Kết quả tổ chức triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011 - 2015
Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011 - 2015 được phê duyệt theo Quyết định số 449/QĐ-UBND, ngày 10 tháng 02 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh (sau đây gọi tắt là Chương trình 449 giai đoạn 2011 - 2015).
Chương trình 449 giai đoạn 2011 - 2015 nhằm mục tiêu chính là: Tiếp tục nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về bảo hộ sở hữu trí tuệ; góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ.
Qua 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã đạt được một số kết quả như sau:
Về xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan thực thi quyền: Xác định đây là nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi cần phải có sự chung tay của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh, chính vì vậy Sở Khoa học và Công nghệ đã nhanh chóng phối hợp với các cơ quan, ban ngành xây dựng Chương trình phối hợp hành động phòng và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn II (2012 - 2015) gọi tắt là Chương trình hành động 168 được ký kết ngày 31/12/2013. Chương trình bao gồm các cơ quan Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Công thương; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Tài chính; Công an tỉnh; Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương.
Qua Chương trình, sự phối hợp và thực thi được nâng cao, có hiệu quả trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Các nội dung của Chương trình hành động 168 về hợp tác phòng và chống xâm phạm quyền SHTT có sự phân công trách nhiệm của từng Sở ngành rất rõ ràng. Với những nỗ lực của các cơ quan trong thực thi quyền SHTT đã góp phần tích cực cho việc tuyên truyền, giáo dục, răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về SHTT, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền, người tiêu dùng và cho xã hội, góp phần làm lành mạnh hóa môi trường kinh doanh và thu hút các nguồn đầu tư vào các hoạt động sáng tạo.
Về công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ: Xác định sở hữu trí tuệ là công cụ hữu hiệu giúp các doanh nghiệp chiếm lĩnh ưu thế cạnh tranh trên thị trường, Sở Khoa học và Công nghệ luôn quan tâm và tổ chức tập huấn tuyên truyền với nhiều hình thức: Tập huấn, hội nghị, hội thảo, phóng sự, viết và đưa tin trên báo đài, bản tin và website của Sở… để nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cho cán bộ, công chức, viên chức, và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, đã phát hành 3.000 tờ rơi về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011 - 2015; đăng trên Báo Bình Dương, bản tin và website của Sở: Giỗ tổ sơn mài và công bố giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể (NHTT) Sơn mài Bình Dương; làng nghề Sơn mài Tương Bình Hiệp - điểm đến cho du khách; lễ công bố NHTT Măng cụt Lái Thiêu; nâng tầm nhãn hiệu Măng cụt Lái Thiêu; Bưởi Bạch Đằng có NHTT; đưa Bưởi Bạch Đằng đi xa. Nông dân với hoạt động sáng tạo; xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ - biện pháp đối phó nào cho doanh nghiệp; nhãn hiệu hàng hóa - làm thế nào để thu hút khách hàng…
Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình thực hiện phóng sự: “Vai trò của Sở hữu trí tuệ trong phát triển kinh tế xã hội”, “Tôn vinh sáng tạo” và “Vai trò của bảo hộ nhãn hiệu tập thể mang tên địa danh của tỉnh Bình Dương”.
Phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 24 lớp tập huấn, 02 hội thảo để phổ biến kiến thức, chính sách và pháp luật về SHTT cho 1.660 đối tượng, trong đó có 70 cán bộ quản lý nhà nước; đối tượng còn lại là đại diện các tổ chức, cá nhân đóng trên địa bàn các huyện, thị, thành phố, 01 lớp cho 50 cán bộ giảng viên các trường cao đẳng, Đại học và các chủ nhiệm đề tài dự án cấp tỉnh.
Cử cán bộ các cơ quan quản lý nhà nước và thực thi tham dự 15 lớp tập huấn và hội thảo do Cục Sở hữu trí tuệ, trường nghiệp vụ KH&CN tổ chức.
Về khuyến khích xác lập tài sản trí tuệ: Hướng dẫn cho 591 tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh thủ tục đăng ký và xác lập quyền (nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích); hướng dẫn cho 66 đơn vị sửa đổi giấy chứng nhận nhãn hiệu, gia hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ, cấp phó bản.
