Đề tài: Tội phạm hóa hành vi liên quan đến mua bán bộ phận cơ thể người
Lê Quang Trí - Nguyễn Quang Phát
Khoa Luật - Trường Đại học Thủ Dầu Một
Đặt vấn đề
Việc thay thế một nội tạng bệnh tật, mất dần đi chức năng vốn có bằng một nội tạng khác khỏe mạnh sẽ giúp nâng cao sức khỏe, kéo dài tuổi thọ của con người. Vì thế, một cá nhân hay tổ chức thực hiện hành vi, thủ đoạn để lấy hoặc buôn bán nội tạng, bộ phận cơ thể người một cách trái pháp luật nhằm thu được một khoản lợi nhuận lớn không chỉ trái pháp luật mà còn trái với đạo đức.
Chính vì lẽ đó, việc nghiên cứu về vấn đề tội phạm hóa hành vi mua bán bộ phận cơ thể người nhằm đưa ra những ý kiến, quan điểm hướng đến việc hoàn thiện Bộ luật Hình sự Việt Nam. Mục đích cuối cùng là để ngăn chặn, phòng chống tội phạm, hạn chế đến mức tối thiểu những hậu quả do hành vi của chúng gây ra và giúp Tòa án có những phán quyết công bằng, xác đáng. Chính vì vậy, nhóm tác giả đã chọn đề tài “Tội phạm hóa hành vi liên quan đến mua bán bộ phận cơ thể người” làm đề tài nghiên cứu khoa học.
Những vấn đề lý luận về tội phạm hóa hành vi liên quan đến mua bán bộ phận cơ thể người
Khái niệm tội phạm hóa
Tội phạm hóa là sự ghi nhận trong pháp luật hình sự một hành vi nào đó là tội phạm và quy định trách nhiệm hình sự đối với việc thực hiện hành vi đó. Thông qua việc tội phạm hóa, nhà làm luật quy định trách nhiệm hình sự đối với loại hành vi nào đó mà trước đây hành vi đó chỉ bị coi là trái đạo đức hoặc hành vi vi phạm hành chính.
Thực tiễn hành vi liên quan đến mua bán bộ phận cơ thể người tại Việt Nam và trên thế giới
Nhìn chung, tình hình mua bán mô, tạng, BPCT người trên thế giới và Việt Nam đang diễn ra một cách mạnh mẽ, và cái cầu đang áp đảo so với cái cung, vì thế nên đây là một thị trường béo bở cho loại tội phạm mới này nhằm thu về lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với những loại tội phạm khác.
Những thị trường kinh doanh nội tạng sầm uất nhất trên thế giới bao gồm: Kosovo, Mozambich, Israel, Nepal, Ấn Độ, Pakistan, Ai Cập và đặc biệt là Trung Quốc.
Do nhu cầu ghép tạng của người bệnh rất lớn mà nguồn cung hợp pháp (người thân cho tạng hoặc chờ có người hiến tặng) lại quá thiếu thốn, nên các “đường dây” buôn bán thận nói riêng và nội tạng nói chung đã hình thành và tồn tại. Khả năng tìm được nguồn cung cấp tạng để ghép theo đúng luật thì hiếm, nên hầu hết người cần ghép tạng đều phải tìm đến các đường dây cung ứng “chui”.
Cơ sở lý luận về tội phạm hóa hành vi mua bán bộ phận cơ thể người
“Buôn bán nội tạng” là thuật ngữ được sử dụng không bao hàm việc buôn bán những thứ khác trên cơ thể con người (bao gồm máu, trứng, tóc và tinh trùng) vì có những sự khác biệt ở từng khía cạnh chuyên biệt về lĩnh vực y học và sinh học.
Ở một số quốc gia như Trung Quốc, Pakistan, Ấn độ..., việc buôn bán nội tạng, mô, BPCT người không phải là hành vi bị cấm, tuy nhiên ở những quốc gia khác, đây lại là hành vi bị cấm và bị lên án dữ dội bởi dư luận. Chính vì vậy cho nên đã xuất hiện nên hình thức “Transplant tourism” , dịch nghĩa nôm na có nghĩa là đi du lịch nhằm mục đích ghép tạng.
