a. Tên Luận văn: Nghiên cứu sự đa dạng các loài cá ở vùng hạ lưu sông Đồng Nai, đoạn từ phía dưới đập tràn hồ Trị An đến Cù Lao Thạnh Hội
b.Họ và tên cá nhân thực hiện luận văn: Đỗ Hạnh Vi
c. Tên đơn vị công tác: Trường THPT Huỳnh Văn Nghệ
d. Mục tiêu nghiên cứu: Xác định thành phần loài cá phân bố ở khu vực nghiên cứu; tìm hiểu các đặc trưng của khu hệ cá nơi đây; ước tính sản lượng của một số loài cá phổ biến ở sông Đồng Nai, tại thị xã Tân Uyên, Bình Dương.
e. Kết quả thực hiện (tóm tắt)
Cá không những là nguồn thực phẩm cung cấp prôtêin cho con người mà còn có nhiều lợi ích khác, tuy nhiên việc đánh bắt cá không kiểm soát đã phá hoại sự tái sinh sản của đàn cá dẫn đến việc khai thác không còn hiệu quả nữa và có nhiều loài cá đang đứng trước tình trạng nguy cấp và có khả năng tuyệt chủng trong tự nhiên như: cá Bông lau; cá Đuối...
Hiện nay, vấn đề bảo tồn các loài cá đã đang được chú trọng trên quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, công tác bảo tồn các loài cá khu vực Đông Nam Á phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt dữ liệu đa dạng sinh học. Do đó, để góp phần bảo tồn cá và đánh giá lại nguồn lợi thủy sản nơi đây thì cần có biện pháp xác định thành phần loài và danh pháp của nó. Hơn nữa, việc định danh loài chính xác là một việc làm rất quan trọng ngay từ bước đầu để nghiên cứu các đặc điểm sinh học về sau, đặc biệt đối với những quần thể cá tự nhiên, tác giả Đỗ Hạnh Vi đã chọn đề tài “Nghiên cứu sự đa dạng các loài cá ở hạ lưu sông Đồng Nai, đoạn từ phía dưới đập tràn hồ Trị An đến cù lao Thạnh Hội” làm đề tài nghiên cứu luận văn của mình.
Mục tiêu nghiên cứu: Xác định thành phần loài cá phân bố ở khu vực nghiên cứu; tìm hiểu các đặc trưng của khu hệ cá nơi đây; ước tính sản lượng của một số loài cá phổ biến ở sông Đồng Nai, tại thị xã Tân Uyên, Bình Dương.
Sau thời gian thực hiện nghiên cứu và khảo sát, tác giả đã đạt được một số kết quả như:
- Đã xác định được 100 loài cá thuộc 75 giống, 37 họ của 13 bộ cá khác nhau phân bố ở hạ lưu sông Đồng Nai, đoạn từ phía dưới đập tràn hồ Trị An đến cù lao Thạnh Hội. Trong đó bộ cá Vược (Perciformes) chiếm ưu thế nhất về họ, giống, loài, tiếp đến là bộ cá Nheo (Siluriformes), bộ cá Chép (Cypriniformes);
- Đã ghi nhận được sự phân bố mới của loài cá Cóc (Albulichthys albuloides) ở sông Đồng Nai, tại KVNC và xác định được một loài cá đặc hữu cho sông Mê Kông là cá Ngựa chấm Hampala dispar.
- Trong các loài cá khảo sát được có 9 loài cá quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam, 34 loài cá thực phẩm; 36 loài cá cảnh.
- Đặc trưng của khu hệ cá ở hạ lưu sông Đồng Nai là có quan hệ tương đồng với khu hệ cá hạ lưu sông Sài Gòn và vùng nước nội địa Tp - Hồ Chí Minh ở mức cao, ít có quan hệ với khu hệ cá sông Đồng Nai ở Tây Nguyên, khu hệ cá Hồ Trị An và quan hệ với khu hệ cá sông Ba ở mức thấp nhất.
- Thành phần loài cá ở hạ lưu sông Đồng Nai, phân bố tương đối đều trong cả hai mùa, số lượng loài mùa mưa tương đương với mùa khô. Tuy nhiên, thành phần loài có sự biến động qua các tháng nghiên cứu.
g. Năm tốt nghiệp: 2018
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo luận văn tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).