Kỹ sư nông dân tự chế trực thăng: “đáng nể phục”
Ngày 12/9, ông Bùi Hiển đã chính thức công bố chiếc máy bay tự chế thứ hai mang tên “Giấc mơ” với khả năng bay khá ổn định ở độ cao thử nghiệm khoảng 2m. Trên đuôi máy bay, ông Hiển không quên đề dòng chữ “Bùi Hiển” để khẳng định thương hiệu của “đứa con mình sinh” ra.
Ông Bùi Hiển tên đầy đủ là Nguyễn Bùi Hiển hay còn được gọi với cái tên thân mật “kỹ sư Bùi Hiển”, ông sinh năm 1954, ngụ tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Ông Bùi Hiển là nhân vật được nhiều người biết đến với sáng chế máy bay trực thăng Bùi Hiển 1. Sau thành công của chiếc máy bay này, ông Hiển đã ngay lập tức bắt tay vào chế tạo chiếc máy bay mới, bổ sung những công nghệ hiện đại và cải tiến những điểm còn hạn chế trên chiếc máy bay đầu tiên.
Ông Hiển vốn là cựu chiến binh tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, biên giới Tây Nam. Bản thân ông rất say mê nghiên cứu khoa học. Về sau ông tiếp tục theo học và trở thành kỹ sư cơ khí chuyên sửa chữa ô tô cho một xí nghiệp lâm nghiệp.
Từ đam mê ban đầu là chơi máy bay mô hình, năm 2010, ông bắt đầu nảy sinh ý tưởng thiết kế một chiếc máy bay mô hình dành riêng cho mình.
“Xem những chiếc máy bay đó tôi thích lắm. Tôi nghĩ, máy bay mô hình chế tạo được, bay được thì tại sao mình không chế tạo được chiếc máy bay thật?” ông cho biết
Sau đó ông đã bỏ nhiều năm trời để chế tạo trực thăng theo niềm đam mê vốn có của mình. Ông bắt đầu vùi đầu vào sách vở tìm hiểu về cách chế tạo máy bay. Ông lật tung các trang mạng, tiếp xúc với các nhà khoa học và được bạn bè tận tình giúp đỡ. Cuối cùng ông quyết định chế tạo ra trực thăng một chỗ ngồi.
Bắt tay thực hiện ý tưởng từ nhiều năm trước, sáng kiến tự chế máy bay của ông cũng nhận được nhiều sự đánh giá cao. Tuy nhiên, chiếc trực thăng đầu tay của kỹ sư này còn nhiều hạn chế và chưa làm ông hài lòng.
Nhược điểm này thôi thúc ông chế tạo chiếc trực thăng thứ hai khắc phục những hạn chế. Sau gần 2 năm nghiên cứu, thực hiện với niềm đam mê cháy bỏng và sự cố gắng không ngừng, ông chế tạo thành công chiếc máy bay “Giấc mơ”. Để hoàn thiện đúng theo một chiếc máy bay như mình mong muốn, ông Bùi Hiển tiếp tục mày mò, rút ra nhiều kinh nghiệm.
Chiếc trực thăng tự chế lần này của ông được đánh giá là một “siêu phẩm” khi có thể cất cánh, bay an toàn với độ cao 2 m. Theo chia sẻ của “cha đẻ” chiếc máy bay mang tên “Giấc mơ”, sản phẩm này có trọng lượng 390kg, chưa tính thùng nhiên liệu nặng 15kg và trọng lượng của phi công. Với động cơ hiện tại, thực tế máy bay có khả năng nâng tới 600kg, nhưng tổng trọng lượng nói trên hiện chỉ mới hơn 450kg.
“Mặc dù máy bay có thể bay ở vận tốc 200km/h nhưng trong thời gian thử nghiệm, tôi chỉ bay thử ở độ cao 2m với vận tốc khoảng 40 - 50km/h. Điều tôi ấn tượng ở chiếc máy bay này là nó bay rất ổn định”, ông Hiển chia sẻ.
Ông cho biết, trong quá trình bay thử “Giấc mơ”, ông đã bị cơ quan chức năng lập biên bản ít nhất một lần. Tuy nhiên, với niềm đam mê của mình, ông vẫn tiếp tục dành nhiều tháng liền âm thầm tập luyện mà không công bố với giới truyền thông.
Theo đó, trong 6 tháng liền, cứ khoảng 7 giờ sáng, ông lại có mặt ở bãi tập để kiểm tra trang thiết bị, tra nhớt, sau đó bay thử khoảng 10 phút/lần, kéo dài tới 8h30 cùng ngày. “Máy bay giờ bay êm, mượt lắm rồi, không cần phải chỉnh sửa gì nữa đâu. Tôi chỉ cần tập lái để làm quen là có thể kéo ga bay lên cao hơn nữa. Vấn đề là cơ quan chức năng có cấp phép cho tôi bay hay không”, ông Bùi Hiển trăn trở.
Nói về tên gọi “Giấc mơ” cho chiếc máy bay thứ hai, ông Hiển chia sẻ: “Giấc mơ của tôi bây giờ đã tạm trở thành hiện thực rồi, nhưng tôi còn muốn làm được nhiều hơn như thế. Tôi dự định sẽ lắp thêm hệ thống phun thuốc trừ sâu vào dưới bụng của máy bay để phục vụ nông nghiệp, hỗ trợ người nông dân phun thuốc hay tuần tra trên những cánh rừng bạt ngàn”.
Hiện tại, kỹ sư Bùi Hiển vẫn đang chờ Bộ Quốc phòng cấp phép cho bay thử nghiệm sản phẩm của mình. Trường hợp Bộ Quốc phòng có cấp phép cho ông bay hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố và phải tuân thủ những quy chuẩn khắt khe. Tuy năm nay ông Bùi Hiển đã ngoài 60 tuổi nhưng trông ông trẻ trung, khỏe mạnh như chừng 50, ông luôn rèn luyện để giữ sức khỏe và lấy công việc làm vui, để khích lệ tinh thần sáng tạo. Giấc mơ “bay” của ông đã tạm trở thành hiện thực, ông là niềm tự hào và là tấm gương để giới trẻ noi theo về “dám nghĩ, dám làm” và dám theo đuổi ước mơ của mình. Thật đáng nể phục./.▲
Minh Đức