Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGap ở xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương
Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGap ở xã Thạnh Hội, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương” được thực hiện từ tháng 07/2012 đến tháng 06/2015 thuộc Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn miền núi giai đoạn 2011 - 2015” do kỹ sư Nguyễn Quốc Long làm chủ nhiệm, Phòng Kinh tế thị xã Tân Uyên chủ trì thực hiện đã được nghiệm thu vào tháng 8/2015.
Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGap ở xã Thạnh Hội, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương” được thực hiện từ tháng 07/2012 đến tháng 06/2015 thuộc Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn miền núi giai đoạn 2011 - 2015” do kỹ sư Nguyễn Quốc Long làm chủ nhiệm, Phòng Kinh tế thị xã Tân Uyên chủ trì thực hiện đã được nghiệm thu vào tháng 8/2015.
I. Đặt vấn đề
Với xu thế hội nhập như hiện nay, để ổn định về giá sản phẩm nông nghiệp cũng như ổn định thu nhập từ cây rau, thì sản phẩm rau sạch phải đạt chất lượng và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng thu nhập cho gia đình, thì người nông dân phải tiếp cận với cách thức canh tác mới, hướng tới sản xuất gắn với bảo vệ môi trường và cung cấp thực phẩm an toàn cho thị trường tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Thạnh Hội là một xã cù lao có vùng đất phù sa cổ thích hợp cho các loại cây trồng ngắn và dài ngày, có mạch nước ngầm tốt đủ cung cấp cho sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, xã còn có sông Đồng Nai bao quanh và có rạch ông Gương chạy sâu vào giữ cánh đồng nên rất thuận lợi cho việc tưới tiêu nước vào mùa mưa. Đất đai bằng phẳng, ít bị thiên tai, bão lũ, có đường giao thông và giao thông nội đồng thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và vật tư nông nghiệp trong sản xuất…
Từ nhu cầu thị trường và điều kiện thuận lợi của xã, Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGap ở xã Thạnh Hội, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương” được thực hiện với cây hành lá, dưa leo, cải ngọt và ớt cay với mô hình sản xuất rau VietGap có quy mô diện tích canh tác là 4 ha tương ứng với 25,7ha diện tích gieo trồng (Hành lá: Quy mô 3ha/vụ x 3 vụ x 2 năm; cải ngọt: Quy mô 0,5ha/vụ x 5 vụ/năm x 2 năm; dưa leo: 0,4 ha/vụ x 3vụ/năm x 2 năm; ớt cay: 0,1ha/vụ x 01 vụ/năm x 2 năm).
II. Mục tiêu dự án
Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để xây dựng mô hình và phát triển sản xuất rau hàng hóa đạt tiêu chuẩn VietGap góp phần tăng thu nhập, nâng cao sức khỏe cộng đồng và phát triển nông nghiệp bền vững, cụ thể: Chuyển giao công nghệ và xây dựng mô hình sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGap 04 ha bao gồm: Cây hành lá (3,0ha), cây cải ngọt (0,5 ha), dưa leo (0,4ha) và ớt cay (0,1ha); đào tạo 04 kỹ thuật viên và tập huấn 09 lớp kỹ thuật sản xuất rau đạt chuẩn VietGap và xây dựng mạng lưới sản xuất, quản lý chất lượng, tiêu thụ rau tại địa phương.
II. Kết quả thực hiện
Thông qua cơ quan chuyển giao công nghệ là Khoa Nông học - Trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh, dự án đã chuyển giao 10 quy trình kỹ thuật cho nông dân tham gia dự án; đào tạo được 06 kỹ thuật viên nòng cốt (đạt 150%), các kỹ thuật viên đều làm chủ được quy trình công nghệ đã được chuyển giao; tập huấn cho 451 lượt nông dân tham gia, các nông dân đều nắm vững quy trình, áp dụng nhuần nhuyễn và linh hoạt để sản xuất 04 cây rau là hành lá, cải ngọt, dưa leo và ớt cay để sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap.
