Định hướng, nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020
Trong việc xác định, thực hiện nhiệm vụ KH&CN hàng năm, chú trọng các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, ứng dụng công nghệ cao, tập trung hỗ trợ các nhiệm vụ cải tiến thiết bị, hoàn thiện, đổi mới công nghệ, tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến để sản xuất ra sản phẩm mới hoặc nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.
1. Đổi mới toàn diện hệ thống tổ chức, cơ chế quản lý, hoạt động KH&CN; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về KH&CN
1.1. Về hệ thống quản lý
Tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, biên chế; từng bước chuẩn hóa cán bộ để nâng cao năng lực quản lý của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN).
Củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động KH&CN của các huyện, thị xã, thành phố, sở, ban, ngành theo hướng xác định rõ nội dung, trách nhiệm và thẩm quyền quản lý; bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý KH&CN; hiện đại hóa, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ quản lý.
1.2. Về đổi mới cơ chế quản lý
Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ cơ chế quản lý hoạt động KH&CN, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động KH&CN. Tham mưu Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành các văn bản để đổi mới công tác quản lý khoa học: Thực hiện cơ chế đặt hàng; tư vấn xác định nhiệm vụ; tuyển chọn hoặc giao trực tiếp tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ; quản lý trong quá trình thực hiện; đánh giá nghiệm thu kết quả; khoán chi từng phần hoặc khoán chi đến sản phẩm cuối cùng; kinh phí cho nhiệm vụ KH&CN được dự toán theo hạn mức và bố trí vào Quỹ Phát triển KH&CN để cấp phát theo tiến độ đã được phê duyệt.
Triển khai kịp thời, có hiệu quả các cơ chế, chính sách, chủ trương về KH&CN của Trung ương.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc ứng dụng kết quả các nhiệm vụ đặt hàng có sử dụng vốn ngân sách; thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Hỗ trợ thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; khai thác thông tin sáng chế trong và ngoài nước phục vụ nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh.
Khuyến khích thực hiện nhiệm vụ liên kết giữa doanh nghiệp và các tổ chức KH&CN để huy động nguồn đầu tư từ doanh nghiệp và gắn nghiên cứu với triển khai ứng dụng, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu, giữa nhà trường với cơ sở sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên.
Trong việc xác định, thực hiện nhiệm vụ KH&CN hàng năm, chú trọng các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, ứng dụng công nghệ cao, tập trung hỗ trợ các nhiệm vụ cải tiến thiết bị, hoàn thiện, đổi mới công nghệ, tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến để sản xuất ra sản phẩm mới hoặc nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.
Các ngành cần nghiên cứu đề xuất các chương trình KH&CN trọng điểm trung hạn, có mục tiêu, tạo đột phá về việc ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống trong ngành mình.
1.3. Phát triển tiềm lực KH&CN
Tiếp tục đầu tư cho Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN, Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN và các đơn vị sự nghiệp của các sở, ngành để cung cấp dịch vụ KH&CN, chuyển giao tiến bộ KH&CN, phục vụ quản lý nhà nước.
Hướng dẫn doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển KH&CN để đầu tư phòng thí nghiệm, đào tạo, phát triển hoạt động KH&CN trong doanh nghiệp.
Các trường đại học, cao đẳng phát triển các nhóm nghiên cứu tham gia đề xuất, dự tuyển thực hiện các nhiệm vụ KH&CN; chủ động tiếp xúc, làm việc với doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu nghiên cứu, ứng dụng trên cơ sở đó xây dựng nhiệm vụ KH&CN đề xuất Nhà nước hỗ trợ thực hiện, qua đó đào tạo nguồn nhân lực.
Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức KH&CN hoạt động, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nhằm phát triển doanh nghiệp KH&CN.
1.4. Củng cố Quỹ phát triển KH&CN của tỉnh
Đầu tư thêm về vốn điều lệ, biên chế để thực hiện các nhiệm vụ: Hỗ trợ lãi suất vốn vay cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay; thực hiện cấp kinh phí cho các nhiệm vụ KH&CN; làm vai trò cầu nối để hướng dẫn doanh nghiệp vay vốn Quỹ đổi mới công nghệ Quốc gia để thực hiện các dự án lớn.
2. Triển khai các định hướng phát triển KH&CN chủ yếu
2.1. Khoa học xã hội và nhân văn
Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc hoạch định chủ trương, chính sách, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội.
Nghiên cứu các giải pháp thực hiện các mục tiêu, nội dung trong các Nghị quyết của Đảng về ổn định xã hội, công tác giáo dục, văn hóa, dân tộc, an ninh - quốc phòng.
Nghiên cứu các vấn đề về bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
2.2. Giáo dục - đào tạo
Nghiên cứu ứng dụng các thành tựu của KH&CN trong dạy học và quản lý giáo dục.
