Tên luận văn: Giáo dục đạo đức cho học sinh trung học phổ thông ở tỉnh Bình Dương hiện nay
b.Họ và tên cá nhân thực hiện luận văn: Nguyễn Thị Hằng Nga
c. Tên đơn vị công tác: Trường THPT Thanh Tuyền
d. Kết quả thực hiện (tóm tắt)
Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, giao lưu, hội nhập với các khu vực và thế giới đã tạo nên sự phát triển năng động, thúc đẩy nhịp độ tăng trưởng kinh tế, đạt được những thành quả bước đầu trong các lĩnh vực của đời sống xã hội ở nước ta. Bên cạnh đó, những thành tựu đạt được nền kinh tế thị trường vẫn còn những mặt hạn chế gây ảnh hưởng đến đời sống tinh thần, sự cảm thụ văn hóa, nghệ thuật, tâm lý, đạo đức,… của các tầng lớp dân cư, trong đó có học sinh trung học phổ thông.
Bình Dương là tỉnh có nhiều khu và cụm công nghiệp, sự tăng trưởng kinh tế hàng năm đã làm cho đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện tốt hơn và đóng góp vào ngân sách nhà nước ngày càng nhiều. Tuy nhiên, những vấn đề bức xúc như tệ nạn xã hội; bạo lực học đường,… lại đang cần thiết được quan tâm nghiên cứu nhiều hơn. Đây là vấn đề rất cần thiết cho học sinh trung học phổ thông trong giai đoạn hiện nay.
Chính vì những lý do đó, tác giả đã thực hiện đề tài “ Giáo dục đạo đức cho học sinh trung học phổ thông ở tỉnh Bình Dương hiện nay” nhằm góp phần làm rõ những vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời, với những thành công của kết quả nghiên cứu sẽ cung cấp thêm luận cứ khoa học và thực tiễn trong công tác giáo dục đạo đức cho học sinh trung học phổ thông.
Mục tiêu nghiên cứu của luận văn: Làm rõ nội dung và thực trạng công tác giáo dục đạo đức cho học sinh trung học phổ thông ở tỉnh Bình Dương; đề xuất phương hướng và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục đạo đức cho học sinh trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Để đạt được mục tiêu đề ra, tác giả sử dụng phương pháp khảo sát tại 09 trường đại diện cho 34 trường trung học phổ thông nằm tại các xã, phường, thị trấn, thành phố. Cụ thể gồm: Trường THPT Thanh Tuyền - huyện Dầu Tiếng; trường THPT Dầu Tiếng - huyện Dầu Tiếng; trường THPT Nguyễn Huệ - huyện Phú Giáo; trường THPT thị trấn Phước Vĩnh - huyện Phú Giáo; trường THPT Bàu Bàng - huyện Bàu Bàng; trường THPT Bến Cát - thị xã Bến Cát; trường THPT Trịnh Hoài Đức - thị xã Thuận An; trường THPT Bình Phú - thành phố Thủ Dầu Một; trường THPT An Mỹ - thành phố Thủ Dầu Một. Theo đó, tác giả đã tiến hành khảo sát 35 phiếu dành cho các lãnh đạo trường; 450 phiếu dành cho các giáo viên giảng dạy; 900 phiếu dành cho đối tượng học sinh và 450 phiếu cho cha mẹ học sinh.
Theo đó, đạo đức là một hình thái ý thức - xã hội, là tổng hợp những nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực nhằm hướng dẫn con người tiến tới cái thiện, cái chân, cái mỹ… chống lại cái ác, cái giả, cái xấu. Và trong mỗi thời đại lịch sử đạo đức là ý thức xã hội luôn luôn điều chỉnh để phù hợp với sự tiến bộ của xã hội để con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình trong quan hệ giữa con người và con người, giữa con người và xã hội.