Dùng bìa cứng A4 cho 0,5 kg nhằm tránh làm dập, gãy rau tại xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên
Xây dựng mô hình canh tác rau đạt chuẩn VietGap với diện tích canh tác 04 ha cho 04 chủng loại rau là hành lá, cải ngọt, dưa leo và ớt cay. Năng suất và sản lượng của mô hình đã đạt và vượt yêu cầu. Lợi nhuận trung bình đạt được trên 01 ha/năm là 298,7 triệu đồng, lợi nhuận tăng thêm trên 01 ha/năm là 71,9% so với trước khi triển khai mô hình. Dự án cũng đã xây dựng được 01 nhà vòm có diện tích 500m2 với lưới chuyên dụng bao xung quanh, 01 nhà sơ chế cấp 4 có quy mô 100m2, công suất 200 - 300 kg/giờ.
Dự án đã xây dựng được mạng lưới sản xuất là tổ hợp tác sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap có đủ năng lực để tổ chức và sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGap. Tổ hợp tác với 40 tổ viên tham gia và quản lý chất lượng. Hiện 04 loại rau đã được cấp giấy chứng nhận VietGap trên 04 ha tham gia dự án. Bên cạnh đó, với nhà vòm có diện tích 500m2 và 01 nhà sơ chế đóng gói nâng cao chất lượng của sản phẩm, tổ hợp tác đã có đủ năng lực để sản xuất và tiếp thị sản phẩm rau của mình tiếp cận được với các thị trường khó tính hơn như siêu thị, bếp ăn tập thể…
TT
|
Nội dung
|
Mô hình
|
Hành lá
|
Cải ngọt
|
Dưa leo
|
Ớt cay
|
1
|
Sản lượng/ha/năm (tấn)
|
83,1
|
109,5
|
73,5
|
0,8
|
2
|
Săn lượng tăng thêm/năm (5)
|
54,1
|
21,4
|
22,7
|
0
|
3
|
Giá bán (1.000đ/kg)
|
14,4
|
4,4
|
5,6
|
20,3
|
4
|
Tổng chi/năm/ha (1.000đ)
|
635.586
|
158.193
|
149.165
|
105.440
|
5
|
Tổng thu/năm/ha (1.000đ)
|
1.196.666
|
478.188
|
404.741
|
163.580
|
6
|
Lợi nhuận/năm/ha (1.000đ)
|
561.080
|
319.994
|
255.451
|
58.140
|
7
|
Lợi nhuận/vụ/ha (1.000đ)
|
187.027
|
63.998
|
85.150
|
58.140
|
8
|
Lợi nhuận tăng thêm/năm (%)
|
146,3
|
8,8
|
70,3
|
62,4
|
Bảng tổng hợp hiệu quả kinh tế của mô hình sản xuất rau trong hai năm thực hiện dự án.
Qua bảng tổng hợp ta thấy, lợi nhuận của hành lá là cao nhất, đạt 561.080.000đ/năm/ha và thấp nhất là ớt cay 58.140.000đ/năm/ha. Do ớt cay là cây mới được trồng ở xã Thạnh Hội nên nông dân còn nhiều bỡ ngỡ đối với mô hình này. Nhìn chung, mô hình của dự án đã gia tăng lợi nhuận trên đơn vị diện tích. Lợi nhuận của mô hình đã đạt hoặc vượt yêu cầu (tăng trung bình 71,9%) so với dự kiến ban đầu của dự án đề ra là tăng 10% so với trước khi thực hiện dự án).
Qua quá trình thực hiện và triển khai mô hình, người dân tham gia dự án đã từng bước có ý thức hơn trong việc tuân thủ theo quy trình kỹ thuật canh tác rau VietGap để sản phẩm đạt chất lượng VietGap, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Người dân cũng có ý thức hơn trong việc gìn giữ vệ sinh môi trường sản xuất, gom các bao bì, chai lọ đựng hóa chất đã dùng xong vào thùng rác, không đổ nước súc bình sau khi phun thuốc bảo vệ thực vật trực tiếp xuống đồng ruộng, giúp môi trường sản xuất thân thiện và bền vững hơn.
III. Kết luận
Hiệu quả về kinh tế mới chỉ là một phần nhỏ mà mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP đem lại, quan trọng hơn là mô hình tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức, tư tưởng, hành động của người nông dân, giúp họ hiểu được rằng, trong sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm mới là điều kiện tiên quyết và sống còn để duy trì và phát triển. Không những thế, sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP còn thúc đẩy sự kết nối giữa sản xuất với thị trường, từ đó mang lại lợi ích, thu nhập cao hơn cho người sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu cho rau, quả an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.
Thanh Thanh