a. Tên luận văn: Quản lý hoạt động của tổ chuyên môn ở các trường trung học cơ sở thị xã Bến Cát - tỉnh Bình Dương
b.Họ và tên cá nhân thực hiện luận văn: Phạm Văn Miếng
c. Tên đơn vị công tác: Trường THCS Thới Hòa
d. Mục tiêu nghiên cứu: Trên cơ sở hệ thống hóa lý luận, khảo sát thực trạng quản lý hoạt động tổ chuyên môn ở các trường THCS thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, đề xuất biện pháp quản lý nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tổ chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng dạy học và đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.
e. Kết quả thực hiện (tóm tắt)
Trong trường phổ thông, công tác chuyên môn là hoạt động quan trọng, chủ yếu, quyết định sự tồn tại và phát triển của nhà trường. Đây là cơ sở gắn bó với giáo viên giảng dạy, nơi thực thi trực tiếp nhiệm vụ dạy học và giáo dục học sinh. Đồng thời, tổ chuyên môn (TCM) còn có mối quan hệ hợp tác với nhau, phối hợp với các bộ phận nghiệp vụ khác và các tổ chức Đảng, đoàn thể nhằm thực hiện chiến lược phát triển của nhà trường, thực hiện chương trình giáo dục và đào tạo khác, hướng tới mục tiêu giáo dục.
Hoạt động TCM ở trường Trung học cơ sở là quy định trong Điều lệ trường trung học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Trong đó, Hiệu trưởng quản lý hoạt động này nhằm quản lý giáo viên, nhất là về chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện kế hoạch giảng dạy của giáo viên trong tổ sẽ phản ánh được các mặt hoạt động chuyên môn của nhà trường về chất lượng giáo dục và các mặt hoạt động khác. Việc nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chuyên môn trong nhà trường sẽ phát huy được tinh thần nỗ lực sáng tạo của giáo viên trong tập thể sư phạm, tính đoàn kết nội bộ, năng lực điều hành hoạt động của tổ trưởng TCM cũng được nâng cao, đồng thời tạo động lực thôi thúc giáo viên trong các tổ chuyên môn phát huy nhiều sáng kiến, kinh nghiệm của mình trong việc góp phần bồi dưỡng đội ngũ giáo viên tại chỗ thông qua hoạt động dự giờ, trao đổi rút kinh nghiệm các tiết dạy, sinh hoạt chuyên đề, thao giảng, hội giảng để góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của trường…
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, quản lý hoạt động TCM ở các trường trung học cơ sở thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương có những chuyển biến đáng kể, hiệu quả chưa cao, các bộ quản lý nhận thức được vai trò, vị trí của tổ chuyên môn nhưng các biện pháp xây dựng và quản lý tổ chuyên môn chưa chặt chẽ và khoa học. Do vây, Thạc sỹ Phạm Văn Miếng đã chọn nhiệm vụ “Quản lý hoạt động của tổ chuyên môn ở các trường trung học cơ sở thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương” làm đề tài nghiên cứu sau đại học.
Mục tiêu nghiên cứu: Trên cơ sở hệ thống hóa lý luận, khảo sát thực trạng quản lý hoạt động tổ chuyên môn ở các trường trung học cơ sở thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Qua đó, đề xuất biện pháp quản lý nhằm nâng cao hiệu quả quản lý TCM, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.
Sau thời gian triển khai thực hiện, tác giả đã đạt được mục tiêu và nội dung đề ra. Cụ thể, qua nghiên cứu cơ sở lý luận cho thấy, công tác quản lý các tổ chuyên môn giữ nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý trường học.
Qua khảo sát, phân tích thực trạng hoạt động của TCM và quản lý TCM ở các trường trung học cơ sở ở thị xã Bến Cát, cũng như phân tích một số yếu tố ảnh hưởng đến công tác quản lý TCM, kết quả cho thấy, hoạt động của các tổ trưởng TCM qua các năm có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, các trường đã tác động bằng nhiều biện pháp thiết thực để có được các tổ trưởng chuyên môn giỏi; tổ trưởng chuyên môn có nhiều cố gắng trong điều hành chung của TCM; năng nổ nhiệt tình và có nhiều đóng góp cho giáo viên trên lĩnh vực chuyên môn để hoàn thành kế hoạch đề ra;… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan, vẫn còn tồn tại nhiều mặt hạn chế như: Nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, tổ trưởng TCM chưa cao; việc quy hoạch, bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó còn mang nhiều cảm tính;…
Thông qua việc kết hợp kết quả của việc nghiên cứu lý luận với kết quả khảo sát thực trạng quản lý tổ chuyên môn các trường trung học cơ sở thị xã Bến Cát, tác giả cũng đã đề ra 06 biện pháp để quản lý tốt hoạt động TCM của các trường như: Bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực cho TCM; nâng cao nhận thức của đội ngũ tổ trưởng TCM, cán bộ quản lý, giáo viên; công tác quy hoạch, bổ nhiệm tổ trưởng chuyên môn; đổi mới việc quản lý hoạt động TCM; đảm bảo các điều kiện hỗ trợ hoạt động của tổ chuyên môn và tăng cường công tác kiểm tra và đánh giá tổ chuyên môn. Tuy nhiên, các biện pháp này được sử dụng có hiệu quả nhất, khi được khai thác triệt để thế mạnh riêng phù hợp với điều kiện thực tế của từng trường.
g. Năm tốt nghiệp: 2018
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo luận văn tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).