Giáo dục là quá trình tổ chức có ý thức, hướng tới mục đích khơi gợi và biến đổi nhận thức, năng lực, tình cảm, thái độ của cả người dạy và người học theo hướng tích cực. Đồng thời, hoàn thiện nhân cách của cả thầy và trò bằng những tác động có ý thức từ bên ngoài, đáp ứng các yêu cầu tồn tại và phát triển trong xã hội loài người.
Do đó, giáo dục đạo đức là những tác động sư phạm có mục đích, có kế hoạch và hệ thống của người làm công tác giáo dục đến người được giáo dục nhằm đạt được mục đích cung cấp, bồi dưỡng cho họ những phẩm chất đạo đức phù hợp với yêu cầu của xã hội. Ngoài ra, giáo dục đạo đức còn là giáo dục khả năng tự giáo dục, tự kiểm tra, tự đánh giá, tự thẩm định, tự điều chỉnh hành vi đạo đức của mỗi cá nhân, nhằm đánh thức lương tâm, khơi dậy lòng nhân ái, đức tính vị tha, sự bao dung trong mỗi con người. Thông qua việc giáo dục đạo đức, khả năng nhận thức các giá trị, các khái niệm, phạm trù đạo đức được nâng lên, giúp cho con người có những hành vi phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội.
Sau quá trình nghiên cứu và thực nghiệm sư phạm, tác giả đã đạt được một số kết quả sau:
Trình bày, phân tích khái niệm đạo đức, giáo dục đạo đức, đặc điểm, ý nghĩa của việc giáo dục đạo đức cho học sinh trung học phổ thông ở Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng:
Đạo đức đóng vai trò quan trọng vì nó là cái gốc của con người, người không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không giúp ích được cho nước và dân. Ở trường phổ thông trên cả nước nói chung và trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh nói riêng. Thông qua giáo dục đạo đức sẽ giúp học sinh hình thành những quan điểm, quy tắc, chuẩn mực đạo đức cơ bản, từ đó có thể lựa chọn cho mình những hành vi, thái độ, cách ứng xử phù hợp. Đồng thời còn giúp cho học sinh có khả năng đánh giá đúng các hiện tượng đạo đức xã hội và tự đánh giá tư cách, ý thức, hành vi của bản thân.
Chính vì thế, để đảm bảo chất lượng giáo dục đạo đức cho học sinh trung học phổ thông cần thực hiện những nội dung và phương pháp phù hợp. Do trong quá trình toàn cầu hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước như hiện nay, đòi hỏi phải có nguồn lao động có chất lượng cao vừa có đức vừa có tài, nên vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh trung học phổ thông là rất cần thiết và quan trọng.
Khảo sát, đánh giá thực trạng đạo đức và công tác giáo dục đạo đức cho học sinh trung học phổ thông ở tỉnh Bình Dương hiện nay:
Theo kết quả khảo sát cho thấy, đa số các trường đều quan tâm đến công tác giáo dục đạo đức cho học sinh, giáo viên và toàn thể cán bộ, nhân viên nhà trường đều quan tâm đến công tác giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên. Đa số học sinh đều chăm ngoan, có ý thức tu dưỡng đạo đức tốt, sống có hoài bão, ước mơ, chăm chỉ trong học tập, học tập và làm việc theo kế hoạch vì ngày mai lập nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được, công tác giáo dục đạo đức ở trường vẫn còn tồn tại những hạn chế cần sửa chữa để kịp thời nâng cao hơn nữa hiệu quả giáo dục.
Bên cạnh đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao nhận thức về vấn đề giáo dục đạo đức cho học sinh; đổi mới nội dung giáo dục đạo đức cho học sinh trung học phổ thông; đổi mới phương pháp giáo dục đạo đức cho học sinh trung học phổ thông; kết hợp chặt chẽ và tạo sự đồng thuận giữa bộ ba môi trường giáo dục nhà trường, gia đình và xã hội; nâng cao khả năng tự học tập, tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của học sinh trung học phổ thông; phải tạo một môi trường sống, môi trường giao tiếp và học tập tốt, lành mạnh ở gia đình, nhà trường và xã hội.
g. Năm tốt nghiệp: 2016
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo luận văn tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).