Hiệu quả từ việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tại các địa phương
Xác định được tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp, các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo, thực hiện việc ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) theo hướng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Chính vì thế, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã có bước phát triển mạnh mẽ, nâng cao giá trị nông sản của tỉnh.
Đưa “công nghệ” vào nông nghiệp
Với việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, tình hình nông nghiệp của các địa phương đã có những bước phát triển. Nhiều mô hình trình diễn nông nghiệp được triển khai thực hiện như trồng các loại cây trong nhà lưới, hệ thống tưới cải tiến (tự động, nhỏ giọt, phun sương)... điều này đã tạo được một diện mạo mới cho sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tại huyện Bắc Tân Uyên, với đặc điểm của huyện có thế mạnh về phát triển nông nghiệp, huyện đã không ngừng đổi mới và phát huy hiệu quả hoạt động KH&CN. Thông qua việc ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần tạo ra nông sản có chất lượng tốt, năng suất cao, nâng cao sức cạnh tranh như ứng dụng tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp sạch (VietGap) vào thâm canh cây bưởi ở xã Hiếu Liêm; xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cam, bưởi Bắc Tân Uyên…
Cùng với huyện Bắc Tân Uyên, các địa phương khác như huyện Bàu Bàng, huyện Phú Giáo cũng đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao KH&CN vào sản xuất. Tính đến cuối năm 2015, toàn huyện Bàu Bàng có 36 trang trại chăn nuôi heo, 34 trang trại chăn nuôi gà và 09 trang trại trồng cây ăn trái ứng dụng kỹ thuật cao trong sản xuất với hệ thống chuồng trại được đầu tư thiết bị hiện đại như máng ăn, máng uống tự động, đầu tư công nghệ sau thu hoạch, hệ thống nhà lưới thủy canh, hệ thống tưới phun sương tự động… theo tiêu chuẩn VietGap.
Ông Lê Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bàu Bàng cho biết, “Với tiêu chí ngành nông nghiệp của huyện sẽ phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao và đẩy mạnh phát triển các sản phẩn nông nghiệp có thế mạnh của huyện. Do đó, trong thời gian qua, huyện đã chú trọng đẩy mạnh hoạt động KH&CN vào sản xuất nông nghiệp, đã có nhiều mô hình, trang trại ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như mô hình trồng ớt lấy hạt giống trong chậu ứng dụng công nghệ nhà màn tự động và hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel, trang trại heo lạnh Phạm Văn Tạo, trang trại gà lạnh Trần Minh Dũng, trang trại bưởi Thanh Thủy, Tổ hợp tác ổi lê Đài Loan xã Trừ Văn Thố...”.
Đối với huyện Phú Giáo, ngoài Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái (xã An Thái) do Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I làm chủ đầu tư và Khu chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao tại xã Tân Hiệp và Phước Sang do Công ty Cổ phần Đường Bình Dương làm chủ đầu tư… thì huyện còn chú trọng đẩy mạnh và khuyến khích người dân chuyển sang trồng trọt, chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, ứng dụng KH&CN. Từ đó đã hình thành nên các mô hình mới như mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia súc, gia cầm; mô hình nuôi cá nước ngọt, cá sấu… Trong lĩnh vực trồng trọt, hiện nay trên địa bàn huyện đã có nhiều mô hình canh tác ứng dụng nhà lưới kín, sử dụng hệ thống bón phân và tưới nước tự động. Các hộ nông dân đã sử dụng công nghệ này trong một số loại cây trồng như cà chua, rau, dưa leo và mô hình sản xuất rau an toàn theo chuẩn VietGAP; mô hình nhà lưới trồng cây ăn quả…
Hiệu quả kinh tế cao
Tại huyện Bàu Bàng, mô hình trồng ớt lấy hạt giống trong chậu ứng dụng công nghệ nhà màn tự động và hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel của gia đình anh Huỳnh Đoàn Thông (ấp Bàu Bàng, xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng) đem lại nguồn thu đáng kể. Với công nghệ tưới nhỏ giọt, tiết kiệm nước từ 30 đến 60% nước so với phương pháp tưới truyền thống. Từ hệ thống có thể mang nước, phân bón đến đúng địa chỉ với liều lượng vừa đủ thông qua hệ thống van, đường ống, máy bơm và hiện đại hơn là kết nối với hệ thống máy tính kiểm soát, hệ thống có thể cảm ứng được độ ẩm của đất và điều khiển quá trình tưới. Đây là mô hình ứng dụng công nghệ hiện đại trong trồng trọt hiện nay của các nước và hiện đang được Việt Nam nhân rộng, hiện tại trang trại ớt giống của gia đình anh Thông có diện tích 8.200m2 với hơn 11 ngàn cây ớt giống, thời gian trồng, thụ phấn, cho thu hoạch khoảng 6 - 7 tháng và mỗi đợt thu hoạch trừ hết chi phí cho gia đình anh Thông lợi nhuận trên 150 triệu đồng.
Còn đối với anh Phạm Văn Tạo (ấp Bàu Hốt, xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng), khởi đầu từ việc nhận thấy nuôi heo theo kiểu truyền thống có hiệu quả không cao, anh Tạo đã “thay đổi tư duy” chuyển sang nuôi heo “máy lạnh”. Anh Tạo chia sẻ, năm 1998 vợ chồng anh gom góp dành dụm được một số vốn nên bàn bạc xây dựng chuồng nuôi 100 con heo nái, từ lãi ban đầu gia đình anh đã gom góp, vay mượn thêm tiền mạnh dạn đầu tư mở rộng chuồng trại và ứng dụng công nghệ trại hở vào chăn nuôi heo thịt và heo giống, ứng dụng công nghệ trại lạnh trong chăn nuôi heo nái và heo con. Hiện anh Phạm Văn Tạo đã xây dựng được 06 trang trại heo với tổng số trên 8.000 heo thịt mỗi lứa và 900 heo nái để tái đàn. Mỗi năm xuất ra thị trường khoảng 40.000 con heo thịt với chất lượng thịt đảm bảo. Cùng với việc chú trọng kỷ thuật chăm sóc, nuôi heo theo các tiêu chuẩn VietGAP, anh Tạo còn phối hợp với công ty Vissan gầy dựng thương hiệu sản phẩm thịt thương phẩm cho trang trại chăn nuôi của gia đình.
Cô Vũ Thị Huê (ấp Cà Na, xã An Bình, huyện Phú Giáo) cho biết, thực hiện việc khuyến khích chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp của huyện và của Hội Nông dân xã An Bình, gia đình đã mạnh dạn đầu tư hơn 500 triệu đồng để trồng cây dưa lưới áp dụng công nghệ cao. Mô hình nhà lưới khép kín của cô có diện tích 2.000m2, gồm khung sắt, bên trên có ni-lông bao phủ, lưới bằng sắt và bằng nhựa bên ngoài để chống côn trùng, bên trong có đường đi, hệ thống phun tưới tự động, đo nhiệt độ… Tuy đây là mô hình mới, nhưng cô nhận thấy mô hình này sẽ cho kết quả tốt, đáp ứng được nhu cầu sử dụng rau sạch của người dân cũng như đáp ứng nguồn cung cho các chợ, siêu thị.
Với hiệu quả của việc ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp, lãnh đạo các địa phương khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành để có các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; thực hiện sản xuất gắn với chế biến và nhu cầu thị trường; vận động nông dân có điều kiện chuyển đổi các loại cây trồng kém chất lượng sang đầu tư theo mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp… để tạo động lực cho ngành nông nghiệp của địa phương phát triển theo hướng bền vững, hiện đại.▲
Hải Sư