Hướng dẫn, triển khai cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm loại 5 và loại 8 trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Căn cứ Nghị định số 42/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ quy định danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa (gọi tắt là Nghị định số 42/2020/NĐ-CP).
Ngày 28/7/2020, Bộ Khoa học và Công nghệ có ban hành Công văn số 2187/BKHCN-TĐC về việc hướng dẫn thực hiện cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm loại 5 và loại 8. Để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (gọi tắt là Chi cục TĐC) xin thông báo đến quý Đơn vị, những nội dung sau:1. Chi cục TĐC làm đầu mối tiếp nhận hồ sơ (qua dịch vụ bưu chính hoặc tại bộ phận một cửa) đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm loại 5 và loại 8 của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Bình Dương;
2. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (gọi tắt Tổng cục TĐC) là cơ quan xử lý cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm loại 5 và loại 8 theo quy định và trả kết quả (qua dịch vụ bưu chính) cho tổ chức, cá nhân;
3. Thành phần hồ sơ theo Điều 17 của Nghị định số 42/2020/NĐ-CP, bao gồm:
a) Giấy đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm theo mẫu quy định tại Phụ lục IV của Nghị định số 42/2020/NĐ-CP;
b) Bản sao Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó phải có loại hình kinh doanh vận tải hàng hoá (áp dụng đối với đơn vị kinh doanh vận tải hàng hoá bằng xe ô tô) hoặc bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã (áp dụng đối với đơn vị kinh doanh vận tải đường thuỷ nội địa);
c) Bản sao hoặc bản chính Bảng kê danh sách phương tiện tham gia vận chuyển kèm theo bản sao giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện vận chuyển còn thời hạn hiệu lực do cơ quan có thẩm quyền cấp (áp dụng trong trường hợp vận chuyển theo chuyến);
d) Bản sao hoặc bản chính Bảng kê danh sách người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hoá nguy hiểm. Đối với vận chuyển hàng hoá nguy hiểm trên đường thuỷ nội địa gửi kèm theo bản sao chứng chỉ chuyên môn đặc biệt (áp dụng trong trường hợp vận chuyển theo chuyến);
đ) Bản sao hoặc bản chính phương án tổ chức vận chuyển, hàng hoá nguy hiểm của đơn vị vận chuyển, trong đó nêu rõ tuyến đường, lịch trình vận chuyển, biện pháp ứng cứu sự cố hóa chất trong vận chuyển hàng hoá nguy hiểm;
e) Bản sao hoặc bản chính Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hoặc Phiếu kết quả thử nghiệm, kết quả kiểm định đối với vật liệu bao gói, thùng chứa hàng nguy hiểm theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định danh mục hàng công nghiệp nguy hiểm phải đóng gói trong quá trình vận chuyển và vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa và các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
(Bản sao y bản chính là bản sao có đóng dấu của tổ chức, cá nhân)
4. Một số nội dung hướng dẫn khác:
a) Với thành phần hồ sơ “Bản sao hoặc bản chính biện pháp ứng cứu sự cố hóa chất trong quá trình vận chuyển” quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 17 của Nghị định số 42/2020/NĐ-CP
Đối với trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, có khối lượng hàng hóa nguy hiểm (thuộc danh mục phải lập biện pháp ứng phó sự cố hóa chất) tồn trữ trên phương tiện vận chuyển (khối lượng hàng hóa nguy hiểm thuộc danh mục phải lập biện pháp ứng cứu sự cố hóa chất có trên phương tiện) vượt ngưỡng quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09/10/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất, thì doanh nghiệp xây dựng biện pháp ứng cứu sự cố hóa chất trong quá trình vận chuyển theo quy định pháp luật về hóa chất.
b) Với thành phần hồ sơ quy định tại điểm e khoản 1 Điều 17 của Nghị định số 42/2020/NĐ-CP
Khi xem xét hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm đối với hóa chất sản xuất, nhập khẩu, nếu tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép có thành phần hồ sơ là “Thông tin phản hồi khai báo hóa chất của cơ quan chuyên môn quản lý hoạt động hóa chất của UBND cấp tỉnh (Sở Công thương)” hoặc “Thông tin phản hồi khai báo hóa chất nhập khẩu qua Cổng thông tin một cửa quốc gia (của Bộ Công thương)” thì hồ sơ này đã đáp ứng cho thành phần hồ sơ quy định tại điểm e khoản 1 Điều 17 của Nghị định số 42/2020/NĐ-CP
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị Đơn vị liên hệ Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để được hướng dẫn./.