Sơn mài tương bình hiệp - bảo tồn và hội nhập
Nằm ở vùng ven thành phố Thủ Dầu Một và cách thành phố Hồ Chí Minh hơn 30km, Làng sơn Mài Tương Bình Hiệp nổi tiếng khắp cả nước và thế giới với những sản phẩm sơn mài truyền thống và sơn mài ứng dụng. Sản phẩm sơn mài ở đây đa dạng và phong phú về chủng loại, màu sắc. Những nghệ nhân lành nghề không ngừng sáng tạo để cho ra những sản phẩm sơn mài có tính ứng dụng và thẩm mỹ cao. Những người yêu thích hàng sơn mài đều biết đến tiếng tăm của làng sơn mài truyền thống Tương Bình Hiệp nhưng ít ai biết rằng để có được chỗ đứng như hôm nay, làng sơn mài Tương Bình Hiệp đã trải qua một thời gian dài với biết bao thăng trầm.
Độc đáo Sơn Mài Tương Bình Hiệp
Theo tư liệu lịch sử - “Gia Định Thành Thống Chí” của Trịnh Hoài Đức, thì nghề sơn mài ở Bình Dương có từ thế kỷ XVII, do di dân từ miền Trung, miền Bắc mang theo vào vùng đất mới. Sau thời gian khai khẩn đất đai, đồng áng, sinh cơ lập nghiệp, họ đã thực hiện những bức tranh sơn mài đầu tiên - chủ yếu quét sơn vẽ tranh cảnh. Những bức vẽ cây đa, bến nước, mái đình, tre làng,… được tái hiện trên tranh giúp họ vơi đi nổi nhớ quê nhà
Người Bình Dương thời ấy đã sớm nhận ra lợi thế của vùng đất này đã dần hình thành nên làng thủ công đặc sắc. Với nguồn nguyên liệu gỗ các loại, kết hợp với sơn dầu Phú Thọ - một loại nhựa có màu sắc đẹp, lạ, bóng, bền đã tạo nên lớp men đen bóng cho những tác phẩm đơn giản ban đầu mà nghệ nhân đã không ngừng hoàn thiện kỹ thuật đã đào tạo lớp kế thừa nghề cổ truyền và phát triển lâu dài trong xã hội.
Đầu Thế kỷ XX các nhóm thợ “Thủ” tập trung tại làng Tương Bình Hiệp - Phú Cường chủ yếu là sản xuất các mặt hàng sơn mài và điêu khắc gỗ. Tên tuổi các thợ Xù Nhồng, Phèn, Dựa được vang danh khắp nơi, cùng lớp nghệ nhân trẻ có học vấn, tốt nghiệp ở các trường mỹ thuật như Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương, mỹ thuật Gia Định, Biên Hòa, Thủ Dầu Một.
Sản phẩm sơn mài tham gia triển lãm thành tựu kinh tế - xã hộ 05 năm
Theo số liệu thống kê năm 1945, ở Bình Dương có 10 cơ sở sản xuất sơn mài. Riêng làng Tương Bình Hiệp có hơn 300 hộ gia đình làm nghề. Đặc biệt, xưởng sơn mài Thành Lễ thành lập 1943 là cơ sở sản xuất lớn nhất thời bấy giờ tạo tiếng tăm trong và ngoài nước.
