Phát triển viễn thông, góp phần đưa Bình Dương trở thành tỉnh phát triển mạnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam
Là một trong những tỉnh, thành nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cùng với việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị tỉnh Bình Dương còn chú trọng phát triển viễn thông (VT). Trong thời gian qua VT đã có những bước phát triển đáng kể, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và là cơ sở để xây dựng Thành phố thông minh trong thời gian tới.
Phục vụ phát triển kinh tế - xã hội
Với quan điểm phát triển của Bình Dương, VT là ngành kinh tế, kỹ thuật, dịch vụ quan trọng thuộc kết cấu hạ tầng của nền kinh tế quốc dân; là công cụ quan trọng để hình thành xã hội thông tin, phục vụ tốt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do vậy, cơ sở hạ tầng VT của tỉnh đã được xây dựng và phát triển nhanh, áp dụng công nghệ hiện đại, có độ bao phủ rộng khắp, dung lượng lớn, chất lượng cao, cung cấp đa dịch vụ...
Ông Phan Thanh Nam, Trưởng phòng Bưu chính - Viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, trong thời gian qua hoạt động VT đã phát huy hiệu quả, phục vụ tốt công tác phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai và bảo đảm quốc phòng - an ninh. Ngoài ra, mạng VT cũng đã đáp ứng điều kiện cần thiết để phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, nhằm thực hiện cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử ở địa phương, cũng như đáp ứng được nhu cầu sử dụng dịch vụ đa dạng của người dân và doanh nghiệp.
Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như thực hiện chính quyền điện tử, tỉnh cũng đã khuyến khích, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia mở rộng mạng lưới VT. Cho đến nay, hệ thống cáp quang đã thay thế hệ thống cáp đồng và được triển khai tới tận các xã đáp ứng được các dịch vụ như internet tốc độ cao, truyền hình IpTV... Việc triển khai sử dụng internet trên hạ tầng mạng Truyền số liệu chuyên dùng ngày càng được chú trọng, đã triển khai đấu nối cho 174 sở, ban, ngành, đoàn thể; huyện, thị xã, thành phố và UBND cấp xã, đáp ứng được công tác cải cách hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công, cũng như đảm bảo được công tác chỉ đạo của các cấp, các ngành được xuyên suốt, kịp thời.
Ông Nguyễn Văn Hiệu, Giám đốc Viễn thông Bình Dương (VTBD) cho biết, trong thời gian qua VTBD đã đẩy mạnh các dự án trên địa bàn theo thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh và VTBD, như dự án cung cấp phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu và cổng thông tin điện tử cho Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh, triển khai SMS tra cứu thủ tục hành chính công với đầu số 8.283 cho Trung tâm hành chính công của tỉnh; cung cấp đường truyền số liệu chuyên dùng cho 100% các cơ quan chính quyền cấp tỉnh, huyện, xã/phường và được quang hóa 100%,…
Hướng đến đa dạng dịch vụ và chính quyền điện tử
Thực hiện mục tiêu Bình Dương phấn đấu đạt đô thị loại I, phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025 và thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, trong đó nhấn mạnh tập trung các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ với hiện đại hóa và công nghiệp hóa tạo đột phá cho phát triển.
Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác chuẩn hoá hạ tầng VT, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng; hiện đại hóa hệ thống thông tin truyền thông (VT, truyền hình...), đa dạng hoá các dịch vụ, sản phẩm, kết nối hoàn toàn với vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thực hiện phủ sóng thông tin di động đến 100% dân số trên địa bàn tỉnh và xây dựng chính quyền điện tử, điều hành nhà nước bằng công nghệ thông tin, công nghệ điện tử...
"Để thực hiện mục tiêu này, Sở Thông tin và Truyền thông đã triển khai và phối với với các doanh nghiệp VT thực hiện chương trình phát triển hạ tầng VT băng thông rộng đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường quản lý và thúc đẩy phát triển bền vững thị trường dịch vụ truy nhập internet băng thông rộng cố định mặt đất và Nghị quyết của Chính phủ về Chính phủ điện tử... Trong đó, sẽ thực hiện xã hội hóa một số lĩnh vực, khuyến khích nhân dân tham gia các hoạt động phát triển hạ tầng, thu hút vốn đầu tư thông qua các hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho phát triển bưu chính, VT và internet. Phát triển mạng phục vụ Chính phủ điện tử giúp UBND tỉnh trong việc tổ chức công tác thông tin liên lạc phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước; phục vụ quốc phòng - an ninh, thông tin phòng chống thiên tai...", ông Phan Thanh Nam cho biết.
Bên cạnh đó, còn đẩy mạnh công tác sử dụng chung cơ sở hạ tầng VT, điện lực, truyền hình, giao thông vận tải và các ngành khác trên địa bàn tỉnh nhằm bảo đảm mỹ quan đô thị và tiết kiệm nguồn lực đầu tư xã hội và nâng cao nhận thức việc bảo vệ các công trình bưu chính, VT vì đây là cơ sở hạ tầng cho các ngành kinh tế - xã hội phát triển, liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia và công tác tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đến nhân dân.
Góp phần xây dựng Thành phố thông minh
Với xu hướng áp dụng hệ thống mạng lưới vạn vật kết nối Internet (Internet of Things - IoT) được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai khi xây dựng thành phố thông minh. Do đó, khi triển khai IoT thì hạ tầng VT đóng một vai trò quan trọng trong việc lưu trữ và truyền tải thông tin. Đối với tỉnh Bình Dương, hiện tại cơ sở hạ tầng viễn thông đã phát triển và về cơ bản sẽ đáp ứng được việc triển khai IoT.
Tính đến nay trên địa bàn tỉnh có 09 doanh nghiệp VT tham gia xây dựng hạ tầng và cung cấp dịch vụ VT như VTBD, Công ty Cổ phần Công nghệ và Truyền thông Việt Nam (VNTT), Viettel… Bên cạnh đó, hệ thống cáp quang đã thay thế hệ thống cáp đồng và được triển khai tới tận các xã và có hơn 1.928 vị trí cột ăng-ten thu phát sóng di động của Viettel, Mobifone, Vinaphone, Vietnammobile, Gmobile. Đã đáp ứng điều kiện cần thiết để phát triển và triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin, cũng như đáp ứng được nhu cầu sử dụng dịch vụ đa dạng của người dân và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thanh Khiết, Phó Tổng giám đốc VNTT cũng cho biết, tính đến nay VNTT đã xây dựng được cơ sở hạ tầng viễn thông hiện đại, tiên tiến trên thế giới, trong đó Trung tâm dữ liệu eDatacenter của VNTT là một trong 04 trung tâm dữ liệu lớn nhất của cả nước. Với triển khai đề án xây dựng Thành phố thông minh của tỉnh Bình Dương, VNTT sẽ đáp ứng các điều kiện về hạ tầng VT, chất lượng dịch vụ để triển khai các ứng dụng VT, công nghệ thông tin cho việc điều hành, quản lý… của Thành phố thông minh.
Hải Sư