Làm biogas từ lục bình
Lục bình hay còn gọi là bèo tây là một loại thực vật khá phát triển trên các sông, rạch. Tại Đông Nam bộ, sự phát triển mạnh mẽ của lục bình đã gây cản trở dòng chảy và gây ô nhiễm trên các đoạn sông rạch. Mô hình làm biogas từ lục bình hứa hẹn trở thành giải pháp hiệu quả để ngăn cản sự phát triển của loại thực vật này.
Theo chân ông Nguyễn Lê Công Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Tây, thị xã Bến Cát, chúng tôi đến thăm hộ gia đình ông Nguyễn Văn Ngắn ở ấp Rạch Bắp - xã An Tây. Do gần sông Sài gòn nên gia đình nông dân này đang tận dụng lục bình trên các con rạch gần nhà để thực hiện ủ làm khí biogas. Mô hình này do trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ - Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Bình Dương hỗ trợ thực hiện. Cách một khoảng thời gian, ông Nguyễn Văn Ngắn lại bỏ chút công sức đi vớt lục bình dọc các kênh rạch và phơi khô vài nắng. Sau đó lục bình được thu gom để chuyển về khu vực ủ biogas.
Mô hình biosgas từ lục bình của ông Nguyễn Văn Ngắn ở xã An Tây Bến Cát
Khu vực ủ lục bình để lấy khí biogas được đặt một bể nạp nguyên liệu có thể tích khoảng 14m3 được làm bằng bạt HDPE. Ở hai đầu của túi ủ lục bình người ta làm 02 phểu bằng ống nhựa. 01 đầu để nạp lục bình, đầu kia để lấy lục bình bị phân hủy sau khi ủ. Phía trên của bể được gắn 01 dây dẫn gas để truyền vào khu vực bếp.
Lục bình sau khi phơi khô và nạp vào đầu vào của bể ủ chỉ cần 01 thời gian ngắn đã có được khí biogas. Ở giữa đoạn dây dẫn khí biogas, người ta đặt một đoạn ống hình chữ u để lắng nước từ trong khí biogas. Nghĩa là nguồn khí thu được có lẫn hơi nước khi đi đến đoạn ống này nước sẽ lắng xuống phần khí sẽ theo đường dẫn đưa đến khu vực bếp. Ngọn lửa từ biogas có màu xanh, mùi dễ chịu và đặc biệt khí biogas này cho lửa rất mạnh, ông Nguyễn Văn Ngắn, nông dân xã An Tây - thị xã Bến Cát, Bình Dương cho biết.
Có thể thấy, mô hình làm biogas từ lục bình khá đơn giản nhưng lại cho hiệu quả rất cao. Việc thực hiện cũng không phức tạp. Bất kỳ hộ dân nào sinh sống ven sông rạch nơi có nhiều lục bình là có thể thực hiện được.
Chỉ cần bỏ công vớt lục bình và nạp chúng vào bể ủ, hiện nay tất cả các hoạt động có sử dụng khí đốt tại khu vực trang trại nuôi khác của ông Nguyễn Văn Ngắn đã được thay bằng khí biogas. Thay vì mỗi tháng hộ gia đình này sử dụng khoảng 04 bình gas thì hiện nay chi phí này được tiết kiệm cho gia đình ông. Điểm cộng lớn nhất cho mô hình này đó là việc giải bài toán giảm thiểu sự phát triển của lục bình trên các sông rạch. Trước nay để khơi thông dòng chảy, người ta phải phát động các đợt trục vớt lục bình. Tuy nhiên loài thực vật này sinh trưởng và phát triển mạnh mẽ nên chỉ một thời gian ngắn lục bình lại sinh sôi nảy nở làm cản trở dòng chảy trên các đoạn sông rạch. Vấn đề đặt ra là làm sao những hộ dân ven sông phải cùng nhau trục vớt lục bình thường xuyên. Và lục bình trục vớt được phải tạo ra hiệu quả kinh tế thì mới thu hút được toàn dân tham gia. Mô hình làm biogas từ lục bình đã giải quyết cơ bản bài toán này. Bởi khi ủ lục bình làm khí đốt người dân chỉ cần bỏ chút công sức là đã tiết kiệm được chi phí khí đốt cho gia đình. Hơn nữa đây còn là loại khí đốt thân thiện với môi trường, ông Nguyễn Lê Công Minh - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Tây - thị xã Bến Cát - tỉnh Bình Dương phấn khởi cho biết.
Mặc dù chỉ mới triển khai gần 06 tháng nhưng mô hình làm biogas từ lục bình đã cho thấy tính hiệu quả của nó. Những hộ dân ven sông Sài Gòn cũng đã nhận thấy những lợi ích từ mô hình này. Chắc chắn mô hình này sẽ trở thành người bạn hữu ích cho nhiều nông dân sống ven sông và những người quản lý cũng kỳ vọng nó sẽ trở thành mô hình thiết thực trong việc ngăn chặn sự phát triển của lục bình trên các kênh rạch hiện nay.▲
Huỳnh Thanh