a. Tên luận văn: Biện pháp quản lý công tác chủ nhiệm của hiệu trưởng các trường THCS trên địa bàn thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương
b.Họ và tên cá nhân thực hiện luận văn: Trần Thụy Hưng Hảo
c. Tên đơn vị công tác: Trường Trung học cơ sở Bình Chuẩn
d. Mục tiêu nghiên cứu:
Nghiên cứu lý luận về Công tác chủ nhiệm lớp và thực trạng quản lý công tác chủ nhiệm lớp trên địa bàn thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Từ đó đưa ra các biện pháp quản lý công tác chủ nhiệm lớp của hiệu trưởng các trường THCS trên địa bàn thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
e. Kết quả thực hiện (tóm tắt)
Chất lượng giáo dục là kết quả của hai quá trình cơ bản dạy học và giáo dục. Quá trình dạy học có chức năng là truyền thụ tri thức, rèn luyện kỹ năng, kỹ xảo tương ứng và do đội ngũ giáo viên thực hiện. Quá trình giáo dục có chức năng là hình thành những quan điểm, niềm tin, giá trị, động cơ, thái độ, hành vi, thói quen phù hợp với những chuẩn mực chính trị, đạo đức, pháp luật, thẩm mĩ, văn hoá, làm phát triển nhân cách của học sinh theo mục đích giáo dục của nhà trường và xã hội, trong quá trình này giáo viên chủ nhiệm lớp là người đóng vai trò chủ đạo.
Giáo viên chủ nhiệm lớp là người tổ chức, quản lý trực tiếp và sâu sát nhất về mọi mặt đối với học sinh và thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống, phát triển nhân cách, tư vấn hướng nghiệp cho từng học sinh. Năm 2017, Trần Thụy Hưng Hảo đã thực hiện đề tài “Biện pháp quản lý công tác chủ nhiệm của hiệu trưởng các trường THCS trên địa bàn thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương” làm khóa luận tốt nghiệp thạc sĩ của mình.
Trong trường phổ thông, giáo viên chủ nhiệm lớp là người có vị trí, vai trò rất quan trọng. Là thành viên của tập thể sư phạm và hội đồng sư phạm, là người thay mặt hiệu trưởng, Hội đồng nhà trường và cha mẹ học sinh quản lý và chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục toàn diện học sinh lớp mình phụ trách, tổ chức thực hiện chủ trương, kế hoạch của nhà trường ở lớp.
Trong nhà trường, Hiệu trưởng là người có quyền quyết định cao nhất, là người chỉ đạo thực hiện đồng bộ tất cả các nội dung, định hướng phát triển cho nhà trường, với phương châm giáo dục học sinh phát triển toàn diện. Hiệu trưởng không chỉ quan tâm đến chất lượng học tập mà còn quan tâm đặc biệt đến công tác giáo dục học sinh. Nói đến công tác giáo dục học sinh là nói đến đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp và công tác quản lý đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp của hiệu trưởng nhà trường. Quản lý đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp là quản lý chặt chẽ về số lượng, chất lượng, phân tích nhu cầu số lượng, cơ cấu trình độ đào tạo, và năng lực sư phạm, năng lực chủ nhiệm của đội ngũ để đáp ứng kế hoạch phát triển giáo dục. Đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp luôn có sự bổ sung thay đổi cho nên cần kịp thời nắm được sự biến động; quản lý đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp là việc thường xuyên, kịp thời, luôn bám sát yêu cầu mục tiêu giáo dục của ngành, của địa phương…
Đề tài đã khái quát cơ sở lý luận về quản lý công tác chủ nhiệm lớp ở trường trung học cơ sở; thực trạng quản lý công tác chủ nhiệm lớp; một số biện pháp quản lý công tác chủ nhiệm lớp của hiệu trưởng các trường trung học cơ sở trên địa bàn thị xã Thuận An. Thông qua đề tài, tác giả đã đề xuất 6 biện pháp quản lý công tác chủ nhiệm lớp ở các trường THCS trên địa bàn Thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng các yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các biện pháp này được đề xuất dựa trên những cơ sở lý luận về hoạt động quản lý nhà trường, quản lý công tác chủ nhiệm lớp; đồng thời, xuất phát từ thực trạng, những ưu điểm và hạn chế trong quản lý công tác chủ nhiệm lớp ở các trường THCS trên địa bàn Thị xã Thuận An.
g. Năm tốt nghiệp: 2017
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo luận văn tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).