a. Tên luận văn: Tiếp xúc văn hóa Đông - Tây qua tờ Gia Định Báo (1865 - 1909)
b.Họ và tên cá nhân thực hiện luận văn: Nguyễn Văn Thương
c. Tên đơn vị công tác: Trường THPT Bình Phú
d. Mục tiêu nghiên cứu:
Tìm hiểu những biểu hiện của tiếp xúc văn hóa Đông - Tây trên tờ Gia Định Báo, để từ đó rút ra được những giá trị văn hóa mới từ tờ báo
e. Kết quả thực hiện (tóm tắt)
Quá trình tiếp xúc văn hóa Đông - Tây ở Việt Nam bắt đầu hình thành từ thế kỉ XVI - XVII thông qua hoạt động truyền giáo và thương mại của các nước phương Tây mà trước hết là hai nước Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, sau đó là Anh, Pháp. Từ khi thực dân Pháp xâm lược đến năm 1945 sự tiếp xúc văn hóa Đông - Tây, chủ yếu là văn hóa Pháp, diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Khi tiếp xúc với văn hóa phương Tây mà trực tiếp là văn hóa Pháp thì văn hóa truyền thống của Việt Nam đã có những sự thay đổi đáng kể.
Có thể nói, trong gần một thế kỷ tiếp xúc với văn hóa phương Tây thời cận đại, dù trên phương diện bị cưỡng bức hay tự nguyện, văn hóa Việt Nam có những chuyển biến rất dữ dội, làm thay đổi hầu như toàn bộ văn hóa Việt Nam. Sự giao lưu tiếp xúc với văn hóa phương Tây, chủ yếu là văn hóa Pháp, của người Việt Nam chủ yếu là do mục đích cưỡng bức của kẻ đi xâm lược đối với một đất nước bị xâm lược. Người Pháp đem văn hóa Pháp du nhập vào Việt Nam nhằm mục đích thống trị người Việt Nam. Nhưng trái với ý đồ đó, văn hóa của người Pháp đã có những đóng góp tích cực vào văn hóa Việt Nam làm cho nên văn hóa Việt Nam thêm đa dạng và phong phú.
Để hoàn thành đề tài “Tiếp xúc văn hóa Đông - Tây qua tờ Gia Định Báo”, tác giả đã tiếp cận vấn đề dưới góc độ nghiên cứu lịch sử và sử dụng phương pháp luận sử học. Về phương pháp nghiên cứu, tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu chính là phương pháp lịch sử và phương pháp logic. Ngoài ra còn sử dụng phương pháp phê phán sử liệu, phương pháp phân loại, phương pháp tiểu sử đồ vật.
Luận văn của tác giả Nguyễn Văn Thương đã nêu lên những cơ sở lí luận, các khái niệm văn hóa, tiếp xúc văn hóa, giao lưu văn hóa, tiếp biến văn hóa. Trong chương này còn khái quát những biểu hiện chính của tiếp xúc văn hóa Đông - Tây thời cận đại ở Việt Nam và quá trình ra đời và phát triển của tờ Gia Định Báo; những biểu hiện của tiếp xúc văn hóa Đông - Tây qua tờ Gia Định Báo trên các mặt báo chí, ngôn ngữ, văn chương, mĩ thuật - kĩ thuật. Từ những biểu hiện ở trên, luận văn đánh giá những giá trị của tiếp xúc văn hóa Đông - Tây qua tờ Gia Định Báo về các lĩnh vực báo chí, nâng cao dân trí, phát triển và truyền bá chữ quốc ngữ, phát triển văn học, hình thành và phát triển các nghề mới.
Luận văn đã tập hợp, hệ thống các nguồn tư liệu viết về tờ Gia Định Báo. Phục dựng tương đối đầy đủ và có hệ thống về tờ Gia Định Báo, qua đó thấy được những giá trị của quá trình tiếp xúc văn hóa Đông - Tây qua tờ Gia Định Báo. Đây là một đề tài đúc kết có hệ thống qua việc tiếp cận, lựa chọn, tổng hợp một khối lượng tài liệu lớn xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau có liên quan tới tờ Gia Định Báo. Do đó luận văn có thể sử dụng làm nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho việc nghiên cứu, tìm hiểu, giảng dạy những vấn đề có liên quan tới tờ Gia Định Báo của các ngành Lịch sử, Văn hóa, Việt Nam học, Giáo dục học, Văn học.
g. Năm tốt nghiệp: 2018
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo luận văn tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).