Kiến nghị tội phạm hóa hành vi liên quan đến mua bán bộ phận cơ thể người trong pháp Luật Hình sự Việt Nam
Vào ngày 27/11/2015, Bộ luật hình sự 2015 của Việt Nam đã ra đời và sẽ có hiệu lực vào ngày 01/07/2016, trong đó đã đề cập đến vấn đề mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người tại Điều 154.
Sau khi tham khảo điều luật trên, nhóm tác giả có ý kiến nên tăng mức hình phạt tại khoản 4, Điều 154 Bộ luật hình sự 2015. Về mức tối thiểu, nhóm tác giả nhận thấy 10 triệu đồng chưa thể hiện được tính răn đe của pháp luật, vì đây là nhóm tội liên quan đến vấn đề xâm phạm sức khỏe, thân thể, tính mạng con người đồng thời liên quan đến vấn đề kinh tế. Bên cạnh đó, giá trị của những mô, tạng, BPCT người được bán đi với giá lên đến hàng chục ngàn USD, mang lại lợi nhuận phi pháp cực kỳ lớn cho bọn chúng. Vì thế, nhóm tác giả đề xuất tăng mức phạt tiền tối thiểu lên 40 triệu đồng. Về mức tối đa, nhóm tác giả cũng xin đề xuất là nâng lên mức 200 triệu đồng.
Đồng thời nhóm tác giả đề xuất ý kiến nên tội phạm hóa hành vi môi giới mua bán mô, tạng, BPCT người. Đây là một trong những hành vi liên quan đến mua bán mô, tạng, BPCT nhưng trong BLHS 2015 lại chưa đề cập đến. Đây là hành vi gây nguy hại cho xã hội, cần được tội phạm hóa nhằm răn đe, giáo dục và góp phần xây dựng pháp luật hình sự nghiêm minh, vững chắc.
Dưới đây là kiến nghị bổ sung một điều luật về tội danh môi giới mua bán mô, tạng, bộ phận cơ thể người vào bộ luật hình sự hiện hành:
Điều... Tội môi giới mua bán mô, tạng, bộ phận cơ thể người
1. Người nào có hành vi môi giới mua bán mô, tạng, bộ phận cơ thể người thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 06 tháng đến 03 năm, phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
2. Những trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a. Có tổ chức
b. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn
c. Có tính chất lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc mô, tạng, bộ phận cơ thể
d. Có tính chất chuyên nghiệp
e. Tái phạm nguy hiểm
3. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhận chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Một khía cạnh khác, những người bị chiếm đoạt mô, tạng, BPCT bởi những hành vi lừa đảo, cưỡng chế hoặc những thủ đoạn tinh vi khác, nếu những trường hợp đó được ghi nhận cụ thể tại các cơ quan có thẩm quyền thì nhóm tác giả xin đề xuất lập một quỹ đó là quỹ bảo vệ nạn nhân bị chiếm đoạt mô, tạng, BPCT. Những nạn nhân được ghi nhận sẽ được theo dõi sức khỏe và có những dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho họ. Nguồn tài chính của quỹ này sẽ được trích từ tiền phạt của nhóm tội môi giới, chiếm đoạt, mua bán mô, tạng, BPCT người và những nguồn khác (nếu có).
Kết luận
Kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả thuộc ngành khoa học luật, hướng đến vấn đề hình sự hóa những hành vi vi phạm đạo đức và vi phạm pháp luật, mà cụ thể đó là những hành vi liên quan đến mua bán mô, tạng, BPCT người. Bài nghiên cứu có giá trị như là một tài liệu tham khảo cho bài báo, các đề tài nghiên cứu khoa học có cùng mục đích, khóa luận tốt nghiệp thuộc ngành luật.
1. BPCT: Bộ phận cơ thể
2. “Transplant tourism”có nghĩa là một người ở một quốc gia này đi đến quốc gia khác nhằm tìm kiếm nội tạng, mô, BPCT mà họ cần để thực hiện việc cấy ghép và người muốn bán đi. Đây cũng là cách mà nhiều người ở các nước mà nguồn nội tạng, BPCT dùng để cấy ghép đang trong tình trạng thiếu hụt và họ cần được cấy ghép mô, nội tạng mới nhằm duy trì sự sống.