Thị xã Thuận An: Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 20 của Ban chấp hành Trung ương Đảng
Thực hiện triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW Ban chấp hành Trung ương (khóa XI) về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (Nghị quyết 20) trên địa bàn thị xã Thuận An,
Thị ủy Thuận An đã xây dựng Kế hoạch số 23 - KH/TU ngày 20/5/2013 vạch ra các mục tiêu, giải pháp chiến lược để phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong bối cảnh hoạt động khoa học và công nghệ đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thị xã, áp dụng các kết quả nghiên cứu khoa học đã đi vào cuộc sống, từng bước khẳng định vai trò khoa học và công nghệ trong góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thị xã và trong từng ngành, phục vụ đa mục tiêu: Xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi chỉ tiêu đề ra. Công tác quản lý nhà nước về KH&CN đang từng bước được kiện toàn, các cơ chế chính sách đối với khoa học công nghệ có bước đổi mới và hoàn thiện.
Sau 5 năm thực hiện, việc phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được tuyên truyền sâu rộng và được duy trì thường xuyên hàng năm. Đổi mới tư duy, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp phát triển KH&CN. Đẩy mạnh thực hiện cơ chế đặt hàng thực hiện nhiệm vụ KH&CN, cơ chế khoán đến sản phẩm KH&CN đến sản phẩm cuối cùng. Ngành KH&CN của thị xã đã dần đi vào ổn định và có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt trong lĩnh vực triển khai các đề tài, dự án trên địa bàn. nhiều chương trình, đề tài, dự án KH&CN đã được triển khai thực hiện; nhiều kỹ thuật tiến bộ đã được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất và đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.
Phối hợp Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật xây dựng và triển khai các dự án nghiên cứu, chuyển giao khoa học, công nghệ vào nông nghiệp, tập trung vào các chương trình ứng dụng công nghệ phân bón, phát triển cây giống mới.
Trong lĩnh vực môi trường, tập trung ứng dụng và chuyển giao các giải pháp công nghệ sinh học trong xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái ô nhiễm môi trường. Đánh giá và ứng dụng tài nguyên vi sinh vật, kỹ thuật lên men vi sinh vật trong sản xuất phục vụ phát triển công nghiệp sinh học. Công nghiệp sinh học phục vụ bảo vệ môi trường tập trung sản xuất các chế phẩm vi sinh vật làm sạch môi trường và xử lý ô nhiễm.
Trong lĩnh vực y dược, công nghệ sinh học có nhiệm vụ góp phần giảm nhập khẩu, từng bước tự túc các nguyên liệu làm thuốc và bảo đảm sản xuất các vắc - xin thiết yếu và một số loại thuốc phục vụ phòng và chữa bệnh như ứng dụng thuốc điều trị có nguồn gốc protein tái tổ hợp. Nhanh chóng đưa liệu pháp công nghệ gen, công nghệ tế bào vào điều trị các bệnh hiểm nghèo và sử dụng vi sinh vật tái tổ hợp để sản xuất kháng sinh, vitamin và acid amin.
Trong giáo dục - văn hóa du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin để soạn giáo án điện tử; trình chiếu trong giảng dạy, minh họa hình ảnh cho học sinh dễ tiếp thu bài như: Hệ tuần hoàn của máu, hình ảnh trong cơ thể người, sinh vật và thực vật; hệ thống động cơ 2 thì, 4 thì (môn vật lý); hình học không gian (môn toán). Sử dụng phần mềm trong công nghệ thông tin trong nhập điểm theo công thức được thiết lập sẵn, lưu trữ hồ sơ giáo viên, thời khóa biểu, thông báo điểm cho phụ huynh học sinh.
Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ - đo lường chất lượng, Phối hợp với Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ (Sở KH&CN tỉnh) tổ chức 08 lớp tập huấn chuyên đề xác lập quyền Sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp, nhãn hàng hóa… cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại các xã, phường có tổng số 485 lượt người tham dự. Phối hợp Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh triển khai dán tem kiểm định cân lò xo đồng hồ tại các chợ trên địa bàn.
Tăng cường tiềm lực con người. Quan tâm, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở tìm kiếm, mua bán, chuyển giao công nghệ và có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp đưa công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong khâu chế biến nông lâm sản, các ngành công nghiệp chế biến. Có chính sách ưu đãi vế thuế, về đất đai cho các dự án.
Mô hình nuôi lươn không bùn
Tăng cường sự hợp tác KH&CN với các viện, trường, địa phương nhằm phục vụ cho việc đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động KH&CN trọng điểm của tỉnh như: hợp tác chia sẽ các thông tin, kinh nghiệm trong hoạt động quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ; hợp tác về các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; xây dựng tiềm lực KH&CN, đào tạo, sử dụng đội ngũ chuyên gia, đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ có trình độ cao nhằm nâng cao trình độ và bồi dưỡng đội ngũ, cán bộ khoa học và công nghệ của tỉnh; tìm kiếm các công nghệ mới, kỹ thuật tiên tiến mới, các giống mới phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh.
Mô hình trồng rau trong nhà lưới quy mô hộ gia đình trên địa bàn thị xã Thuận An
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong giai đoạn vừa qua việc triển khai Nghị quyết số 20 còn gặp nhiều hạn chế như: Chưa tạo được phong trào rộng khắp về ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, đời sống. Công tác xã hội hóa hoạt động KH&CN còn thực hiện chậm, phong trào sáng kiến, lao động sáng tạo chưa được mạnh mẽ. Thị trường hoạt động KH&CN tuy có phát triển, nhưng vẫn còn chậm, quy mô nhỏ. Sở hữu công nghiệp, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật chưa được các ngành, các cấp, các doanh nghiệp quan tâm đúng mức, chất lượng sản phẩm hàng hóa chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Một số cấp ủy và chính quyền tuy đã có nhận thức mới đối về KH&CN, nhưng chưa thật sự coi KH&CN là nội dung then chốt trong mọi hoạt động của các ngành các cấp, là nhân tố chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và củng cố quốc phòng - an ninh. Cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ cho việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ chuyên môn trong các lĩnh vực còn khó khăn, thiếu kinh phí để hoạt động; chế độ chính sách đãi ngộ cho cán bộ còn nhiều bất cập so với yêu cầu.
Phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới là tập trung thực hiện các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường nguồn lực KHCN. Đổi mới cơ chế quản lý, hoạt động Khoa học công nghệ và đổi mới, chuyển giao công nghệ. Thúc đẩy, đánh giá việc đổi mới công nghệ mới theo hướng mới và hiện đại; ngăn chặn hiệu quả những đề xuất, công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng xấu trực tiếp đến sức khỏe con người, môi trường, tài nguyên, kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng.
Công Thạch