a. Tên luận văn: Quản lý hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở các trường Trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương
b.Họ và tên cá nhân thực hiện luận văn: Nguyễn Thị Minh Thoa
c. Tên đơn vị công tác: Trường THPT Võ Minh Đức
đ. Mục tiêu nghiên cứu: Phân tích thực trạng công tác quản lý hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở các trường THPT trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp trong các trường THPT tại Thủ Dầu Một nói riêng, Bình Dương nói chung.
e. Kết quả thực hiện (tóm tắt)
Trong thời đại khoa học và công nghệ phát triển nhanh chóng như hiện nay thì việc phát triển phẩm chất và năng lực người học là định hướng nổi bật mà nhiều nước trên thế giới đã và đang thực hiện, với mong muốn hình thành, phát triển những năng lực cần cho việc học tập suốt đời và gắn với cuộc sống hàng ngày. Trong đó, vấn đề quan trọng đặt ra là sự phát triển của nguồn lực con người. Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của mọi sự phát triển.
Vì vậy, muốn phát triển xã hội phải phát triển giáo dục và đào tạo để phát triển con người và nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục nước ta hiện nay đó là đào tạo ra những con người có phẩm chất đạo đức, năng lực chủ động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, thích ứng với đời sống xã hội đang từng ngày từng giờ thay đổi, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hoạt động giáo dục học sinh, đặc biệt đối với cấp trung học phổ thông, tâm sinh lý của các em đã phát triển hơn nhiều so với cấp tiểu học và trung học cơ sở, do đó nhìn nhận của các em về các vấn đề gia đình, xã hội cũng có những thay đổi lớn hơn. Vậy vấn đề đặt ra là làm thế nào để quản lý hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp có hiệu quả, nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp một cách toàn diện và đồng bộ. Điều này đòi hỏi cao hơn đối với các cán bộ quản lý, giáo viên, cán bộ phụ trách hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp phải làm thế nào để đào tạo ra những con người “Vừa hồng, vừa chuyên”, có khả năng đối diện đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống, giúp cho giới trẻ rèn luyện, phát triển tính tự chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, có khả năng tư duy độc lập, xây dựng lối sống lành mạnh, phẩm chất đạo đức tốt, tương thân tương ái biết chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau; biết tự suy ngẫm, đánh giá và giải quyết vấn đề... là việc làm trọng yếu và hết sức cần thiết.
Theo đó, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp là một trong những nội dung và nhiệm vụ không thể thiếu trong việc giáo dục toàn diện học sinh, qua đó giúp các em trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng để có thể hòa nhập với xã hội, giúp học sinh có những hiểu biết và thái độ đúng đắn về các giá trị văn hóa, xã hội của dân tộc và nhân loại; giáo dục chính trị, tư tưởng, hình thành nhu cầu hứng thú, thói quen tốt trong học tập, sinh hoạt, lao động; củng cố, mở rộng kiến thức, rèn luyện, bồi dưỡng kỹ năng thực hành và tổ chức các hoạt động thực tiễn. Do đó việc giáo dục và đào tạo trong nhà trường hiện nay không chỉ chú trọng đến việc đào tạo ra những lớp học sinh giỏi về chuyên môn, mà còn phải hoàn thiện về nhân cách
Thực tế, tại các trường trung học phổ thông, việc thực hiện hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp đã và đang đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, phần lớn các trường đều thực hiện tốt các hoạt động này. Cụ thể, giáo dục kỹ năng học tập; tổ chức rèn luyện các phương pháp học tập hiệu quả; các buổi hoạt động ngoại khóa dưới nhiều hình thức,… nhằm giúp các em trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Hình thức tổ chức, chất lượng giáo dục hoặc không tổ chức thực hiện tiết sinh hoạt giáo dục ngoài giờ lên lớp theo kế hoạch đã xây dựng;… Đồng thời, công tác quản lý hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp vẫn chưa được chú trọng, còn mang tính hình thức, qua loa, chiếu lệ, chưa hiệu quả, chưa có những các biệp pháp tốt để nâng cao chất lượng hoạt động,... làm cho hoạt động này trở nên nhàm chán, thiếu tính hấp dẫn, học sinh thụ động.
Tại Bình Dương, với mong muốn nâng cao chất lượng giáo dục cho giáo dục bậc trung học của Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng, thạc sỹ Nguyễn Thị Minh Thoa đã chọn đề tài “Quản lý hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở các trường Trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương” làm đề tài nghiên cứu bảo vệ luận văn của mình.
Theo đó, vấn đề đặt ra là làm thế nào để quản lý hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp có hiệu quả, nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp một cách toàn diện và đồng bộ. Đặc biệt đối với cấp trung học phổ thông, tâm sinh lý của các em đã phát triển hơn nhiều so với cấp tiểu học và trung học cơ sở, do đó nhìn nhận của các em về các vấn đề gia đình, xã hội cũng có những thay đổi lớn hơn. Điều này đặt ra đòi hỏi cao hơn đối với các cán bộ quản lý, giáo viên, cán bộ phụ trách hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Kết quả nghiên cứu thực trạng quản lý hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một cho thấy: nhận thức đúng đắn của cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, việc quản lý nội dung, chương trình, kế hoạch của hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp được thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, trong công tác quản lý đổi mới hình thức, phương pháp tổ chức, đa dạng hóa nội dung các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp còn nhiều hạn chế, các nhà trường chưa có những biện pháp hữu hiệu trong việc phối kết hợp hoạt động giữa các lực lượng trong và ngoài nhà trường, việc tổ chức sinh hoạt ngoại khóa bộ môn, các phương tiện hỗ trợ hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp còn nhiều hạn chế,…
Dựa trên kết quả nghiên cứu, tác giả đã đề xuất 05 biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp đó là: Thành lập hoặc củng cố Ban chỉ đạo hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp; Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp; Tăng cường công tác kế hoạch hóa trong quản lý các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp; Bồi dưỡng, nâng cao năng lực và kỹ năng tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp cho giáo viên; Tăng cường phối hợp giữa nhà trường và các lực lượng trong và ngoài nhà trường trong công tác tổ chức và quản lý hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Đây là những đề xuất có tính cần thiết và tính khả thi cao.
Do đó, các trường trung phổ thông trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một và các địa bàn khác có thể nghiên cứu, vận dụng linh hoạt, sáng tạo những biện pháp này để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý hoạt động hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp trong các nhà trường, nhằm góp phần tích cực vào việc rèn luyện học sinh thành những con người phát triển toàn diện, thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
g. Năm tốt nghiệp: 2018
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu luận văn – luận án tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).