a. Tên luận văn: Ứng dụng viễn thám và GIS đánh giá biến động sử dụng đất tỉnh Bình Dương
b. Họ và tên cá nhân thực hiện luận văn: Trần Thị Lý
c. Tên viện, trường thực hiện luận văn: Đại học Sư phạm - Đại học Huế
d. Tên đơn vị công tác: Trường THPT Huỳnh Văn Nghệ
đ. Mục tiêu nghiên cứu: lập được bản đồ hiện trạng sử dụng đất các năm 1997, 2007, 2017 tỷ lệ 1:50.000, trên cơ sở đó xây dựng bản đồ biến động sử dụng đất các giai đoạn 1997 - 2007, 2007 - 2017 và 2007 - 2017 của tỉnh Bình Dương; phân tích, đánh giá tình hình và nguyên nhân gây ra những biến động sử dụng đất trong giai đoạn từ 1997-2017… Trên cơ sở khoa học, đề tài đã đề xuất một số giải pháp sử dụng đất bền vững ở tỉnh Bình Dương.
e. Kết quả thực hiện (tóm tắt):
Dữ liệu viễn thám với đặc điểm đa thời gian, xử lý ngắn và phủ trùm khu vực rộng là một công cụ hữu hiệu cho việc theo dõi biến động sử dụng đất một cách chính xác và nhanh chóng. Việc sử dụng hình ảnh viễn thám và hệ thống thông tin địa lí (GIS) còn cho phép chỉnh lý, bổ sung các số liệu cần thiết mà hoạt động điều tra, khảo sát, đo đạc không thể tiến hành được trên thực địa trong quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Vì vậy, đánh giá tình hình biến động đất đai theo không gian và thời gian trên dữ liệu viễn thám kết hợp với hệ thống thông tin địa lí là một phương pháp hữu ích cho các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách của địa phương có một cách nhìn tổng quan, chính xác về hiện trạng cũng như diễn biến biến động sử dụng đất. Trên cơ sở đó, đưa ra những quyết sách về sử dụng tài nguyên đất một cách hiệu quả, bền vững nhằm phát triển về kinh tế, ổn định về xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Do đó, tác giả Trần Thị Lý, Trường THPT Huỳnh Văn Nghệ đã đề xuất thực hiện đề tài Ứng dụng viễn thám và GIS đánh giá biến động sử dụng đất tỉnh Bình Dương làm đề tài tốt nghiệp luận văn sau đại học của mình, với mục tiêu đánh giá được sự biến động về quy mô diện tích và cơ cấu các loại hình sử dụng đất của tỉnh Bình Dương giai đoạn 1997-2017 trên cơ sở ứng dụng viễn thám và GIS. Từ đó đề xuất các giải pháp sử dụng đất theo hướng bền vững.
Viễn thám (RS-Remote Sensing) là một khoa học sử dụng phương tiện thông tin bằng máy tính, công nghệ vũ trụ và kinh nghiệm của các chuyên gia, nhằm thu nhận các thông tin có ích về một vật hoặc một hiện tượng, xảy ra trên Trái Đất và quyển khí, bằng cách sử dụng các ảnh chụp về vật, hiện tượng dưới dạng ảnh, và ảnh số thu được từ các bộ cảm biến trên vệ tinh và công nghệ radar mà không cần tiếp xúc trực tiếp vào các vật và các hiện tượng đó. Hiện nay, việc sử dụng công nghệ viễn thám trong nghiên cứu đã và đang trở thành một phương pháp nghiên cứu rất có hiệu quả bởi những ưu thế vốn có của nó mà những nguồn tư liệu và phương pháp nghiên cứu thông thường không thể có được.
Một trong những ứng dụng đặc biệt quan trọng của dữ liệu viễn thám là nghiên cứu SDĐ. Hiện nay, viễn thám đã phát triển trở thành một phương pháp tiên tiến và hiện đại trong nghiên cứu sử dụng đất và theo dõi biến động đất đai. Cơ sở khoa học của nghiên cứu biến động từ tư liệu viễn thám là dựa vào đặc trưng phổ phản xạ của các đối tượng tự nhiên. Dựa vào tính chất phản xạ sóng điện từ của đối tượng trên bề mặt trái đất mà kỹ thuật viễn thám có thể phân tích, so sánh và nhận diện chúng từ các thông tin phổ phản xạ…
Việc ứng dụng viễn thám và GIS trong nghiên cứu, đánh giá, quản lý các loại tài nguyên đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng từ rất lâu. Trong đó, có rất nhiều công trình nghiên cứu về biến động sử dụng đất và thảm thực vật.
So với các nước tiên tiến trên thế giới thì ở nước ta việc ứng dụng viễn thám và GIS trong nghiên cứu khoa học nói chung chỉ mới phát triển mạnh trong những thập kỷ gần đây. Tuy nhiên, với những ưu điểm vượt trội và khả năng ứng dụng ở nhiều lĩnh vực khác nhau nên hiện nay viễn thám và GIS đang được nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi ở nước ta. Có rất nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến việc ứng dụng viễn thám và GIS trong vấn đề quản lý đất đai, đánh giá hiện trạng sử dụng và biến động sử dụng đất.
Tại Bình Dương, cũng có một số công trình nghiên cứu về việc SDĐ như: Điều tra chỉnh lý bản đồ đất, xây dựng bản đồ đánh giá đất đai 1/50.000, đề xuất định hướng sử dụng tài nguyên đất tỉnh Bình Dương do Phạm Quang Khánh chủ trì; Điều tra, đánh giá sự xói mòn, bạc màu và ô nhiễm môi trường đất nông nghiệp tỉnh Bình Dương, đề xuất giải pháp khắc phục và phòng ngừa và Điều tra, đánh giá sự xói mòn, bạc màu và ô nhiễm môi trường đất nông nghiệp tỉnh Bình Dương, đề xuất giải pháp khắc phục và phòng ngừa của tác giả Nguyễn Xuân Nhiệm; Hiện trạng sử dụng đất tỉnh Bình Dương trong quá trình đô thị hóa của Phạm Thị Xuân Thọ…
Sau khi triển khai, đề tài đã thực hiện đạt được mục tiêu đề ra. Kết quả nghiên cứu của đề tài góp phần thêm vào việc hoàn thiện cơ sở lý luận đánh giá biến động sử dụng đất và làm phong phú thêm hướng nghiên cứu của địa lý ứng dụng trên cơ sở tư liệu viễn thám và GIS, phục vụ mục tiêu quản lí biến động sử dụng đất theo hướng bền vững; nâng cao vai trò của tư liệu viễn thám và GIS trong các công trình nghiên cứu địa lý, đồng thời thể hiện tính hiện đại, cập nhật của phương pháp nghiên cứu theo xu hướng mới.
Đề tài góp phần xây dựng được các bản đồ hiện trạng sử dụng đất ở tỉnh Bình Dương ở 3 thời điểm năm 1997, năm 2007 và năm 2017. Từ đó, xây dựng được bản đồ biến động sử dụng đất giai đoạn từ năm 1997-2007 và 2007 - 2017 bằng các phương pháp viễn thám và GIS.
Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học quan trọng cho việc hoạch định chiến lược sử dụng đất của địa phương theo hướng bền vững. Góp phần cung cấp thêm một kênh thông tin quan trọng, giúp cho các nhà quản lý ở địa bàn nghiên cứu bổ sung và hoàn thiện chứng cứ khoa học cho công tác quy hoạch sử dụng đất ở địa phương.
g. Năm tốt nghiệp: 2018
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu luận văn – luận án tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).