a. Tên luận văn: Khảo sát giống ngô và mô hình xen canh ngô - lạc trên nền đất xám tỉnh Bình Dương
b. Họ và tên cá nhân thực hiện luận văn: Lê Thị Tiên
c. Tên viện, trường thực hiện luận văn: Trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh
d. Tên đơn vị công tác: Trường Trung cấp Nông lâm nghiệp
đ. Mục tiêu nghiên cứu: xác định được giống ngô thích hợp khi có lạc trồng xen cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao nhất; xác định được mô hình xen canh ngô - lạc thích hợp, cho năng suất cao và hiệu quả kinh tế khi trồng trên nền đất xám tỉnh Bình Dương.
e. Kết quả thực hiện (tóm tắt):
Ngô là cây lương thực đứng thứ ba sau lúa nước và lúa mì trên thế giới. Cây ngô được trồng ở khắp các châu lục do khả năng thích ứng rộng. Hạt ngô có nhiều dinh dưỡng nên đóng vai trò quan trọng trong công nghiệp, lương thực - thực phẩm, y dược, thức ăn cho ngành chăn nuôi. Ở Việt Nam, cây ngô được trồng phổ biến trên các vùng sinh thái khác nhau, năm 2016 diện tích ngô trong nước là 1.300 ha với năng suất bình quân 4,6 tấn/ha đạt sản lượng khoảng 5.980 nghìn tấn.
Tại Bình Dương, ngô chỉ được trồng ở một số huyện như Dầu Tiếng, Phú Giáo, Tân Uyên nhưng diện tích không nhiều do phát triển mạnh về công nghiệp. Năm 2017 diện tích chỉ còn 384,4 ha, năng suất 2,1 tấn/ha, sản lượng 803,4 tấn. Vì cơ cấu giống ngô trồng ở tỉnh Bình Dương còn ít (giống ngô lai CP333 chủ yếu) và chỉ trồng thuần trên nền đất xám bạc màu nghèo dinh dưỡng, ít áp dụng cơ giới hóa do diện tích quá nhỏ nên năng suất, hiệu quả kinh tế còn chưa cao và làm suy thoái đất. Việc trồng xen các cây trồng khác với cây ngô tại Bình Dương hiện nay chưa phổ biến, nhất là các cây họ đậu, đặc biệt là cây lạc. Cây lạc rất thích hợp trong xen canh với các cây trồng khác vì cây chịu bóng, có bộ rễ ăn sâu, có khả năng cố định đạm từ khí trời nhờ vi khuẩn Rhizobium leguminosarum. Ngô có hệ rễ ăn nông và cần lượng đạm cao, trong khi cây lạc có khả năng cố định đạm cung cấp cho đất rất hiệu quả, thân thấp và bộ rễ phát triển sâu như cây lạc phù hợp với việc xen canh ngô…
Từ những nghiên cứu tổng quan, tác giả Lê Thị Tiên, Trường Trung cấp Nông Lâm nghiệp Bình Dương cho rằng với phương pháp trồng xen ngô - lạc, việc xác định giống ngô và mô hình xen canh ngô - lạc thích hợp trên nền đất xám tỉnh Bình Dương. Đây là điều cần thiết, nhằm đa dạng thêm nguồn giống, cải tạo được độ phì đất qua thời gian trồng thuần, phát triển diện tích xen canh ngô - lạc nhiều hơn trong tỉnh. Vì vậy, đề tài “Khảo sát giống ngô và mô hình xen canh ngô - lạc trên nền đất xám tỉnh Bình Dương” được đề xuất thực hiện.
Đề tài thực hiện nhằm xác định được giống ngô thích hợp khi có lạc trồng xen cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao nhất; xác định được mô hình xen canh ngô - lạc thích hợp, cho năng suất cao và hiệu quả kinh tế khi trồng trên nền đất xám tỉnh Bình Dương.
Trong vụ Thu Đông năm 2017 và vụ Đông Xuân năm 2018 mô hình xen canh giữa 2 hàng ngô kép xen 2 hàng lạc của hai giống ngô lai CP333 và PAC999 cho năng suất cao nhất. Giống CP333 có năng suất trung bình đạt 6.439 kg/ha, hệ số sử dụng đất là 1,6. Giống PAC999 có năng suất trung bình đạt 6.342 kg/ha, hệ số sử dụng đất là 1,2 (vụ Thu Đông 2017); giống CP333 có năng suất trung bình đạt 6.623 kg/ha, hệ số sử dụng đất là 1,4. Giống PAC999 có năng suất trung bình đạt 6.550 kg/ha, hệ số sử dụng đất là 1,4 (vụ Đông Xuân 2018). Mô hình xen canh giữa 2 hàng ngô đơn xen 2 hàng lạc trên giống CP333, PAC999 cho lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận cao nhất trong hai vụ Thu Đông và Đông Xuân. Giống CP333 đạt lợi nhuận 45.862 ngàn đồng/ha/vụ, tỷ suất lợi nhuận là 1,9; giống PAC999 đạt lợi nhuận 46.501 ngàn đồng/ha/vụ, tỷ suất lợi nhuận là 1,9 (vụ Thu Đông 2017). Vụ Đông Xuân giống CP333 đạt lợi nhuận 54.858 ngàn đồng/ha/vụ, tỷ suất lợi nhuận là 2,2; giống PAC999 đạt lợi nhuận 56,182 ngàn đồng/ha/vụ, tỷ suất lợi nhuận là 2,4.
Đề tài đã được thực hiện tại tỉnh Bình Dương từ tháng 5/2017 đến tháng 3/2018 trên nền đất xám. Mục tiêu của đề tài chọn được giống ngô và mô hình xen canh ngô - lạc thích hợp. Năm thí nghiệm đơn yếu tố được bố trí theo kiểu khối đầy đủ ngẫu nhiên 3 lần lặp lại trên nền phân 3 tấn phân hữu cơ + 180 kg N + 100 kg P2O5 + 100 kg K2O/ha, kích thước ô 14 m2.
Thí nghiệm thứ 1 có 10 nghiệm thức tương ứng 10 giống ngô lai (DK6919, DK9901, NK67, NK7328, PAC339, PAC999, CP511, CP333 (đối chứng), LCH9, SSC586 trong mô hình xen canh ngô – lạc và giống lạc GV10 đã được thực hiện trong vụ Hè Thu 2017.
Thí nghiệm thứ 2, 3, 4 và 5 có 6 nghiệm thức gồm 6 công thức xen canh ngô (PAC999 and CP333) – lạc (GV10) gồm 1 hàng ngô 1 hàng lạc, 1 hàng ngô 2 hàng lạc, 2 hàng ngô 1 hàng lạc, 2 hàng ngô 3 hàng lạc, đối chứng là ngô trồng thuần và lạc trồng thuần
Kết quả thí nghiệm cho thấy trong vụ Hè Thu 2017, trong hệ thống xen canh ngô và lạc, giống ngô PAC999 cho năng suất cao (6.006 kg/ha), lợi nhuận cao (23.714.000 đ/ha/vụ) và tỷ suất lợi nhuận nhiều (1,1).
Trong vụ Thu Đông 2017 và Đông Xuân 2018, mô hình xen canh 1 hàng ngô 2 hàng lạc của 2 giống PAC999 và CP333 cho tỷ suất lợi nhuận cao (1,9; 2,2 và 1,9; 2,4) và hệ số sử dụng đất cao nhất (lần lượt là 1,4; 1,5 và 1,6; 1,5).
g. Năm tốt nghiệp: 2018
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo luận văn tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).