Đỉnh cao của sơn mài Bình Dương ở thời điểm 1945 - 1975. Sự ra đời của xưởng sơn mài Thành Lễ, do hai nghệ nhân Trương Văn Thành và Nguyễn Văn Lễ sáng lập. Xưởng lúc bấy giờ quy tụ được nhiều nghệ nhân nổi tiếng trong vùng như Thái Văn Ngôi, Ngô Từ Sâm, Trần Văn Nam… hàng sơn mài giai đoạn này xuất khẩu sang các nước Châu Âu, có giá trị thương mại lớn. Hàng sơn mài thời này đạt đỉnh cao về số lượng, với trình độ mỹ thuật và chất lượng nghệ thuật, sự đa dạng phong phú. Đó là thời vàng son nhất của ngành sơn mài
Sơn mài Bình Dương nổi tiếng được khách hàng ưa chuộng, bởi từ nguyên liệu gỗ đến khâu cuối cùng của sản phẩm phải trải qua quá trình 25 công đoạn, mỗi công đoạn đòi hỏi một nghệ thuật riêng tỷ mỉ và công phu. Một quy trình sơn mỗi sản phẩm phải mất từ 3 đến 6 tháng mới đảm bảo yêu cầu chất lượng. Ông Lê Bá Linh, Chủ tịch Hiệp hội Sơn Mài và Điêu Khắc Bình Dương cho biết
Chế tác sơn mài
Trải qua nhiều thế hệ, ngày nay sơn mài trên vùng đất Bình Dương vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, đó là sự tinh xảo, nhẹ nhàng thanh thoát, đậm đà tính cách Á đông. Ngày nay, các cơ sở tại làng sơn mài Tương Bình Hiệp có khả năng sản xuất khá đa dạng các sản phẩm sơn mài, từ những bức tranh nghệ thuật đến các loại sơn mài ứng dụng và trang trí như: Bình, lọ, dĩa, vòng tay, hộp… hiện có nhiều xưởng sản xuất, xuất khẩu hàng sơn mài ổn định như Thanh Bình Lê, Phú Tính Lê, Tư Bốn, Định Hòa, Hiệp Công…
Một tin vui cho những người làm sơn mài ở Bình Dương là Nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp đã được Bộ Văn Hóa Thể thao và Du lịch chính thức đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1328/QĐ-BVHTTDL ngày 6/4/2016. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và những người làm sơn mài cần phải có những giải pháp để bảo tồn tôn vinh và quảng bá các di sản văn hóa phi vật thể có giá trị quan trọng này.
Bảo tồn và hội nhập
Làng sơn mài Tương Bình Hiệp hiện có khoảng 120 cơ sở làm nghề và khoảng 30 doanh nghiệp. Con số này đã giảm khoảng 30% so với năm 2013. Sở dĩ nghề sơn mài ngày càng thu hẹp là do chi phí đầu vào tăng trong khi sản phẩm sơn mài phải cạnh tranh với rất nhiều sản phẩm khác như gốm sứ, tranh thêu, mây tre.... Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng thay đổi, người ta bắt đầu sử dụng nhiều sản phẩm ứng dụng khác dẫn đến kim ngạch xuất khẩu hàng sơn mài giảm đáng kể. Những lao động lành nghề không còn nhiều, ngành sơn mài không còn hấp dẫn những lao động trẻ. Đây là áp lực đòi hỏi những nhà quản lý cần có chính sách để bảo tồn và phát triển ngành nghề truyền thống trước khi nó mai một dần.
Để bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài truyền thống Tương Bình Hiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 2497/QĐ-UBND phê duyệt dự án “Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài truyền thống”. Đề án này được giao cho Chi cục phát triển nông thôn - Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn triển khai thực hiện. Theo đề án này thì sẽ có nhiều chương trình đào tao, tập huấn kỹ thuật cho các công nhân làng nghề, tập huấn kỹ năng phục vụ du lịch cho các hộ sản xuất; hỗ trợ thiết bị và các cơ sở vật chất, các công trình phục vụ sản xuất cho các cơ sở trong làng nghề.
Cùng với việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, hiện nay Sở Văn Hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương cũng đang triển khai dự án phát triển du lịch liên kết với phát triển làng sơn mài. Phòng kinh tế thành phố Thủ Dầu Một cũng phối hợp với Sở Công thương Bình Dương thực hiên dự án xử lý môi trường trong sản xuất sơn mài, hỗ trợ vốn để các cơ sở sản xuất đầu tư các hệ thống phun sơn khép kín đảm bảo không ô nhiễm môi trường ở khu vực dân cư.
Hiện nay sơn mài Tương Bình Hiệp đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể, làng Sơn Mài Tương Bình Hiệp cũng được công nhận là làng nghề truyền thống và có mặt trong danh mục di sản phi vật thể quốc gia. Các nhà quản lý cũng đang chuẩn bị hồ sơ để trình lên Unessco đề nghị công nhận Sơn mài Tương Bình Hiệp là Di Sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Đây là những cơ hội tuyệt vời để sơn Mài Tương Bình Hiệp tỏa sáng sánh vai cùng với những sản phẩm sơn mài của các nước Châu Á. Những giải pháp của các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã khá đầy đủ vấn đề còn lại là cần phải có sự phối hợp liên kết chặt chẽ giữa những người làm sơn mài với những cơ quan quản lý nhà nước để những đề tài, dự án bảo tồn và phát triển làng nghề thực sự phát huy hiệu quả, để mỗi khi nhắc đến làng nghề truyền thống của Việt Nam, người Bình Dương lại tự hào với các sản phẩm sơn mài đậm đà bản sắc quê hương....
Huỳnh Thanh