Thu phí nước thải đối với môi trường - Những điều cần biết
Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm mà còn tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương đầu tư phục vụ cho việc cải tạo môi trường. Bên cạnh đó, việc thu phí môi trường đối với nước thải còn tạo động lực để doanh nghiệp đầu tư các công trình, biện pháp xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước khi xả thải ra môi trường; đồng thời nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả nguồn tài nguyên nước. Bởi khi nước thải càng ít ô nhiễm thì số lượng phí doanh nghiệp phải đóng càng ít đi.
Nước thải hiện nay được chia làm 2 loại: Nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp. Nước thải sinh hoạt được xác định là nguồn thải phát sinh từ quá trình sinh hoạt của các hộ gia đình, các cơ quan nhà nước, các cơ sở kinh doanh... Còn nước thải công nghiệp là nguồn thải phát sinh từ quá trình sản xuất của các doanh nghiệp. Hai loại nước thải này đều tác động xấu đến môi trường khi không được xử lý. Đặc biệt nước thải sinh hoạt hiện nay phần lớn đều thải trực tiếp ra môi trường nước hoặc môi trường đất mà không hề được xử lý. Do đó việc triển khai thu phí bảo vệ môi trường để đảm bảo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”. Tiền phí thu được sẽ sử dụng vào các mục đích cải thiện và kiểm soát ô nhiễm môi trường.
Đối với nước thải công nghiệp, tỉnh Bình Dương đã triển khai thu phí bảo vệ môi trường từ nhiều năm trước đây. Trước ngày 01/01/2017, đối với các cơ sở sản xuất, chế biến có lượng nước thải phát sinh dưới 30m3/ngày đêm thì được thực hiện nộp phí cố định một lần cho cả năm. Còn các cơ sở sản xuất, chế biến có lượng nước thải phát sinh từ 30m3/ngày đêm trở lên thì ngoài mức phí cố định, doanh nghiệp phải nộp phí biến đổi đối với 2 chất gây ô nhiễm là COD và TSS theo khung mới cao gấp 4-5 lần mức khung trước đây. Riêng các đơn vị có nước thải chứa kim loại nặng thì mức phí cố định được nhân thêm với hệ số tùy vào lượng nước xả thải của đơn vị tính theo m3/ngày đêm.
Tuy nhiên từ ngày 01/01/2017 việc thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp sẽ được áp dụng theo Nghị định số 154/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 16/11/2016 về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, mức tính phí cụ thể như sau:
Cơ sở sản xuất có lượng nước thải trung bình trong năm tính phí dưới 20 m3/ngày đêm, chỉ phải nộp phí cố định hàng năm là: 1.500.000 đồng/năm. Cơ sở sản xuất có lưu lượng nước thải phát sinh trung bình từ 20 m3/ngày thì ngoài việc nộp cố định với số tiền là 1.500.000 đồng/năm, thì phải thực hiện kê khai tính phí biến đổi định kỳ hàng quý.
Ngoài ra Nghị định cũng điều chỉnh mức phí cho từng chất ô nhiễm, cụ thể: COD: 2.000 đồng/kg; TSS: 2.400 đồng/kg; Pb: 1 triệu đồng/kg; Hg: 20 triệu đồng/kg; Cd và As: 2 triệu đồng/kg.
Đối với nước thải sinh hoạt, kể từ năm 2017 Bình Dương cũng đã bắt đầu triển khai thu phí. Theo đó, mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1m3 nước sạch. Đối với nước thải sinh hoạt thải ra từ các tổ chức, hộ gia đình tự khai thác nước để sử dụng thì mức phí được xác định theo từng người sử dụng nước căn cứ vào số lượng nước dùng bình quân của một người trong xã, phường, thị trấn nơi khai thác và giá bán 1m3 nước sạch trung bình tại địa phương.
Việc thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt sẽ do đơn vị cung cấp nước sạch phụ trách. Còn đối với những hộ gia đình sử dụng nước giếng khoan hoặc các nguồn nước khác tự khai thác thì UBND xã, phường sẽ thực hiện thu phí.
Trong thời gian tới để thực thi hiệu quả các quy định về phí nước thải, Chi cục Bảo vệ môi trường Bình Dương tiếp tục thống kê, rà soát, phân loại đối tượng chịu phí. Đồng thời, Chi cục cũng phối hợp với các đơn vị chức năng đánh giá thực trạng phát sinh nước thải, lấy mẫu, phân tích mẫu nước thải phục vụ cho công tác thẩm định tờ khai nhằm thu đủ, thu đúng số phí phải nộp của các đối tượng này theo quy định.
Huỳnh Thanh - Trần Nam