Tăng cường quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm
Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn cả nước xảy ra 119 vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng, làm 3.592 người bị ngộ độc, trong đó 12 trường hợp tử vong. Trong tháng 11/2016, đã xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 300 người bị ngộ độc, trong đó 03 trường hợp tử vong.
An toàn thực phẩm là vấn đề ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến sức khỏe con người, được xã hội rất quan tâm. Trong thời gian qua, các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn và tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, gây lo lắng, bức xúc trong xã hội.
Nhằm đề cao trách nhiệm, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm, ngày 09/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Theo đó, cần tăng cường công tác kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện an toàn thực phẩm; kiên quyết xử lý cán bộ buông lỏng quản lý an toàn thực phẩm; phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn; bảo đảm an toàn các loại thực phẩm tươi sống và các loại thực phẩm tiêu dùng trong sinh hoạt hàng ngày của nhân dân.
Ngày 30/6/2016, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 17/2016/TT-BYT quy định việc thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế. Thông tư này quy định trình tự, trách nhiệm thu hồi và xử lý sau thu hồi đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế. Việc thu hồi, xử lý thực phẩm trong trường hợp có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng hoặc các trường hợp khẩn cấp khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền trực tiếp tổ chức thực hiện thì thực hiện theo quy định tại Mục d, Khoản 5, Điều 55 Luật An toàn thực phẩm.
Ngày 01/7/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế như: Điều kiện chung đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; điều kiện đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng; điều kiện đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; điều kiện đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai, nước đá dùng liền.
Cục An toàn thực phẩm cũng ra công văn số 4918/ATTP-NĐ đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt và hiệu quả về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn…
Thực hiện các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn, hoạt động quản lý nhà nước, bảo đảm vệ sinh an toàn, phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bình Dương được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thường xuyên, trong năm chưa ghi nhận xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn. Năm 2016, Bình Dương đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm như: Tổ chức Hội thi an toàn thực phẩm giỏi lần 7 năm 2016, Hội thi an toàn thực phẩm là một trong những hoạt động đã và đang được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bình Dương tổ chức định kỳ hàng năm với mục tiêu tuyên truyền, giúp các thí sinh chủ động tìm hiểu các văn bản quy định về an toàn thực phẩm, nâng cao kiến thức giám sát, phòng ngừa, ứng phó ngộ độc thực phẩm; các kỹ năng và kiến thức về tuyên truyền an toàn thực phẩm qua đó thực hiện tốt hơn trong công tác tuyên truyền giáo dục cho cộng đồng.
Tổ chức Hội thảo triển khai văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm và giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua các yếu tố cốt lõi cần kiểm soát trong kiểm nghiệm cho hơn 120 đại biểu trên địa bàn tỉnh. Nội dung tập trung vào Nghị định số 67/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế; Thông tư số 17/2016/TT-BYT ngày 30/6/2016 quy định việc thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế; Thông tư số 19/2012/TT-BYT về việc hướng dẫn việc công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; Giải pháp nâng cao chất lượng thông qua các yếu tố cốt lõi cần kiểm soát trong kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm. Hội thảo này do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bình Dương phối hợp với Công ty TNHH Eurofins Sắc Ký Hải Đăng tổ chức.
Tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai Nghị quyết số 07/NQ-BCH của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Khóa XI) về chất lượng bữa ăn ca của người lao động và Chương trình số 02/CTr-LĐLĐ của Liên đoàn Lao động tỉnh “Về chất lượng bữa ăn ca của người lao động” và hướng dẫn quản lý, tự tổ chức giám sát an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể từ đó đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng tổ chức bếp ăn tập thể trong Doanh nghiệp. Hội nghị do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bình Dương phối hợp với Liên đoàn lao động tỉnh tổ chức…
Tuy nhiên, hiện nay việc vi phạm quy định bảo đảm an toàn thực phẩm đã diễn ra trong hầu hết các lĩnh vực: Sản xuất, kinh doanh rau củ; nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản; chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm; sản xuất, kinh doanh chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, chất bảo quản thực phẩm; sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng và sữa, bánh kẹo… Chính vì vậy, sự nỗ lực tăng cường quản lý hoạt động an toàn thực phẩm của các cơ quan chức năng vẫn chưa đủ, trên hết cần phải có sự chung tay của cả cộng đồng xã hội. Quan trọng nhất là người tiêu dùng phải biết tự bảo vệ mình. Hãy làm người tiêu dùng thông minh và hãy nói không với “mất an toàn vệ sinh thực phẩm” nhằm tiến đến một tương lai xanh, sạch.
Trần Phước