a. Tên nhiệm vụ: An Investigation in to the ability of using grammatical cohesive devices in oral presentations: A case of grade 10 students at Dau Tieng hight school
(Khảo sát về khả năng sử dụng phương tiện liên kết ngữ pháp trong bài thuyết trình của học sinh khối 10 tại Trường THPT Dầu Tiếng) -
b. Họ và tên cá nhân thực hiện luận văn: Đào Thị Thùy Linh
c. Tên đơn vị công tác: Trường THPT Dầu Tiếng
d. Mục tiêu nghiên cứu: Khảo sát khả năng của học sinh khối 10 tại trường THPT Dầu Tiếng về việc sử dụng phương tiện liên kết ngữ pháp tiếng Anh trong thuyết trình nói. Thông qua cuộc nghiên cứu này, một vài đề nghị dành cho học sinh để các em có thể ứng dụng các phương tiện liên kết này một cách hiệu quả.
e. Kết quả thực hiện (tóm tắt)
Lí do chọn đề tài
Tiếng Anh đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống và học tập. Trong những năm gần đây, nhờ vào sự chỉ đạo của Bộ GD – ĐT Việt Nam trong đề án dạy và học ngoại ngữ 2020 cùng với sự hướng dẫn của Sở GD – ĐT Bình Dương, trình độ tiếng Anh của học sinh THCS và THPT của tỉnh Bình Dương nói chung và trường THPT Dầu Tiếng nói riêng đã có sự tiến bộ đáng kể, đặc biệt kỹ năng nói.
Trước đây, đa số học sinh trường THPT Dầu Tiếng trình bày nói trước lớp rất yếu do chương trình học cũng như cấu trúc đề thi chỉ chú trọng đến kỹ năng đọc, viết và ngữ pháp, rất ít chú trọng đến kỹ năng nói. Do đó, cả thầy cô lẫn học trò đều chú trọng làm sao ôn tập cho tốt mà không tập trung nhiều vào kỹ năng nói. Thêm vào đó, khả năng giao tiếp và ngôn ngữ của học sinh cũng khá yếu do phát âm chưa chính xác, vốn từ vựng bị giới hạn hoặc cảm giác không tự tin, sợ bị chỉ trích.
Tuy nhiên, kể từ năm 2014, do chính sách và những thay đổi trong việc dạy và học tiếng Anh được đưa ra và thực thi ở tỉnh Bình Dương, khả năng nói của các em học sinh trường THPT Dầu Tiếng có sự tiến bộ. Đó là thực hiện các bài thi kiểm tra nói trong lớp và hai bài kiểm tra nói của HK1 và HK2. Với sự thay đổi phương pháp dạy và học trên, học sinh bị bắt buộc thay đổi cách học và tập trung vào kỹ năng nói nhiều hơn, đặc biệt kỹ năng thuyết trình (Oral Presentations). Các em học sinh đã cố gắng sử dụng phương tiện liên kết về ngữ pháp và từ vựng để làm bài thuyết trình của mình hiệu quả hơn và giáo viên đã cố gắng giúp các em hoàn thiện rất nhiều.
Thêm vào đó, từ trước cho tới nay, có rất ít nghiên cứu ở Việt Nam về đánh giá khả năng của học sinh trong việc sử dụng phương tiện liên kết trong bài thuyết trình nói tiếng Anh ở cấp độ THPT. Khi phân tích những yếu tố tạo nên sự thành công của bài thuyết trình nói, các nhà nghiên cứu khác thường tập trung vào các yếu tố chẳng hạn như chất giọng, cách ngắt nhịp, ngôn ngữ cơ thể, phát âm, cách giao tiếp hoặc sự tham gia của khán giả vào bài thuyết trình. Trong khi đó, không thể phủ nhận rằng các phương tiện liên kết đóng vai trò quan trọng trong phân tích diễn ngôn. Các nhà nghiên cứu khác ít xem thuyết trình nói như một loại phân tích diễn ngôn. Vì vậy, họ không chú ý nhiều vào các phương tiện liên kết. Có 2 loại phương tiện liên kết: liên kết ngữ pháp và liên kết từ vựng (Halliday & Hasan, 1976). Trong nghiên cứu của mình, bản thân tác giả chỉ phân tích các phương tiện liên kết ngữ pháp trong bài thuyết trình nói. Đó là lý do tại sao tác giả lại chọn đề tài “Khảo sát về khả năng sử dụng phương tiện liên kết ngữ pháp trong bài thuyết trình của học sinh khối 10 tại trường THPT Dầu Tiếng”.
Mục đích
Mục đích của nghiên cứu này là khảo sát khả năng của học sinh khối 10 tại trường THPT Dầu Tiếng về việc sử dụng phương tiện liên kết ngữ pháp tiếng Anh trong thuyết trình nói. Thông qua cuộc nghiên cứu này, một vài đề nghị dành cho học sinh để các em có thể ứng dụng các phương tiện liên kết này một cách hiệu quả.
Nội dung, phương pháp và kết quả
Có 44 học sinh tham gia vào cuộc nghiên cứu này. Phương pháp được sử dụng trong nghiên cứu này là phương pháp định lượng với 3 thực nghiệm. Sau khi phân tích số liệu, kết quả cho thấy rằng phương tiện liên kết ngữ pháp tốt nhất mà những học sinh này có khả năng sử dụng trong thuyết trình nói là quy chiếu (reference) và phép nối (conjunction). Tuy nhiên, phép tỉnh lược (ellipsis) và phép thế (substitution) là hai phương tiện khá thách thức đối với các học sinh do tính không phổ biến của chúng trong tiếng Anh cùng với cấu trúc ngữ pháp khá phức tạp và sự quan tâm của các học sinh đến 5 yếu tố quan trọng để tạo nên bài thuyết trình thành công. Trong khi phát hiện ra vấn đề các em học sinh gặp phải, tác giả đã đưa ra những giải pháp nhằm cải thiện việc sử dụng những phương tiện liên kết không phổ biến trong tiếng Anh và cố gắng duy trì những phương tiện liên kết mà là thế mạnh của các em. Ứng dụng “tư duy biện luận” và sử dụng những từ ngữ cố định mà giáo viên đưa ra là hai trong những biện pháp tốt nhất giúp học sinh cải thiện việc sử dụng các phương tiện liên kết ngữ pháp trong thuyết trình nói.
Từ khóa: phương tiện liên kết ngữ pháp (grammatical cohesive devices), bài thuyết trình nói (oral presentations).
g. Năm tốt nghiệp: 2018
(Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo luận văn tại Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ).