hình trường đại học - doanh nghiệp, các trường đại học- đô thị đại học tiên phong, để trở thành trung tâm trong lĩnh vực kinh tế mới. Khi đó, đô thị tri thức tại đây có vai trò dẫn hướng phát triển chung. Nó cần được đầu tư thích đáng bằng chính sách đầu tư công dài hạn về khung hạ tầng và xã hội hóa các đơn vị thành phần. Nó không thể được xây dựng chỉ bởi một trường đại học lớn, hay bằng các chính sách phát triển mang nặng tính chính trị. Đây là bài toán mà tất cả người dân tham gia, các tổ chức liên quan, và nhất là các nhà trí thức, họ là các nhân tố cùng tham gia xây dựng cấu trúc chung của đô thị. Một thị trường tri thức tiềm năng là sự tổng hoà của các yếu tố kinh tế, xã hội, chính trị và thậm chí là cả lịch sử, văn hoá sống. Trong đó thì kinh tế đại học đóng vai trò trung tâm, là địa điểm xoay vòng tái sản xuất tri thức, tạo điều kiện để tri thức hoạt động và phân phối như là tổng kho cung ứng lớn. Các phòng nghiên cứu và thực nghiệm đóng vai trò chủ chốt trong bản đồ định hướng lãnh thổ mới. Có thể nói, Đại học thế kỷ 21 được tổ chức xung quanh các hoạt động của kinh tế tri thức và không chỉ nằm trong một lãnh thổ chuyên biệt nào.
Lựa chọn ba mô hình phát triển Vùng đô thị cho tương lai Bình Dương:
- Là trung tâm hạt nhân của Vùng đô thị,
- Là mô hình liên kết bền vững trong Vùng đô thị,
- Là mô hình ngoại vi có tương tác mạnh với Vùng đô thị.
Haggett và Chorley là những lý thuyết gia về xây dựng mô hình quan hệ giữa các đơn vị đô thị về không gian, đặc biệt dựa trên cấu trúc kết nối về giao thông và hệ thống thoát nước thải. Đến cuối thế kỷ 20, Wassermann và Fraust đã bổ sung vào hệ thống lý thuyết này các mối quan hệ xã hội và chức năng giữa các đơn vị đô thị và diễn giải chúng dưới dạng sơ đồ cấu trúc. Sau đó, O’Sullivan (2001) đã tìm cách định lượng hóa cấu trúc quan hệ giữa các đơn vị đô thị bằng phương pháp đo lường và diễn giải toán học. Theo đó, 3 nhóm chính của cấu trúc quan hệ đô thị, trong đó sử dụng thành công cho liên kết Vùng đô thị, bao gồm: cấu trúc trung tâm, cấu trúc liên kết nhóm, và cấu trúc tương đồng.
Hình 4. Ví dụ về xác định mức độ cân bằng bền vững(a) - nội lực của đơn vị đô thị có các tiềm năng mạnh hơn (b và c) như dạng đô thị đại học
Dựa trên hệ thống lý thuyết đó và các nghiên cứu thực nghiệm cho đô thị đại học, có thể đề xuất 4 mô hình cơ bản của quan hệ giữa đô thị đại học với thành phố và giữa chúng với nhau như sau:
1- Mô hình đô thị thông minh Bình Dương là trung tâm, tạo lực hút cho các vùng xung quanh nó.
2- Mô hình đô thị thông minh Bình Dương từ liên kết thành nhóm, cụm.
3- Mô hình đô thị thông minh Bình Dương phụ thuộc vào Vùng đô thị (không nên).
4- Mô hình đô thị thông minh Bình Dương là lên kết hỗn hợp
Hình 5. Mô hình đô thị thông minh có cấu trúc trung tâm Vùng đô thị. Cấu trúc này có quan hệ chi phối và hấp dẫn đối với các đô thị khác trong vùng lân cận
Mô hình liên kết cộng sinh thường được hình thành khi xuất hiện cụm đô thị gồm nhiều đô thị đồng đẳng nhau về mặt cấu trúc và quy mô. Chúng có nhu cầu liên kết lại để phát huy tốt hơn nội lực sẵn có, mặc dù có thể không bù đắp được sự thiếu hụt cho nhau. Tuy nhiên khi liên kết, chúng sẽ tạo ra một “vùng lân cận” nội bộ, có khả năng tạo được sức hút, từ đó hấp dẫn được các đơn vị chức năng khác trong vùng lân cận chia sẻ nội lực.
Hình 6. Mô hình đô thị thông minh liên kết cộng sinh để trở thành cực phát triển và hấp dẫn hoạt động kinh tế, đầu tư và dân cư.
Kết Luận
Trong bối cảnh ngày một năng động hơn, không một đô thị nào đứng yên. Nó chờ đợi những tác nhân mới tham gia. Trong trường hợp ở Bình Dương là sự tham gia của nền công nghiệp tri thức trong không gian đô thị. Mà tất cả các thành phần của nó xoay quanh “hubs” tri thức, là các trường đại học, viện nghiên cứu mà từ trước đến nay luôn nằm ở vị trí cô lập trên bản đồ quy hoạch lãnh thổ. Do đó, nó yêu cầu những thay đổi cơ bản từ tầm nhìn, quản trị đến chính sách hoạt động trong các mối quan hệ với các đối tác khác nhau bên trong lãnh thổ cũng như quốc tế.
Cần phải chỉ rõ rằng chính sách “Đổi mới đô thị” không phải là một chính sách chỉ tập trung vào tài chính. Nó còn sự kết hợp giữa các chính sách giáo dục đào tạo, phát triển kinh tế Vùng. Cho dù chúng có được xây dựng dựa trên mô hình đô thị nào, thì người dân vẫn chính là chủ sở hữu hợp pháp. “Kinh tế tri thức có nghĩa rằng “đô thị” được xây dựng bởi sự đồng thuận của chính quyền, doanh nghiệp và các nhà chuyên môn với dân cư. Nó không tự phát triển một mình. Các dân cư trong đô thị phải ở trong thành phố và làm nên thành phố của họ”