Triển khai nhân rộng việc ứng dụng các sáng kiến kinh nghiệm.
2.3. Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân
Nghiên cứu, tiếp nhận công nghệ tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị bệnh, tật ở người như ghép mô, trị liệu tế bào gốc, can thiệp mạch, kỹ thuật sinh học phân tử, phẩu thuật nội soi, công nghệ laser, y học hạt nhân.
Hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất các loại vắc-xin, đặc biệt ưu tiên cho các loại vắc-xin thuộc Chương trình Phát triển sản phẩm Quốc gia; trang thiết bị y tế, nhất là trang thiết bị công nghệ cao.
Nghiên cứu và phát triển các phương pháp kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền trong chẩn đoán, điều trị và dự phòng.
Nghiên cứu sản xuất nguyên liệu dược phục vụ công nghiệp bào chế thuốc; nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong sản xuất thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng và sinh phẩm y tế.
2.4. Nông nghiệp
Khảo nghiệm các loại giống cây, con phù hợp với điều kiện sinh thái, biến đổi khí hậu của tỉnh.
Tiếp nhận, chuyển giao biện pháp kỹ thuật, thiết bị kỹ thuật cho sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện sản xuất trong tỉnh; các quy trìnhsản xuất chế phẩm sinh học, sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu.
Hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng sản xuất thức ăn chăn nuôi và thức ăn thủy sản thay thế sản phẩm nhập ngoại; hỗ trợ ứng dụng rộng rãi các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP và GlobalGAP) nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng hiệu quả kinh tế an toàn với môi trường.
Nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp phòng trừ dịch bệnh; quy trình công nghệ sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú ý có nguồn gốc sinh học, sản xuất vắc-xin cho vật nuôi, cho thủy sản.
Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp (biện pháp kỹ thuật, chế phẩm sinh học).
Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, chế tạo thiết bị mới để tưới, tiêu cho các loại cây trồng.
Chuyển giao các tiến bộ KH&CN, gắn với tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, xây dựng thương hiệu phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt quan tâm các xã xây dựng nông thôn mới.
Hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu thiết kế, chế tạo các dụng cụ, máy móc, thiết bị đồng bộ nhằm đẩy mạnh giới hóa tất cả các khâu trong sản xuất nông nghiệp
Ứng dụng và phát triển công nghệ mới, công nghệ tiên tiến trong bảo quản chế biến nông sản.
2.5. Tài nguyên, bảo vệ môi trường
Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ, thiết bịđồng bộ xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt và công nghiệp, chất thải nguy hại trong y tế; ứng dụng và phát triển công nghệ tái chế chất thải.
Hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất sạch, công nghệ tiết kiệm năng lượng, công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ thân thiện với môi trường trong sản xuất, kinh doanh nhằm giảm thiểu phát thảikhí gây hiệu ứng nhà kính, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Nghiên cứu biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, chế biến khoáng sản.
2.6. Công nghệ thông tin và truyền thông
Nghiên cứu phát triển các giải pháp xây dựng và ứng dụng phần mềm nội dung số và dịch vụ công nghệ thông tin, phát triển các sản phẩm và các phần mềm nội dung số thương hiệu Việt, đặc biệt là các hệ thống tích hợp dữ liệu, thông tin, tri thức và các hệ thống thông minh cho các lĩnh vực chính quyền điện tử, thương mại điện tử.
Ứng dụng xác thực số trong giao dịch điện tử, đẩy mạnh triển khai các dịch vụ trực tuyến
Hỗ trợ nghiên cứu phát triển hệ điều hành phục vụ cho máy tính, máy tính bảng và thiết bị di động.
Xây dựng, cập nhật, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước
Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) phục vụ quản lý kinh tế - xã hội.
Nghiên cứu thiết kế, chế tạo vi mạch điện tử, bộ nhớ có dung lượng cao.
Nghiên cứu chế tạo thiết bị mạng (rounter/switch), phần mềm/thiết bị mã hóa/giải mã dữ liệu số, mạch tích hợp, thiết bị mạng viễn thông và mạng di động thế hệ sau.
2.7. Công nghệ sinh học
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong một số lĩnh vực chủ yếu: Nông nghiệp, y - dược, công nghiệp chế biến, bảo vệ môi trường.
Ứng dụng thành tựu công nghệ sinh học trong việc nhân nhanh các giống cây trồng, vật nuôi đáp ứng nhu cầu sử dụng của địa phương; trong công nghệ bảo quản và chế biến nông - lâm - thuỷ sản.
