Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương
Ths. Ngô Văn Dinh
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ
Ngày 01/11/2012, Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (gọi tắt là Nghị quyết 20), nêu rõ quan điểm, xác định mục tiêu, giải pháp chiến lược để phát triển KH&CN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ngày 29/3/2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 46/NQ-CP, nhằm tổ chức thực hiện đầy đủ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Nghị quyết 20, xác định nhiệm vụ để các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hành động, tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 20.
Triển khai thực hiện Nghị quyết 20, Tỉnh ủy Bình Dương đã ban hành chương trình hành động thực hiện nghị quyết, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện chương trình hành động của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 46/NQ-CP, với mục tiêu phát triển mạnh mẽ KH&CN, làm cho KH&CN thực sự là động lực quan trọng nhất để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, quốc phòng, góp phần đưa Bình Dương cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hoá và tạo ra sự phát triển cân đối, bền vững vào năm 2020.
Kết quả thực hiện Nghị quyết 20
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý, hoạt động KH&CN
Ban hành, cụ thể hóa một số cơ chế, chính sách thực hiện Luật KH&CN 2013, Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật KH&CN, các Thông tư hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, như quy chế quản lý; xác định; tuyển chọn, giao trực tiếp; đánh giá nghiệm thu; thu thập, đăng ký, lưu giữ và công bố về thông tin; định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH&CN; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Khoa học và Công nghệ và cơ quan chuyên môn về KH&CN thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Chuyển đổi 3 đơn vị sự nghiệp KH&CN công lập trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động, kinh phí gồm: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng và Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN.
Triển khai cơ chế cấp phát kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh thông qua Quỹ Phát triển KH&CN.
Đổi mới cơ chế xác định nhiệm vụ KH&CN theo nguyên tắc, kết quả nhiệm vụ phải có địa chỉ ứng dụng cụ thể và được các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp cam kết sử dụng, nhân rộng khi nhiệm vụ hoàn thành.
Triển khai nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh
Trong 5 năm 2011-2016 triển khai 59 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, tổ chức đánh giá nghiệm thu 111 nhiệm vụ. Các nhiệm vụ KH&CN được triển khai theo hướng ứng dụng là chính, cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn để giải quyết nhiệm vụ bức xúc của các ngành, địa phương, doanh nghiệp, thiết thực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả quản lý trong các lĩnh vực: văn hóa - xã hội; giáo dục - đào tạo; y, dược; công nghiệp - công nghệ; nông nghiệp; tài nguyên - môi trường và công nghệ thông tin.
Phát triển KH&CN cấp cơ sở
Từ năm 2010 - 2015, triển khai 36 nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở, gồm 14 nhiệm vụ ở các huyện, thị xã, thành phố và 12 nhiệm vụ ở các sở, ban, ngành. Tổng kinh phí thực hiện trên 13 tỷ đồng.
Hội đồng KH&CN các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố đã tích cực tham mưu việc triển khai ứng dụng, tiếp nhận chuyển giao công nghệ kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN phù hợp với cơ sở.
Các trường, viện trên địa bàn tỉnh chú trọng nâng cao tiềm lực KH&CN. Hàng năm, các trường đều có kế hoạch xây dựng, bổ sung trang thiết bị cho các phòng thí nghiệm, thực hành nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy, nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên và sinh viên. Các trường đầu tư kinh phí đảm bảo chi phát triển nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, một số hoạt động KH&CN đã có gắn kết với công tác xã hội hóa.
Việc phát triển nguồn nhân lực KH&CN được các trường, viện trong tỉnh thực hiện hàng năm qua các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng, đảm bảo số lượng và cơ cấu ngành nghề chuyên môn. Một số trường có những chính sách hỗ trợ cho cán bộ, giảng viên và sinh viên tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học.
Phát triển nguồn nhân lực KH&CN
Đội ngũ lao động có trình độ từ đại học trở lên chiếm 4,6%, trong đó trình độ trên đại học chiếm 0,07% so với tổng số lao động toàn tỉnh. Lao động có trình độ trên đại học tập trung nhiều trong ngành y tế (4,6% lao động toàn ngành); ngành giáo dục 2,8% và quản lý nhà nước 2,9%.