Đặc biệt, đã hướng dẫn cho 05 tổ chức (Hội Văn học nghệ thuật Bình Dương, Hội nông dân thị xã Thuận An, Câu lạc bộ Trang trại Hoa lan Bình Dương, Hội Nông dân huyện Phú Giáo, Tổ Hợp tác Trừ Văn Thố) xây dựng quy chế quản lý và sử dụng NHTT để xác lập quyền cho NHTT “Hội Văn học nghệ thuật Bình Dương”, “Măng cụt Lái Thiêu”, “ Hoa lan Đất Thủ”, “Cá Sặc Rằn Phú Giáo”, “Trái cây Trừ Văn Thố”. NHTT Măng cụt Lái Thiêu, nhãn hiệu tập thể Hội Văn học nghệ thuật Bình Dương, nhãn hiệu tập thể Hoa lan đất Thủ đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ. Việc xác lập quyền cho các sản phẩm của địa phương là việc làm có ý nghĩa cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà.
Chương trình đã nhân rộng mô hình bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ tập thể từ kết quả dự án Xây dựng và phát triển NHTT Sơn mài Bình Dương, NHTT Bưởi Bạch Đằng đã có 04 tổ chức áp dụng mô hình quản lý và đã xác lập quyền đó là NHTT Gốm sứ Bình Dương, NHTT chăn nuôi Hiệp Lực Bình Dương, NHTT Hội Văn học nghệ thuật Bình Dương, NHTT Măng cụt Lái Thiêu. Đặc biệt đối với NHTT Măng cụt Lái Thiêu đã lập thành dự án cấp huyện “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Măng cụt Lái Thiêu”.
Chương trình đã hỗ trợ 184 tổ chức, cá nhân với 319 đơn (260 đơn nhãn hiệu, 47 đơn kiểu dáng công nghiệp, 12 sáng chế/giải pháp hữu ích) với tổng số tiền 632.933.000đồng.
Về khuyến khích phát triển tài sản trí tuệ: Khuyến khích doanh nghiệp tham gia “Giải thưởng chất lượng Việt Nam”. Kết quả: toàn tỉnh đã có 10 doanh nghiệp đạt “Giải thưởng chất lượng Việt Nam” trong đó 01 doanh nghiệp đạt giải Châu Á Thái Bình Dương, 05 doanh nghiệp đạt giải Vàng, 04 doanh nghiệp đạt giải Bạc
Khuyến khích doanh nghiệp tham gia: Hội chợ thiết bị, công nghệ tỉnh, vùng và quốc gia. Cụ thể:
Năm 2011 tham gia Chợ Công nghệ và Thiết bị vùng Nam Trung bộ - Tây Nguyên 2011 (Techmart Quang Nam 2011) có 7 đơn vị tham gia với 17 gian hàng. Kết quả: Bộ Khoa học và Công nghệ trao tặng Bằng khen cho Sở Khoa học và Công nghệ cùng 3 đơn vị tham gia vì đã có thành tích xuất sắc trong việc tham gia Techmart Quang Nam 2011.
Năm 2012 tham gia Chợ Công nghệ và Thiết bị Quốc tế Việt Nam (Techmart Quốc tế Việt Nam 2012) có 7 đơn vị tham gia với 20 gian hàng. Kết quả: Bộ Khoa học và Công nghệ tặng bằng khen cho Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương vì đã có thành tích tham gia tích cực Techmart Quốc tế Việt Nam 2012. Bình Dương có 8 đơn vị tham gia (2 đơn vị đăng ký xét thưởng, thì có 1 đơn vị được ban tổ chức tặng cúp vàng cho thiết bị “Máy cưa bào đa năng” của Cơ sở mộc và trang trí nội thất Đức Cường.
Năm 2013, tham gia chợ công nghệ và thiết bị Vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (Techmart DakNong 2013) có 6 đơn vị tham gia với 10 gian hàng. Kết quả: Sở KHCN được Bộ KHCN tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc tham gia Techmart DakNong 2013.
Năm 2015 tham gia Chợ Công nghệ, Thiết bị và Thương mại vùng Đông Nam Bộ - Đồng Nai 2015 (Techmart Dong Nai 2015). Các sản phẩm, công nghệ và thiết bị tham gia Techmart Dong Nai 2015 đã được khách hàng tham quan đánh giá cao như: Bưởi Bạch Đằng (Nhãn hiệu tập thể Bưởi bạch đằng Bình Dương); Sản phẩm Sơn mài (Nhãn hiệu tập thể Sơn mài Bình Dương); các thiết bị quạt thông gió công nghiệp và máy hút ngược; máy phát điện sử dụng năng lượng mặt trời, các dòng sản phẩm camera quan sát và giải pháp an ninh, các dòng máy phát điện, Mô hình BIOGA cũng như các kết quả đề tài ... nhờ đó các gian hàng của Bình Dương đã được nhiều khách hàng vào tham quan và mua hàng.
