Chương trình hành động số 63-CTr/TU: Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01 tháng 11 năm 2012
Tải tại đây: Chương trình hành động số 63-CTr/TU
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01 tháng 11 năm 2012 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế
Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01 tháng 11 năm 2012 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 20), Ban Chấp hành Đảng bộtỉnh đề ra Chương trình hành động triển khai thực hiện tại địa phương, với những nội dung như sau:
I. TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
1. Kết quả đạt được
Thời gian qua, bên cạnh việc lãnh đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy đã luôn quan tâm, chỉ đạo triển khai, cụ thể hoá chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ, từ đó hoạt động khoa học và công nghệ đã có những chuyển biến tích cực, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, đô thị hóa tỉnh nhà.
a) Về nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ
Ban hành quy chế quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp tỉnh và cấp cơ sở, phân cấp mạnh cho cơ quan quản lý trong xét duyệt, thẩm định nội dung, khoán kinh phí theo hướng cải tiến, đơn giản hoá trình tự, thủ tục triển khai nhiệm vụ, đã thu hút và tạo điều kiện cho các tổ chức triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Số lượng nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh giai đoạn 2006-2011 tăng gấp 3,75 lần so với giai đoạn 2000-2005.
Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong thời gian qua hầu hết đều gắn với ứng dụng để giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn đời sống, sản xuấtvà quản lý.
Khoa học xã hội và nhân văn tập trung nghiên cứu, đề xuất giải pháp giải quyết một số vấn đề bức xúc thuộc các lĩnh vực xã hội, văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, khảo cổ, tôn giáo, kinh tế, giáo dục - đào tạo; cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn, phục vụ cho cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp cụ thể hóa chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý xã hội.
Khoa học kỹ thuật và công nghệ tập trung ứng dụng, chuyển giao, nhân rộng các mô hình tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và quản lý. Triển khai các chương trình khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động khoa học và công nghệ. Hỗ trợ 14 doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, cho vay với lãi suất ưu đãi 9 dự án từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ để đổi mới quy trình công nghệ, cải tiến máy móc thiết bị, tạo ra sản phẩm mới; hỗ trợ kinh phí cho 50 doanh nghiệp xây dựng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, lũy kế đến nay toàn tỉnh có 360 doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; hỗ trợ 300 doanh nghiệp đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, với 486 đối tượng sở hữu công nghiệp (trong đó có 433 nhãn hiệu hàng hóa, 47 kiểu dáng công nghiệp, 3 giải pháp hữu ích, 2 sáng chế và 1 nhãn hiệu tập thể). Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 4.833 văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp được cấp (đứng thứ 3 cả nước); triển khai chương trìnhnâng cao năng suất, chất lượng đối với sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Sự hỗ trợ của Nhà nước từ các chương trình khoa học và công nghệ tuy không nhiều, nhưng có tác động lan rộng trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, ngoài các dự án tham gia chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, đã tổ chức nhiều lớp tập huấn và điểm trình diễn chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ cho nông dân, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong ngành nông nghiệp. Tỉnh đã ban hành chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao, nông nghiệp sinh thái gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 - 2015. Đến nay đạt được một số kết quả khả quan. Giống mới được sử dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp. Tổng diện tích rau an toàn, hoa, cây cảnh là 249,18 ha, trong đó ứng dụng quy trình sản xuất kỹ thuật cao là 53 ha với các loại cây chủ yếu: cà chua, dưa lưới, cà tím. Tổng diện tích cây ăn quả đặc sản là 1.512,8 ha, trong đó ứng dụng quy trình sản xuất kỹ thuật cao là 373,19 ha với các loại cây chủ yếu: bưởi da xanh, cam, quýt. Có 40 hộ chăn nuôi heo với tổng đàn 120.135 con và 71 hộ chăn nuôi gia cầm với tổng đàn đạt 2,83 triệu con sử dụng hệ thống chuồng lạnh. Diện tích gieo trồng áp dụng quy trình thực hiện nông nghiệp tốt (GAP) là 50 ha. Đây là những mô hình cần triển khai nhân rộng.
