Đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ: Chìa khóa hội nhập và phát triển kinh tế
Thành tựu về phát triển kinh tế đã tạo điều kiện thuận lợi và có tác động tích cực đến sự phát triển trên lĩnh vực văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường. Hàng năm, tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 45.000 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%; tỷ lệ cư dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 97,5%; tỷ lệ dân cư đô thị sử dụng nước sạch đạt 98%; tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99,93%.
Trong thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2014, tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng 13%; cơ cấu kinh tế - công nghiệp - dịch vụ nông nghiệp với tỷ trọng tương ứng 60,8% - 26,2% - 3%; thu nhập bình quân đầu người đạt 95,6 triệu đồng. Toàn tỉnh hiện có 29 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 9.425 ha (trong đó 27 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích gần 8.870 ha) và 8 cụm công nghiệp với diện tích gần 600 ha, tỷ lệ lấpp kín diện tích cho thuê của các khu công nghiệp đạt trên 65%, các cụm công nghiệp là 41%. Đặc biệt có những khu công nghiệp tiêu biểu cho cả nước về xây dựng kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, đồng bộ và hiện đại, về tốc độ thu hút đầu tư, quản lý sản xuất và bảo vệ môi trường, như VSIP 1,2... Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 187.531 tỷ đồng, tăng 3,7%; hoạt động thương mại nội địa tương đối ổn định; nguồn hàng hóa trên thị trường phong phú và đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 1,53 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt hơn 17,74 tỷ USD, tăng 17,5%; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 32.000 tỷ đồng; tổng chi ngân sách nhà nước đạt 11.500 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư xây dựng cơ bản đạt 4.500 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 19.638 doanh nghiệp trong nước với tổng số vốn đăng ký là 146.119 tỷ đồng; thu hút tổng số dự án đầu tư nước ngoài là 2.546 dự án với tổng vốn là 21,5 tỷ đô la Mỹ.
Doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ vào sản xuất
Thành tựu về phát triển kinh tế đã tạo điều kiện thuận lợi và có tác động tích cực đến sự phát triển trên lĩnh vực văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường. Hàng năm, tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 45.000 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%; tỷ lệ cư dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 97,5%; tỷ lệ dân cư đô thị sử dụng nước sạch đạt 98%; tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99,93%.
Có được những thành tựu như trên, thể hiện sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm của các ngành, các cấp đoàn thể và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà, trong đó có sự đóng góp tích cực của ngành khoa học và công nghệ. Có thể nói, khoa học và công nghệ là một yếu tố có tác động to lớn đến việc tăng trưởng và phát triển kinh tế của xã hội, là chìa khóa cho việc hội nhập thành công, giúp thực hiện rút ngắn quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Nhận thức rõ ý nghĩa đó, đồng thời, qua nghiên cứu các nội dung của Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 và các văn bản hướng dẫn của Bộ ngành liên quan, Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã chú trọng đề ra các nhiệm vụ và triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ, nâng cao nhận thức xã hội về vai trò, vị trí của khoa học và công nghệ; công tác chỉ đạo điều hành đã hướng vào mục tiêu đổi mới, từng bước nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu phục vụ phát triển ngành, lĩnh vực quan trọng, lĩnh vực ưu tiên như: Nông nghiệp, công nghiệp, môi trường, công nghệ thông tin (điển hình mô hình phần mềm điện tử một cửa cấp tỉnh đặt tại Trung tâm Hành chính công tỉnh góp phần cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút nhiều nhà đầu tư),... Đồng thời, tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nhiều hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học để phục vụ công tác quản lý, sản xuất, kinh doanh; giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, bước đầu đáp ứng cơ bản các yêu cầu đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bình Dương là một trong những địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh trong cả nước, thu hút được nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, so với các tỉnh thành khác về khoa học và công nghệ, tỉnh Bình Dương chưa có nhiều dự án, doanh nghiệp hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ kỹ thuật cao để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, với đặc điểm của yếu tố công nghệ là khó xác định sự đóng góp trực tiếp, không thấy được ngay hiệu quả, mà chỉ được thể hiện sau một thời gian ứng dụng, sử dụng nhất định thông qua các yếu tố như: Tăng năng suất lao động, nâng cao công suất sử dụng máy móc, thiết bị... với đặc điểm, điều kiện đặc thù về sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh nên các doanh nghiệp này chưa thật sự quan tâm đến việc cải tiến, áp dụng công nghệ hiện đại dẫn đến hoạt động khoa học và công nghệ vẫn còn một số tồn tại và khó khăn nhất định. Do đó, trong thời gian tới các doanh nghiệp cần tích cực liên kết với nhà khoa học, tổ chức khoa học và công nghệ đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ yêu cầu đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, tập trung vào các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh.
Minh Hiếu