Tình hình lao động qua đào tạo theo trình độ chuyên môn kỹ thuật (người)
Năm
|
Tổng lao động
qua đào tạo
|
Sơ cấp và dạy nghề ngắn hạn
|
Trung cấp
|
Cao đẳng
|
Đại học
trở lên
|
2011
|
649.657
|
531.222
|
62.701
|
20.534
|
35.200
|
2012
|
705.736
|
555.299
|
85.615
|
28.272
|
36.550
|
2013
|
763.724
|
576.553
|
111.866
|
37.255
|
38.050
|
2014
|
825.855
|
596.698
|
141.843
|
47.614
|
39.700
|
2015
|
897.078
|
619.183
|
176.697 |
59.699 |
41.500 |
Cơ cấu lao động qua đào tạo theo trình độ chuyên môn kỹ thuật (%)
Năm
|
Tổng lao động
qua đào tạo
|
Sơ cấp và dạy nghề ngắn hạn
|
Trung cấp
|
Cao đẳng
|
Đại học
trở lên
|
2011
|
100,0
|
81,8
|
9,7
|
3,2
|
5,4
|
2012
|
100,0
|
78,7
|
12,1
|
4,0
|
5,2
|
2013
|
100,0
|
75,5
|
14,6
|
4,9
|
5,0
|
2014
|
100,0
|
|
17,2
|
5,8
|
4,8
|
2015
|
100,0
|
69,0
|
19,7
|
6,7
|
4,6
|
Tính đến cuối 2015, toàn tỉnh có tổng số 26.790 cán bộ, công chức, viên chức (bao gồm cả cán bộ chuyên trách và không chuyên trách cấp xã).
Ở cấp tỉnh, công chức, viên chức có trình độ từ cao đẳng trở lên là 57 %, trong đó trình độ đại học 44%; trình độ trên đại học chiếm 3,06%.
Ở cấp huyện, cán bộ, công chức, viên chức có trình độ từ cao đẳng trở lên là 47,21% trong đó trình độ đại học 18,19%, trên đại học 0,12%
Trong tổng số lao động được đào tạo, tỷ lệ đào tạo sơ cấp nghề và dạy nghề ngắn hạn giảm, đào tạo trung cấp và cao đẳng tăng lên, đào tạo đại học cũng giảm. Chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh đã theo xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế là: tăng tỷ lệ lao động dịch vụ, giảm dần tỷ lệ lao động công nghiệp - nông nghiệp.
Để đảm bảo duy trì, ổn định nguồn nhân lực nói chung và đội ngũ cán bộ KH&CN nói riêng, từ năm 2011 đến nay, tỉnh tiếp tục thực hiện một số chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức như chính sách đào tạo, thu hút và phát triển nguồn nhân lực; chế độ ưu đãi cán bộ, công chức, viên chức làm công tác công nghệ thông tin.
Phát triển hạ tầng KH&CN
Triển khai 8 dự án đầu tư cho các đơn vị thuộc Sở Khoa học và Công nghệ gồm: Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN, Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng, trong đó có 02 dự án Ủy ban nhân dân tỉnh cho chủ trương thực hiện. 06 dự án đã thực hiện với số vốn khoảng 48 tỷ đồng.
Ngành nông nghiệp bổ sung các trang thiết bị phục vụ công tác tập huấn, phổ biến tiến bộ KH&CN cho các đơn vị trực thuộc. Tăng cường năng lực phân tích, kiểm nghiệm y tế.
Thông qua triển khai các dự án đầu tư sử dụng kinh phí tiềm lực KH&CN, trang thiết bị, máy móc hiện đại được đầu tư, đã giúp cho các đơn vị của Sở Khoa học và Công nghệ và một số sở, ngành nâng cao năng lực hoạt động, phần nào đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện các dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn và thử nghiệm chất lượng cao.
Phát triển hệ thống tổ chức KH&CN
Củng cố tổ chức và bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Sở Khoa học và Công nghệ; tăng cường chức năng, nhiệm vụ, nhân lực và cơ sở vật chất cho các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở, để có đủ năng lực chuyển đổi hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 115/NĐ-CP.
Trên địa bàn tỉnh có 27 tổ chức KH&CN (trong đó có 6 tổ chức công lập, 21 tổ chức ngoài công lập), tổng số nhân lực là 306 người, gồm 24 tiến sĩ (tỷ lệ 7,8%), 59 thạc sĩ (19%), 132 đại học và cao đẳng (43%), trung cấp (3,2%), trình độ khác (26,5%). Các tổ chức KH&CN đã tham gia một số hoạt động nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất, đời sống. Tuy nhiên các đóng góp của tổ chức KH&CN cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của tỉnh trong các năm qua còn ít, chủ yếu là thực hiện các hoạt động dịch vụ tạo nguồn thu duy trì hoạt động. Tổng số nhiệm vụ tham gia từ năm 2011-2016 là 20 nhiệm vụ.
