Ứng phó với biến đổi khí hậu - bắt đầu từ những việc nhỏ
- Những đợt nắng nóng diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới là dấu hiệu đáng báo động của những thay đổi của khí hậu. …
- Những cơn bão khốc liệt đang ngày một nhiều hơn. Trong vòng chỉ 30 năm qua, số lượng những cơn giông bão cấp độ mạnh đã tăng gần gấp đôi.
- Nhiệt độ tăng cùng với lũ lụt và hạn hán đã làm cho các dịch bệnh nguy hiểm đang lan tràn ở nhiều nơi trên thế giới hơn bao giờ hết…
- Các hệ sinh thái bị phá hủy dẫn đến các hậu quả như thiếu hụt nguồn nước ngọt, không khí bị ô nhiễm nặng, năng lượng và nhiên liệu khan hiếm cùng với các vấn đề y tế liên quan khác. Tất cả không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta mà còn là vấn đề sinh tồn….
Biến đổi khí hậu đã bắt đầu biến đổi cuộc sống trên trái đất….
Cụm từ biến đổi khí hậu giờ đây không còn xa lạ với mọi người mà nó đã trở thành một vấn đề chung của toàn cầu. Bởi càng ngày cộng đồng chúng ta càng cảm nhận rõ rệt những đổi thay của khí hậu theo chiều hướng bất lợi cho con người. Những trận bão kinh hoàng, những đợt hạn hán gay gắt hay những trận lũ dữ dội ngày xuất hiện càng nhiều.
Tại Bình Dương, khí hậu cũng đã biến đổi theo hướng ngày càng khắc nghiệt hơn. Theo số liệu của Trung tâm Khí tượng - Thủy văn Bình Dương nhiệt độ trung bình của tỉnh cũng đã tăng lên khoảng 0.3 - 0.5 độ trong 30 năm qua. Mùa mưa trong những năm gần đây có nhiều trận mưa lớn và dồn dập. Dòng chảy năm và dòng chảy kiệt có xu hướng thấp đi. Nhưng đến mùa lũ, dòng chảy lại dữ dội hơn so với nhiều năm trước.
Để ứng phó với biến đổi khí hậu, Bình Dương cũng đã có triển khai nhiều giải pháp mang tính chiến lược. Nhưng mỗi người dân cũng có thể góp sức của mình bằng những việc nhỏ nhất. Bởi bất kỳ một hoạt động nào đều có khả năng gây ra khí thải như thói quen tiêu thụ năng lượng, tham gia giao thông, tiêu thụ thực phẩm… vì thể mỗi cá nhân đều có thể góp phần làm giảm khí thải nhà kính thông qua việc điều chỉnh các hoạt động hàng ngày của mình. Đây là khu nhà bếp của một hộ gia đình ở phường Chánh Nghĩa - thành phố Thủ Dầu Một. Tất cả các thiết bị điện gia dụng đều được trang bị bằng những loại tiết kiệm điện. Tại phòng ngủ, được bố trí ánh sáng tự nhiên và nhiệt độ máy điều hòa luôn được điều chỉnh ở mức phù hợp.
Theo thống kê, trung bình mỗi năm một người thải lượng rác cao gấp 10 lần trọng lượng cơ thể. Đối với 1kg rác đem chôn lấp sẽ sản sinh khoảng 2kg khí mêtan. Đây là những bãi rác ở khu xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương. Nếu chúng ta phân loại tại nguồn để những loại rác có thể tái sử dụng được thì lượng rác chôn lấp cũng sẽ giảm và dĩ nhiên lượng khí phát sinh cũng sẽ giảm đi rất nhiều.
Để ứng phó với biến đổi khí hậu bạn sẽ làm gì ?
+ Sử dụng ánh sáng tự nhiên vào ban ngày
+ Sử dụng các bóng đèn tiết kiệm điện.
+ Rút hẳn phích điện và tắt đèn khi không dùng.
+ Nếu sử dụng điều hòa nhiệt độ, hãy để ở mức 25 - 26oC.
+ Hạn chế sử dụng các hóa chất tổng hợp.
+ Thay đổi khẩu phần ăn hàng ngày. Ăn nhiều rau xanh để góp phần giảm phát thải khí nhà kính từ chăn nuôi gia súc.
+ Giảm lượng rác thải nhà bếp
+ Hạn chế sử dụng túi ni lông
Nhận thức được tầm quan trọng của biến đổi khí hậu và vấn đề bảo vệ môi trường nhiều doanh nghiệp cũng đã thực hiện triệt để nhiều giải pháp để hạn chế tối đa lượng khí thải nhà kính. Nhà xưởng của công ty Esquel Việt Nam ở Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 1 - Bình Dương cũng được thiết kế để tối ưu hóa việc tiết kiệm năng lượng. Nhà xưởng này có diện tích 9.700m2 nhưng hoàn toàn không sử dụng máy điều hòa. Thay vào đó, xưởng được lắp đặt một hệ thống làm mát bằng hơi nước. Với hệ thống làm mát này, nhiệt độ và độ ẩm trong khu vực xưởng có thể được điều chỉnh một cách dễ dàng. Với hệ thống nhà xưởng được đầu tư như thế này thì lượng điện năng tiêu thụ chỉ khoảng 300kw/h một ngày. Nhưng nếu sử dụng hệ thống máy lạnh thì sẽ phải tiêu tốn đến 4000kw/h điện. Rõ ràng, với lượng điện năng tiết kiệm được thì không chi làm lợi về chi phí cho doanh nghiệp mà còn hạn chế được một lượng lớn khí thải ra môi trường. Để tiết kiệm năng lượng điện thắp sáng, những bóng đèn ở nhiều xưởng sản xuất đã được thay thế bằng những loại đèn T5 tiết kiệm điện. Trần xưởng cũng được thay thế bằng những tấm lợp lấy sáng để tận dụng ánh sáng tự nhiên.
Có thể nói, dù cho hoạt động nào thì vai trò của mỗi cá nhân đều hết sức quan trọng.Bởi, vấn đề biến đổi khí hậu không còn là vấn đề của các nhà khoa học, các nhà quản lý nữa mà là vấn đề của cả cộng đồng. Vì thế mỗi người hãy hành động bằng những việc làm thiết thực nhất trước khi quá muộn.▲
Huỳnh Thanh