Chỉ thị số 02/CT-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về tăng cường công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ số 36/2009/QH12 ngày 19/6/2009; các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực sở hữu trí tuệ có liên quan. Trong những năm qua, việc triển khai Chỉ thị số 35/2006/CT-UBND, ngày 08 tháng 11 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường hoạt động sở hữu công nghiệp đã góp phần thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên trong tình hình hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu, rộng để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh thì việc xây dựng và ban hành Chỉ thị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành về tăng cường công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Bình Dương thay thế cho Chỉ thị số 35/2006/CT-UBND, ngày 08/11/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh là cấp thiết, nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về sở hữu trí tuệ được toàn diện hơn theo quy định của pháp luật và hỗ trợ có hiệu quả cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Sở Khoa học và Công nghệ đã chủ trì xây dựng dự thảo trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ký ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Ngày 23 tháng 02 năm 2017 Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND.
Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 23 tháng 02 năm 2017 đã Giao Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan chức năng liên quan tham mưu UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh. Đồng thời yêu cầu các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về sở hữu trí tuệ bằng nhiều hình thức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, hoạt động văn hoá, thông tin, in ấn, xuất bản các ấn phẩm, cẩm nang hướng dẫn, tổ chức tọa đàm, hội nghị, hội thảo và các hình thức khác nhằm quán triệt và thực hiện tốt mọi chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về sở hữu trí tuệ trong hoạt động của các ngành, các cấp, đoàn thể, các tổ chức sản xuất, kinh doanh; nâng cao nhận thức của cộng đồng về tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ theo các điều ước, công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết;
Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong phạm vi thẩm quyền và chức năng quản lý của đơn vị mình. Giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật; bảo vệ quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo hiệu quả công tác thực thi quyền, góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, duy trì môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư và các doanh nghiệp phát triển;
Đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh còn yêu cầu các Sở, Ban, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các nhiệm vụ cụ thể và tổ chức triển khai, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện nghiêm túc Chỉ thị.
Hồng Thu (Phòng Quản lý chuyên ngành)