Có 3 doanh nghiệp KH&CN trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm; sấy nông, lâm sản; gốm sứ cao cấp, hoạt động trên cơ sở sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do chính doanh nghiệp tạo ra. Đến nay cả 3 doanh nghiệp này hoạt động tốt, ổn định và phát triển.
Phát triển thị trường KH&CN
Mở rộng hợp tác với các tổ chức hoạt động KH&CN trong và ngoài tỉnh để triển khai nhiệm vụ KH&CN. Ký kết hợp tác với Đại học Quốc tế (thuộc Đại học Quốc gia Tp HCM) trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực giai đoạn 2014 -2017.
Từ năm 2010 - 2016, các doanh nghiệp, tổ chức đã đăng ký 2.780 nhãn hiệu hàng hóa, 199 kiểu dáng công nghiệp, 02 giải pháp hữu ích và 01 sáng chế.
Thành lập Quỹ Phát triển KH&CN của tỉnh và doanh nghiệp: Vốn hoạt động của Quỹ được ngân sách cấp bổ sung trong năm 2015 là 100 tỷ đồng. Hoạt động cho vay: Đã giải ngân theo tiến độ đầu tư 12 dự án với tổng kinh phí là 19.255 triệu đồng; ký kết 26 hợp đồng hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế, trong đó đã nghiệm thu, thanh lý 22 hợp đồng với tổng kinh phí 289 triệu đồng. Đã có 6 doanh nghiệp thành lập quỹ phát triển KH&CN với số trích quỹ hơn 408 tỷ đồng.
Đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp vào tăng trưởng
Đóng góp của KH&CN vào tăng trưởng kinh tế được đánh giá thông qua chỉ số yếu tố năng suất tổng hợp (TFP), phản ánh hiệu quả của các nguồn lực được sử dụng vào sản xuất, hiệu quả do thay đổi công nghệ, trình độ tay nghề của nhân công, trình độ quản lý... Theo tính toán của Cục Thống kê, tỷ trọng đóng góp của các yếu tố vào GDP của tỉnhgiai đoạn 2010 - 2016 như sau:
(ĐVT: %)
Năm
|
Đóng góp của vốn
|
Đóng góp của lao động
|
Đóng góp của TFP
|
2010
|
65,7
|
18,6
|
15,65
|
2011
|
60,9
|
20,1
|
18,95
|
2012
|
55,8
|
14,3
|
29,90
|
2013
|
54,6
|
13,3
|
32,16
|
2014
|
53,8
|
13,1
|
33,14
|
2015
|
53,1
|
13,6
|
33,28
|
2016
|
53,8
|
12,5
|
33,70
|
Bình quân 2010 - 2016
|
56,81
|
15,07
|
28,11
|
Qua kết quả tính toán cho thấy, TFP có tỷ lệ đóng góp ngày càng cao vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Nếu như năm 2010-2011, đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng kinh tế dưới 20%, thì từ năm 2012-2016, tốc độ tăng TFP ngày càng nhanh, đóng góp của tăng TFP của năm sau tăng nhanh hơn năm trước, bình quân giai đoạn 2010-2016, tốc độ tăng của TFP đóng góp vào tăng trưởng kinh tế là 28,11% (cao hơn đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP của cả nước giai đoạn 2011-2016 bình quân là 26%). Đây là yếu tố phản ánh đóng góp của KH&CN ngày càng cao vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Đánh giá chung
Mặt làm được
Triển khai chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết 20, các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển KH&CN đã được cụ thể hóa, phù hợp với thực tiễn hoạt động KH&CN ở địa phương, từ đó hoạt động KH&CN đã có những chuyển biến tích cực, có những đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong một số lĩnh vực. Các nhiệm vụ KH&CN hầu hết đều gắn với ứng dụng để giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn sản xuất và đời sống.
Các chương trình KH&CN trọng điểm tập trung hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động KH&CN để đổi mới quy trình công nghệ, cải tiến máy móc thiết bị, tạo ra sản phẩm mới; áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; nâng cao năng suất, chất lượng đối với sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Sự hỗ trợ của Nhà nước tuy không nhiều, nhưng có tác động lan rộng trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.
Bình quân giai đoạn 2010-2016, tốc độ tăng của TFP đóng góp vào tăng trưởng kinh tế là 28,11%, phản ánh đóng góp của KH&CN ngày càng cao vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Hoạt động quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; sở hữu công nghiệp; công nghệ; an toàn bức xạ hạt nhân; quản lý các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động KH&CN ngày càng hiệu quả, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Các huyện, thị xã, thành phố và các ngành đã quan tâm hơn đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KH&CN, các đề tài sát với nhu cầu cấp cơ sở được triển khai nhiều hơn so với các năm trước. Tiếp tục xây dựng mô hình tổ chức hoạt động và quản lý nhà nước về KH&CN cấp huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng huy động thêm nguồn lực bổ sung vào nguồn lực của tỉnh.