Đã quy hoạch và triển khai xây dựng 4 khu nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích là 991,4 ha tại xã An Thái (411,75 ha), xã Hiếu Liêm (90,2 ha), xã Tân Hiệp, Phước Sang (471,86 ha) và xã Vĩnh Tân (17,6 ha). Hiện các khu trên đang từng bước đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư ước khoảng 142,2 tỷ đồng.
b) Về đổi mới công nghệ
Hiện nay có 18 hợp đồng chuyển giao công nghệ được đăng ký tại tỉnh, trong đó có 17 hợp đồng chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, với tổng giá trị là 389 tỷ đồng và 24,5 triệu USD.
Kết quả điều tra, đánh giá trình độ công nghệ của một số ngành sản xuất chủ yếu cho thấy thiết bị sản xuất còn tương đối mới, khá tốt, do đó có khả năng tăng năng lực sản xuất của các doanh nghiệp. 64,5% doanh nghiệp có chú ý đến việc đổi mới và nâng cấp thiết bị, trong đó ngành chế biến lâm sản và cao su - plastic có hệ số đổi mới thiết bị cao. 38,3% doanh nghiệp sử dụng có hiệu quả máy móc, thiết bị. Trình độ tự động hóa không đồng đều giữa các ngành, ngành giày da và da có mức độ tự động hoá thấp.
c) Về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực khoa học và công nghệ
Tính đến cuối năm 2011, lao động làm việc trong các thành phần kinh tế của tỉnh có 744.158 người, trong đó lao động có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học 40.869 người (chiếm tỷ lệ 5,49%), lao động có trình độ trung cấp 24.085 người (chiếm tỷ lệ 3,23%), công nhân kỹ thuật 91.068 người (chiếm tỷ lệ 12,23%).
Đối với các tổ chức, cơ quan Nhà nước, toàn tỉnh có 24.790 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó trình độ cao đẳng, đại học có 15.077 người (chiếm tỷ lệ 60,82%), trình độ sau đại học có 753 người (chiếm tỷ lệ 3,04%).
Tỉnh đã ban hành và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, đãi ngộ, bố trí, sử dụng nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phù hợp với từng thời kỳ, khuyến khích, động viên đội ngũ cán bộ học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và thu hút nhiều cán bộ khoa học, chuyên gia có trình độ cao đến làm việc tại tỉnh.
d) Về phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ
Trên địa bàn tỉnh hiện có 23 tổ chức hoạt động khoa học và công nghệ, 4 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, 8 trường đại học và 7 trường cao đẳng đang hoạt động. Các tổ chức này đã có những đóng góp nhất định trong việc tạo ra các kết quả khoa học và công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của sản xuất, đời sống.
Trong giai đoạn từ 2006 đến nay, đã đầu tư 61,873 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư phát triển khoa học và công nghệ để tăng cường tiềm lực cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các ngành khoa học và công nghệ, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, y tế, giáo dục - đào tạo phục vụ thiết thực cho việc chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, quản lý Nhà nước của các ngành.
Đã có 6 doanh nghiệp thành lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ với số trích quỹ là 408 tỷ đồng. Tuy nhiên tỷ lệ sử dụng còn thấp.
2. Hạn chế
Hoạt động khoa học và công nghệ chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu, chưa thực sự trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy đã triển khai một số chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm, nhưng các nhiệm vụ trong từng chương trình thiếu gắn kết nên hiệu quả còn hạn chế; các chương trình khoa học và công nghệ chưa được lồng ghép với các chương trình kinh tế - xã hội khác. Mặc dù số lượng nhiệm vụ khoa học và công nghệ hàng năm được các tổ chức, cá nhân đề xuất nhiều, nhưng số lượng phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội không nhiều, do đó số đề tài, dự án hàng năm được đưa vào thực hiện ít; số doanh nghiệp tham gia các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đạt thấp; sự kết hợp giữa doanh nghiệp, cơ quan quản lý, nhà khoa học, tổ chức chuyển giao công nghệ còn hạn chế. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, cải tiến, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, như thiếu thông tin về thị trường, công nghệ, vốn. Thiếu các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ để tư vấn về công nghệ, giám định và đánh giá công nghệ, đàm phán và xây dựng hợp đồng chuyển giao công nghệ, môi giới mua bán công nghệ.
Cơ chế tài chính mặc dù có những bước cải tiến trong 5 năm qua, nhưng cũng còn có những vướng mắc nên hoạt động nghiên cứu, ứng dụng cũng chưa phát triển mạnh. Công tác lập kế hoạch khoa học và công nghệ chưa phù hợp với hoạt động đặc thù của khoa học và công nghệ.
