Một số vấn đề về hoạt động của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ trong doanh nghiệp
Việc thành lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) của doanh nghiệp hiện nay căn cứ trên các văn bản quy phạm pháp luật như sau:
- Luật Khoa học và Công nghệ số 29/2013/QH13 ngày 18/6/2013;
- Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 ngày 03/6/2008 và các Văn bản hướng dẫn thi hành;
- Điều 9, 10, 11 và 13 Nghị định số 95/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ Quy định đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN (Nghị định số 95);
- Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính Hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế và sửa đổi bổ sung một số điều của các nghị định về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014, Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014, Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính (Thông tư số 96);
- Điều 10, Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính Hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (Thông tư số 78);
- Thông tư số 15/2011/TT-BTC ngày 09/02/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thành lập, tổ chức, hoạt động, quản lý và sử dụng Quỹ Phát triển KH&CN của doanh nghiệp và Thông tư số 105/2012/TT-BTC ngày 25/6/2012 của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 15/2011/TT-BTC. - Quyết định số 36/2007/QĐ-BTC ngày 16/5/2007 của Bộ Tài chính về việc Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển KH&CN của tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp;
1. Doanh nghiệp có nhu cầu thực sự cần Quỹ Phát triển KH&CN cho hoạt động KH&CN không?
Ngày 17/4/2016, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ KH&CN, Hiệp hội doanh nghiệp và Cục Thuế Tp. HCM đã tổ chức Hội thảo tháo gỡ khó khăn trong việc trích lập và sử dụng Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ. Theo đó, doanh nghiệp hiện nay coi nghiên cứu ứng dụng KH&CN không chỉ là vấn đề sống còn đối với doanh nghiệp lớn mà cả doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì vậy, việc trích lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ là cần thiết. Vì Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ sẽ thúc đẩy quá trình đưa tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất - kinh doanh và đời sống, góp phần đổi mới công nghệ ở các đơn vị sản xuất và tăng cường năng lực công nghệ trong nước.
2. Doanh nghiệp
- Khoản 1 Điều 10 Thông tư số 78 quy định doanh nghiệp được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế hàng năm trước khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
- Điều 9 Nghị định số 95 quy định rõ: Doanh nghiệp nhà nước hàng năm phải trích từ 3% đến 10% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp ngoài nhà nước được quyền trích từ thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp một tỷ lệ hợp lý, tối đa 10% để lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
3. 03 khó khăn chính
- Khoản 2 Điều 10 Thông tư số 78 quy định trong thời hạn 05 năm, kể từ khi trích lập, nếu Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ không được sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% hoặc sử dụng không đúng mục đích thì doanh nghiệp phải nộp ngân sách nhà nước phần thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên khoản thu nhập đã trích lập quỹ mà không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích và phần lãi phát sinh từ số thuế thu nhập doanh nghiệp đó. Số tiền sử dụng không đúng mục đích thì sẽ không được tính vào tổng số tiền sử dụng cho mục đích phát triển khoa học và công nghệ.
- Khoản 3 Điều 10 Thông tư số 78 quy định Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp chỉ được sử dụng cho đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của doanh nghiệp tại Việt Nam. Trong khi đó, Nghị định số 95 còn cho phép doanh nghiệp được sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ chi cho việc hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
- Chế tài về việc lập trích Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ: Điểm b, khoản 5, Điều 11 Nghị định số 95 quy định trong trường hợp doanh nghiệp chưa có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ mà không đóng góp vào các quỹ của nhà nước thì trong thời hạn 05 năm, kể từ năm kế tiếp năm trích lập, nếu Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp ngoài nhà nước không được sử dụng, hoặc sử dụng không hết hoặc sử dụng không đúng mục đích thì doanh nghiệp phải nộp ngân sách nhà nước phần thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên khoản thu nhập đã trích lập quỹ mà không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích và phần lãi phát sinh từ số thuế thu nhập doanh nghiệp đó.
- Hóa đơn, chứng từ hợp lý, hợp lệ: Khoản 5, Điều 11 Nghị định số 95 quy định Các khoản chi từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp phải có chứng từ theo quy định của quy chế chi tiêu, sử dụng Quỹ. Trường hợp trong năm, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng cho hoạt động khoa học và công nghệ vượt quá số tiền hiện có tại Quỹ thì được lựa chọn trích trước Quỹ của các năm tiếp theo để bù vào số còn thiếu hoặc tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ tính thuế.
4. Các nội dung chi thế nào là đúng? thế nào là sai?; Quỹ trích lập từ thu nhập trước thuế:
- Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 95 quy định việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của doanh nghiệp: Doanh nghiệp phải xây dựng quy chế đề xuất, xác định nhiệm vụ, tổ chức thực hiện và đánh giá nghiệm thu các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của doanh nghiệp và quy chế chi tiêu, sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp gửi cơ quan thuế nơi doanh nghiệp đăng ký thuế để kiểm soát. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm thực hiện đúng quy chế. Việc xây dựng quy chế phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch trong nội bộ doanh nghiệp.
- Khoản 3 Điều 10 Thông tư số 78 quy định Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp chỉ được sử dụng cho đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của doanh nghiệp tại Việt Nam.
- Khoản 3 Điều 10 Nghị định số 95 quy định mức chi cho việc hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp:
+ Trang bị cơ sở vật chất - kỹ thuật cho hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp: Xây dựng các tổ chức nghiên cứu phát triển, trung tâm phân tích, kiểm nghiệm, thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm sản phẩm; hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp và thống kê về hoạt động khoa học và công nghệ; chi cho công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa cơ sở vật chất - kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ hoạt động khoa học và công nghệ; chi khác phục vụ phát triển khoa học và công nghệ; các hệ thống quản lý chất lượng của doanh nghiệp;
+ Mua quyền sử dụng, quyền sở hữu: Bí quyết công nghệ; kiến thức kỹ thuật về công nghệ được chuyển giao dưới dạng phương án công nghệ, quy trình công nghệ, thiết kế kỹ thuật, giải pháp kỹ thuật, công thức, thông số kỹ thuật, bản vẽ, sơ đồ kỹ thuật, chương trình máy tính, thông tin dữ liệu; giải pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ; bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, giống cây trồng, kiểu dáng công nghiệp; sáng kiến; các tài liệu, kết quả nghiên cứu, sản phẩm có liên quan trong nước và nước ngoài để phục vụ cho hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp;
+ Mua máy móc, thiết bị có kèm theo các đối tượng chuyển giao công nghệ theo quy định tại Điều 7 Luật Chuyển giao công nghệ để thay thế một phần hay toàn bộ công nghệ đã, đang sử dụng bằng công nghệ khác tiên tiến hơn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hoặc cải tiến phát triển sản phẩm mới của doanh nghiệp;
+ Trả lương, chi thuê chuyên gia hoặc hợp đồng với tổ chức khoa học và công nghệ trong nước và nước ngoài để thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp;
+ Chi cho đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ;
+ Chi cho các hoạt động sáng kiến theo quy định của pháp luật về sáng kiến;
+ Chi cho các hoạt động hợp tác về khoa học và công nghệ giữa các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong nước và ngoài nước: Hoạt động khảo sát, tìm kiếm đối tác, nhu cầu công nghệ trong nước và ngoài nước; chi phí cho các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu chung theo các lĩnh vực khoa học và công nghệ được nhà nước khuyến khích, ưu tiên;
+ Chi cho đánh giá, thử nghiệm, kiểm chuẩn, quảng bá, thương mại hóa sản phẩm mới, công nghệ mới; đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.
5. Nhà nước chỉ hỗ trợ 20% chi phí, hơn 70% còn lại của DN nhưng thủ tục phức tạp
Khi trích lập Quỹ Phát triển KH&CN doanh nghiệp được nhà nước hỗ trợ hơn 20% chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, để được hỗ trợ hơn 20% doanh nghiệp phải thực hiện một số nội dung sau:
- Thành lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ;
- Thành lập Hội đồng khoa học và công nghệ;
- Xây dựng quy chế đề xuất, xác định nhiệm vụ, tổ chức thực hiện và đánh giá nghiệm thu các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của doanh nghiệp;
- Xây dựng quy chế chi tiêu, sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp;
- Thẩm định đánh giá tính khả thi của đề tài từ khâu đầu đến khâu cuối: Vậy ai đủ khả năng, trình độ thẩm định lẫn nghiệm thu đề tài? Đề tài như thế nào là đạt và chưa đạt? Nếu đề tài không đạt thì doanh nghiệp sẽ không được khấu trừ thuế cho dù đã bỏ tiền ra để làm;
- Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp chỉ được sử dụng cho đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của doanh nghiệp;
- Các khoản chi từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật…
Đồng thời, nếu trong thời hạn 05 năm, kể từ khi trích lập, nếu doanh nghiệp không sử dụng hết 70% hoặc sử dụng không đúng mục đích hoặc đề tài dự án không khả thi thì doanh nghiệp phải nộp ngân sách nhà nước phần thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên khoản thu nhập đã trích nộp và phần lãi phát sinh từ số thuế thu nhập doanh nghiệp đó.
Như vậy, với phương thức đầu tư cho khoa học và công nghệ của doanh nghiệp lâu nay là có bao nhiêu thì đầu tư bấy nhiêu sẽ dễ dàng hơn, doanh nghiệp không vất vả thực hiện các thủ tục phức tạp theo hướng dẫn, không phải nơm nớp lo sợ đề tài có đạt hay không đạt và không có nguy cơ bị phạt lãi suất.
6. Giải pháp và kiến nghị:
Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ không phải là nguồn tài chính duy nhất cho hoạt động khoa học và công nghệ, nhưng chắc chắn là nguồn rất quan trọng, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay. Để phát huy vai trò của Quỹ cần phải có một số sau:
- Cục Thuế cần có văn bản hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp, đơn giản hóa các thủ tục để phù hợp với thực tế hiện nay.
- Đề nghị được áp dụng Nghị định số 95 thay cho Thông tư số 78, Thông tư số 96 về hoạt động của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ. Không quy định hành vi vi phạm về việc trích lập Quỹ mà trong vòng 05 năm, không sử dụng hoặc sử dụng dưới 70% và điều khoản chế tài hành vi vi phạm đó.
- Đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ có Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 95 và quy định cụ thể quy trình sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ, đơn giản hóa các thủ tục khi sử dụng Quỹ cho hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp đảm bảo phù hợp với quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp và Nghị định quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ.▲
Châu Nam