Thông qua các Hội chợ thiết bị, công nghệ tỉnh, vùng và quốc gia, các đơn vị tỉnh Bình Dương đã quảng bá được thương hiệu của mình tới khách hàng, góp phần xúc tiến thương mại, giao dịch mua bán công nghệ, thiết bị và sản phẩm trong thời kỳ hội nhập quốc tế về KH&CN.
Đánh giá chung
Với những nỗ lực của Sở Khoa học và Công nghệ, sự phối hợp tích cực của các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân các huyện, thị xã, thành phố, Chương trình 449 giai đoạn 2011 - 2015 đã được triển khai theo đúng mục tiêu, nội dung được phê duyệt và đã thu hút được sự quan tâm, tham gia tích cực của các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng. Nâng cao khả năng phối hợp và thực thi hiệu quả trong việc bảo hộ quyền SHTT. Các nội dung của chương trình hành động 168 về hợp tác phòng và chống xâm phạm quyền SHTT với sự phân công trách nhiệm của từng Sở ngành rất rõ ràng. Với những nỗ lực của các cơ quan trong thực thi quyền SHTT đã góp phần tích cực cho việc tuyên truyền, giáo dục, răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về SHTT, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền, người tiêu dùng và cho xã hội, góp phần làm lành mạnh hoá môi trường kinh doanh và thu hút các nguồn đầu tư vào các hoạt động sáng tạo.
Chương trình đã có tác động đến kinh tế - xã hội như sau:
- Thu hút sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh nghiên cứu và áp dụng. Góp phần đưa hoạt động sở hữu trí tuệ lan rộng khắp địa bàn tỉnh tạo một hướng đi mới cho địa phương và các cơ quan chuyên môn trong việc triển khai các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, doanh nghiệp tạo dựng và phát triển tài sản trí tuệ.
- Nâng cao nhận thức của các tổ chức và cá nhân trong việc xây dựng, quản lý thương hiệu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Ý thức về tạo dựng, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp được cải thiện.
- Góp phần nâng cao chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Bước đầu định hình việc sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ để nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Các sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ khi đưa ra thị trường được quản lý chất lượng và các yêu cầu về mẫu mã, tem nhãn theo quy định nghiêm ngặt.
Bên cạnh những thành quả đạt được vẫn còn tồn tại một số khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện như:
- Sự tham gia của các doanh nghiệp so với quy mô toàn tỉnh còn hạn chế.
- Công tác quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể chưa đáp ứng được đầy đủ mục tiêu đề ra. Cụ thể là sau khi được bảo hộ, tỉ lệ các sản phẩm được gắn nhãn hiệu chưa nhiều, một số sản phẩm đã được gắn nhãn hiệu nhưng quy trình xem xét cấp quyền sử dụng chưa hoàn toàn tuân thủ theo các quy định trong quy chế đã ban hành.
- Việc áp dụng sáng chế, giải pháp - công nghệ, thương mại hóa tài sản trí tuệ chưa được đẩy mạnh.
- Việc xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn trước các hành vi xâm phạm ngày càng tinh vi và phức tạp, cũng như trước các yêu cầu cấp thiết khi Việt Nam tham gia vào các điều ước quốc tế về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong tiến trình hội nhập thương mại quốc tế.
Nguyên nhân
- Cơ quan được lựa chọn làm chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể chưa chủ động trong quản lý, phát triển nhãn hiệu tập thể của mình, chưa nghiên cứu để lựa chọn mô hình phù hợp với thực tiễn, bảo đảm công tác quản lý nhãn hiệu có tính khả thi và hiệu quả cao hơn.
- Việc đăng ký bảo hộ SHCN không quy định bắt buộc trong hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ nên các doanh nghiệp thường không quan tâm, chỉ đến khi nào quyền lợi của mình bị bên thứ hai xâm phạm, hoặc bị bên thứ hai khuyến cáo hành vi vi phạm quyền của người khác thì các doanh nghiệp mới tìm hiểu và bảo vệ bằng nhiều cách khác nhau.
- Các doanh nghiệp chưa có nhiều sáng chế, một số doanh nghiệp có sáng chế nhưng ngại đăng ký bảo hộ do sợ lộ bí mật.
Hiện nay, Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), vấn đề sở hữu trí tuệ càng được quan tâm hơn nữa. Do đó trong thời gian tới cần đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là đối tượng sáng chế, các loại giống cây trồng, tăng cường và đẩy mạnh hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhằm bảo vệ tốt các quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp giúp họ tiếp tục nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ phục vụ hoạt động kinh doanh và qua đó đáp ứng nhu cầu của xã hội./.
Minh Đức
Phòng Quản lý Chuyên ngành