Phát triển du lịch vườn cây ăn trái Lái Thiêu: Cần phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và người dân
Hàng năm bắt đầu từ tháng 3 và kết thúc vào tháng 5 âm lịch (Tết Đoan Ngọ), người dân ở khắp nơi kéo về Lái Thiêu du lịch dã ngoại tại những vườn cây xanh mát, đầy quả ngọt trĩu cành, bên cạnh dòng sông Sài Gòn hiền hòa. Vườn cây ăn trái Lái Thiêu trải rộng hơn 1.200 ha trên địa bàn 6 xã, phường ven sông Sài Gòn gồm Vĩnh phú, Lái Thiêu, Bình Nhâm, Hưng Định, An Thạnh, An Sơn; đây là vùng trồng cây ăn trái lâu đời, với nhiều chủng loại trái cây đặc sản nổi tiếng và được đánh giá là ngon nhất vùng miền Đông Nam Bộ như: sầu riêng, bòn bon, mít tố nữ, nhưng nổi bật nhất là măng cụt Lái Thiêu.
Hình thức du lịch miệt vườn Lái Thiêu xuất phát từ trước năm 1975 theo hình thức “Hữu xạ tự nhiên hương” mang tính chất tự phát, không cần quảng bá bằng bất kỳ hình thức nào. Nhu cầu du lịch này diễn ra ở Lái Thiêu không mang tính chất dịch vụ cao, không có tổ chức đưa đón… mà theo sự “rủ rê”, mách bảo giữa mọi người rồi từ đó phát triển. Trải qua nhiều năm phát triển, vườn cây ăn trái Lái Thiêu đã có dấu hiệu giảm sút về chất lượng, số luợng… kéo theo số lượng du khách tham quan vườn cây giảm dần. Do đó, việc đưa ra các giải pháp phát triển du lịch sinh thái vườn cây ăn trái Lái Thiêu (VCATLT) là vấn đề được lãnh đạo tỉnh, thị xã Thuận An và các học giả quan tâm, đưa ra nhiều giải pháp để khôi phục lại “thương hiệu” VCATLT.
Vai trò của chính quyền địa phương
Trong những năm gần đây việc phát triển du lịch gắn với VCATLT đã nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp với nhiều biện pháp tích cực như nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường… đã làm cho các vườn cây ăn trái tại Bình Nhâm, An Sơn, Hưng Định... đã có nhiều biến chuyển, so với thời gian trước thì các vườn cây ăn trái đã nâng dần chất lượng và sản lượng qua mỗi mùa vụ.
Vườn cây ăn trái Lái Thiêu - Nét đẹp đã hình thành từ lâu
Ngoài ra, việc đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch, tăng cường sự phối hợp giữa các ngành trong quản lý hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn Thuận An cũng có nhiều buớc phát triển. Lãnh đạo thị xã Thuận An cho biết, “Thực hiện Nghị quyết về phát triển du lịch của Tỉnh ủy và Chương trình hành động của Thị ủy, các cấp ủy Đảng đã tổ chức tuyên truyền, giới thiệu bằng nhiều hình thức trực quan, sinh động để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, các doanh nghiệp và nhân dân về vai trò của việc phát triển du lịch sinh thái VCATLT trong phát triển kinh tế - xã hội của thị xã Thuận An”.
Bên cạnh đó, sự gắn kết giữa chính quyền địa phương với các doanh nghiệp và người dân với mục đích giữ gìn sinh thái, bảo tồn và phát triển VCATLT cũng là yếu tố quan trọng để góp phần vào việc khôi phục VCATLT. TS Ngô Thanh Loan, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh (ĐHKHXH&NVHCM) nhận định, “Để khôi phục lại một vùng nông thôn miệt vườn, tạo môi trường đúng nghĩa cho hoạt động du lịch miệt vườn đòi hỏi phải đầu tư trên diện rộng, phải giải quyết được bài toán kinh tế nông nghiệp như tăng năng suất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm… có như vậy người nông dân mới quan tâm và chú trọng phát triển, bảo tồn các vườn cây. Trong mối quan hệ giữa các bên này, thì vai trò của chính quyền các cấp trong việc hỗ trợ và tạo điều kiện cho người nông dân đóng vai trò quan trọng”.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, do ý thức của một số hộ tham gia vào các loại du lịch nhà vườn chưa thật sự toàn tâm, toàn ý với chủ trương chung phát triển du lịch bền vững của chính quyền, nhiều hiện tượng môi giới lấy tiền du lịch nhà vườn với giá cao, một số hộ mua trái cây ở chợ rồi bán lại cho du khách... Th.S Phan Anh Tú, trường ĐHKHXH&NVHCM cho biết, “Trong điều kiện kinh tế thị trường, xuất hiện tâm lý ngại cực khổ muốn làm giàu nhanh đã chi phối ít nhiều đến hoạt động du lịch VCATLT. Hiện tượng “chặt chém” du khách, bán trái cây với giá cao của các nhà vườn vô hình chung đã làm mất đi thương hiệu VCATLT trong mắt du khách và theo hình thức “Hữu xạ tự nhiên hương” thì cách cư xử đó sẽ “phát tán” với cấp số nhân. Trước mắt, để xây dựng lại thương hiệu VCATLT phải bắt đầu từ việc thay đổi trong văn hóa ứng xử, văn hóa mua bán giữa chủ vườn với du khách”.
Kết hợp phát triển du lịch sinh thái VCATLT với du lịch làng nghề truyền thống
Ngoài nổi tiếng về trái cây, vùng đất Lái Thiêu nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung còn nổi tiếng với hệ thống làng nghề truyền thống như gốm sứ, sơn mài, đồ gỗ mỹ nghệ và hệ thống chùa - đình - miếu cổ, lại nằm giáp ranh giữa Tp. Hồ Chí Minh nên rất có lợi thế phát triển loại hình du lịch sinh thái - văn hóa.
Nếu như yếu tố vườn cây sinh thái để du khách cân bằng ý thức về môi trường sống thì yếu tố văn hóa lịch sử giúp tạo nên sự hưng phấn và ấn tượng - yếu tố then chốt để tái thu hút khách du lịch.
TS. Nguyễn Ngọc Thơ, trường ĐHKHXH&NVHCM đề xuất, “Để làm được điều này, địa phương cần xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu là biểu tượng được đúc kết đầy đủ bề nổi của hoạt động văn hóa của vùng đất và được thể hiện trên các vật dụng lưu niệm để du khách có thể mua và giới thiệu đến bạn bè”.
Ngoài ra, để tăng thêm tính hấp dẫn, cần phải mở rộng và kết hợp với các loại hình du lịch gắn liền với các làng nghề truyền thống như tham quan các lò gốm thủ công tại Tân Phước Khánh, lò lu Đại Hưng, làng sơn mài Tương Bình Hiệp, nhà cổ Trần Văn Hổ… và các tour du lịch vừa tham quan nhà vườn vừa chiêm bái lễ Phật tại các ngôi chùa nổi tiếng của Bình Dương như Chùa Hội Khánh, Chùa Bà...
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu phát triển du lịch bền vững, các cơ quan chức năng cần có những chính sách đầu tư, quản lý chặt chẽ việc kinh doanh du lịch, đồng thời xây dựng các mô hình du lịch tiêu biểu, đặc trưng của vùng đất Lái Thiêu. Khi Nhà nước có sự đầu tư mạnh, chính sách quản lý tốt, người dân tham gia nhiệt tình thì chương trình du lịch sinh thái VCATLT sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn, nổi tiếng của cả nước trong tương lai không xa.▲
Hải Sư