Tăng cường đầu tư tiềm lực cho các tổ chức khoa học và công nghệ - Thực trạng và giải pháp
1. Khái quát tình hình kinh tế xã hội tỉnh Bình Dương
Bình Dương là tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, được chia tách từ tỉnh Sông Bé, tái lập từ ngày 01/01/1997, có diện tích tự nhiên 2.694,43 km2 với dân số 685 ngàn người. Đến nay, dân số khoảng 1.873.558 người, cơ cấu hành chính gồm 01 thành phố, 04 thị xã, 04 huyện với 91 xã, phường, thị trấn.
Từ một tỉnh chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, qua gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) và 20 năm tái lập, Bình Dương đã trở thành một tỉnh phát triển công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Những năm qua, Bình Dương đạt mức tăng trưởng kinh tế khá cao so với vùng và cả nước, tăng trưởng kinh tế năm 2015 đạt 13,2%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; đến cuối năm 2015, tỷ trọng tương ứng các ngành: Công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp là 60% - 37,3% - 2,7%. Thu ngân sách của tỉnh luôn đạt mức khá cao của cả nước (năm 2015 là 36.000 tỷ đồng, GDP bình quân đầu người đạt 73,1 triệu đồng).
Thành công bước đầu mang tính đột phá trong thời gian qua của tỉnh là việc phát triển nhanh, có hiệu quả các khu công nghiệp và các khu đô thị mới tập trung. Đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 29 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 9.425 ha, có 27 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích gần 8.870 ha và 08 cụm công nghiệp với diện tích gần 600 ha, tỷ lệ lấp kín diện tích bình quân của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đạt trên 65%. Tỉnh đã chú trọng phát triển các lĩnh vực có hàm lượng khoa học kỹ thuật, giá trị gia tăng cao, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa tỉnh nhà.
2. Kết quả thực hiện đầu tư phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) giai đoạn 2011 - 2015
Trong thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện các mục tiêu đặt ra trong việc phát triển tiềm lực KH&CN. Tại tỉnh Bình Dương, Ủy ban nhân dân tỉnh luôn quan tâm đến việc hoàn thiện, đổi mới cơ chế, chính sách tài chính, đầu tư tiềm lực cho phát triển KH&CN. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI), Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3191/KH-UBND ngày 23/10/2013 thực hiện Chương trình hành động số 63-CTr/TU ngày 07/6/2013 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Theo đó, công tác đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật cho KH&CN được chú trọng với các nội dung trọng điểm, từng bước trang bị các phương tiện kỹ thuật để triển khai có hiệu quả hơn các hoạt động quản lý và ứng dụng KH&CN.
Toàn tỉnh hiện có 08 trường đại học, 07 trường cao đẳng, 25 tổ chức KH&CN (trong đó có 07 tổ chức KH&CN công lập, 18 tổ chức KH&CN ngoài công lập) và 03 doanh nghiệp KH&CN. Nhân lực hoạt động KH&CN ở các tổ chức KH&CN hiện nay chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số cán bộ có trình độ cao đẳng và trên đại học của tỉnh. Tuy nhiên, tỉnh đã tạo điều kiện tập trung mọi nguồn lực nhằm phát triển KH&CN, việc đầu tư các nguồn lực cho KH&CN ngày càng tăng, chú trọng tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn tài chính thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển hạ tầng, nâng cao đồng bộ tiềm lực KH&CN phục vụ cho tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao trong quá trình hội nhập và phát triển của tỉnh.
Trong giai đoạn 2011 - 2015, cùng với việc tăng cường đầu tư cho các hoạt động KH&CN, tỉnh đã tập trung đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN nhằm nâng cao năng lực cho các đơn vị nghiên cứu, triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, đời sống từ nhiều nguồn vốn. Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các ngành tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động KH&CN từ nguồn vốn đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN của tỉnh. Đến cuối năm 2015 tổng số kinh phí đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN đạt trên 45.000 triệu đồng, chủ yếu tập trung vào hoạt động thông tin KH&CN, tiêu chuẩn đo lường chất lượng và các dịch vụ ứng dụng KH&CN. Các trang thiết bị được đầu tư từ dự án giúp cho các đơn vị nâng cao năng lực hoạt động, từ đó hỗ trợ công tác quản lý nhà nước hiệu quả hơn, góp phần tạo công bằng trong giao dịch, mua bán, bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khoẻ của các tổ chức, cá nhân liên quan đến lĩnh vực an toàn bức xạ, an toàn lao động.
Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 về đầu tư và cơ chế tài chính đối với họat động KH&CN, có hiệu lực từ ngày 01/12/2014. Theo đó, để được bố trí vốn cho các dự án đầu tư phát triển tăng cường tiềm lực KH&CN thì trước hết tổ chức sự nghiệp chuyên ngành phải là tổ chức KH&CN. Việc quy định cụ thể đối tượng sử dụng vốn tiềm lực KH&CN sẽ đảm bảo nguồn vốn này sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả. Song có thể thấy, quy định này lại giới hạn các chủ thể sử dụng nguồn vốn khi mà các tổ chức sự nghiệp của các đơn vị ngoài ngành KH&CN chưa đăng ký hoạt động KH&CN nhưng lại có nhu cầu sử dụng nguồn vốn này để hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ các mục tiêu, chương trình dịch vụ chất lượng cao.
Về nguồn kinh phí tiềm lực KH&CN do Bộ Khoa học và Công nghệ phân bổ hàng năm đã được tỉnh bố trí cho các dự án đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN của tỉnh. Nhìn chung, khó khăn lớn nhất để một tổ chức được sử dụng nguồn vốn này là tổ chức đó phải là tổ chức khoa học và công nghệ (không phân biệt thành phần kinh tế). Tuy nhiên, chưa có các quy định để triển khai dự án đầu tư tiềm lực KH&CN cho tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập từ lúc xin chủ trương, đến lập dự án, triển khai, quản lý dự án và bàn giao tài sản đưa vào sử dụng. Vì vậy, trong thời gian qua, việc sử dụng vốn đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN của tỉnh chỉ xoay quanh các tổ chức khoa học và công nghệ công lập nên tỷ lệ sử dụng còn rất thấp.
Thống kê cho thấy, nguồn vốn do Bộ Khoa học và Công nghệ bố trí để đầu tư phát triển tiềm lực cho các tổ chức KH&CN tăng hàng năm nhưng khi về tỉnh cân đối theo nhu cầu thực tế còn rất thấp, nguyên nhân chủ yếu là do số dự án đầu tư của các tổ chức KH&CN công lập không nhiều, cụ thể như sau:
Năm
|
Kinh phí đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN (triệu đồng)
|
Kinh phí Trung ương phân bổ
|
Kinh phí UBND tỉnh phân bổ
|
2011
|
78.000
|
37.200
|
2012
|
104.000
|
14.700
|
2013
|
138.000
|
19.500
|
2014
|
133.000
|
10.000
|
2015
|
160.000
|
6.100
|
Tổng cộng
|
613.000
|
87.500
|
Riêng nguồn vốn mà các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập khác (ngoài ngành KH&CN) sử dụng để thực hiện các công trình, dự án xây dựng phòng thí nghiệm, trạm quan trắc môi trường tự động, trạm chẩn đoán xét nghiệm phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh v.v.. được UBND tỉnh bố trí từ vốn đầu tư xây dựng cơ bản của tỉnh (sau khi cân đối chuyển từ nguồn vốn đầu tư phát triển KH&CN sang do không sử dụng hết nguồn vốn này).
3. Nhận xét, đánh giá
Nhìn chung, năng lực hoạt động KH&CN của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Vì vậy, việc phân bổ và quản lý nguồn vốn phát triển tiềm lực KH&CN cần có phương pháp thích hợp để có thể phát huy hiệu quả tối đa. Phân tích các nguyên nhân dẫn đến thực trạng tiềm lực KH&CN hiện nay của tỉnh Bình Dương, nổi lên các vấn đề như sau:
- Các dự án triển khai từ các năm trước đã hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng nên nhu cầu kinh phí các năm sau chỉ tập trung cho những dự án mới được phê duyệt hoặc đang có chủ trương xây dựng dự án.
