a. Tên luận văn: Biểu tượng Nghệ thuật trong thơ Nguyễn Bính
b. Họ và tên cá nhân thực hiện luận văn: Đỗ Đức Duy
c. Tên đơn vị công tác: Trường THPT Phan Bội Châu
d. Mục tiêu nghiên cứu: Nghiên cứu một cách đầy đủ, toàn diện và có hệ thống những biểu tượng nghệ thuật tiêu biểu trong thơ Nguyễn Bính, qua đó thấy được sự độc đáo và sáng tạo trong thế giới thơ của ông. Đồng thời, khẳng định vị trí, tài năng và những đóng góp của nhà thơ Nguyễn Bính trong tiến trình phát triển của văn học Việt Nam nói chung và thơ nói riêng
e. Kết quả thực hiện (tóm tắt)
Biểu tượng là một trong những hình thức quan trọng của sự phản ánh mang tính chủ quan của cá nhân và cộng đồng về thế giới khách quan. Biểu tượng là quá trình chuyển hoá từ hình ảnh cụ thể, chi tiết đến hình ảnh mang tính phức hợp, trừu tượng, nó giúp người sử dụng biểu tượng tạo dựng được những hình tượng tươi mới, độc đáo, đặc sắc nên chúng đóng vai trò hết sức quan trọng và cần thiết trong hoạt động sáng tạo của con người.
Biểu tượng nghệ thuật được đúc kết từ tình cảm, tư tưởng, quan niệm của người sáng tác trong quá trình chiêm nghiệm cuộc sống; kết tinh bản sắc văn hoá, đời sống vật chất và tinh thần của một quốc gia, dân tộc; thể hiện sâu sắc “dấu ấn đậm nét” của thời đại, của khuynh hướng văn học trong từng giai đoạn lịch sử. Hệ thống biểu tượng nghệ thuật lưu giữ trong lòng nó dấu ấn của một đời, một thời, cảm hứng và khuynh hướng sáng tác, đặc biệt là cái tôi của người nghệ sĩ.
Lý do chọn đề tài
Nguyễn Bính là một nhà thi sĩ tiêu biểu của phong trào thơ mới trong giai đoạn 1932 - 1945. Ông chọn cho mình một hướng đi rất riêng và chủ động về những giá trị truyền thống quý báu nhằm kế thừa và phát huy nền văn hóa, dân tộc. Trong lối sáng tác của mình, ông đã chọn và xây dựng cho mình một hệ thống biểu tượng nghệ thuật đa dạng, phong phú và đặc sắc nhằm giúp người đọc có thể cảm nhận được những nét độc đáo, thi vị của làng quê, văn hóa và con người Việt Nam.
Sau năm 1975, thơ Nguyễn Bính được chú trọng và biết đến nhiều hơn. Cụ thể như: Trong công trình “Nguyễn Bính thi sĩ của đồng quê”, Hà Minh Đức đã khẳng định “Nguyễn Bính không trở về với ca dao theo lối mô phỏng, viết những cái giống như ca dao mà quan trọng hơn là tìm được sự hòa hợp giữa hồn quê hương trong ca dao với những ý tưởng và tình cảm của cuộc đời mới”. Hay trong “Nguyễn Bính, nhà thơ chân quê”, Đoàn Thị Đặng Hương cũng có nhận định “Viết thư dân gian mà vẫn là thơ, thơ của một nhà Thơ Mới”… qua đó cho thấy, thơ Nguyễn Bính có sức hấp dẫn không chỉ dừng lại ở việc rất giống với ca dao mà còn chất chứa trong đó hơi thở của thời đại mới.
Và những hình ảnh đặc trưng của quê hương trong thơ Nguyễn Bính được các nhà nghiên cứu đề cập rất độc đáo và đặc sắc. Nhưng những hình ảnh ấy vẫn còn mang tính đơn lẻ, chưa tạo thành một hệ thống biểu tượng nghệ thuật chủ đạo trong thơ Nguyễn Bính. Và trong hệ thống ấy, những thực thể biểu tượng chính yếu phải được đặt trong trạng thái động, trong sự tương tác qua lại thành một chỉnh thể nghệ thuật “thống nhất trong đa dạng”. Ở đó, vườn trở thành không gian biểu tượng nghệ thuật trung tâm trong thi giới Nguyễn Bính và những loài hoa “hương đồng gió nội” trở thành hạt nhân của khu vườn nghệ thuật ấy, tạo nên vẻ đẹp của đồng quê, chân quê, hồn quê….
Thông qua đó cho thấy, các công trình nghiên cứu đã đề cập hầu hết mọi phương diện nội dung và nghệ thuật trong thơ Nguyễn Bính. Đối với việc khảo sát một số biểu tượng nghệ thuật trong thơ ông vẫn còn khá đơn lẻ và chưa có công trình nghiên cứu nào có cái nhìn toàn diện và có hệ thống về thế giới biểu tượng trong thơ Nguyễn Bính.
Mục tiêu nghiên cứu: Nghiên cứu một cách đầy đủ, toàn diện và có hệ thống những biểu tượng nghệ thuật tiêu biểu trong thơ Nguyễn Bính, qua đó thấy được sự độc đáo và sáng tạo trong thế giới thơ của ông. Đồng thời, khẳng định vị trí, tài năng và những đóng góp của nhà thơ Nguyễn Bính trong tiến trình phát triển của văn học Việt Nam nói chung và thơ nói riêng.
Bằng việc vận dụng các phương pháp tiếp cận hệ thống, so sánh, thống kê đã giúp tác giả hoàn thành mục tiêu và nội dung đề ra. Cụ thể:
- Nội dung 1: Khái quát về biểu tượng và thi giới Nguyễn Bính
- Nội dung 2: Biểu tượng tự nhiên trong thơ Nguyễn Bính
- Nội dung 3: Biểu tượng văn hóa trong thơ Nguyễn Bính.
g. Năm tốt nghiệp: 2018
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo luận văn tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).