Công tác quan trắc môi trường đất
Quan trắc môi trường nói chung và môi trường đất nói riêng là một hoạt động phục vụ công tác quản lý môi trường và phát triển kinh tế xã hội. Để quản lý và sử dụng một cách tối ưu tài nguyên đất đai và bảo vệ môi trường điều trước tiên là cần phải có những thông tin và số liệu về môi trường đất. Chính vì thế công tác quan trắc môi trường đất đã ra đời nhằm đáp ứng những yêu cầu cơ bản này
Giống như các loại quan trắc khác, quan trắc phục vụ cho việc đánh giá chính xác chất lượng môi trường đất gồm rất nhiều bước: Quan trắc và thu thập mẫu ngoài hiện trường, phân tích mẫu trong phòng thí nghiệm, xử lý số liệu, khai thác và sử dụng số liệu… việc quan trắc và lấy mẫu tại hiện trường là công việc vất vả và đòi hỏi tính kiên nhẫn. Bên cạnh đó công việc này cũng phải tuân thủ những kỹ thuật quan trắc theo quy định. Các bước lấy mẫu đều phải được thực hiện một cách tỉ mỉ và cẩn thận. Bởi cứ mỗi hecta đất nếu tính từ độ sâu khoảng 20 - 30 -cm thì có đến khoảng 2 - 3 tấn đất. Từ hiện trường các quan trắc viên chỉ mang về khoảng 1 - 2kg đất và khi phân tích thì chỉ sử dụng chỉ vài gam đất. Cho nên các bước lấy mẫu phải hết sức cẩn trọng để đảm bảo chính xác cho các số liệu về sau, Bà Lê Thị Phú - Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường Bình Dương cho biết.
Bình Dương là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước thực hiện việc quan trắc môi trường đất để phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh. Được triển khai từ năm 2012, việc quan trắc thực hiện ở 14 vị trí với 04 loại đất cơ bản là đất rừng, đất nông nghiệp, đất đô thị và đất công nghiệp. Được hỗ trợ từ dự án môi trường Việt Nam - Canada, nhiều năm qua Bình Dương đã được hỗ trợ nhiều thiết bị quan trọng phục vụ cho công tác quan trắc môi trường nói chung và môi trường đất nói riêng. Những thiết bị này hiện nay vẫn đang phát huy tác dụng. Bên cạnh đó, đội ngũ quan trắc viên cũng đã được tập huấn khá kỹ càng về các nghiệp vụ quan trắc. Vì thế những cán bộ quan trắc hiện trường hầu hết đều thực hiện thành thạo việc quan trắc và thu thập mẫu.
Những mẫu đất sau khi được thu thập từ hiện trường sẽ được bàn giao cho khu vực lưu mẫu để mã hóa. Việc mã hóa và lưu mẫu đều phải tuân theo những qui định cụ thể của tiêu chuẩn IEC17025 mà Trung tâm Quan trắc Tài nguyên môi trường Bình Dương đang áp dụng.
Sau đó các cán bộ quan trắc tại phòng thí nghiệm sẽ tiến hành phân tích các thông số về độ PH trong đất, tỷ trọng, kết cấu đất, khả năng thấm và mức độ thấm nước, các kim loại nặng trong đất… Các thông số này sẽ được ghi chép một cách cẩn thận để chuyển sang bộ phận tổng hợp và xử lý số liệu. Những số liệu này là căn cứ để những nhà quản lý đưa ra các chính sách khai thác tài nguyên đất tại Bình Dương một cách hợp lý và hiệu quả.
Với những bước chuẩn bị mang tính chiến lược của các nhà quản lý môi trường ở Bình Dương, chắc chắn trong thời gian tới mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh sẽ được hoàn thiện. Đặc biệt là công tác quan trắc môi trường đất, một nhiệm vụ khá mới mẽ mà Bình Dương đang tiên phong thực hiện. Những nỗ lực này chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ vào mục tiêu xây dựng Bình Dương trở thành một tỉnh phát triển hiện đại và thân thiện với môi trường trong tương lai…
Huỳnh Thanh - Vũ Duy