a. Tên luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong tiểu thuyết và truyện ngắn của Nguyễn Việt Hà
b.Họ và tên cá nhân thực hiện luận văn: Nguyễn Thị Hồng Minh
c. Tên đơn vị công tác: Trường THPT Nguyễn Trãi
đ. Mục tiêu nghiên cứu:
Tìm hiểu sáng tác của Nguyễn Việt Hà qua những nhà nghiên cứu chứng tỏ rằng tiểu thuyết và truyện ngắn của Nguyễn Việt Hà đã có một chỗ đứng trong văn học đương đại Việt Nam và trở thành đối tượng của nghiên cứu phê bình văn học
e. Kết quả thực hiện (tóm tắt)
Trong văn học đương đại Việt Nam, Nguyễn Việt Hà là một gương mặt nhà văn mới nhưng tên tuổi mau chóng được kể đến trên văn đàn. Ở phương diện đổi mới cách viết với nhiều thử nghiệm, Nguyễn Việt Hà có những đóng góp trong sự vận động của văn học Việt Nam. Sáng tác của Nguyễn Việt Hà gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, tạp văn và ở thể loại nào cũng có một sức hút riêng. Nổi bật trong lối viết của nhà văn là sự tìm tòi để “viết nội dung”, thể nghiệm những kĩ thuật của văn học hậu hiện đại. Dấu ấn hậu hiện đại ấy thể hiện ở tất cả các phương diện cơ bản như phản ánh hiện thực, phác họa chân dung con người và hình thức thể hiện.
Vào năm 2017, tác giả Nguyễn Thị Hồng Minh, trường Trung học Phổ thông Nguyễn Trãi (Thuận An, tỉnh Bình Dương) đã chọn chọn chủ đề “Dấu ấn hậu hiện đại trong tiểu thuyết và truyện ngắn của Nguyễn Việt Hà” làm đề tài luận văn thạc sĩ cho mình. Thông qua nghiên cứu này, tác giả đã tìm hiểu những nỗ lực đổi mới cách viết của nhà văn đương đại trong thực tiễn sáng tác. Mỗi nhà văn với sự sáng tạo của mình góp hình thành nên diện mạo của văn học đương đại Việt Nam với những điểm gặp gỡ trong xu hướng chung của văn học. Do đó, công trình nghiên cứu có ý nghĩa góp cái nhìn cho bức tranh toàn cảnh của văn học đương đại.
Nguyễn Việt Hà sinh năm 1962, là một gương mặt tiêu biểu của văn xuôi Việt Nam đương đại. Các tiểu thuyết Cơ hội của Chúa (1999), Khải huyền muộn (2003), tập truyện ngắn Của rơi (2004), tạp văn Nhà văn thì chơi với ai (2005), Mặt của đàn ông (2008), Đàn bà uống rượu (2010), Con giai phố cổ (2013) đều gây được sự chú ý của độc giả. Tác phẩm của anh được dịch in trong một số tuyển tập giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài. Gần đây nhất Cơ hội của Chúa được dịch sang tiếng Pháp và ra mắt vào tháng 3-2013. Công trình nghiên cứu đã đưa ra một số tiểu thuyết và truyện ngắn của tác giả Nguyễn Việt Hà như:
- Tiểu thuyết “Cơ hội của Chúa”, theo đánh giá của Trần Văn Toàn trong “Tự sự trong Cơ hội của Chúa cách tân và giới hạn” thì “Cơ hội của Chúa” là một mô hình tiểu thuyết quen thuộc với những chi tiết phản ánh hiện thực, tính cách nhân vật vẫn là công cụ để nhà văn xây dựng bức tranh đời sống. Theo đánh giá của Đoàn Cầm Thi trong “Cơ hội của Chúa: từ nhật ký đến hậu trường văn học” thì “Cơ hội của Chúa” của Nguyễn Việt Hà là một lò thử nghiệm văn phong khổng lồ…
Khải huyền muộn, cuốn tiểu thuyết thứ hai của Nguyễn Việt Hà, là một tham vọng về cấu trúc tiểu thuyết, nghệ thuật kể, điểm nhìn trần thuật và nhân vật chính là một cuốn tiểu thuyết… Theo đánh giá của Nguyễn Chí Hoan trong “Khải huyền muộn - cuốn tiểu thuyết về chính nó” thể hiện sự trân trọng kết cấu đa tầng và ý nghĩa nhân văn ở giá trị thức tỉnh về thực trạng tha hóa mà Nguyễn Việt Hà tạo nên trong thế giới nghệ thuật của Khải huyền muộn. Nguyễn Huy Thiệp thì dành cho đồng nghiệp của mình sự nể trọng: “Ở trong tác phẩm của Nguyễn Việt Hà luôn có ẩn chứa một sự nguy hiểm tinh thần đáng sợ thế nào đó đối với các “đồng nghiệp” của anh, những người đồng chí “cùng lý tưởng nhưng khác hạng” …
Sáng tác của Nguyễn Việt Hà là đối tượng nghiên cứu của những luận văn thạc sĩ tại các trường Đại học: Luận văn thạc sĩ của Nguyễn Thị Thuyên với đề tài Những cách tân trong tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà qua Cơ hội của Chúa và Khải huyền muộn (Đại học Vinh, 2008); Luận văn thạc sĩ của Lê Khánh Hà với đề tài Đặc điểm tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà (Đại học Đà Nẵng, 2011); Luận văn thạc sĩ của Lê Thị Loan với đề tài Tư duy nghệ thuật tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, 2012); Luận văn thạc sĩ của Bùi Thị Nhung với đề tài Người kể chuyện trong tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà (Qua Cơ hội của Chúa và Khải huyền muộn) (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, 2015)… Tìm hiểu sáng tác của Nguyễn Việt Hà qua những nhà nghiên cứu chứng tỏ rằng tiểu thuyết và truyện ngắn của Nguyễn Việt Hà đã có một chỗ đứng trong văn học đương đại Việt Nam và trở thành đối tượng của nghiên cứu phê bình văn học.
Nghiên cứu dấu ấn hậu hiện đại trong tiểu thuyết và truyện ngắn của Nguyễn Việt, luận văn khẳng định đóng góp của nhà văn trong sự vận động, thay đổi của nền văn học Việt Nam theo hướng tiến lại gần hơn để hòa nhập với nền văn học thế giới. Luận văn cũng góp thêm cho cái nhìn rộng mở hơn đối với văn học đương đại Việt Nam. Văn học đương đại Việt Nam trong bối cảnh xã hội nói chung như là một khúc đoạn trong dòng chảy của tiến trình văn học, vừa kế thừa, vừa cách tân để có một diện mạo cho riêng mình.
g. Năm tốt nghiệp: 2017
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo luận văn tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).