Phần lớn doanh nghiệp trong tỉnh thuộc loại hình nhỏ và vừa, có quy mô vốn không lớn, nên việc huy động kinh phí để đầu tư cho nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ gặp khó khăn. Các doanh nghiệp nhỏ có lợi nhuận trước thuế thấp, nên nguồn trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp không đủ để đổi mới công nghệ của chính mình. Các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh đã thành lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ với kinh phí khá lớn, nhưng do chưa có quy định về quản lý (xác định nhiệm vụ, tổ chức xét duyệt, thanh quyết toán…), do vậy, nguồn kinh phí từ quỹ này của các doanh nghiệp sử dụng không được bao nhiêu và không đáp ứng yêu cầu hoạt động khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
Thị trường khoa học và công nghệ bước đầu hình thành, nhưng chưa phát triển mạnh. Sản phẩm của nghiên cứu khoa học có hàm lượng chất xám chưa cao, doanh nghiệp chưa có niềm tin cao đối với đội ngũ cán bộ khoa học, nên việc gắn kết nghiên cứu, ứng dụng với sản xuất, kinh doanh chưa rộng rãi. Chưa có cơ chế phân chia lợi nhuận giữa tổ chức chủ trì, tác giả và doanh nghiệp khi sử dụng kết quả nghiên cứu.
Đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, cán bộ quản lý khoa học và công nghệ thiếu về số lượng, chất lượng còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu, chưa tham mưu kịp thời các quy định để triển khai các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn. Nhân lực khoa học và công nghệ ở các ngành kinh tế mũi nhọn, có tính quyết định đem lại giá trị gia tăng cao, như công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, điện tử - viễn thông, công nghệ số và tự động… rất thiếu. Việc đào tạo và thu hút các nhà khoa học giỏi, tài năng, chuyên gia đầu ngành chưa đạt hiệu quả mong muốn.
3. Nguyên nhân của hạn chế
Một số cấp ủy Đảng, chính quyền nhận thức về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ chưa thật đầy đủ, chưa coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm; chưa cụ thể hoá mục tiêu, nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ được nêu trong các chủ trương, chỉ đạo của Tỉnh ủy, kế hoạch thực hiện của Ủy ban nhân dân tỉnh thành các nhiệm vụ phục vụ phát triển ngành và kinh tế - xã hội ở địa phương. Đầu tư nguồn lực cho khoa học và công nghệ chưa tương xứng.
Công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch và đề xuất đặt hàng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ chưa được các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố quan tâm đúng mức, còn coi đây là nhiệm vụ của riêng ngành khoa học và công nghệ.
Công tác phối hợp giữa các ngành trong triển khai ứng dụng, nhân rộng kết quả, tiến bộ khoa học và công nghệ chưa được quan tâm đúng mức.
Chưa hình thành được chính sách phù hợp để huy động nguồn lực đầu tư từ doanh nghiệp và xã hội cho hoạt động khoa học và công nghệ.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, làm cho khoa học và công nghệ thực sự là động lực quan trọng nhất để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, quốc phòng, góp phần đưa Bình Dương cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hoá và tạo ra sự phát triển cân đối, bền vững vào năm 2020.
2. Mục tiêu cụ thể
Tập trung nghiên cứu ứng dụng và đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, nhằm tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng cho sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ.
Khoa học và công nghệ góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đến năm 2020, thông qua yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) hoạt động khoa học và công nghệ đóng góp khoảng 35% tăng trưởng kinh tế. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 10 - 15%/năm giai đoạn đến năm 2015 và 20 - 25%/năm giai đoạn 2016 - 2020. Giá trị giao dịch của thị trường khoa học và công nghệ tăng trung bình 15 - 17%/năm.
Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ có chất lượng cao, có cơ cấu, trình độ, chuyên môn phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Đầu tư nâng cấp và phát triển hệ thống các tổ chức khoa học và công nghệ công lập, nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ.
Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động khoa học và công nghệ, đưa tổng mức đầu tư xã hội cho khoa học và công nghệ đạt 1,5% GDP vào năm 2015, trên 2% GDP vào năm 2020 và khoảng 3% GDP vào năm 2030, thông qua việc hình thành các quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp vay vốn quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Tăng đầu tư của Nhà nước cho khoa học và công nghệ bảo đảm tối thiểu 2% tổng chi ngân sách Nhà nước hằng năm.
Khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án phát triển tài sản trí tuệ từ các văn bằng sáng chế, giải pháp hữu ích có tính ứng dụng cao. Phát triển mạnh doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ
Triển khai thực hiện kế hoạch phát triểnvà nâng cao chất lượng các dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, phân tích, thí nghiệm trên địa bàn tỉnh.
Đầu tư nâng cao năng lực hoạt động của các đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ, từng bước chuyển đổi theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ cán bộ kỹ thuật trực tiếp làm công tác thực nghiệm, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ. Xây dựng một số trạm, xưởng thực nghiệm để nâng cao năng lực thực tiễn cho cán bộ kỹ thuật.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả đề án nâng cao năng lực của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng theo Quyết định số 317/QĐ-TTg ngày 15 tháng 3 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Hỗ trợ xây dựng các trung tâm ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong trường đại học, doanh nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, trước mắt triển khai trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
2. Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ
Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, đào tạo lại nhân lực khoa học và công nghệ theo hướng bảo đảm chất lượng, đồng bộ, đủ về số lượng và cơ cấu ngành nghề chuyên môn, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và hội nhập quốc tế.
Rà soát các chính sách hiện có, bổ sung chính sách mới đối với cán bộ khoa học và công nghệ, đặc biệt là chính sách và biện pháp đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nhân tài, trí thức có trình độ cao trong một số lĩnh vực tỉnh cần, như công nghệ thông tin, y tế, quản lý kinh tế, tài chính, các ngành công nghệ cao; chính sách khuyến khích cán bộ khoa học và công nghệ làm công tác chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ; biện pháp thu hút con em người Bình Dương học tập xong trở về tỉnh làm việc; chính sách đãi ngộ và tôn vinh trí thức.
Chủ động phát hiện và đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ từ các trường phổ thông, cao đẳng, đại học. Bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý khoa học và công nghệ cho cán bộ các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kỹ thuật trực tiếp làm công tác chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ.
Các trường đại học, cao đẳng có biện pháp khuyến khích giảng viên, sinh viên, nghiên cứu sinh đề xuất, dự tuyển thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phát triển các nhóm nghiên cứu trẻ, tiềm năng từ các trường đại học để làm hạt nhân hình thành các doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Hỗ trợ các doanh nghiệp thành lập tổ chức nghiên cứu và phát triển. Khuyến khích doanh nghiệp thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
3. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong nước và quốc tế về khoa học và công nghệ
Mở rộng và nâng tầm hợp tác với các tổ chức khoa học và công nghệ của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, hợp tác với các viện nghiên cứu và triển khai trong nước. Phát triển các hình thức hợp tác, liên kết, hợp đồng chuyển giao giữa các tổ chức khoa học và công nghệ, các trường đại học, cao đẳng với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong khuôn khổ các quy định của pháp luật.
Tăng cường các nội dung hợp tác nhằm phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực và trình độ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đào tạo và phát triển đội ngũ nhân lực trình độ cao, hình thành các tập thể nghiên cứu mạnh, đủ sức giải quyết các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của tỉnh.
Khuyến khích hợp tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ giữa doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, cá nhân trong tỉnh với các đối tác nước ngoài. Đa dạng hóa các hình thức hợp tác quốc tế, gắn kết giữa hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ với hợp tác về kinh tế.
4. Đổi mới, chuyển giao công nghệ
Thúc đẩy đổi mới công nghệ theo hướng ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại; ngăn chặn có hiệu quả việc nhập công nghệ lạc hậu, công nghệ gây nguy hại đến sức khoẻ con người, tài nguyên, môi trường, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
Triển khai cơ chế sử dụng vốn sự nghiệp kinh tế hỗ trợ đổi mới và chuyển giao công nghệ.
Đẩy mạnh đổi mới công nghệ và nâng cao hiệu suất các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật nhằm mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa các ngành sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu; nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, trong đó, tập trung cho các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn của tỉnh.
5. Triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu
Triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án, dự án khoa học và công nghệ trọng điểm được phê duyệt: chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào hoạt độngkhoa học và công nghệ; chương trình khoa học xã hội nhân văn; chương trình hỗ trợ phát triểntài sản trí tuệ; dự án nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa; đề án hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), chương trình công nghệ sinh học; chương trình chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ trong nông nghiệp; chương trình bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; chương trìnhcông nghiệp, công nghệ và tự động hóa. Nội dung các chương trình khoa học và công nghệ được xây dựng, điều chỉnh cho phù hợp từng thời kỳ và phục vụ thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp huyện, thị xã, thành phố chủ yếu là triển khai nhân rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ đã được đánh giá, kết luận; xây dựng các mô hình để chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ.