Ứng dụng các chế phẩm sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; ứng dụng các công nghệ vi sinh; công nghệ enzym phục vụ sản xuất công nghiệp, chế biến thực phẩm, sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Ứng dụng công nghệ sinh học, các chế phẩm sinh học xử lý ô nhiễm môi trường do chăn nuôi, nước thải từ sản xuất nông nghiệp, chất thải sinh hoạt nông thôn, các nguồn nước phục vụ phát triển nông nghiệp và ô nhiễm không khí.
2.8. Công nghệ cơ khí, tự động hóa
Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ tự động hóa hướng vào phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghệ chế tạo thiết bị, dây chuyền đồng bộ sản xuất các sản phẩm chủ lực, mũi nhọn của tỉnh.
Hỗ trợ nghiên cứu thiết kế, chế tạo rô-bốt công nghiệp.
2.9. Công nghệ vật liệu mới, năng lượng tái tạo
Hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất các chủng loại thép hợp kim đặc biệt, thép chịu nhiệt, hợp kim màu, cao su chuyên dụng sử dụng trong công nghiệp; gạch không nung; các loại vật liệu nhẹ, siêu nhẹ, vật liệu chống cháy, chậm cháy, vật liệu cách âm, cách nhiệt, cách điện, tiết kiệm năng lượng, vật liệu composit, chế tạo các sản phẩm bằng vật liệu composit; sản xuất các vật liệu mới từ nguyên liệu địa phương
Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sản xuất vật liệu polymer tự phân huỷ, vật liệu polyme và composite đặc biệt.
2.10. Giao thông, xây dựng
Nghiên cứu triển khai, tiếp nhận, làm chủ các công nghệ mới, tiên tiến trong thi công, bảo trì, bảo dưỡng các công trình giao thông. Nghiên cứu ứng dụng vật liệu mới trong xây dựng các công trình giao thông.
Nghiên cứu các giải pháp giảm thiểu tai nạn, ách tắc giao thông. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, khai thác vận tải, liên kết các phương thức vận tải; xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu kết cấu hạ tầng giao thông. Ứng dụng tiến bộ KH&CN trong quản lý vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics, kiểm soát tải trọng.
Hỗ trợ nghiên cứu sản xuất các loại phụ tùng, vật tư thay thế dùng trong các loại phương tiện giao thông thay thế hàng nhập khẩu; sản xuất, sử dụng vật liệu tiên tiến trong xây dựng; tiếp thu công nghệ xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp có quy mô lớn, phức tạp; giải pháp thoát nước, chống ngập úng đô thị.
Nghiên cứu nâng cao chất lượng, mẫu mã các vật liệu xây dựng (sứ vệ sinh, gạch ốp lát các loại, các loại vật liệu trang trí nội, ngoại thất…).
Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và làm chủ công nghệ tái chế để sản xuất vật liệu xây dựng và đảm bảo môi trường.
Hỗ trợ nghiên cứu, chế tạo thiết bị chiếu sáng đô thị, tiết kiệm năng lượng.
2.11. Dịch vụ, kinh tế
Chiến lược tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Nghiên cứu luận cứ, các giải pháp và mô hình tập trung phát triển các ngành dịch vụ chủ lực có hàm lượng chất xám cao, có lợi thế và tầm ảnh hưởng cao trong khu vực, như: Phát triển mạnh dịch vụ logistics theo hướng chuỗi logistics khép kín, kết nối trong vùng và khu vực; phát triển mạng lưới thương mại và xây dựng thương hiệu.
Nghiên cứu xây dựng các giải pháp nhằm nâng cao khả năng tham gia vào hệ thống cung ứng toàn cầu để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; tăng cường năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển thương hiệu đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh; thử nghiệm một số mô hình phát triển thương mại hiện đại như sàn giao dịch thương mại điện tử; thương mại di động.
Phát triển dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nghiên cứu các giải pháp huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế dịch vụ.
Nghiên cứu ảnh hưởng của hiệp định thương mại tự do đối với các ngành sản xuất của tỉnh; hợp tác đầu tư công tư; thị trường cho sản phẩm hàng hóa của tỉnh.
Phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, có tiềm năng, sức cạnh tranh và giá trị tăng cao, như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; thương mại, du lịch, xuất nhập khẩu; bưu chính, viễn thông; kho, cảng và vận tải chuyên dùng; nhà ở theo hướng dân cư đô thị; y tế; giáo dục.
Phát triển thương hiệu địa phương tỉnh Bình Dương.
2.12. Quốc phòng và an ninh
Nghiên cứu các luận cứ và giải pháp gắn phát triển kinh tế - xã hội với nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong công tác chỉ huy, sẵn sàng chiến đấu, nâng cao khả năng bảo đảm kỹ thuật, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng tránh thiên tai.
Khánh Vĩnh