Hạn chế
Hoạt động KH&CN chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu, chưa thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy đã triển khai một số chương trình KH&CN trọng điểm, nhưng các nhiệm vụ trong từng chương trình thiếu gắn kết nên hiệu quả còn hạn chế; các chương trình KH&CN chưa được lồng ghép với các chương trình kinh tế - xã hội khác. Mặc dù số lượng nhiệm vụ KH&CN hàng năm được các tổ chức, cá nhân đề xuất nhiều, nhưng số lượng phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội không nhiều, do đó số nhiệm vụ hàng năm được đưa vào thực hiện ít; số doanh nghiệp tham gia các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đạt thấp; sự kết hợp giữa doanh nghiệp, cơ quan quản lý, nhà khoa học, tổ chức chuyển giao công nghệ còn hạn chế. Việc ứng dụng tiến bộ KH&CN, cải tiến, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, như thiếu thông tin về thị trường, công nghệ, vốn.
Cơ chế, nghĩa vụ và trách nhiệm tổ chức ứng dụng, nhân rộng kết quả của nhiệm vụ từ phía các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp hưởng thụ kết quả hoặc từ phía tổ chức chủ trì thực hiện, mới được quy định tương đối cụ thể từ năm 2015. Vì vậy, một số kết quả thực hiện nhiệm vụ không được sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả trong thực tế.
Cơ chế tài chính mặc dù có những bước cải tiến, nhưng cũng còn có những vướng mắc nên hoạt động nghiên cứu, ứng dụng cũng chưa phát triển mạnh. Công tác lập kế hoạch KH&CN chưa phù hợp với hoạt động đặc thù của KH&CN.
Các doanh nghiệp đã thành lập quỹ phát triển KH&CN với kinh phí khá lớn, nhưng do chưa có quy định về quản lý (xác định nhiệm vụ, tổ chức xét duyệt, thanh quyết toán…), do vậy, nguồn kinh phí từ quỹ này của các doanh nghiệp sử dụng không được bao nhiêu và không đáp ứng yêu cầu hoạt động KH&CN của doanh nghiệp.
Thị trường KH&CN bước đầu hình thành, nhưng chưa phát triển mạnh. Sản phẩm của nghiên cứu khoa học có hàm lượng chất xám chưa cao; việc gắn kết nghiên cứu, ứng dụng với sản xuất, kinh doanh chưa rộng rãi. Dịch vụ trong lĩnh vực KH&CN (đại diện sở hữu trí tuệ; thẩm định, đánh giá công nghệ; tư vấn xây dựng hợp đồng chuyển giao công nghệ; môi giới công nghệ…) chưa phát triển.
Đội ngũ cán bộ KH&CN, cán bộ quản lý KH&CN thiếu về số lượng, chất lượng còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu, chưa tham mưu kịp thời các quy định để triển khai các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn. Nhân lực KH&CN ở các ngành kinh tế mũi nhọn, có tính quyết định đem lại giá trị gia tăng cao, như công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, điện tử - viễn thông, công nghệ số và tự động… rất thiếu. Việc đào tạo và thu hút các nhà khoa học giỏi, tài năng, chuyên gia đầu ngành chưa đạt hiệu quả mong muốn.
Chưa huy động được nguồn lực của xã hội tham gia vào quá trình xã hội hóa các hoạt động KH&CN.
Việc cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ cho việc xây dựng các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh còn hạn chế. Chưa có biện pháp để khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp chủ động đầu tư kinh phí cho việc đổi mới công nghệ, thiết bị và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác nghiên cứu, ứng dụng KH&CN còn hạn chế. Chưa có biện pháp đẩy mạnh nhân rộng kết quả các nhiệm vụ KH&CN sau nghiệm thu vào sản xuất và đời sống. Tiềm lực KH&CN của tỉnh phát triển còn chậm.
Phương hướng tiếp tục thực hiện Nghị quyết 20
Phương hướng, nhiệm vụ
Đầu tư phát triển KH&CN tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh bền vững gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ở cấp tỉnh và cấp cơ sở; nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN, tăng cường đầu tư tiềm lực KH&CN.
Tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực KH&CN. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nhân tài, những người có trình độ cao, kỹ thuật viên và công nhân lành nghề cho các ngành thuộc hướng ưu tiên phát triển của tỉnh. Tạo môi trường thuận lợi cho việc gắn kết nghiên cứu khoa học với giáo dục và đào tạo.
Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động KH&CN, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp và thành lập quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp.
Tranh thủ các kênh chuyển giao công nghệ mới, công nghệ cao từ nước ngoài, qua đó nâng cao trình độ và năng lực công nghệ của tỉnh.
Phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ. Bảo đảm cung cấp luận cứ khoa học cho việc cụ thể hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ở tỉnh. Tiếp thu và làm chủ công nghệ, thiết bị được chuyển giao phục vụ sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hình thành đồng bộ đội ngũ cán bộ KH&CN có trình độ cao, tâm huyết, trung thực, tận tụy. Phát triển các tổ chức, tập thể KH&CN mạnh, các nhà khoa học đầu ngành.
Giải pháp tổ chức triển khai
Hỗ trợ thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; khai thác thông tin sáng chế trong và ngoài nước phục vụ nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh.
Khuyến khích thực hiện nhiệm vụ liên kết giữa doanh nghiệp và các tổ chức KH&CN để huy động nguồn đầu tư từ doanh nghiệp và gắn nghiên cứu với triển khai ứng dụng, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu, giữa nhà trường với cơ sở sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên.
Trong việc xác định, thực hiện nhiệm vụ KH&CN hàng năm, chú trọng các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, ứng dụng công nghệ cao, tập trung hỗ trợ các nhiệm vụ cải tiến thiết bị, hoàn thiện, đổi mới công nghệ, tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến để sản xuất ra sản phẩm mới hoặc nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.
Các ngành cần nghiên cứu đề xuất các chương trình KH&CN trọng điểm trung hạn, có mục tiêu, tạo đột phá về việc ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống trong ngành mình.
Tiếp tục đầu tư cho Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN, Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN và các đơn vị sự nghiệp của các sở, ngành để cung cấp dịch vụ KH&CN, chuyển giao tiến bộ KH&CN, phục vụ quản lý nhà nước.
Hướng dẫn doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển KH&CN để đầu tư phòng thí nghiệm, đào tạo, phát triển hoạt động KH&CN trong doanh nghiệp.
Các trường đại học, cao đẳng phát triển các nhóm nghiên cứu tham gia đề xuất, dự tuyển thực hiện các nhiệm vụ KH&CN; chủ động tiếp xúc, làm việc với doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu nghiên cứu, ứng dụng trên cơ sở đó xây dựng nhiệm vụ KH&CN đề xuất Nhà nước hỗ trợ thực hiện, qua đó đào tạo nguồn nhân lực.
Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức KH&CN hoạt động, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nhằm phát triển doanh nghiệp KH&CN.
Đầu tư thêm về vốn điều lệ, biên chế để Quỹ Phát triển KH&CN thực hiện các nhiệm vụ: Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay; thực hiện cấp kinh phí cho các nhiệm vụ KH&CN; làm vai trò cầu nối để hướng dẫn doanh nghiệp vay vốn Quỹ đổi mới công nghệ Quốc gia để thực hiện các dự án lớn.
Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tổ chức tốt các chợ công nghệ và thiết bị; hình thành trung tâm giao dịch công nghệ trên địa bàn tỉnh.
Giải pháp về cơ cấu tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý
Tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, biên chế; từng bước chuẩn hóa cán bộ để nâng cao năng lực quản lý của Sở Khoa học và Công nghệ.
Củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động KH&CN của các huyện, thị xã, thành phố, sở, ban, ngành theo hướng xác định rõ nội dung, trách nhiệm và thẩm quyền quản lý; bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý KH&CN; hiện đại hóa, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ quản lý.
Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ cơ chế quản lý hoạt động KH&CN, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động KH&CN. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản để đổi mới công tác quản lý khoa học: thực hiện cơ chế đặt hàng; tư vấn xác định nhiệm vụ; tuyển chọn hoặc giao trực tiếp tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ; quản lý trong quá trình thực hiện; đánh giá nghiệm thu kết quả; khoán chi từng phần hoặc khoán chi đến sản phẩm cuối cùng.
Triển khai kịp thời, có hiệu quả các cơ chế, chính sách, chủ trương về KH&CN của Trung ương.
Triển khai các định hướng phát triển KH&CN chủ yếu về: Khoa học xã hội và nhân văn; giáo dục - đào tạo; nông nghiệp; tài nguyên, bảo vệ môi trường; công nghệ sinh học; công nghệ cơ khí, tự động hóa, công nghiệp hỗ trợ; công nghệ vật liệu mới, năng lượng tái tạo; giao thông, xây dựng; dịch vụ, kinh tế; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; quốc phòng và an ninh.