- Đối tượng tham gia đầu tư, sử dụng nguồn vốn phát triển tiềm lực KH&CN chỉ tập trung ở các tổ chức KH&CN công lập, trong đó chủ yếu là các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành KH&CN, các tổ chức sự nghiệp tại các ngành khác có nhu cầu sử dụng nhưng lại không phải là tổ chức khoa học và công nghệ.
- Sự liên kết giữa các tổ chức KH&CN trong tỉnh và các tỉnh lân cận chưa chặt chẽ, hoạt động đơn lẻ, chủ yếu theo yêu cầu của ngành chủ quản. Vì vậy, rất khó khăn
để bổ sung năng lực phân tích cho nhau.
- Trình độ năng lực của nhân lực trong hoạt động KH&CN chưa đáp ứng được các lĩnh vực chuyên sâu.
- Bộ Khoa học và Công nghệ chưa có hướng dẫn cụ thể các tiêu chí, điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp KH&CN được đầu tư và hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ chế hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, huy động nguồn vốn của xã hội để hiện đại hóa năng lực hoạt động KH&CN.
- Môi trường đầu tư cho phát triển KH&CN có đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, tuy nhiên chưa được hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng cụ thể.
4. Đề xuất một số giải pháp thực hiện
Việc đầu tư cho KH&CN chính là đầu tư cho phát triển bền vững, trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước của đất nước và tỉnh nhà còn khó khăn, do vậy việc đầu tư vốn cho KH&CN phải được chú trọng tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Tỉnh cần tiếp tục quan tâm, chú trọng đẩy mạnh việc xã hội hóa các nguồn lực (nhân lực, tài lực, vật lực,... trong và ngoài nước) cho phát triển KH&CN. Trong giai đoạn đầu, nguồn ngân sách nhà nước đóng vai trò chủ đạo, để sau đó từng bước huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển tiềm lực KH&CN, mở rộng thị trường KH&CN và trong việc đổi mới công nghệ, cải tiến kỹ thuật.
Để có hướng đầu tư sử dụng hiệu quả nguồn vốn này nhằm đáp ứng lộ trình phát triển KH&CN mà tỉnh đã đặt ra, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện một số giải pháp sau:
- Tổ chức thống kê nhu cầu thực hiện các dịch vụ KH&CN trên cả nước, từ đó xác định được trọng tâm phát triển phù hợp với điều kiện của từng địa phương, vùng, miền và đưa ra quy hoạch cụ thể để các địa phương tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm có trọng điểm nhằm sử dụng hiệu quả, hợp lý nguồn kinh phí này.
- Sớm ban hành các Thông tư hướng dẫn Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014, qua đó, tạo môi trường pháp lý thông thoáng, thuận lợi để mọi thành phần kinh tế, mọi người dân huy động vốn, cùng có trách nhiệm chung khi đầu tư vào lĩnh vực KH&CN phục vụ phát triển kinh tế địa phương.
- Trong Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn từ nay đến năm 2020, cần coi giải pháp về nhân lực, tài chính cho KH&CN, tạo những chuyển biến tích cực trong đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đầu tư tài chính cho hoạt động KH&CN.
- Hướng dẫn chi tiết cho các tổ chức KH&CN ngoài công lập, doanh nghiệp KH&CN đăng ký tham gia đầu tư phát tiển tiềm lực KH&CN từ nguồn ngân sách nhà nước và cơ chế hỗ trợ trong trường hợp vừa sử dụng ngân sách nhà nước, vừa sử dụng kinh phí của đơn vị.
- Đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành chức năng hướng dẫn các địa phương, các đơn vị sự nghiệp công lập chú trọng nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học và năng lực sáng tạo thông qua việc đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN, tạo nền tảng để tiếp thu và vận dụng các thành tựu khoa học và công nghệ, làm chủ công nghệ tiên tiến, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội, để khoa học và công nghệ thực sự là động lực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng sống của nhân dân, bảo đảm phát triển bền vững và hội nhập thành công vào nền kinh tế thế giới./.▲
Đình Trúc