Các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố tích cực đề xuất các nhiệm vụ KHCN độc lập hoặc để tham gia các chương trình KHCN do tỉnh, các Bộ, ngành trung ương chủ trì.
6. Xây dựng và phát triển thị trường khoa học và công nghệ
Nâng cao năng lực của Trung tâm Tin học - Thông tin khoa học và công nghệcủa tỉnh để liên thông có hiệu quả với các sàn giao dịch công nghệ quốc gia tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, tiến tới kết nối với các sàn giao dịch công nghệ khu vực và thế giới, thực hiện kết nối cung - cầu về khoa học và công nghệ.
Xây dựng và triển khai chương trình phối hợp giữa các ngành để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của tác giả các công trình khoa học và công nghệ, công trình nghệ thuật, chủ sở hữu tài sản trí tuệ; xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong giao dịch, mua bán các sản phẩm và dịch vụ khoa học và công nghệ.
Khuyến khích, hướng dẫn các trường đại học, tổ chức, cá nhân thành lập tổ chức chuyển giao công nghệ, tư vấn chuyển giao công nghệ (đàm phán, lập hợp đồng chuyển giao công nghệ, môi giới, đánh giá, định giá công nghệ), tư vấn xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, định giá tài sản trí tuệ.
7. Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động khoa học và công nghệ
Đổi mới công tác lập kế hoạch, phân bổ ngân sách Nhà nước cho hoạt động khoa học và công nghệ phù hợp với đặc thù của lĩnh vực khoa học và công nghệ và nhu cầu phát triển của tỉnh, theo hướng căn cứ vào kết quả, hiệu quả sử dụng kinh phí khoa học và công nghệ của sở, ngành, địa phương.
Đẩy mạnh thực hiện cơ chế đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ của các sở, ngành, địa phương đối với Sở Khoa học và Công nghệ. Ngành khoa học và công nghệ tăng cường đặt hàng đối với các trường đại học, viện nghiên cứu và phát triển và các nhà khoa học đối với các nhiệm vụ mà tỉnh cần, đảm bảo các kết quả nghiên cứu phục vụ thiết thực cho sản xuất, đời sống và quản lý. Áp dụng rộng rãi phương thức tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ và cơ chế khoán kinh phí đến sản phẩm khoa học và công nghệ cuối cùng theo kết quả đầu ra. Triển khai cơ chế đánh giá độc lập, tư vấn, phản biện, giám định xã hội để nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ .
Tạo sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp ở địa phương với quỹ phát triểnkhoa học và công nghệ quốc gia, quỹ đổi mới công nghệ quốc gia để hỗ trợ thực hiện những dự án lớn. Tăng vốn cho Quỹ phát triểnkhoa học và công nghệ của tỉnh để nâng tầm hoạt động, thúc đẩy, hỗ trợ đổi mới công nghệ. Hướng dẫn doanh nghiệp thành lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ, cụ thể hóa các quy định, phối hợp giải quyết những vướng mắc để sử dụng nguồn kinh phí của quỹ.
Tăng cường liên kết giữa tổ chức khoa học và công nghệ, nhất là các trường đại học trên địa bàn tỉnh với doanh nghiệp trong việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ, đào tạo nhân lực.
Thực hiện chuyển đổi các tổ chức khoa học và công nghệ công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhân lực, kinh phí hoạt động dựa trên kết quả và hiệu quả hoạt động.
Cụ thể hoá kịp thời và triển khai các quy định của Bộ, ngành Trung ương về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực khoa học và công nghệ để áp dụng tại địa phương.
8. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước
Nâng cao nhận thức của các cấp uỷ Đảng và chính quyền về vai trò của khoa học và công nghệ trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh. Xác định nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ là một trong những nhiệm vụ lãnh đạo quan trọng của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các cấp ủy Đảngvà chính quyền có trách nhiệm tổ chức quán triệt sâu rộng Nghị quyết 20 và chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Chương trình hành động này.
2. Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy và chỉ đạo các ngành, các cấp phối hợp triển khai thực hiện, đồng thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện.
3. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có trách nhiệm theo dõi việc triển khai thực hiện, tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động đạt kết quả theo yêu cầu đề ra. Năm 2015 tiến hành đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết của Trung ương và Chương trình hành động của Tỉnh ủy. /.