a. Tên luận văn: Tổ chức hoạt động để phát triển năng lực ngôn ngữ cho học sinh trong dạy học phần vô cơ hóa học lớp 10 Trung học Phổ thông
b.Họ và tên cá nhân thực hiện luận văn: Lưu Thị Minh Nguyệt
c. Tên đơn vị công tác: Trường THPT Bình Phú
d. Mục tiêu nghiên cứu: Đề xuất các hoạt động dạy học nhằm phát triển năng lực ngôn ngữ trong dạy học phần vô cơ Hóa học lớp 10 Trung học Phổ thông
e. Kết quả thực hiện (tóm tắt)
Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội đặc biệt. Ngôn ngữ phục vụ xã hội, làm phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người, có nhiều công cụ giao tiếp khác nhau như ngôn ngữ cơ thể, ngôn ngữ vật thể… nhưng không có phương tiện nào lại đơn giản và thuận tiện như ngôn ngữ nói và viết
Có thể nói, ngôn ngữ là động lực phát triển của xã hội và cũng tìm thấy động lực phát triển của chính mình trong môi trường xã hội. Do đó, vấn đề phát triển năng lực ngôn ngữ là một vấn đề cấp thiết, đã được nền giáo dục nước nhà quan tâm nhiều hơn trong công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay. Theo đề xuất định hướng chuẩn đầu ra về phẩm chất và năng lực của chương trình giáo dục trung học phổ thông, các nhà giáo dục Việt Nam đã đưa năng lực ngôn ngữ vào nhóm năng lực công cụ cần phát triển cho người học.
Dạy học bằng hoạt động của người học, là tạo điều kiện cho người học chủ động tham gia vào việc tìm kiếm, phát hiện kiến thức và có nhiều cơ hội để học sinh phát triển năng lực, trong đó có năng lực ngôn ngữ. Ngoài ra, hoạt động giúp học sinh kết hợp chặt chẽ giữa việc lĩnh hội kiến thức lí thuyết ngôn ngữ với việc luyện tập thực hành ngôn ngữ trong giao tiếp. Do đó, tác giả Lưu Thị Minh Nguyệt đã nghiên cứu đề tài này làm luận văn tốt nghiệp cho mình với mục đích nhằm đề xuất các hoạt động dạy học nhằm phát triển năng lực ngôn ngữ (NLNN) trong dạy học phần Vô cơ Hóa học lớp 10 THPT
Kết quả thực nghiệm sư phạm được thể hiện thông qua kết hợp giữa đánh giá định tính bằng các giờ dạy thực nghiệm, qua phiếu hỏi thái độ, bảng kiểm quan sát với đánh giá định lượng bằng kết quả các bài kiểm tra được thiết kế bao gồm những câu hỏi hay bài tập có tác dụng kiểm tra mức độ phát triển NLNN của học sinh được thể hiện trong bài làm của mình.
Đánh giá định lượng được phân tích thông qua sự theo dõi và so sánh điểm số các bài kiểm tra trước và sau thực nghiệm tập trung vào phát triển NLNN của học sinh. Kết quả cho thấy NLNN của học sinh thể hiện rõ nét trong kết quả bài kiểm tra ở các lớp thực nghiệm, khi có sự tác động của giáo viên bằng những hoạt động phát triển NLNN so với trước thực nghiệm, trong khi các lớp đối chứng, kết quả này không có sự biến động đáng kể.
Đánh giá định tính được thông qua phân tích các tiết dạy, việc quan sát các hành vi, thái độ, cử chỉ của học sinh trong giờ học cũng như thông qua ý kiến nhận xét đánh giá của giáo viên dạy thực nghiệm. Ngoài ra còn sử dụng bảng kiểm quan sát dành cho giáo viên và học sinh để đánh giá năng lực nói, phiếu hỏi thái độ cho học sinh ở các lớp thực nghiệm. Kết quả thể hiện được sự phát triển NLNN ở các lớp thực nghiệm so với các lớp đại cương. Như vậy, những kết quả thu được sau đợt thực nghiệm đã khẳng định tính khả thi và hiệu quả của hai hoạt động được thiết kế trong luận văn. Đồng thời, kiểm nghiệm được tính đúng đắn của giả thuyết khoa học đã đề ra.
g. Năm tốt nghiệp: 2017
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo luận văn tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).